Ba xu hướng mới đáng quan tâm trên chiến trường Nga-Ukraine

Nguồn: Trương Cẩm, Liễu Ngọc Bằng, Trương Nhất Phàm, “俄乌战况值得关注的三个新动向”, 环球时报 (Thời báo Hoàn Cầu), 19/10/2022.

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Ngày 17 tháng 10, quân đội Nga lần đầu tiên tiến hành cuộc không kích vào “Trung tâm quyết định chính sách năng lượng” của Ukraine và đánh vào các cơ sở năng lượng cùng các cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Ukraine trong hai ngày liên tiếp. Một đặc điểm lớn trong hai đợt không kích này là quân đội Nga sử dụng bom bay [loitering munition] làm vũ khí tấn công. Điều này làm nên sự khác biệt so với các cuộc không kích Ukraine trước đây. Tiến triển nói trên của cuộc xung đột Nga – Ukraine đã hé lộ những xu hướng biến động mới nào? Ngày 18/10, phóng viên Thời báo Hoàn cầu đã phỏng vấn nhiều chuyên gia quân sự về vấn đề này.

“Trung tâm quyết định chính sách năng lượng” của Ukraine lần đầu tiên bị tấn công

Thông tấn xã Nga RIA Novosti ngày 18 đưa tin: Kirill Tymoshenko, Phó Văn phòng Tổng thống Ukraine ngày 18 cho biết ba vụ nổ đã xảy ra tại một cơ sở cung cấp năng lượng ở tả ngạn Kyiv. Sau khi bị tấn công, quận Desnyansky của Kyiv xảy ra cháy lớn. Nghị sĩ Quốc hội Ukraine Alexei Goncharenko cho biết nguồn cung cấp điện của thành phố đã bị gián đoạn. Sáng ngày 18, các phương tiện truyền thông Ukraine đưa tin các thành phố Kyiv, Kirovograd, Cherkassy, ​​Poltava, Dnipropetrovsk, Nikolayev và Kyiv Oblast đã bị không kích.

RIA Novosti ngày 18 đưa tin, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Konashenkov cho biết trong cuộc họp báo rằng ngày 18 quân đội Nga tiếp tục sử dụng vũ khí chính xác tầm xa tấn công hệ thống chỉ huy quân sự Ukraine và các kho đạn do nước ngoài sản xuất.

Một ngày trước đó, nhiều mục tiêu ở Ukraine cũng bị đánh. Báo “Izvestia” của Nga ngày 17 đưa tin, hôm đó Thủ tướng Ukraine ông Shmyhal cho biết cơ sở hạ tầng năng lượng của Kyiv đã bị hư hại trong cuộc tấn công ngày 17 và hàng trăm khu dân cư đã bị mất điện. Ngoài ra, quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào cơ sở hạ tầng ở khu vực Dnipropetrovsk và Sumei.

Ngày 17, báo “Viewpoint” của Nga đăng bản tin dưới tiêu đề “Nga lần đầu tiên tấn công Trung tâm quyết định chính sách năng lượng của thủ đô Ukraine”. Bản tin cho biết Bộ chỉ huy quân đội Ukraine báo cáo rằng ít nhất 40 máy bay không người lái [UAV của Nga] đã từ miền nam Ukraine bay lên miền bắc, phần lớn bay đến Kyiv. Xét tới việc Kyiv cách mặt trận hơn 400 km, điều đó nói lên một cách rõ ràng tình trạng hệ thống phòng không Ukraine. Theo số liệu của chính quyền địa phương, tại Kyiv hôm đó đã xảy ra 5 vụ nổ. Từ những hình ảnh trên Internet, có thể kết luận vụ nổ xảy ra ở khu vực có ga đường sắt trung tâm, nơi có khu nhà của công ty năng lượng Ukraine, văn phòng của một số công ty quản lý thị trường năng lượng quốc gia và trụ sở điều hành trung ương của Hệ thống Năng lượng Liên hợp Ukraine đều đặt tại đó. Nhìn chung, lần đầu tiên quân đội Nga tấn công “Trung tâm quyết định chính sách năng lượng” của Ukraine; sự kiện này đã được mạng xã hội nước ngoài đưa tin và bàn tán rầm rộ. Khác với “Hầm ngầm Zelensky”, “Trung tâm quyết định chính sách năng lượng” Ukraine chịu trách nhiệm đưa ra một số quyết định quan trọng có ảnh hưởng tới năng lực lĩnh vực công nghiệp Ukraine, bảo đảm sức chiến đấu của quân đội Ukraine.

