Chuyển động Quốc Phòng (28/10 – 3/11/2022)

Print Friendly, PDF & Email

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga-Ukraine

Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương

Châu Âu-Trung Đông-Châu Phi

Phân tích

 

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Nga đe dọa bắn hạ vệ tinh Starlink

Chính phủ Nga cảnh báo hôm thứ Tư tại Đại hội Đồng LHQ rằng họ có thể trả đũa việc các vệ tinh dân sự được sử dụng để hỗ trợ quân đội Ukraine trong cuộc chiến đang diễn ra giữa hai nước. Lời đe dọa ám chỉ rõ ràng đến Starlink, dịch vụ vệ tinh internet của SpaceX cung cấp cho các lực lượng vũ trang Ukraine quyền truy cập internet trong suốt cuộc xung đột. Mặc dù phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Vorontsov không đề cập cụ thể đến Starlink hay cam kết rằng Điện Kremlin sẽ trả đũa nhằm vào các vệ tinh cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, ông cho rằng việc sử dụng chúng vi phạm Hiệp ước Không gian bên ngoài (Outer Space Treaty).

Xem thêm tại: National Interest, Russia Threatens to Shoot Down Starlink Satellites. Truy cập ngày 30/10/2022

Hải quân Nga ‘đẩy lui’ cuộc tập kích bằng máy bay không người lái của Ukraine vào Sevastopol

Hải quân Nga đã “đẩy lùi” một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine ở vịnh Sevastopol, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen ở Crimea theo tuyên bố của một thống đốc do Nga bổ nhiệm. Trong khi đó, trận chiến giành quyền kiểm soát các thành phố đông nam Ukraine diễn ra quyết liệt tại Kherson và Bakhmut. “Hôm nay, bắt đầu từ 04:30 sáng trong vài giờ, các hệ thống phòng không ở Sevastopol đã đẩy lùi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV)”, Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhayev nói trên Telegram hôm thứ Bảy. “Tất cả các UAV đều đã bị bắn hạ”, ông nói thêm.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Russian navy ‘repels’ drone attack on Crimea’s Sevastopol. Truy cập ngày 29/10/2022

Nga phát động hàng loạt cuộc tấn công trên khắp Ukraine nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng

Lực lượng Nga đã tiến hành một làn sóng tấn công tên lửa vào Kyiv và trên khắp Ukraine hôm thứ Hai, đánh sập nguồn cung cấp điện và nước ở nhiều vùng của Ukraine trong bối cảnh Điện Kremlin tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự. Thị trưởng của Kyiv cho biết các cuộc tấn công đã cắt đứt nguồn cung cấp nước ở một phần của thành phố. Các quan chức Ukraine cho biết tên lửa của Nga cũng đã vô hiệu hóa lưới điện ở Kyiv, các khu vực ở miền đông, miền trung,

Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng Nga đã thực hiện “các cuộc tấn công bằng vũ khí trên không và trên biển tầm xa có độ chính xác cao nhằm vào các hệ thống năng lượng và cơ quan chỉ huy quân sự của Ukraine”. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal trong một bài đăng trên Facebook nói rằng hàng trăm địa phương ở 7 khu vực tại Ukraine đã bị mất điện và nói thêm rằng “hậu quả có thể còn tồi tệ hơn nhiều” nếu lực lượng Ukraine không bắn hạ hầu hết các tên lửa của Nga.

Xem thêm tại: WSJ, Russia Launches Barrage of Strikes Across Ukraine, Targeting Infrastructure. Truy cập ngày 31/10/2022; AP, Russian strikes hit Ukraine, most of Kyiv without water. Truy cập ngày 31/10/2022

Nga đang chiêu mộ các chỉ huy người Afghanistan được Mỹ đào tạo cho cuộc chiến tại Ukraine

Theo thông tấn AP, lính đặc nhiệm Afghanistan chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ, và sau đó chạy sang Iran sau cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan vào năm ngoái, hiện đang được quân đội Nga tuyển dụng để chiến đấu ở Ukraine. Ba cựu tướng lĩnh Afghanistan nói rằng người Nga muốn thu hút hàng nghìn cựu lính biệt kích tinh nhuệ của Afghanistan vào một “quân đoàn nước ngoài” với mức lương ổn định 1.500 USD/tháng và hứa hẹn một nơi trú ẩn an toàn cho bản thân và gia đình để họ có thể tránh bị trục xuất tới nơi họ coi là cái chết dưới tay Taliban.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Russia recruiting US-trained Afghan commandos for Ukraine. Truy cập ngày 1/11/2022.

Ukraine củng cố lực lượng tại biên giới Belarus trong bối cảnh lo sợ xâm lược

Mặc dù không có dấu hiệu cho thấy Belarus sẽ xâm lược Ukraine, sự hợp tác an ninh chặt chẽ giữa Belarus và Nga đã khiến Ukraine nghi ngờ nhiều hơn. Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine hôm thứ Năm thông báo rằng họ đã củng cố biên giới của mình với Belarus trước khả năng xâm phạm tiềm tàng của nước láng giềng phía Bắc trong cuộc chiến đang diễn ra với Nga. Mặc dù quân đội Belarus không tham gia vào cuộc xâm lược, nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko đã cho phép quân đội Nga triển khai dọc theo biên giới phía nam của Belarus với Ukraine dưới vỏ bọc tập trận.

