Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa chống nhà Minh (P7)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Vào tháng Giêng năm Bình Định Vương thứ 10 [28/1-25/2/1427] (Minh, Tuyên Đức năm thứ 2), Bình Định Vương Lê Lợi dời đại bản đoanh từ huyện Thanh Trì [Hà Nội], sang dinh Bồ Đề tại huyện Gia Lâm, Bắc Ninh; đối lũy với thành Đông Quan. Nơi đây cho xây lầu cao, từ đó Vương và vị đại thần phụ tá Thượng thư bộ Lại Nguyễn Trãi, có thể quan sát động tĩnh; điều binh bao vây xung quanh thành:

Năm Đinh Mùi, mùa xuân, tháng Giêng [28/1-25/2/1427], vua tiến quân sang bờ bắc sông Lô, đối lũy với thành Đông Quan. Bọn Thiếu úy Lê Khả giữ cửa Đông, Tư đồ Lê Lễ giữ cửa Nam, Thái giám Lê Chửng đem hai vệ Thiết đột là bọn Nghi Phúc giữ cửa Tây, Thiếu úy Lê Triện đem quân hai vệ giữ cửa Bắc, vây đánh thành Đông Quan….

Lấy Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ Nguyễn Trãi làm Triều liệt đại phu, Nhập nội hành khiển, Lại bộ thượng thư kiêm hành Khu mật viện sự. Bấy giờ, vua dựng lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề [khi ấy, có hai cây bồ đề ở trong dinh, nên gọi là dinh Bồ Đề] trên bờ sông Lô, cao bằng tháp Báo Thiên, hằng ngày vua ngự trên lầu nhìn vào thành để quan sát mọi hành vi của giặc, cho Trãi ngồi hầu ở tầng hai, nhận lệnh soạn thảo thư từ qua lại….” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 26a, 27a.

Nhân dựng đại doanh Bồ Đề bên kia sông Hồng; Bình Định Vương bèn báo cho Vương Thông hay:

Lại thư cho Vương Thông.

Trước vì trại đóng hơi xa, thực khiến đi lại vất vả. Nay tôi muốn dời đến ở bên thành Bắc Giang,[1] đối ngạn gần nhau, đi lại cho tiện. Kính bẩm để ngài biết ý, xin đợi tôn mệnh. Nếu có sự xử trí khác, xin ngài chỉ bảo cho, tôi lấy làm cảm ơn. Thư nói không hết.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a18.)

Đến cuối tháng, lại điều chỉnh các cánh quân bao vây thành Đông Quan như sau:

Hạ lệnh cho thiếu úy Lê Vấn đóng ở cửa Đông thành Đông Quan; Tư không Lê Lễ, Thiếu úy Lê Sát, Lê Lý, Lê Lỗi, Lê Chích đóng ở cửa Nam; Thiếu úy Lê Bị, Thái giám Lê Nguyễn, Chấp lệnh Lê Chửng đem ba vệ Thiết đột đóng ở cửa Tây; thiếu úy Lê Triện, Lê Văn An đem 14 vệ quân đóng ở cửa Bắc…”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 27b.

Bấy giờ Sơn Thọ tại thành Đông Quan sai người đem thư tiếp xúc với Bình Định Vương:

Sơn Thọ nhà Minh sai bọn thông sự Nguyễn Nhậm gồm 3 người sang thông tin tức.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 26a.

Vương bèn sai Hà Vượng là Bách hộ Minh, đi dụ hàng Vương Thông:

Thông đóng chặt cửa thành, liều chết cố giữ. Bấy giờ nhân Hà Vượng đầu hàng quân ta, Bình Định vương sai Vượng đem thư vào thành Đông Quan chiêu dụ Thông.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 14.

Thư Bình Định Vương gửi cho Vương Thông như sau:

Lại thư cho Vương Thông..

Kính đạt ngài Tổng binh. Tôi nghe nói trời không che riêng ai, đất không chở riêng ai, mặt trời mặt trăng không soi riêng ai. Cho nên đấng vương giả lấy bốn biển làm nhà, vốn không phân biệt kẻ xa người gần. nay được tôn thư, hứa sẽ thỉnh mệnh rút quân, muốn lấy tờ tâu của hai ngài Thái giám [Sơn Thọ, Mã Kỳ] để xin lập con cháu họ Trần. Thế thật là các ngài đã vì nước hết trung, tôn vua theo nghĩa, so với việc năm trước cầu công tâu bậy rằng con cháu họ Trần không còn ai[2] thật khác hẳn vậy. Được như lời ấy thì không những là may cho một nước Giao Chỉ, mà cũng là may lớn cho vạn bang trong thiên hạ vậy. Ân đức của Triều đình đã như trời đất che chở, nhật nguyệt chiếu soi, thì ngài có ra mệnh lệnh gì, tệ ấp nào dám sai trái. Ngay ngáy khôn xiết sợ lo, đợi chờ mệnh lệnh.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a19.)

Cũng nhân dịp liên lạc với Nội quan Sơn Thọ, Bình Định Vương đem việc cũ, hồi mới khởi nghĩa bị quân Minh tấn công gắt, một số người nhà bị bắt, xin nhờ can thiệp thả về:

Lại thư cho Sơn Thọ.

Đạt Sơn lão đại nhân rõ: Trước đây kính gửi thư, chưa được ưng chuẩn. Nay muốn lại đánh liều thất lễ, chỉ sợ phiền nhảm. Song người đau ốm thì kêu trời đất cha mẹ, đó cũng là thường tình phải thế. Mới rồi đã nhiều lần đem việc người sách Khả Lam [Lam Sơn] bị quan quân bắt, kêu xin tha về, không biết thế nào lại không thấy một người nào được về cả. Về những thổ quan cùng thổ nhân khác, tôi đã không dám lại làm phiền ngài, còn như người Khả Lam, họ đều là cố cựu, thân thích, nô tỳ của tôi lẽ nào tôi lại thản nhiên được. Vì thế, bất đắc dĩ tôi phải lỗ mãng phạm uy mà lại kêu nài làm phiền ngài vậy. Thư nói không hết.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a20.)

