Thế giới hôm nay: 04/11/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Thủ tướng Israel Yair Lapid đã nhận thua trước Binyamin Netanyahu, qua đó dọn đường cho ông Netanyahu trở lại ghế thủ tướng. Liên minh tôn giáo và cánh hữu của ông Netanyahu thắng 64 trên 120 ghế trong quốc hội, trong khi khối của ông Lapid có 51 ghế. Phần còn lại thuộc về một đảng Ả Rập trung lập. Để thành lập chính phủ, ông Netanyahu sẽ cần sự hỗ trợ của đảng cực hữu của Itamar Ben-Gvir, vốn trước đây thường bị xa lánh.

Các ngoại trưởng G7 đã đến Đức để thảo luận về việc viện trợ giúp Ukraine vượt qua mùa đông, nhất là khi Nga ồ ạt tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này. Vào thứ Năm nhà máy hạt nhân Zaporizhia đã bị ngắt khỏi lưới điện quốc gia. Còn trên mặt trận, hiện có tin đồn Nga đang rút khỏi Kherson về bờ đông sông Dnieper. Song Ukraine cho rằng đây là một cái bẫy.

Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lên 3%, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong hơn 30 năm qua, trong nỗ lực giải quyết lạm phát. Đây đã là lần tăng thứ tám liên tiếp. Ngân hàng nói Anh đứng trước nguy cơ suy thoái dài hạn, và cho biết lãi suất sẽ không cao như con số 5,25% theo dự đoán của thị trường.

Cựu thủ tướng Pakistan Imran Khan bị bắn vào chân khi đang dẫn đầu một cuộc biểu tình ở Wazirabad, miền đông đất nước, trong sự việc được những người ủng hộ ông mô tả là một vụ ám sát. Ông Khan đang kêu gọi tổ chức bầu cử sau khi bị mất chức vào tháng 4. Truyền thông địa phương nói ông đã rời hiện trường và hiện an toàn.

Uniper, một nhà nhập khẩu khí đốt Đức mà chính phủ dự định quốc hữu hóa, đã công bố khoản lỗ ròng hơn 40 tỷ euro (39,3 tỷ USD) trong chín tháng đầu năm 2022, một trong những khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Đức. Gián đoạn nguồn cung khí do chiến tranh Ukraine gây ra đã khiến công ty phải đi tìm nguồn khí khác với giá cao hơn. Chính phủ Đức từng công bố gói cứu trợ 29 tỷ euro (28,3 tỷ USD) cho Uniper hồi tháng 9.

Các nhân chứng nói với BBC rằng lực lượng an ninh Iran đã nổ súng vào đám đông ở thành phố Karaj, vốn khi ấy đang tụ tập làm lễ kết thúc 40 ngày tang cho Hadis Najafi, một người biểu tình 22 tuổi bị giết hồi tháng 9. Được biết cảnh sát đã dựng lô cốt để ngăn người dân đến viếng mộ Najafi, và đã phản ứng dữ dội khi hàng nghìn người cố gắng đi vào nghĩa trang. Najafi đã trở thành biểu tượng của các cuộc biểu tình do phụ nữ lãnh đạo đang làm rung chuyển Iran.

Amazon tạm dừng tuyển dụng trong ít nhất vài tháng. Một bản ghi nhớ nội bộ cho biết nguyên nhân là do điều kiện kinh tế không chắc chắn và việc công ty đã thuê quá nhiều người trong đại dịch. Còn đối với Lyft, hãng gọi xe này cho biết sẽ cắt giảm 13% nhân viên, tương đương 700 việc làm. Các thông báo trên được đưa ra khi các doanh nghiệp công nghệ phải điều chỉnh mạnh tay theo triển vọng thị trường.

Con số trong ngày: 255 tỷ USD, là tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Đức trong năm ngoái, gấp 5 lần so với năm 2005.

TIÊU ĐIỂM

Các biện pháp chống lạm phát của Fed bước đầu cho thấy hiệu quả

Thị trường lao động Mỹ cuối cùng cũng hạ nhiệt. Dữ liệu công bố vào thứ Sáu dự kiến cho thấy nền kinh tế chỉ tạo ra 190,000 việc làm trong tháng 10, thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Như vậy đây sẽ là lần thứ ba liên tiếp chỉ số việc làm mới theo tháng được ghi nhận giảm, và sẽ còn tiếp diễn khi lãi suất cao ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang đã đưa ra một đợt tăng lãi suất khác.

Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ dĩ nhiên muốn có dữ liệu việc làm tốt hơn trước thềm bầu cử giữa kỳ vào ngày 8 tháng 11. Nhưng đối với các nhà đầu tư và Fed, một thị trường lao động hạ nhiệt là điều đáng hoan nghênh. Trong những tháng gần đây, tiền lương đã tăng nhanh vì các công ty bị thiếu lao động, gây thêm áp lực lên lạm phát. Thách thức đối với Fed là làm giảm nhu cầu lao động vừa đủ mà không dẫn đến thất nghiệp cao đột biến. Cho tới nay họ đã làm được như vậy, dù còn nhiều trở ngại phía trước.