Xem thêm tại: National Interest, Ukraine Reinforces Belarusian Border Amid Invasion Fears. Truy cập ngày 28/10/2022

Lầu Năm Góc nói sát thủ diệt drone Vampire sẽ có mặt tại Ukraine vào năm tới

Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đang dự định gửi cho Ukraine hệ thống chống drone Vampire vào giữa năm 2023 với một hợp đồng dự kiến cấp ​​trong vòng vài tháng tới. Lầu Năm Góc hôm 24/8 thông báo sẽ gửi một bệ phóng tên lửa dẫn đường bằng laser có thể nhanh chóng được lắp đặt trên xe tải dân dụng, như một phần của gói vũ khí lớn hơn. Nhưng mặc dù Nga đã mở rộng việc sử dụng máy bay không người lái tự sát do Iran sản xuất để nhắm vào các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Ukraine, Lầu Năm Góc vẫn chưa thông qua bất kỳ hợp đồng nào để vận chuyển hệ thống chống drone này.

Xem thêm tại: Defense News, Drone-killing Vampires due in Ukraine next year, Pentagon says. Truy cập ngày 2/11/2022

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine yêu cầu Iran ngừng cung cấp vũ khí cho Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông yêu cầu Tehran ngừng cung cấp vũ khí cho Nga trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hossein Amirabdollahian. Các quan chức Ukraine và các đồng minh phương Tây cáo buộc Iran cung cấp máy bay không người lái tự sát cho Nga, gần đây đã được Moscow sử dụng để phá hoại trong các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Về phía Tehran, nước này kiên quyết phủ nhận việc gửi bất kỳ vũ khí nào, bao gồm cả máy bay không người lái cho Nga.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Ukraine minister tells Iranian counterpart: Stop sending weapons. Truy cập ngày 29/10/2022

Na Uy nâng cao cảnh giác quân sự để ứng phó với chiến tranh Ukraine

Kể từ ngày 1/11 Na Uy sẽ đặt quân đội trong tình trạng cảnh giác cao hơn thông qua việc điều động thêm nhân sự cho các nhiệm vụ tác chiến và nâng cao vai trò của lực lượng cơ động nhanh để ứng phó với cuộc chiến ở Ukraine. Tướng Eirik Kristoffersen cho biết Na Uy sẽ tìm cách đưa phi đội máy bay tuần tra hàng hải mới P-8 Poseidon do Mỹ sản xuất vào hoạt động thường xuyên với tốc độ nhanh hơn so với kế hoạch ban đầu. Kristoffersen cũng nói rằng hiện tại không có mối đe dọa cụ thể nào đối với Na Uy dẫn đến quyết định này, nhưng “những điều không chắc chắn” đã khiến các nhà chức trách phải nâng cao khả năng chuẩn bị quân sự của đất nước.

Xem thêm tại: Reuters, Norway raises military alert in response to Ukraine war. Truy cập ngày 1/11/2022

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương:

Chiến lược quốc phòng Mỹ (NAD) ứng phó với Trung Quốc, Nga, vấn đề răn đe hạt nhân.

Chính quyền của ông Biden đã vạch ra một chiến lược quốc phòng nhằm vào Trung Quốc, quốc gia mà nước này coi là đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất của Mỹ và Nga, nước được coi là “mối đe dọa cấp tính” có khả năng tấn công mạng và tên lửa vào Mỹ. Chiến lược quốc phòng đầu tiên của chính quyền Biden nhấn mạnh sức mạnh quân sự đang gia tăng của Bắc Kinh cũng như những lời lẽ khiêu khích và hoạt động ép buộc của nước này đối với Đài Loan như một phần của một khuôn mẫu hành vi lớn hơn trên khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bộ trưởng Lloyd Austin nói rằng không giống như Trung Quốc, Nga không thể thách thức Mỹ một cách hệ thống về lâu dài, nhưng sự hung hăng của Nga gây ra mối đe dọa ngay lập tức và rõ ràng đối với các lợi ích và giá trị của Mỹ.

Xem thêm tại: Defense News, Biden National Defense Strategy tackles China, Russia, nuke deterrence. Truy cập ngày 29/10/2022

Mỹ rút lực lượng tiêm kích thường trực F-15 khỏi Okinawa

Không quân Mỹ dự định thay thế toàn bộ phi đội chiến đấu cơ F-15 đóng tại Okinawa, Nhật Bản bằng một lực lượng “luân phiên”. Động thái này dấy lên báo động trong chính phủ Nhật Bản và Lầu Năm Góc vì lực lượng không quân Mỹ không có ý định thay thế phi đội bằng sự hiện diện thường trực nào trong thời gian tới. Việt rút lui bao gồm khoảng 50 số phi công chiến đấu cơ tại Nhật và là một phần của chương trình hiện đại hóa. Không quân Mỹ dự tính sẽ gửi các máy bay chiến đấu F-22 thế hệ thứ năm từ Alaska đến căn cứ Kadena, trong đợt luân chuyển đầu tiên kéo dài 6 tháng sau khi một số chiếc F-15 trở về Mỹ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết lực lượng này đã không tính toán việc luân chuyển trong tương lai và điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng lộ ra những khoảng trống.