Về tình hình quân Minh tại các thành quan trọng như Nghệ An, Khâu Ôn, Điêu Diêu, Cổ Lộng trong tháng Giêng, như sau:

-Bấy giờ thành Nghệ An và Diễn Châu đều xin hàng. Sau đó lúc nghị hòa thành tựu, quân Minh được trở về Tàu; khi đến kinh đô, Đô đốc Thái Phúc chỉ huy thành Nghệ An, Đô chỉ huy Chu Quảng phụ tá; Đô chỉ huy Tiết Tụ chỉ huy thành Diễn Châu đều bị xử tử. Thái Phúc còn bị hài thêm tội sai người tố cáo việc hàng vạn quân Minh ra hàng, chuẩn bị nổi loạn; khiến bọn chúng đều bị giết; và đích thân đi kêu gọi các thành ra hàng:

Tháng Giêng [28/1-25/2/1427]. Quân Minh ở Nghệ An và Diễn Châu ra hàng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 26b

Ngày 30 tháng 5 năm Tuyên Đức thứ 3 [ 12/7/1428 ].

Thái Phúc, Chu Quảng, Tiết Tụ, Vu Tán, Lỗ Quý, Lý Trung bị xử tử. Phúc là Đô đốc; Quảng, Tụ, Tán đều giữ chức Đô Chỉ huy, Quý là Chỉ huy, Trung là Thiên hộ. Bọn Phúc trước đây tại Giao Chỉ trấn thủ Nghệ An, bị giặc vây, Phúc không đánh, lại đem bọn Quảng hàng giặc, lại chỉ cho giặc tạo chiến cụ để đánh thành Đông Quan. Lúc bấy giờ hơn 9000 [hàng] quân định đốt trại giặc, bọn Phúc lệnh Bách hộ Mưu Anh tố cáo giặc; giặc giết sạch 9500 người, rồi đánh các thành như Xương Giang. Phúc đi thuyết dụ những người trong các thành ra hàng….”(Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 203).

Sau khi Thái Phúc bỏ thành Nghệ An trên đường ra bắc, Bình Định Vương gửi thư thăm hỏi y:

“Thư cho Thái Công.[3]

Thư gửi hiền huynh Thái công. Đệ ngụ ở Đông Quan nghe tin hiền huynh ra cửa thành bái yết Trần chúa[4] chúng tôi, đáng mừng lắm lắm. Từ đây giải binh, khiến nước Nam được thoát cái khổ can qua, thật may lắm sao! Có thể gọi là bực quân tử biết thời cơ vậy! Ân tình rất hậu, trăm năm không thể quên được. Nay sai người đem 15 chiếc thuyền đến đón, ngài cùng các quan và quý quyến có thể tùy tiện thu xếp hành trang lên đường. Còn quân nhân thì có thể đi đường bộ được. Hiện nay cầu cống các nơi đã sửa sang, trên đương không gì quản ngại. Xin báo ngài biết.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a11.)

-Thành Khâu Ôn vị trí tại thị xã Lạng Sơn, nằm trên con đường chiến lược từ Trung Quốc sang xâm lăng nước ta. Nhà Minh chuẩn bị di chuyển lương thực tại Lưỡng Quảng đến thành này, để cung cấp cho quân Liễu Thăng:

Ngày 23 tháng Giêng năm Tuyên Đức thứ 2 [19/2/1427].

Giám sát Ngự sử Tuần án Giao Chỉ Trần Nhuế tâu rằng:

‘Bộ chỉ huy vệ Khâu Ôn đặt trong phủ thành Lạng Sơn, vị trí nơi này nằm trên con đường quan trọng của Giao Chỉ. Nhưng kho lương thực đặt tại Lưỡng Quảng, phụ cận với Lạng Sơn. Cần vận chuyển số lương thực lớn đến phủ thành Lạng Sơn để cấp cho đại quân, ngõ hầu khỏi lỡ việc.’

Thiên tử chấp thuận, trực tiếp ra lệnh bộ Hộ sai quan lo việc chuyển vận.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 162)

Phía Đại Việt cũng có tầm nhìn tương tự, nên giao cho Thiếu bảo Lê Lựu quyền lớn, chế ngự vùng này:

Hạ lệnh cho viên Tổng tri coi việc quân dân Lạng Sơn và An Bang [Quảng Ninh] là Nhập nội thiếu bảo Lê Lựu đem quân đi đánh giặc, cho quyền tiền trảm hậu tấu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 26b

Nhà Minh chưa kịp thực hiện kế hoạch vận lương đến thành, thì ngày 13 tháng Giêng [9/2/1427] bọn Lê Lựu chiếm thành:

Ngày 13, bọn Lê Lựu, Lê Bôi ngày đêm đánh gấp thành Khâu Ôn. Quân Minh tự lượng chống đỡ không nổi, đang đêm bỏ thành chạy trốn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 27a.

Nhờ vậy vào tháng 6, lúc Quảng Tây Chinh man tướng quân Trấn Viễn hầu Cố Hưng Tổ đem quân sang, bị chặn đánh tại ải Nam Quan:

Mùa hạ, tháng 6, ngày mồng 10 [4/7/1427], trấn thủ Quảng Tây Chinh man tướng quân Trấn Viễn hầu Cố Hưng Tổ của Nhà Minh đem 5 vạn quân, 5 nghìn cổ ngựa, từ Quảng Tây sang cứu viện các thành. Đến cửa ải Pha Lũy [ải Nam Quan] bị tướng giữ ải Lê Lựu, Lê Bôi đón đánh ngay tại cửa ải, phá tan quân giặc, chém hơn 3.000 thủ cấp, bắt được 500 ngựa. Hưng Tổ thua to chạy về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 36a.

Vì những lỗi này, Trấn viễn hầu Cố Hưng Tổ bị Vua Minh cho bắt để điều tra:

Ngày 13 tháng 7 năm Tuyên Đức thứ 13 [5/8/1427]

Chiếu mệnh bắt Trấn viễn hầu Cố Hưng Tổ. Lúc bấy giờ giặc Giao Chỉ phá Ải Lưu, tấn công Khâu Ôn; Hưng Tổ đặt quân tại Nam Ninh,[5] Thái Bình[6] không cứu viện, để cho giặc chiếm được thành. Hưng Tổ trước kia tâu rằng đã chém được giặc Vi Vạn Hoàng, bêu đầu thị chúng; nhưng Vạn Hoàng vẫn ra vào cướp phá như xưa! Hưng Tổ lại sai bọn Chỉ huy Trương Ban giả mạo việc quân đoạt của quan, dân hơn 2500 lượng bạc, 100 con ngựa; lại cưỡng bách dân ép cưới con gái; bị Tuần Án Ngự sử hặc tâu.

Thiên tử thấy tội ác không chừa, mệnh hành tại Đô sát viện bắt và điều tra, sai công hầu Đại thần cử tướng giỏi thay thế.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 170).