Báo Nga “Vewpoint” ngày 18 đưa tin, nhà khoa học chính trị Alexei Nechayev của Kyiv cùng ngày cho biết, cuộc tấn công của quân đội Nga đã làm cho cơ sở hạ tầng năng lượng của Kyiv đang dần mất hiệu quả. Lúc đầu, cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu ở hữu ngạn thủ đô, nhưng bây giờ đến lượt tả ngạn. Do đó, Nga đã làm suy yếu rất nhiều khả năng của các cơ sở điện lực Ukraine trong việc cấp điện cho các doanh nghiệp công nghiệp và quân sự Ukraine. Ông nói, chính Zelensky ngày 18 cho biết, kể từ ngày 10 tháng 10, có tới 30% số nhà máy điện của Ukraine đã bị phá hủy, đồng thời nhắc lại việc từ chối đàm phán với Nga. Số liệu Zelensky công bố làm cho mọi người nghi ngờ, bởi lẽ vào đầu tuần trước Bộ trưởng Năng lượng Ukraine đã đề cập đến các số liệu tương tự. Kể từ đó, số lượng và phạm vi các cuộc tấn công của Nga đã tăng lên.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Học Phong (Zhang Xuefeng) nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu rằng các cuộc không kích vào ngày 17 và 18 có nhiều mục đích. Đầu tiên, đây là một cuộc tấn công bổ sung nhằm vào các mục tiêu ở Kyiv, vì các mục tiêu tấn công trước đó chủ yếu là các cơ sở sản xuất điện và trạm biến áp, còn mục tiêu quan trọng của đợt không kích này là “Trung tâm quyết định chính sách năng lượng” của Ukraine. Tấn công các mục tiêu này là nhằm cắt đứt nguồn cung cấp điện của thành phố. Thứ hai là tấn công các cơ sở quân sự, đặc biệt là hệ thống chỉ huy, các cuộc tấn công này sẽ có thể tiếp tục khi cần thiết. Thứ ba là Nga đang cố gắng sử dụng các cuộc không kích liên tục để đánh vào tinh thần chiến đấu của phía Ukraine.

Ngày 18, một chuyên gia quân sự giấu tên nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu rằng xu hướng mới trong cuộc xung đột Nga-Ukraine gần đây là việc các cơ sở hạ tầng liên quan đến tiềm lực tác chiến ở Ukraine đã trở thành mục tiêu trọng điểm tấn công của quân đội Nga. Kể từ tháng 2 năm nay, “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của quân đội Nga tại Ukraine đã tập trung vào việc tấn công các mục tiêu quân sự và chiếm các thành phố, tuy thỉnh thoảng có đánh vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trên đất Ukraine, nhưng không phải là trọng điểm. Thế nhưng kể từ khi cầu Crimea bị tấn công, các biện pháp trả đũa của quân đội Nga rõ ràng đã coi các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine là mục tiêu tấn công. Trong gần nửa tháng qua, hầu hết các cuộc tấn công tầm xa và tấn công chính xác của quân đội Nga đều nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine có giá trị quân dụng và dân dụng, đặc biệt là các cơ sở năng lượng.

Các chuyên gia cho rằng đối với Nga, việc phá hủy có hiệu quả cơ sở hạ tầng ở Ukraine sẽ phá hủy tiềm năng tác chiến của Ukraine, đặc biệt là khả năng cung cấp hậu cần. Quân đội Ukraine sẽ vì thiếu nhiên liệu mà gặp khó khăn trong việc vận chuyển các hệ thống vũ khí do Mỹ và phương Tây viện trợ từ hậu phương ra tiền tuyến. Một số lượng lớn thiết bị cũng không thể hoạt động do thiếu nguồn điện, đặc biệt là thiết bị điện tử dùng cho trinh sát truyền cảm, thông tin liên lạc và định vị chính xác. Điều này phản ánh đầy đủ những thay đổi trong chiến lược tác chiến của quân đội Nga, từ chỗ quá nhiều e ngại lúc mới bắt đầu cuộc chiến, cho đến hiện nay đang quẳng đi những “tảng đá cản đường” hạn chế hành động tác chiến. Điều đó nói lên sau khi cuộc phản công của quân đội Ukraine làm cho quân đội Nga bị động, nay quân đội Nga đã bắt đầu lấy tấn công và làm suy yếu tiềm lực quân sự Ukraine làm phương hướng tác chiến quan trọng, và hy vọng sự suy yếu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chuẩn bị chiến trường của Ukraine.

Tăng mạnh sử dụng bom bay

Ngoài những thay đổi mới về mục tiêu và trọng điểm tấn công, các phương pháp tấn công quân đội Nga sử dụng dường như cũng đang lặng lẽ thay đổi.