Một số đánh giá của chuyên gia:

    • Christopher Johnstone, một cựu quan chức Lầu Năm Góc chuyên về Nhật Bản tại CSIS, cho biết động thái này diễn ra trong thời điểm xấu. Ông nói: “Động thái gửi đi một tín hiệu đáng lo ngại cho Tokyo về cam kết của Hoa Kỳ, trong bối cảnh mọi người đều tập trung vào Đài Loan”.
    • Heigo Sato, chuyên gia quốc phòng tại Đại học Takushoku, cho biết F-22 sẽ làm giảm bớt lo ngại, nhưng nếu không quân không thể thay thế F-15, thì “uy tín của quân đội Mỹ có thể sẽ bị nghi ngờ”.
    • Douglas Birkey, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell và cựu giám đốc điều hành Hiệp hội Không quân, cho biết mô hình luân phiên là một chiến lược “hỗ trợ ngắn hạn” (Band-Aid) và Mỹ phải cung cấp nguồn lực tốt hơn cho lực lượng không quân của mình.
    • Evan Medeiros, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Georgetown, cho biết sự hiện diện luân phiên có một lợi ích khác vì Kadena dễ bị tên lửa Trung Quốc tấn công, nhưng Tokyo sẽ coi hành động này là một sự giảm sút về cam kết của Mỹ.

Xem thêm tại: Financial Times, US to withdraw permanent F-15 fighter force from Okinawa. Truy cập ngày 29/10/2022; Defense News, Air Force to replace Kadena F-15 squadrons with rotational fighters. Truy cập ngày 29/10/2022

Không quân Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 đến Úc trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng.

Các chuyên gia cho rằng Mỹ đang chuẩn bị triển khai 6 máy bay ném bom B-52 có thể mang đầu đạn hạt nhân tới miền bắc nước Úc, một động thái khiêu khích nhằm vào Trung Quốc. Một cuộc điều tra của Four Corners tiết lộ Washington đang có kế hoạch xây dựng các cơ sở chuyên dụng cho chiếc máy bay khổng lồ tại căn cứ không quân Tindal, phía nam Darwin. Việc đưa các máy bay B-52 tới Úc là một lời cảnh báo đối với Trung Quốc, vì lo ngại Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào Đài Loan, chuyên gia cho biết.

Sau khi máy bay B-52 được triển khai, phía Trung Quốc cáo buộc Úc và Mỹ kích động một cuộc chạy đua vũ trang bằng cách lên kế hoạch điều máy bay ném bom B-52 gần Darwin. Tối thứ Hai vừa qua Trung Quốc cảnh báo rằng động thái của Úc đe dọa leo thang căng thẳng trong khu vực, phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định của khu vực và “kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết: “Hợp tác quốc phòng và an ninh của tất cả các nước cần đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực và không được nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào hoặc làm suy yếu lợi ích của họ”.

Xem thêm tại: ABC, US Air Force to deploy nuclear-capable B-52 bombers to Australia as tensions with China grow. Truy cập ngày 31/10/2022; SMH, China accuses Australia of fuelling regional arms race. Truy cập ngày 2/11/2022

Cuộc chơi sức mạnh: Tàu ngầm của Trung Quốc sử dụng pin lithium

Trung Quốc dự định nâng cấp các tàu ngầm thông thường của mình bằng pin lithium-ion, một bước tiến có thể tăng đáng kể khả năng chiến đấu và tồn tại của hạm đội. Pin Lithium-ion có thể tăng gấp đôi khả năng hoạt động của tàu ngầm và cải thiện đáng kể khả năng gia tốc cho các hoạt động tần suất cao, theo các chuyên gia từ Viện đào tạo Tàu ngầm Hải quân tại Thanh Đảo. Hạm đội tàu ngầm thông thường có thể sớm được nâng cấp, tận dụng lợi thế phát triển công nghệ trong ngành công nghiệp xe điện (EV) của quốc gia này.

Xem thêm tại: Asia Times, Power play: China’s submarines going lithium. Truy cập ngày 31/10/2022

Úc củng cố khả năng giám sát không gian do Mỹ hỗ trợ 

Australia đang tăng cường năng lực giám sát không gian với việc kích hoạt kính viễn vọng giám sát không gian của Mỹ, phát triển hệ thống cảm biến chiến thuật trên không gian và phóng hai vệ tinh tình báo quân sự. Những bước đi này theo sau việc thành lập Bộ Tư lệnh Không gian Quốc phòng Úc và chính phủ Úc cam kết chi 4,4 tỷ USD cho lĩnh vực quốc phòng không gian. Hệ thống cảm biến chiến thuật không gian đang được phát triển thông qua hợp đồng trị giá 2,7 triệu đô la Mỹ với Asension, một công ty kỳ cựu của Úc đứng đằng sau quá trình phát triển phần mềm Wombat.