-Sau khi thành Khâu Ôn hàng vào ngày 13 tháng Giêng [9/2/1427], kế đến vào cuối tháng quân Minh tại thành Điêu Diêu, thuộc huyện Gia Lâm cũng ra hàng:

Bọn Chỉ huy Trương Lân và Tri phủ Trần Vân ở thành Điêu Diêu [Gia Lâm, Hà Nội] ra hàng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 28a.

Điêu Diêu là thành trì quan trọng bảo vệ phía bắc thành Đông Quan; trong thành ngoài quân Minh còn có nhiều quân người bản xứ; nên trước đó trong thư dụ hàng nhấn mạnh việc khuyên bảo con em dân Việt hãy trở về với tổ quốc, và đã thu được kết quả, khiến cả thành ra hàng:

Thư dụ thổ quan thành Điêu Diêu.[7]

‘Quạ đi lại trở về quê cũ, cáo chết quay đầu về núi’. Cầm thú còn thế, huống nữa là người? Các ngươi vốn đều là người dân Tây Việt [chỉ dân Việt], dòng dõi văn minh. Trước nhân họ Hồ thất đức, giặc Ngô lăng loàn, có người thì thân bị hãm ở tặc đình [triều đình giặc], có người thì danh bị buộc ở ngụy chức, đó là thế không đừng được, nào phải do ở bản tâm đâu. Đấng thượng đế nghĩ thương dân ta, đã mượn tay ta Đại thiên hành hóa Thái sư vệ quốc công [Toàn Thư chép: năm Đinh vị (1427) chư tướng suy tôn vua là “Đại thiên hành hóa”. Tự đó những văn thư tờ dụ phần nhiều dùng những chữ ấy để xưng], mà cứu dân đánh kẻ có tội để khôi phục cơ đồ. Quân đi đến đâu, nghĩa thanh vang dậy, dân chúng bốn phương cõng địu nhau mà kéo đến theo ta. Bọn các người nếu biết rửa lòng đổi dạ, bỏ nghịch theo thuận, hoặc ở làm nội ứng, hoặc ra để đầu hàng, thì không những rửa mối hổ thẹn ngày trước, mà cũng được phần soi xét về sau. Ta không nói lời rồi lại ăn lời. Nếu các người lại còn tiếc tham ngụy chức, chống cự vương sư thì khi hãm thành, tội ác các ngươi tất nặng hơn giặc Ngô đấy.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a30.)

-Tháng Giêng [28/1-25/2/1427]. Bình Định Vương sai tướng đánh thành Cổ Lộng[8] thuộc huyện Ý Yên, Nam Định; nhưng không hạ được:

Vương sai Tư mã Cao Ngự đánh thành Cổ Lộng. Người Minh đóng chặt cửa thành, liều chết cố giữ Cổ Lộng; quân ta bao vây, đánh mãi không hạ được.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 14.

Quân Trung Từ Mệnh Tập có bức thư thứ 10 gửi cho Hoa đại nhân vào cuối năm Bính Ngọ 1426; nội dung thư bảo Hoa đại nhân đợi Thái Phúc tại Nghệ An và Đả Trung tại Thanh Hóa, rồi cùng đi đến thành Đông Quan một thể. Như vậy xét về địa dư, thành do Hoa đại nhân coi, có thể là thành Cổ Lộng đề cập ở trên. Vì thành này tọa lạc tại huyện Ý Yên, Nam Định, nằm giữa con đường từ Thanh Hóa đến thành Đông Quan:

Thư gửi bọn Hoa đại nhân.

Gửi Hoa đại nhân cùng các ngài biết: Hiện nay việc giảng hòa đã xong, biểu cầu phong cùng sứ nhân sắp qua Mai quan để cùng với quân các xứ Lưỡng Quảng và Phúc kiến đến mồng 2 tháng Giêng sang năm [Đinh Vị 29/1/1427] khởi hành về kinh. Duy tổng binh Vương đại nhân và thái giám Sơn đại nhân còn tạm đóng lại, đợi quan quân ở các thành Diễn Châu, Nghệ An, Thanh Hóa đều đến Đông Quan, rồi cùng đi một thể. Các ngài nên mau chóng thu xếp hành trang, ra đóng ở ngoài thành, để đợi Thái công [Thái Phúc] cùng Hình nội quan, Đả chỉ huy [Đả Trung] đến đấy thì cùng đi, xin chớ trì hoãn. Hiện nay đường sá cầu cống đã sửa sang, lương thực đều đã biện sẵn, các ngài nếu lại trì hoãn, e Thái công đi rồi, đi một mình sẽ có khó khăn. Bởi vậy báo cho ngài biết, nên sớm đi với Thái công thì hơn.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a10.)

Nhắm hoàn thành việc đánh đuổi quân Minh, nhu cầu về nhân tài, vật lực rất lớn. Về lương thực, hô hào dân chúng cung cấp thóc lúa, chứa sẵn trong các kho tại Bắc Giang, Phú Thọ. Hạ lệnh nạp gỗ, tre, luồng, vầu, dây gai; để chế cung, tên, làm hàng rào, xây thành, vv…:

-“Hạ lệnh cho nhân dân dâng thóc cung cấp cho quân sĩ. Ai tiến thóc được thưởng tước tùy theo mức độ khác nhau.”

-“Hạ lệnh cho các lộ, trấn chứa lương ở các thành Xương Giang [Bắc Giang] và Tam Giang [Phú Thọ] để cấp cho quân.”

-“Hạ lệnh cho lộ An Bang [Quảng Ninh] nộp gỗ cọc và tên tre.”

-“Hạ lệnh cho Thái Nguyên và Lạng Sơn nộp vỏ gai.”

-“Hạ lệnh cho các lộ Tam Giang, Tam Đái [Vĩnh Phú], Tuyên Quang, Quy Hóa [Yên Bái, Lào Cai] nộp luồng, vầu, làm thành dưới nước, dựa vào bờ bắc sông Nhị, cao ngang với thành Đông Quan.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 28a.

Về quân cụ vũ khí, Bình Định Vương ra lệnh chế đài quan sát, xe đánh thành; đóng chiến thuyền; chế súng Cổn Dương, mở lò rèn đúc vũ khí:

-“Vũ Cự Luyện người huyện Đường An [huyện Bình Giang, Hải Dương] và Đoàn Lộ người huyện Cổ Phí [huyện Kim Thành, Hải Dương] dâng kế sách đánh thành và các kiểu chiến bằng,[9] xe phần ôn, xe phi mã . Sai các tướng theo các kiểu ấy mà làm.”