Trương Học Phong tin rằng theo tin tức công khai hiện nay, ít nhất bắt đầu từ ngày 17, cuộc tấn công vào Kyiv, thủ đô của Ukraine, sẽ chủ yếu dùng bom bay (còn gọi là máy bay không người lái tự sát). Nhiều video và ảnh chụp cho thấy loại bom bay này đã xuất hiện trên bầu trời Kyiv. Một bức ảnh rất rõ nét do các phương tiện truyền thông phương Tây chụp cho thấy loại bom bay này đang lao xuống đánh vào mục tiêu. Loại bom bay này được truyền thông phương Tây gọi là “Shahed-136” (Nga gọi là “Geranium-2”) đã thay thế tên lửa hành trình “Calibre”, tên lửa đạn đạo “Iskander” của Nga, cũng như pháo tên lửa “Himars” và tên lửa dẫn đường chính xác “Excalibur” của Ukraine. “Shahed-136” đã trở thành ngôi sao mới trên chiến trường Nga-Ukraine.

Vị chuyên gia giấu tên kể trên cho rằng, cuộc đối đầu giữa các loại bom bay của hai bên trở thành kiểu tác chiến mới. Đây là một xu hướng mới, khác trước, trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Xem xét các loại vũ khí và thiết bị quân đội Nga sử dụng trong hoạt động tác chiến gần đây, có thể thấy bom bay đã trở thành loại vũ khí được sử dụng với tần suất cao. Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, hai loại UAV “Switchblade” và “Phoenix Ghost” và các loại bom bay khác do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã hoạt động không tồi. Công nghệ UAV của Nga phát triển không yếu, nhưng quan niệm sử dụng UAV của quân đội Nga chưa theo kịp bước phát triển của thời đại, và UAV chưa được sử dụng nhiều trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Hiện nay quân đội Nga đang bắt đầu từng bước sử dụng một số lượng lớn các loại bom bay để tấn công nhiều mục tiêu ở Ukraine, điều này cho thấy nhận thức của quân đội Nga về vai trò của bom bay đã có những thay đổi quan trọng. Có thể nói, xung đột Nga-Ukraine là chiến trường cường độ cao đầu tiên trên thế giới mà các loại bom bay được sử dụng với quy mô lớn, và nó đã trở thành nơi kiểm chứng khả năng tác chiến của các loại vũ khí đường không.

Sẽ mở ra một chiến trường mới?

Ngày 18, báo “Vewpoint” của Nga đăng bản tin với tiêu đề “Các chuyên gia đánh giá kế hoạch của Ukraine nhằm chế tạo UAV tấn công Moskva”. Bản tin cho biết, ngày 17 Ukraine tuyên bố đã hoàn thành việc nghiên cứu triển khai loại máy bay không người lái có thể sánh với “Geranium-2” của Nga, bay xa 1.000 km và trọng lượng đầu đạn là 75 kg. Khả năng bay xa như vậy sẽ cho phép loại UAV này bay tới Moskva.

Chuyên gia quân sự Nga Vadim Kozulin cho rằng Ukraine có đủ cơ sở kỹ thuật để sản xuất máy bay không người lái có trọng tải lên tới 75 kg, và Ukraine hiện đang nhận được tài trợ và giúp đỡ từ phương Tây. Chuyên gia quân sự Nga Sergei Denisontsev cho rằng, chế tạo một chiếc máy bay không người lái có khả năng bay 1.000 km và mang theo 75 kg bom là nhiệm vụ mà bất kỳ quốc gia tương đối phát triển nào cũng có thể làm được, nhưng vấn đề tiếp theo là loại UAV ấy sẽ sử dụng thiết bị điều khiển và dẫn đường như thế nào, có khả năng chống nhiễu ra sao, lắp động cơ gì, chi phí chế tạo và số lượng UAV sẽ sản xuất là bao nhiêu. Do đó, Ukraine không có khả năng phát triển UAV tương tự “Geranium-2” của Nga, và Ukraine đưa ra tuyên bố như vậy là để nâng cao tinh thần chiến đấu của quân đội họ khi bị UAV Nga tấn công.

Về xu hướng tương lai của cuộc chiến, chuyên gia quân sự giấu tên nói trên cho rằng sự di chuyển của lực lượng phòng thủ khu vực Nga-Belarus đáng được quan tâm cao độ. Dù quân đội Nga sử dụng loại vũ khí tầm xa nào để tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, yếu tố then chốt quyết định chiều hướng của cuộc xung đột vẫn là những thay đổi trên chiến trường tuyến một. Tại Kharkov, Zaporozhye, Kherson và những nơi khác, cuộc tranh giành trên mặt đất của đôi bên vẫn diễn ra ở thế giằng co. Mặc dù quân đội Ukraine tuyên bố đã tái chiếm được vài nghìn km vuông đất nhưng so với diện tích khu vực quân đội Nga kiểm soát thì chưa gây ra thiệt hại lớn cho Nga. Hiện nay quân đội Nga đang được tái bố trí, có thể họ đang chuẩn bị tiến hành “đòn phản công” cuộc tấn công của Ukraine. Quân đội Nga đã tiến vào Belarus để thành lập một lực lượng phòng thủ chung trong khu vực, xu hướng này đáng được quan tâm, không loại trừ khả năng mở chiến trường mới trong lãnh thổ Ukraine.