Xem thêm tại: IDPF, Australia enhances space surveillance capabilities with U.S. assistance. Truy cập ngày 30/10/2022

Nhà Trắng cáo buộc Triều Tiên bí mật gửi đạn pháo cho Nga

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia nói hôm thứ Tư rằng Mỹ có thông tin cho thấy Triều Tiên đang bí mật cung cấp cho Nga một lượng “lớn” đạn pháo phục vụ cho cuộc chiến của Nga tại Ukraine. John Kirby nói Triều Tiên đang “cố gắng làm cho nó có vẻ như chúng đang được gửi đến các quốc gia ở Trung Đông hoặc Bắc Phi”. Ông từ chối cung cấp ước tính cụ thể về số lượng đạn dược được gửi đến Nga, nhưng lưu ý rằng Mỹ không tin “chúng có số lượng lớn đến mức có thể thay đổi cuộc chiến”.

Xem thêm tại: Defense News, North Korea covertly sending artillery to Russia, White House says. Truy cập ngày 3/11/2022

Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo vào vùng biển của Nhật 

Mốc thời gian sự kiện:

    • 28/10/2022: Triều Tiên phóng 2 quả tên lửa vào bờ đông của Hàn Quốc và hướng đến vùng biển của Nhật Bản.
    • 31/10/2022: Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận kết hợp quy mô lớn trên không.
    • 2/11/2022: Triều Tiên phóng gần 23 quả tên lửa đạn đạo – nhiều nhất trong một ngày – 1 quả lần đầu tiên rơi vào vùng bờ biển Hàn Quốc.
    • 3/11/2022: Triều Tiên tiếp tục phóng 3 quả tên lửa đạn đạo, trong đó 1 quả nghi bay qua phía bắc Nhật Bản.

Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC) và truyền thông quốc gia cho biết Triều Tiên đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía Biển Nhật Bản. “JCS cho biết họ đã phát hiện thấy các vụ phóng tên lửa từ khu vực Tongchon ở tỉnh Kangwon”, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin hôm thứ Sáu. Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết các tên lửa được bắn về phía lãnh hải Nhật Bản nhưng đã hạ cánh bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu một trong những cuộc tập trận không quân kết hợp lớn nhất của họ vào thứ Hai vừa qua, với hàng trăm máy bay chiến đấu của cả hai bên thực hiện các cuộc tấn công giả 24 giờ một ngày trong suốt một tuần. Không quân Mỹ cho biết, chiến dịch mang tên Cơn bão Tỉnh thức (Vigilant Storm) sẽ diễn ra cho đến thứ Sáu tuần này và có khoảng 240 máy bay chiến đấu thực hiện khoảng 1.600 phi vụ – số lượng nhiệm vụ cao nhất từ ​​trước đến nay.

Hôm thứ Năm ngày 2/11 Triều Tiên tiếp tục phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo trong đó có 1 quả khiến cho khu dân cư ở trung tâm và phía bắc Nhật Bản nhận cảnh báo phải tìm chỗ trú ẩn. Sự việc xảy ra sau khi Bình Nhưỡng phóng ít nhất 23 quả tên lửa trong một ngày. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết chính phủ đã mất dấu tên lửa đầu tiên trên vùng biển của nước này, khiến họ phải đính chính lại thông báo trước đó rằng nó đã bay qua Nhật Bản.

Xem thêm tại: Al Jazeera, North Korea fires two ballistic missiles towards Sea of Japan. Truy cập ngày 29/10/2022; Reuters, U.S. and South Korean warplanes begin largest ever air drills. Truy cập ngày 31/10/2022; Reuters, North Korea fires 23 missiles, one landing off South Korean coast for first time. Truy cập ngày 2/11/2022; SCMP, North Korea missile barrage continues as Japan tells residents to take shelter. Truy cập ngày 3/11/2022

Nhật Bản tìm cách tăng cường vũ trang và khả năng quân sự trong bối cảnh căng thẳng tại Đông Á leo thang

Nhật Bản đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với Mỹ nhằm mua tên lửa hành trình Tomahawk, tờ Yomiuri tường thuật hôm thứ Sáu dẫn từ các nguồn giấu tên trong chính phủ Nhật. Tomahawks có thể tấn công mục tiêu từ khoảng cách hơn 1.000 km, đưa các vùng của Trung Quốc và vùng Viễn Đông của Nga vào tầm bắn.

Các tên lửa tầm xa sẽ cho thấy một bước tiến lớn trong khả năng tấn công các đối thủ trong khu vực của Nhật. Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cho biết ông muốn cải thiện khả năng răn đe, đặc biệt trong bối cảnh sau khi Triều Tiên bắn một tên lửa bay qua Nhật Bản vào đầu tháng này và quân đội Trung Quốc tăng cường hoạt động gần Nhật Bản và Đài Loan.

Tiếp đó, Tokyo cũng bắt đầu chế tạo tàu ngầm để xem xét các vấn đề kỹ thuật gặp phải khi triển khai những chiếc có khả năng phóng tên lửa tầm xa vào năm 2024. Chính phủ Nhật đang xem xét việc sở hữu các năng lực phản công với mục đích phòng thủ nhằm phá hủy các cơ sở như điểm phóng tên lửa của kẻ thù. Nếu quá trình phát triển được tiến hành trên thực tế, tên lửa hành trình Tomahawk sẽ là một lựa chọn cho hệ thống tấn công của con tàu.