-“Sai bọn Tuyên Quang Tư mã Lương Thế Vĩnh và Đề đốc phụ đạo Ma Tông Kế đóng thuyền chiến.”

-“Hạ lệnh cho huyện Tân Phúc [huyện Phúc Yên, Vĩnh Phúc] mở lò rèn đồ sắt.”

-“Chế súng Cổn dương, ra lệnh cho các tướng theo kiểu đó mà làm.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 27a- 28a.

Về nhân lực, ban chức Hỏa thủ cho các quân, bổ nhiệm quan lại thuộc 4 đạo xung quanh thành Đông Quan; sai các tướng lãnh lưu ý đề bạt nhân tài; và phong cho Phụ đạo các dân tộc thiểu số chức Thủ ngự, Đoàn luyện:

-“Ban chức Hỏa thủ cho quân các lộ theo thứ bậc khác nhau.”

-“Bổ thuộc lại Hàn lâm viện và bốn đạo gồm 515 người.”

-“Hạ lệnh cho các tướng hiệu, các quan lộ tìm hỏi những người có tài lược, trí dũng, làm nổi các chức quan trọng như Tư mã, Thượng tướng, mỗi viên tiến cử lấy một người.”

– “Ra lệnh cho phụ đạo các xứ nhận các chức Thủ ngự, Đoàn luyện, tước trung phẩm.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 26b- 28a.

Vương lưu ý tuyên dương các anh hùng xưa, cho người tu sửa đền thờ Hưng Đạo Vương, hạ lệnh thờ phượng các công thần:

– “Sai Dương Thái Nhất sửa lại đền thờ Hưng Đạo Đại Vương, cấm không được chặt cây cối ở các đền miếu.”

-“Hạ lệnh cho các xứ thờ cúng đền miếu các công thần.”

Bình Định Vương tỏ ra nghiêm khắc, nhưng thận trọng việc chấp pháp. Trong tháng Giêng xử chém bọn bán trộm thực phẩm cho địch; phạt tội quân binh làm mất vũ khí; các quan xử tội xong, cho kiểm lại kỹ, rồi mới thi hành; hạ lệnh cho người có thân nhân làm việc với địch ở trong thành, phải khai báo trước khi thành phá:

– “Chém Thiên hộ Lý Vân và tòng nhân Bùi Vĩnh vì chở trộm mắm muối vào thành Chí Linh [Hải Dương].”

– “Hạ lệnh kiểm kê quân khí, người nào để thiếu thì xử tội theo quân pháp.”

-“Cho phép xử tội phải tâu trước rồi sau mới được trị tội.”

-“Hạ lệnh cho người trong nước, ai có cha mẹ, vợ con, anh em, nô tì, thân thích theo giặc ở trong thành cho tự nguyện lên thành [khai báo],[10] khi phá được thành sẽ cho nhận đem về. Nếu không tự nguyện lên thành mà tranh nhau nhận về đoàn tụ thì phải xử theo quân luật.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 26b- 28a.

Sau khi lập dinh Bồ Đề bờ phía bắc sông Hồng đối lũy với thành Đông Quan, Vương Thông và Sơn Thọ lại cho người đưa thư. Bình Định Vương phúc đáp, nhắc lại lời hứa của Vương Thông hãy đem quân trong thành Đông Quan về trước, còn quân các vệ ở ngoài sẽ theo về sau. Nay quân Minh tại các vệ thuộc các địa phương đã tề tựu, mà quân trong thành chưa chịu về; việc thất hứa của Thông khiến mọi người đều căm giận:

Thư cho Vương Thông.

Kính thư gửi trước Tổng binh đại nhân. Tôi nghe nói: “Lấy thành thực đãi người thì người cũng lấy thành thực đáp lại”. Cái đạo chí thành có thể động đến trời đất, cảm được quỷ thân, huống chi là người? Nay ngài vâng lệnh ra ngoài cửa khổn [ngoài nước], nhẽ ra phải lấy thành thực đối đãi với người ta, thế mà lại đem lòng dối trá lừa người, tự cho là mưu cao, xem tôi là không biết gì. Việc binh gian trá, ngoài nói giảng hòa, trong tính kế khác; trước nói hễ dâng biểu thì rút quân ngay, sau lại dựng rào đắp lũy, xây thành đào hào. Việc làm như thế, làm thành thực chăng? Là trá ngụy chăng? Ngày xưa quan đại phu ra ngoài biên cương, việc gì cũng được tự quyết. Huống chi ngài là bậc tướng súy đã đọc thi thư, khi vâng mệnh sang đây lại đã được phép tiện nghi hành sự, thế thì phàm công việc ở ngoài cửa khổn, há lại nhất nhất chờ mệnh lệnh của Triều đình sao? Vả lại binh quí mau chóng, máy then mở đóng, như xe chuyển, như mây bay, trong khoảng chốc lát, chợt nóng, chợt lại rét, ngài há lại không biết thế sao mà lại nghe kế bọn tôi gian Mã Kỳ, quân tàn Phương Chính, mà hồ nghi do dự, không dám quả quyết. Trước ngài đã có văn thư thu binh mã ở các vệ sở, lại bảo rằng vì trong thành đất hẹp, hãy trước đem quân nhân ở thành về, còn quân các vệ ở ngoài sẽ theo về sau. Đến nay quân các thành Diễn Nghệ đã lục tục kéo đến, mà lời nói khác lại hình như bắt gió bắt bóng, là chuyện hão huyền. Thế là ngài không những lừa dối một mình tôi, lại còn lừa dối cả hơn sáu bảy nghìn người ở vệ sở các thành. Tôi lấy lòng tôn kính triều đình, thương hại tính mệnh hơn sáu bảy nghìn con người, nên nghiêm cấm quân sĩ không được phạm chút tơ hào. Thế mà ngài nghe kế của bọn tiểu nhân, định lấy lòng hại tôi để lây hại cho kẻ khác. Kể ra, ngựa Hồ hý gió bắc, chim Việt đậu cành nam [chỉ hai con vật nhớ cố hương], thường tình người ta, ai khỏi tưởng nhớ quê hương! Nay kế của ngài đã hỏng, hơn sáu bảy nghìn quân các vệ sợ căm hờn oán giận, sâu đến cốt tủy, chẳng ai là không nghiến răng nắm tay, thề không còn trông thấy mặt ngài. Họ đều xin tôi quyết một phen tử chiến. Ngài nếu quả y lời ước cũ, thì nên rút quân về để trọn điều tử tế ngày trước. Tôi cũng xin đem quân nhân các thành cùng binh mã bắt được trả về đủ số. Nếu không như thế, thì tôi xin đem số quân các thành ngậm oán chứa giận cùng ba mươi vạn quân của tôi để thừa tiếp ở dưới thành. Tùy ngài xử trí thế nào, tôi xiết bao run sợ, đợi chờ mệnh lệnh. Thư nói không hết.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a23.)