Nga kỷ niệm Ngày Thống nhất

Thứ Sáu này Nga sẽ kỷ niệm Ngày Thống nhất, một ngày lễ quốc gia kỷ niệm giải phóng Moscow khỏi quân xâm lược Ba Lan vào năm 1612. Theo truyền thống, tổng thống Vladimir Putin sẽ đặt hoa tại một bức tượng ở Quảng trường Đỏ để tưởng nhớ các chỉ huy của cuộc nổi dậy. Nghi lễ biểu tượng này rất hợp với lập luận của ông về Ukraine, theo đó ông cho rằng cuộc chiến là không thể tránh khỏi, và phải thực hiện để chống lại phương Tây

Trên thực tế, xâm lược Ukraine là lựa chọn của ông Putin. Hôm thứ Hai, ông tuyên bố “lệnh động viên một phần” cho cuộc chiến ở Ukraine đã hoàn tất. Nhưng việc tuyển quân có thể bắt đầu lại bất cứ khi nào theo ý ông. Và một số người Nga có nguy cơ đi lính cao hơn, sau khi các nghiên cứu cho thấy lệnh bắt lính có ảnh hưởng lớn hơn tới các vùng nghèo. Nhiều tân binh cũng đến từ những nơi có đông dân tộc thiểu số như Dagestan, một nước cộng hòa đa số theo đạo Hồi ở phía nam, và Buryatia, một vùng sắc tộc Mông Cổ ở phía đông. Mặc dù ông Putin rao giảng đoàn kết dân tộc, nhưng không phải tất cả người Nga đều được đối xử bình đẳng.

Giáo hoàng thăm Bahrain

Vào thứ Sáu tại Bahrain, Giáo hoàng Francis sẽ gặp một nhóm lãnh đạo Hồi giáo được gọi là Hội đồng Nguyên lão Hồi giáo. Chuyến đi kéo dài 4 ngày của ông, chuyến thăm đầu tiên của Giáo hoàng tới đất nước này, xoay quanh “Diễn đàn Đối thoại Bahrain,” mà qua đó Bahrain kỳ vọng thúc đẩy hợp tác liên tôn giáo và thể hiện sự khoan dung tôn giáo của riêng mình.

Không như một số nước láng giềng, Bahrain từ lâu đã khá cởi mở với những người không theo đạo Hồi. 80.000 người Công giáo ở Bahrain, hầu hết là công nhân nhập cư, có một lượng kha khá nhà thờ; ngoài ra còn có các đền thờ Ấn giáo và một giáo đường Do Thái.

Song nhà nước ít khoan dung hơn với công dân của mình. Đa số người Shia vẫn thường phàn nàn về việc bị chế độ quân chủ Sunni phân biệt đối xử. Họ không được nhận một số công việc chính phủ và thị trấn của họ bị bỏ bê. Bất bình đẳng từng khiến người Shia nổi dậy hồi năm 2011, dù sau đó bị dập tắt. ​​Các nhân vật đối lập nổi tiếng vẫn đang bị bỏ tù hoặc lưu đày. Họ đang kêu gọi Giáo hoàng sử dụng chuyến thăm của mình để thúc giục đối thoại không chỉ giữa các lãnh đạo tôn giáo, mà còn giữa những người Bahrain với nhau.

Tranh cãi về lập trường khí hậu của Anh trước thềm COP27

Thứ 6 này, Vua Charles của Anh sẽ tổ chức một buổi dạ tiệc được tổ chức gấp rút tại Cung điện Buckingham. Tiệc chiêu đãi là màn khởi động cho hội nghị thượng đỉnh COP27 về khí hậu của Liên Hợp Quốc, sẽ khai mạc tại Sharm El-Sheik, Ai Cập, vào Chủ nhật.

Bên cạnh các chức sắc nước ngoài, chẳng hạn như đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry, còn có các chính trị gia người Anh. Bữa tiệc có thể sẽ khá khó xử. Trong vài tuần làm thủ tướng, Liz Truss đã khuyên vị vua mới, một nhà vận động khí hậu lâu năm, không nên tham dự COP. Tân thủ tướng Rishi Sunak ủng hộ. Bản thân nhà vua cũng nói không đến Ai Cập, nhưng rồi phải đổi ý dưới áp lực chỉ trích. Đây rõ ràng sẽ làm xấu mặt Sunak. Nó cũng cho thấy khác biệt về ưu tiên chính sách, không chỉ với nhà vua mà còn với cựu thủ tướng Boris Johnson, nguyên chủ nhà của COP năm ngoái, người đã vui vẻ nhận lời mời tham dự. Và nó đặt ra câu hỏi liệu ông Sunak có giữ những lời hứa khí hậu đầy tham vọng của ông Johnson hay không. Việc ông đến COP27 sẽ không làm thay đổi những lời đồn đoán, nhưng ông đã không thực sự nhạy cảm với quan điểm của công chúng khi xử lý vấn đề.