Song song với đó, các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết Tokyo cũng đang có kế hoạch thiết lập một bộ chỉ huy chung mới với Mỹ để giám sát ba đơn vị Lực lượng Phòng vệ và phối hợp cùng với quân đội Mỹ trong các trường hợp khẩn cấp. Động thái này được thực hiện nhằm gia tăng khả năng phối hợp giữa quân đội Nhật và Mỹ trước tình hình căng thẳng tại Đài Loan đang leo thang.

Xem thêm tại: Reuters, Japan in late-stage talks with U.S. for Tomahawk missile purchase. Truy cập ngày 29/10/2022; WSJ, Japan Considers Buying U.S. Tomahawk Missiles to Deter North Korea and China. Truy cập ngày 29/10/2022; Stars and Stripes, Japan eyes new sub to carry long-range missiles. Truy cập ngày 30/10/2022; Nikkei Asia, Japan to establish Self-Defense Forces ‘joint command’ in 2024. Truy cập ngày 31/10/2022

Việt Nam bỏ phiếu đồng thuận nghị quyết không tiến hành thử tên lửa chống vệ tinh có tính hủy diệt của Mỹ

Theo trang twitter của Phái đoàn Mỹ tại Hội nghị Giải trừ quân bị, 154 quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam, tại Hội nghị giải trừ quân bị đã bỏ phiếu đồng thuận nghị quyết của Mỹ nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết không tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa bay thẳng chống vệ tinh có tính hủy diệt (ASAT). Có 154 quốc gia bỏ phiếu thuận, 7 quốc gia bỏ phiếu chống (Trung Quốc, Nga, Belarus, Bolivia, Cuba, Iran, Nicaragua) và 10 quốc gia bỏ phiếu trắng. Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh Nga đe dọa bắn hạ vệ tinh Starlink do SpaceX vận hành hôm thứ Tư ngày 26/10 vừa qua.

Nguồn tin: USAmbCD – United States’ resolution on ASAT. Truy cập ngày 2/11/2022

Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc bắt đầu thực hiện tuần tra liên hợp

Báo QĐND cho biết sáng ngày 3/11 Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc bắt đầu thực hiện tuần tra liên hợp trên vùng biển lân cận đường phân định vịnh Bắc Bộ lần thứ hai năm 2022. Đại diện phía Việt Nam có biên đội tàu 8004 và 8003 do Đại tá Lương Cao Khải, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng Cảnh sát biển 1 làm trưởng đoàn. Về phía Trung Quốc có biên đội tàu 4304 và 4302 do đồng chí Hoàng Mẫn, Vụ trưởng Vụ Chấp pháp, Cảnh sát biển Trung Quốc làm trưởng đoàn. Đại tá Khải cho biết mục đích của cuộc tuần tra chung là nhằm duy trì trật tự và an ninh tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ, từ đó củng cố mối quan hệ hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam và Trung Quốc. Cuộc tuần tra này sẽ kéo dài từ ngày 3 – 6/11 trải dài phạm vi 13 điểm với khoảng cách 255,5 hải lý.

Xem thêm tại: VN Posten, Vietnam Coast Guard sets off to perform joint patrol missions. Truy cập ngày 4/11/2022; QĐND, Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc bắt đầu thực hiện tuần tra liên hợp. Truy cập ngày 4/11/2022

Châu Âu – Trung Đông:

Nga nói lực lượng Anh phá hủy đường ống Nord Stream, Anh phủ nhận cáo buộc

Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân nhân Anh cài thuốc nổ phá hủy đường ống khí ga Nord Stream vào tháng trước, một cáo buộc mà London cho rằng sai sự thật và được tạo ra nhằm đánh lạc hướng cho các thất bại quân sự của Nga tại Ukraine. Nga không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc rằng một thành viên hàng đầu của NATO đã phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga giữa cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ giữa phương Tây và Moscow kể từ sau Chiến tranh Lạnh. “Câu chuyện bịa đặt này nói lên những tranh luận đang diễn ra bên trong chính phủ Nga hơn là về phương Tây”, bộ trưởng quốc phòng Anh nói.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Russia says British forces blew up Nord Stream; UK denies claim. Truy cập ngày 30/10/2022.

Anh gửi phi công RAF đến huấn luyện đồng cấp Trung Quốc và cho phép sinh viên Trung Quốc gia nhập các trường cao đẳng quân sự Anh

Bộ Quốc phòng Anh đã cử các phi công thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh tới Trung Quốc để dạy một khóa học cho các đồng nghiệp Trung Quốc và cho phép công dân Trung Quốc theo học tại các trường cao đẳng quân sự của Vương quốc Anh. Có tới 4 phi công tuyến đầu đã tham gia ‘Khóa học tiếng Anh Hàng không’ ở Bắc Kinh diễn ra vào năm 2016, ít nhất 3 công dân Trung Quốc trải qua khóa đào tạo sĩ quan cơ bản tại trường cao đẳng của RAF tại Cranwell tại Lincolnshire. Sự việc diễn ra trong bối cảnh Anh mới đây cảnh báo về mối đe dọa khi Trung Quốc chiêu mộ các cựu phi công RAF đến đào tạo cho lực lượng không quân của nước này.