Thư này và thư số 25 tiếp theo, gửi cho Sơn Thọ nhằm vạch rõ sự dối trá của quân Minh không chịu rút quân về nước và thả những người bị giam giữ trong thành:

Thư cho Thái giám Sơn Thọ.

Kính thư gửi trước Thái giám Sơn lão đại nhân. Tôi đối với ngài như đối với cha mẹ, từ trước đến nay không hề có chút niềm bạc bẽo. Ngày trước, tiếp được thư của ngài gửi cho, ước việc hòa giải, có nói: “Sau khi dâng biểu thì rút quân về ngay”. Nay mang biểu đã đi rồi, người tiễn sứ nhân cũng đã trở về, thế mà việc rút quân hay không vẫn chưa thấy quyết định. Trong thư lại nói “sẽ thả hết thổ nhân” [chỉ người Việt được thả ra khỏi thành], thế mà mấy tháng rồi vẫn chưa thấy một ai được thả về cả. Chẳng hay làm cha mẹ lại như thế ư? Sách Truyện có câu rằng: “Tự cổ giai hữu tử, vô tín bất lập” [từ xưa đến nay ai mà không chết; duy người mà không giữ tín, thì không thể đứng vững được]. Vì thế đấng Vương giả không lừa dối bốn biển, đấng Bá gia không lừa dối láng giềng. Nay ngài là cha mẹ lừa dối con ư? Kính xin ngài lấy bụng nhân từ, rủ lòng soi xét. Thư nói không hết.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a24.)

Lại thư cho Sơn Thọ.

Tôi nghe trời có bốn mùa, phải nhờ hành thổ mới vượng; người có bốn đức [hiếu, để, trung, tín], phải nhờ điều tín để làm. Nếu hành thổ không thịnh, điều tín không có, thì đạo trời tất hỏng, việc người tất hư. Cho nên hoàng cực lấy thổ ở giữa, dân lấy tín làm thực, mà sau công việc của trời của người mới thỏa đáng. Tôi tuy ngu chậm, nhưng sở dĩ kính thờ ngài thủy chung như nhất là vì thế. Cớ sao ngài trước đã nói rõ ước định hòa giải bảo rằng “sau khi dâng biểu thì rút quân ngay”, thế mà nay sứ mang biểu đã đi rồi, người tiễn sứ nhân cũng đã trở về, mà việc rút quân hay không vẫn chưa thấy quyết định. Lại nói “sẽ thả hết thổ nhân cho ra thành”, thế mà mấy tháng rồi vẫn chưa thấy một ai được thả về cả. Chẳng hay bụng ngài ra thế nào? Sách Truyện có câu “Người mà không giữ tín, thì không thể đứng vững được; đấng vương giả không lừa dối bốn biển, đấng bá giả không lừa dối láng giềng”, là cốt giữ điều tín như vậy. Ngài nghe điều ấy ở tai, chứa điều ấy ở bụng, suy điều ấy ra việc làm, thì đi đâu mà không trôi chảy, lại có thể lừa dối dân mà bỏ điều tín được ư? Thư này tới nơi, xin ngài lấy bụng nhân từ, rủ lòng soi xét. Thư nói không hết.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 25.)

Bình Định Vương lại gửi thư cho Vương Thông, trách y lời nói không đi đôi với việc làm:

Lại thư cho Vương Thông.

Tôi nghe có người đem chim chắt chó săn vào rừng, bủa lưới chài xuống chằm, mà bảo người ta rằng: tôi không phải là người đi săn, là người đánh cá. Như thế thì dẫu dài mồm ba thước mà nói cũng không thể tự biện giải được. Chẳng bằng thả chim chó, vứt lưới chài, thì người ta tin ngay. Trước đây tôi nhiều lần tiếp thư của ngài nói muốn theo những lời trong chiếu thư của đức Thái tông khi mới đánh Giao Chỉ về việc cho lập con cháu họ Trần và nói rằng nếu tôi dâng biểu cầu phong thì sẽ rút quân về Kinh, tha tội cho nước An Nam. Lúc đầu ai ai cũng đều vui vẻ tin nhau. Sau mấy tháng ở trong thành cứ dựng thêm rào lũy, sửa sang đồ binh, thì mọi người lại nghi lại sợ. Dẫu tôi là người được đội ơn ngài như trời che đất chở mà cũng còn có phần ân hận, huống là người khác? Ngài nói không phải là người đi săn, là người đánh cá, nhưng ngài chưa thả chim chó, vứt lưới chài, để khiến người ta tin lời. Trước đó người ở Khâu Ôn vì uất ức tìm ra được tờ tâu mà ngày mồng 10 tháng Chạp năm thứ 1 niên hiệu Tuyên Đức [7/1/1427] ngài sai thổ quan Vũ Nhàn dâng đệ, cùng bức thư mà ngày 16 [13/1/1427] tháng ấy ngài tiếp tục sai thổ quan Từ Thành dâng đệ về triều. Tôi xem ý trong hai bản ấy mới biết ân đức của ngài như trời đất đối với muôn vật, phát dục tràn trề, sinh ý ngầm thì mà muôn vật không biết. Thư trước ngài trách tôi “không hay kính thờ trời đất cha mẹ”. Tôi không tự biết mang tội rất nặng, chỉ những lo sợ, nhưng tin rằng ngài tất rủ lòng dung thứ, không trách bị đâu. Tôi lại thấy trong các văn bản ấy có nói “Không vì một góc đất mà làm nhọc thiên hạ”. Lời bàn ấy thật là xác đáng. Ví khiến ai ai cũng cùng lòng như thế thì thiên hạ tất vô sự rồi. Thế mà các quan trấn thủ, các nội quan cùng các quan Tam ty dẳng dai hội nghị, không đồng ý nhau, không biết các vị đại thần ở triều đình lại nhùng nhằng kéo dài bàn định như thế nào nữa? Nếu ngài quả mở lòng thành, như thư trước đã nói khi phụng mệnh sang đây được tiện nghi hành sự và được về trước không phải đợi mệnh, thì ngài nên quyết định chí về, vừa để giải binh tiêu oán, làm phúc cho sinh linh thiên hạ, vừa để đưa dẫn đời sau, hà tất lại xin vài vạn quan quân để hộ viện. Ngài nên nghĩ lại, chẳng gì bằng thả chim chó, vứt lưới chài là hơn. Nếu may mà không nuốt mất lời trước, thì tôi xin mở đường về, phàm sửa chữa cầu đường, cung cấp lương thực, đều xin chuẩn bị sẵn sàng, để đợi quân ở các thành Nghệ An, Thuận Hóa, Tân Bình và Tiền vệ, không phạm mảy may. Chỉ xin tuân theo mệnh lệnh của ngài. Sự hiềm nghi của đôi bên đều tiêu tan hết. Có trời, có đất, xin chứng giám cho nếu trái ước này, thần minh tru diệt. Kính xin ngài rủ lòng xét định.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 26.)