Xem thêm tại: Sky News, UK sent RAF pilots to teach Chinese counterparts and allowed students to attend British military colleges. Truy cập ngày 29/10/2022

TAI vận chuyển máy bay chiến đấu Hurkus-C đến Niger, Chad 

TAI (Công nghiệp Hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ) đã ký hợp đồng vận chuyển hai máy bay huấn luyện và chiến đấu cơ Hurkus-C đến Niger và ba chiếc đến Chad. Atilla Dogan, Phó tổng giám đốc TAI, nói rằng công ty sẽ giao máy bay cho Niger vào cuối năm nay và cho Chad vào quý đầu tiên của năm 2023. Các nguồn tin trong ngành cho biết giá của một chiếc Hurkus-C duy nhất khoảng 40 đến 50 triệu USD. Hợp đồng với Niger theo sau việc bán 12 máy bay Hurkus-B cho quốc gia châu Phi theo thỏa thuận được ký vào năm 2021.

Xem thêm tại: Defense News, TAI to deliver Hurkus-C combat aircraft to Niger, Chad. Truy cập ngày 28/10/2022

Chuyên mục Phân tích:

Chiến lược quốc phòng Mỹ của chính quyền Biden nhìn từ khía cạnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Ashley Townshend, chuyên gia chiến lược quốc phòng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đưa ra phân tích chiến lược quốc phòng Mỹ (NDS) mới được công bố từ góc nhìn khu vực

Theo Townshend, việc tiếp tục đặt Trung Quốc và Nga trở thành đối thủ cạnh tranh đòi hỏi phải chấp nhận rủi ro ở các khu vực khác, phụ thuộc nhiều hơn vào đồng minh / đối tác, và cải cách quy trình của Bộ Quốc Phòng (nghiên cứu & phát triển, nghiệm thu) và hệ sinh thái quốc phòng (kiểm soát xuất khẩu, đổi mới) đang suy yếu. Tuy chiến lược mới này ngắn gọn nhưng nắm bắt thông minh các yêu cầu để răn đe thành công Trung Quốc bao gồm chiến lược áp đặt chi phí tập thể (collective cost imposition), chống tiếp cận (denial), dẻo dai (resilience). Áp đặt chi phí tập thể là chiến lược thuyết phục đối thủ rằng cái giá phải trả khi thực hiện một hành động nào đó sẽ cao hơn rất nhiều so với lợi ích nhận được.

Thêm vào đó, chiến lược quốc phòng mới này không chỉ có Mỹ mà còn bao hàm các đồng minh của nước này. Townshend cho rằng Mỹ hoàn toàn không thể chặn đứng Trung Quốc cũng như đối mặt với các thách thức quốc phòng một mình, do đó ông nhấn mạnh vai trò của các đồng minh và đối tác của Mỹ như Nhật, Úc, Ấn Độ, Đài Loan và Hàn Quốc – các nước tuyến đầu trong kế hoạch phòng thủ tập thể này. Mỗi nước sẽ có vai trò riêng biệt, tuy nhiên xu hướng hiện nay hướng đến việc liên kết vai trò và nhiệm vụ, kết hợp lực lượng, củng cố năng lực và hỗ trợ cho việc quá trình triển khai sức mạnh của Mỹ.

Mặt khác, ông cho rằng cách mà Mỹ sử dụng cùng lúc thời gian, nguồn lực, và địa lý để ngăn chặn Trung Quốc trong “thập niên quyết định” vẫn còn mơ hồ. NDS cho thấy rằng Mỹ sẽ chấp nhận rủi ro trong thập niên tới nhằm xây dựng lợi thế quyết định trong thập niên 2030.

Cuối cùng, vấn đề của các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Thái Bình Dương ngày càng đáng quan ngại khi những nước này phải làm nhiều hơn để giảm bớt sự suy yếu tương đối của Mỹ. Vẫn còn rất nhiều điều cần phải phải làm rõ về NDS, ví dụ như sự mơ hồ của bản kế hoạch xây dựng lực lượng (những gì mà quân đội được sắp xếp và định hình để thực hiện), hay khoảng trống về rủi ro/khả năng quản lý leo thang của Mỹ.

Tổng hợp tại twitter: Ashley Townshend. Truy cập ngày 29/10/2022

Cuộc tấn công của Ukraine vào Hạm đội Biển đen của Nga tại Crimea dưới góc nhìn của chuyên gia phương Tây

Mick Ryan, cựu chuẩn tướng quân đội Úc vừa có bài phân tích trên twitter về cuộc không kích của Ukraine nhắm vào Hạm đội Biển đen của Nga tại vùng Sevastopol.

Theo ông, khả năng tấn công lực lượng Nga của Ukraine tiếp tục được mở rộng vượt ra ngoài khuôn khổ các chiến trường trên bộ. Các mục tiêu chiến lược và tác chiến giờ đây được đưa vào tầm ngắm của lực lượng Ukraine, và được củng cố bởi năng lực tình báo, các vũ khí phản kích tầm xa như HIMARS và các thiết bị không người lái (ví dụ như USV). Điều này gây áp lực lớn hơn lên quân đội Nga vốn đang phải chật vật cố thủ ở các khu vực đã chiếm của Ukraine.

Tiếp đó, Ukraine tiếp tục tập trung vào các mục tiêu quân sự, phát đi thông điệp chiến lược quan trọng đến Nga và đồng minh phương Tây rằng Ukraine đang nhắm đến lính Nga chứ không phải người dân Nga. Thêm vào đó, cuộc tấn công phô bày khả năng thích ứng của lực lượng Ukraine qua sự phát triển nhanh chóng khả năng phản công trên biển, ví dụ như việc tích hợp vũ khí mới như USV (tàu không người lái trên mặt nước) vào các khái niệm phản công về mặt chiến lược và tác chiến.