Tiếp theo, Bình Định Vương gửi thư cho Vương Thông bác bỏ lời yêu cầu của y đòi đưa Đô đốc Thái Phúc đã hàng nghĩa quân, đến gặp:

Lại thư cho Vương Thông.

Thư kính gửi Tổng binh quan đại nhân.

Tôi nghe: Thành thực yêu vật là lòng trời đất; thành thực yêu con là lòng cha mẹ. Nếu yêu vật không thành thực, thì cơ sinh hóa có lúc đình; yêu con không thành thực, thì niềm từ ái có khi thiếu. Vì thế nên trời đất đối với muôn vật, cha mẹ đối với con cái, chẳng qua chỉ một chữ “thành” mà thôi. Hôm trước tôi phụng tiếp thư ngài trách tôi “không biết kính thờ trời đất cha mẹ”. Song đem những việc ngài làm ngày trước, đều không phải là đạo trời đất cha mẹ; trong cách đối xử với người, tự xử với mình, sao lại như thế? Tất phải như Trương Tử[11] lấy lòng trách người mà trách mình, thế mới gọi là hết đạo. Trước ngài nói: Thành Đông Quan chật hẹp, cho quân nhân ở thành về trước và quân ở Thanh Hóa các nơi lục tục kéo về sau”. Nay ngài lại muốn Thái đô đốc qua sông tương hội mà trách tôi là “bất tín”, há chẳng làm lầm ư? Mình làm không phải mà đổ lỗi cho người, bụng dạ người quân tử không ưa làm thế. Cuối thư ngài lại lấy việc họ Hồ bị thân táng quốc vong để ví. Họ Hồ bất đạo thì cố nhiên quân điếu phạt không thể trì hoãn. Song không làm cho nước đã diệt được phục hưng, dòng đã tuyệt có thừa kế, mà lại muốn cùng binh độc vũ, khiến những dân vô tội. luôn năm thiệt mạng ở trước gươm đao; những dân kính phục, luôn năm trát gan ở nơi đồng cỏ, có lẽ nào bụng dạ người nhân nhân quân tử lại như thế ư? Người ta bảo: “Lấy Yên đánh Yên, lấy Tần đánh Tần”[12] là thế đấy. Song ngày trước đã qua; từ nay về sau, xin ngài hé mở lòng thực, quyết định chí về, cho ngay quân nhân trong thành về trước, Thái công liền theo cùng về. Ngài nếu chưa đi, Thái công sao dám cất chân đi trước? Còn như phần tôi dọn mở lối về, cùng là sửa chữa cầu đường, dự bị lương cỏ, thì việc đó có khó gì đâu. Tôi nào có ý nguyện gì khác đâu? Thư nói không hết.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 28.)

Bình Định Vương lại thuyết phục Sơn Thọ chớ nghe theo bọn chủ chiến Đô đốc Phương Chính, Thái Giám Mã Kỳ; hãy dốc lòng thành hòa nghị, để rút quân về nước:

Lại thư cho Thái giám Sơn Thọ.

Kính thư gửi Thái giám Sơn lão đại nhân. Trộm nghĩ cái ơn ngày trước ngài đối với tôi hơn núi biển, mà tôi báo đáp không được mảy may, cảm đội ơn ấy, sâu lắm. Trước đây kính viết thư cho ngài, tôi đã tự nói rõ ý. Tôi biết rằng ngài cùng quan Tổng binh vốn muốn giảng hòa, để hai nước thoát khỏi cái khổ binh đao. Khốn nỗi vì lời bọn tiểu nhân họ Phương họ Mã [Phương Chính, Mã Kỳ], vì thế mà bỗng hỏng việc nước. Cho nên bọn đầu mục trong quân của tôi có kẻ quy oán cho tôi, không nghe tôi răn bảo nữa. Cái việc ngày trước ấy tôi vốn không biết. Tôi nào dám vội quên lời trước mà định hại ngài đâu? Vả lại những điều phải trái ngay cong thực không thể trốn được sự xét đoán sáng suốt của lòng người. Ngạn ngữ có câu: “Như người uống nước, nóng lạnh biết ngay”. Ngày nay hòa nghị thành hay không thành, tín nghĩa mất hay không mất, không phải là lỗi tôi vậy. Ba trăm cỗ ngựa và một nghìn người quân tôi bắt được ngày trước, đều không bị thương tổn một mảy nào. Còn như những người bị giết, là do lâm thời đối địch, xuất ư bất đắc dĩ mà thôi. Nếu ngài lại theo ước cũ, như lời quan Tổng binh đã nói là “Không đợi mệnh mà về ngay”, thì những binh mã bắt được ngày trước, cùng quân nhân các vệ sở khác, hiện đều còn ở đây, chỉ đợi lệnh ngài là tôi thi hành. Chưa rõ ngài định xử trí thế nào? Nếu không như thế, mà cứ còn mê hoặc ở mưu kế của bọn họ Phương họ Mã, thì tuy ngài có cái ân như cha mẹ, tất không thể yên nuôi con được, đến nỗi tôi không được phụng sự ngài để hết đạo làm con. Xin ngài tha thứ đừng trách là may. Thư nói không hết.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 29.)

Bình Định Vương sai người đến gặp, nhưng Vương Thông không cho về; bèn gửi lời khuyên và đề nghị nếu cho người thân tín cùng Sơn Thọ qua sông hội nghị giảng hòa xong, thì nghĩa quân lập tức rút lui, để Vương Thông mang quân về nước:

Thư gửi cho Vương Thông.

Thư gửi đến trước quan tổng binh Thành sơn hầu. Trước tôi có thư, chưa được chỉ bảo; sai người sang hầu, lại không cho về. Thế thì ngày trước ngài nói “lời nói việc làm không trái nhau”, lời ấy ở đâu rồi thế? Tôi nghĩ cái đạo nước nhỏ phụng sự nước lớn, nên phải kính sợ. Vả lại theo lời ngài nói trước, nghĩa không nỡ dứt, nên mới luôn luôn gởi thư, không ngại tần phiền. Song rút lại vẫn không được như nguyện. Không biết có phải là tình thế khiến như thế chăng? Tôi trộm tính kế cho ngài, chẳng gì bằng rút quân khải hoàn, để cho hai nước khỏi cái khổ can qua không ngớt, để cho nước nhà khỏi cái họa độc vũ cùng binh, để nên cái nghĩa phục lại nước diệt, nối lại dòng tuyệt, để tỏ lòng nhân xem dân như một, không bụng riêng tây, trên không phụ lòng triều đình ủy nhiệm, dưới không sai nghĩa tướng thần xuất khổn, khiến cho tên nêu sử sách, thế lại không tốt đẹp sao! Nếu lại theo cái tệ Hán Đường tham việc lớn thích công to, thì chi bằng dùng quân nhân nghĩa cứu dân khổ đánh kẻ có tội! Nay lại bỏ điều ấy mà không tính, chỉ xăm xăm đào hào đắp lũy, hàng ngày cứ lấm lét chỗ cửa thành, cướp trộm củi cỏ [mang quân ra cắt cỏ kiếm củi], sao mà tự khổ đến thế. Ngài nếu cho là thành hào hiểm vững có thể cậy được, thì tôi e nước xa không cứu được lửa gần. Nếu bảo những quân dũng cảm trong thành còn nhiều, muốn quyết một trận sống mái, thì ngày trước tôi còn ở Khả Lam, Trà Lân, bọn các ông Phương Chính hàng vạn quân đều mạnh giỏi, mà tôi chỉ có vài trăm quân một dạ cha con còn có thể đánh đâu tan đấy, thế tựa chẻ tre; phương chi nay lấy các lộ Diễn, Nghệ, Thanh Hóa, Tân [Tân Bình], Thuận [Thuận Hóa], Đông Đô, chọn quân tinh nhuệ, không dưới vài mươi vạn, thì cái thế được thua có thể ngồi mà tính được. Song nước thịnh hay suy, quan hệ ở trời, binh mạnh hay yếu, không cứ ở nhiều, thế mà ngài lại cứ lấy việc họ Hồ ngày trước mà ví. Tôi cho việc ngày nay với việc ngày trước khác nhau. Họ Hồ thì dối trời hại dân, mà tôi thì kính trời thuận dân, lẽ thuận nghịch không giống nhau là một. Quân của họ Hồ trăm vạn người trăm vạn lòng, mà quân của tôi bất quá vài mươi vạn, nhưng ai cũng một lòng, cái đó không giống nhau là hai. Nay ngài nếu không vì người ngu mà bỏ lời phải, quyết định chí về, sai người thân tín cùng Sơn đại nhân qua sông hội nghị, thì tôi lập tức rút quân về Thạch Thất [Sơn Tây], Thanh Đàm [Hà Nội], Khoái Châu [Hưng Yên] để dành lối ra. Nếu không thế thì chẳng làm thế nào được.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 33.)

Bấy giờ Vương Thông vẫn khăng khăng đòi quân các thành như Nghệ An, Diễn Châu, vv… rút về trước; sau đó đại quân tại thành Đông Quan mới rút. Bình Định Vương lại gửi thư bác bỏ:

Lại thư dụ Vương Thông.

Tôi từng xem Kinh Dịch 384 hào [Dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ 6 hào; tổng cộng 384 hào], mà cốt yếu là ở chữ “thời”, cho nên người quân tử theo thời thông biến, nghĩa chữ “thời” to tát sao! Ngày trước, khi mới sang đánh Giao Chỉ, tướng thần vâng mệnh đi đánh kẻ có tội, bấy giờ lại một thời vậy. Ngay nay vận thời tuần hoàn, đi rồi lại lại, khi ngài phụng mệnh sang đây được tiện nghi làm việc, nếu ngài quả biết theo chiếu thư của Thái tông mà cho lập con cháu họ Trần để khôi phục nước tôi, thì bây giờ lại là một thời vậy.Thời! Thời! thực không nên lỡ. Kinh Thư có câu: “Ai trước thời giết không tha, ai sau thời giết không tha.[13] Vì thế mà người quân tử lấy tùy thời xử trung làm quý. Song từ xưa đến nay, tục sĩ không hiểu thời vụ; hiểu thời vụ họa chăng chỉ có bực tuấn kiệt mà thôi. Như ngài thì có thể bảo là bực tuấn kiệt hiểu thời vụ đấy. Trước phụng tiếp thư ngài bảo tôi nên hối hận điều lỗi trước, lại thu xếp việc hòa xưa. Thực như lời người ta bảo: “Người quân tử không giữ oán cũ, ví như mưa to gió dữ, hốt lại tạnh quang”. Thực là đáng mừng. Song một đoạn trong thư có nói xem quân sĩ ở đây cho về trước thì xét lý có phần trở ngại. Sao thế? Ngài cầm hoàng việt, thống đốc vương sư, chư tướng tuy có tài hơn đời, có sức tột bực, ai là chẳng phải bôn tẩu theo mệnh lệnh ngài? Ngài chưa đi mà muốn các quân Diễn, Nghệ về trước thì không thuận lẽ. Đó là điều trở ngại thứ nhất. Vả nay đã lấy các quân Diễn, Nghệ ra, theo lời nghị trước thì cho quân nhân trong thành về trước, nhưng vì bọn tiểu nhân làm lỡ việc mà việc tốt trở thành khấp khểnh, các quân Diễn, Nghệ vốn có lòng oán giận, cho là ngài đã bán họ, nay ngài chưa đi thì Thái đô đốc tất không dám đi trước một bước. Đó là điều trở ngại thứ hai. Hiện nay khí trời ôn hòa, chính là lúc đem quân về rất tốt. Nếu ngài bỏ lỡ thời ấy không đi, mà cứ chờ đợi, đến lúc nước xuân mới sinh, khí trời nóng bức dần, mà bảo là ung dung khải hoàn thì tôi e những quân sĩ đi lâu nhớ nhà, giữa đường ta oán, đến bấy giờ dẫu muốn ung dung vị tất đã được ung dung. Trước có bảo là tùy thời xét biến, chính nên liệu sớm ngay đi. Ngài quả không cho lời tôi là vu khoát, mà mở rộng lòng thành, thì xin cho người thân tín cùng Sơn đại quân qua sông cùng hội, giết ngựa uống máu ăn thề, nguyện có quỷ thần, định rõ nhật kỳ, sẽ đưa trả Nguyễn nội quan và Hà tri châu về Đông Quan.[14] Tôi cũng sai ngay người dâng biểu nộp cống và rút quân về các xứ Thạch Thất, Khoái Châu, để ngài được ung dung lên đường. Các quân lục tục kéo về, mà Sơn đại nhân ở sau thu vén. Như thế thì đôi bên hiềm nghi tiêu tán, mà lòng ngài như trời đất cha mẹ, mới trọn vẹn thủy chung. Tôi dẫu kết cỏ ngậm vành,[15] sao đủ báo đáp?” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 34.)