Về phía Nga thì sao? Ryan nhận định rằng cuộc tấn công cho thấy Nga không có khả năng thích ứng với các mối đe dọa công khai, và rằng Nga đang thể hiện sự cẩu thả trong việc điều quân. Mặc dù Moscow biết Ukraine đang phát triển các năng lực phản công mới, nhưng việc Nga sẽ sử dụng các thông tin này vào việc gì vẫn còn là một dấu hỏi. Ukraine và Nga đang ngày càng sử dụng nhiều hơn các hệ thống điều khiển từ xa hoặc tự động. Điều này cho thấy cả hai đang mở rộng phương thức chiến đấu trong cuộc chiến.

Sau cùng, ông gợi ý rằng cả hai bên phải đầu tư nhiều hơn vào hệ thống phòng không giúp khắc chế drone và các thiết bị tự hành. Mục tiêu là giảm chi phí và nhân lực để chúng rẻ hơn drone của kẻ địch. Cuộc chiến tại Ukraine sẽ là nơi thử nghiệm các hệ thống phòng không chống drone trong đó giảm chi phí sẽ là ưu tiên.

Tổng hợp tại twitter: Mick Ryan – Ukrainian attack on Russia’s Black Sea Fleet. Truy cập ngày 30/10/2022

Ưu và nhược điểm của việc triển khai máy bay B-52 tại Darwin 

Báo chí hai ngày qua nở rộ thông tin về việc Mỹ triển khai máy bay B-52 tại Darwin ở phía bắc Úc. Việc này hóa ra không có gì bất ngờ đến mức được coi như vấn đề an ninh khi các máy bay ném bom khổng lồ B-52 đã được triển khai trên Úc từ rất lâu. Tuy nhiên, theo chuyên gia Mick Ryan, vẫn có nhiều vấn đề đi cùng với việc triển khai các máy bay ném bom này.

Theo ông, sự hiện diện của B-52 có khả năng dẫn đến căng thẳng với các láng giềng của Úc ở phía Bắc, cụ thể là Indonesia. Tuy nhiên, các quan ngại của Indonesia rất có thể sẽ giống như những lần trước và sẽ nằm trong tầm kiểm soát của Úc. Tiếp đó, Úc cũng có khả năng trở thành mục tiêu trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào. Các năng lực trọng yếu của Mỹ đều do Úc tổ chức, ví dụ như vệ tinh Pine Gap. Sẽ không có biện pháp phòng thủ nào hoàn hảo mà sẽ luôn có rủi ro, vì thế củng cố khả năng phòng không của các căn cứ không quân và các căn cứ phòng thủ trọng yếu khác nên là ưu tiên hàng đầu của Úc. Mối lo ngại cuối cùng là sự hiện diện của B-52 có khả năng khiến Úc phải đưa ra cam kết với cuộc chiến tại Đài Loan trong tương lai hoặc trong bất cứ cuộc chạm trán nào của Mỹ với PLA. Dù không có hiệp định nào yêu cầu Úc hỗ trợ Mỹ trong xung đột, nhưng các lợi ích của Úc rất gần với Mỹ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, do đó việc có bất kỳ bước tiến nào đe dọa đến an ninh khu vực thì Úc cũng sẽ phải chung tay ngăn chặn bước đi đó.

Mặt khác, ông cũng cho rằng có nhiều lợi ích đi kèm trong động thái này. Lợi ích rõ ràng nhất đó là nguồn đầu tư sẽ đổ vào việc nâng cấp hệ thống hạ tầng của các căn cứ quân sự Úc, ví dụ như bến cảng hải quân tại Darwin, hay căn cứ không quân tại Tindal. Thêm vào đó, lực lượng phòng vệ Úc cũng sẽ có cơ hội làm việc cùng với lực lượng tinh nhuệ của Mỹ tại Tindal, từ đó nâng cao khả năng phòng thủ và chia sẻ tình báo trong tương lai. Cuối cùng, việc B-52 của Mỹ đóng tại khu vực Top End của Úc sẽ đặt dấu chấm hết cho các tranh luận về triển khai B-21. Triển khai B-21 với chỉ một mục tiêu là ném bom Trung Quốc, đây là năng lực vượt quá khả năng ngân sách cũng như không cần thiết đối với nước Úc.

Xem thêm tại: SMH, The pros and cons of hosting B-52s on our shores. Truy cập ngày 2/11/2022

Các tập đoàn an ninh tư nhân của Trung Quốc hợp lực bảo vệ ‘kế hoạch phá hoại khủng bố’ khi Tập Cận Bình tìm cách bảo vệ tài sản ở nước ngoài

Các nhà phân tích nhận định rằng các tập đoàn an ninh tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài sản có liên quan đến Sáng kiến Vành đai – Con đường (Belt and Road Initiative) sau khi ông Tập Cận Bình thảo luận về việc củng cố an ninh hải ngoại tại Đại hội 20.