—————————

[1] Phủ Bắc Giang lúc đó gồm cả đất Gia Lâm ở phía bắc sông Nhị, đối ngạn với thành Đông Quan.

[2] Không còn ai:Trước đây, nhà Minh nêu chiêu bài “phù Trần diệt Hồ” để che đậy dã tâm xâm lược, nhưng sau khi chiếm được nước ta, lại lấy cớ con cháu nhà Trần không còn ai để đặt làm quận huyện. Nay trước nguy cơ thất bại, nhà Minh lại đòi Lê Lợi lập con cháu nhà Trần lên làm vua vừa để biện hộ cho cuộc xâm lược nước ta, vừa để mở đường rút lui, giữ thể diện triều đình nhà Minh.

[3] Thái công là Thái Phúc, viên tướng Minh trấn thủ thành Nghệ An. Thành này bị bao vây từ tháng 2 năm 1425. Ngày 17/10/1426 (ngày 17 tháng 9 năm Bính Ngọ), Phương Chính, Lý An rút quân về thành Đông Quan, giao thành Nghệ An lại cho Thái Phúc cố thủ.

[4] Trần Chúa đây là Trần Cảo do Lê Lợi mới lập nên.

[5] Nam Ninh: hiện nay Nam Ninh là thủ phủ tỉnh Quảng Tây, vị trí cách ngả ba các sông Tả Giang, Hữu Giang khoảng trên 10 km.

[6] Phủ Thái bình đời Minh vị trí tại sông Tả Giang, gần biên giới Việt Nam; Bằng Tường, Long Châu nằm trong phủ này.

[7] Thành Điêu Diêu ở bờ bắc sông Nhị, là một đồn lũy quan trong bảo vệ mặt bắc thành Đông Quan. Có thể thành Điêu Diêu là thành Tiền vệ của Đông Quan. Di tích của thành hiện nay đang còn ở xã Gia Thượng, Gia Lâm, Hà Nội.

[8] Thành Cổ Lộng: Nhà Minh đắp, nay ở xã Bình Cách, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nền cũ hãy còn, tục gọi là thành Cách.

[9] Chiến bằng: là đài cao bằng gỗ dùng để đánh thành. Xe phần ôn: là loại xe để đánh thành, có 4 bánh, căng dây làm khung, che bằng da trâu, dưới có thể nấp được mười người, sắt, lửa, gỗ, đá không thể phá được. Xe phi mã: cũng là loại xe để đánh thành.

[10] Chú thích của người dịch Toàn Thư: Nguyên văn là “tự nguyện đăng thành” (tự nguyện lên thành), chúng tôi ngờ có nhầm lẫn từ chữ “đăng tải” (khai báo) ra chữ “đăng thành” (lên thành).

[11] Trương tử tức là Trương Tái, hiệu là Hoành Cừ, là một bậc đại nho đời Tống.

[12] Hai câu này chữ Hán là “Dĩ Yên phạt Yên, dĩ Tần công Tần” (lấy Yên đánh Yên, lấy Tần đánh Tần), ý nói là Yên và Tần là những nước bạo ngược vô đạo, nay đánh những nước ấy mà lại làm bạo ngược vô đạo thì có khác gì lấy Yên đánh Yên, lấy Tần đánh Tần không?

[13] Thiên “Dận Chinh” Kinh Thư có dẫn câu: “Tiên thời giả sát vô xá, hậu thời giả sát vô xá” 先時者殺無赦,後時者殺無赦. Tức “ai trước giết không tha, ai sau giết không tha”; hàm ý phải đúng thời điểm; có thời điểm xuất hiện trước bị giết; có thời điểm xuất hiện sau bị giết.

[14] Nguyễn nội quan (chưa rõ tên) và Hà tri châu (tri châu Hà Trung) là những viên quan nhà Minh bị nghĩa quân bắt vào cuối năm 1426.

[15] Kết cỏ ngậm vành do chữ 結草銜環 (kết thảo hàm hoàn). Xưa Ngụy Thù nước Tấn có người thiếp đẹp không có con. Thù ốm, bảo con là Khỏa rằng: “Phải gả chồng cho người ấy”. Sau ốm nặng, Thù lại bảo Khỏa rằng: “Phải chôn người ấy theo ta”. Đến khi Ngụy Thù chết, thì Ngụy Khỏa đem gả chồng cho người thiếp ấy. Sau Khỏa làm tướng nước Tần, đánh nhau với quân Tần ở Phụ Thị, Khỏa thấy có ông già ngồi buộc cỏ lại. Đỗ Hồi là tay vũ lực giỏi của Tần vướng cỏ ngã bị Khảo bắt được. Đêm ấy Khỏa nắm mơ thấy một ông già đến nói rằng: “Tôi là cha người đàn bà mà ông đem gả chồng. Ông không chôn sống con tôi nên tôi làm thế để báo ơn”. (Tả truyện).

Xưa Dương Bảo ở đời Hán khi lên 9 tuổi, bắt được con chim sẻ vàng bị chim cắt bắt đánh rơi bị thương, đem về nuôi cho khỏi rồi thả ra. Đêm có người đồng tử mặc áo vàng ngậm bốn vành ngọc trắng đến nói cám ơn (truyện Dương Chấn ở Hậu Hán thư). Vì thế người đời sau dùng hai điển đó để tả sự báo ơn. Riêng điển tích thứ hai còn được gọi là 黃雀銜環 “hoàng tước hàm hoàn”.