Paul Nantulya, nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu chiến lược châu Phi tại Washington, cho rằng sự thay đổi mang tính chiến lược của Trung Quốc từ ẩn mình chờ thời đến tuyên bố vị thế lãnh đạo toàn cầu tạo tiền đề cho việc mở rộng hợp đồng an ninh ở nước ngoài của Trung Quốc.

Một số nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hòa Bình tại Frankfurt cũng chỉ ra rằng nguồn đầu tư của các dự án vành đai và con đường đang đổ dồn vào các nước không ổn định và xung đột như Pakistan, Myanmar, Nigeria và Sri Lanka. Aaron Magunna, chuyên viên phân tích tại Tổ chức Châu Âu về Nghiên cứu khu vực Đông Nam Á, nhận định Sáng kiến Vành Đai và Con đường đã tạo ra và giữ vững nhu cầu cho các công ty an ninh tư nhân ở nước ngoài. Ông chỉ ra rằng những dịch vụ như vậy cũng được sử dụng nhằm bảo vệ các tài sản có liên quan tới sáng kiến tại Đông Nam Á.

Với hơn 5.000 công ty an ninh đăng ký tại Trung Quốc và hơn 4 triệu nhân sự là các cựu quân nhân PLA và cựu cảnh sát, các công ty an ninh tư nhân có vị thế rất tốt để Bắc Kinh triển khai sức mạnh ra nước ngoài khi chính phủ Trung Quốc không có ý định triển khai PLA ở hải ngoại.

Xem thêm tại: SCMP, China’s private security firms to shield against ‘terrorist sabotage’ as Xi Jinping looks to protect overseas assets. Truy cập ngày 29/11/2022

Chuyên gia nói Đài Loan cần huấn luyện tốt hơn nếu muốn kéo dài nghĩa vụ quân sự bắt buộc

Kế hoạch kéo dài nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Đài Loan nhằm giảm thiểu tác động của tỷ lệ sinh thấp và đào tạo không đầy đủ cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng cho một cuộc xâm lược tiềm tàng của Trung Quốc đại lục.

Các chuyên gia quốc phòng Đài Loan cho biết để quân đội trở nên hiệu quả thì Đài Loan phải cải thiện đáng kể việc đào tạo lính nghĩa vụ thay vì chỉ tập trung vào việc kéo dài nghĩa vụ. Các chuyên gia của Mỹ cho rằng Đài Loan cần phải kéo dài và tăng cường nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Điều này có nghĩa các thanh niên Đài Loan, cả nam và nữ, phải phục vụ trong quân ngũ ít nhất một năm. Điều này càng được các giới chức và chuyên gia Mỹ đốc thúc trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, cũng như sự gia tăng căng thẳng với Trung Quốc sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi vừa qua.

Thêm vào đó, các chuyên gia cũng nhận định rằng việc kéo dài thời hạn nghĩa vụ sẽ giúp nâng cao kỹ năng chiến đấu và nâng cấp lực lượng trừ bị sau khi quân nghĩa vụ hoàn thành thời gian phục vụ và trở thành quân trừ bị. Tuy nhiên, Chieh Chung, nghiên cứu viên cấp cao tại Tổ chức Chính sách Quốc gia, cho rằng để kéo dài thêm một hay nhiều năm thì quân đội trước nhất cần phải đề cập đến các vấn đề như liệu có đủ nguồn lực huấn luyện, bao gồm địa điểm, cơ sở, và người hướng dẫn, hay không. Tiếp đó, ngay cả khi việc huấn luyện bao gồm tập luyện trên mặt đất, thì quân nghĩa vụ sẽ không thể học kỹ năng chiến đấu chuyên môn.

Xem thêm tại: SCMP, Better training needed if Taiwan extends mandatory military service, experts say. Truy cập ngày 31/10/2022

Các “Quân cờ chiến tranh” của ông Tập lãnh đạo quân đội Trung Quốc. Hàm ý cho Đài Loan

Những vị trí chính yếu của các “quân cờ chiến tranh” trong ban lãnh đạo quân sự Trung Quốc mới có khả năng ngụ ý một mối đe dọa chiến tranh với Đài Loan, dù các nhà phân tích gợi ý rằng lời ám chỉ của Tập Cận Bình về một cuộc sát nhập hòn đảo này trong hòa bình nên được đặt làm giá trị cốt lõi.

Ban lãnh đạo mới của Quân ủy Trung ương – cơ quan cao nhất phụ trách PLA – bao gồm một số sĩ quan được coi là “quân cờ chiến tranh” vì chuyên môn của họ trong các lĩnh vực then chốt khi đối mặt với bất kỳ cuộc xâm lược nào. Và điều đó làm gia tăng thêm lo ngại rằng chiến tranh có thể sắp xảy ra.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng chiến tranh không nhất thiết phải xảy ra. Các nhà phân tích cho biết sáu thành viên mới của Quân ủy Trung ương mà ông Tập lãnh đạo không giống như một “hội đồng chiến tranh”, mà đúng hơn là một cơ quan được thành lập để tiếp tục hiện đại hóa có phương pháp quân đội lớn nhất thế giới. James Char, nghiên cứu viên chương trình Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược tại Singapore, cho rằng trong tương lai gần khó có thể xảy ra một chiến tranh nóng tại châu Á, và PLA sẽ tiếp tục hoàn thành các mục tiêu quốc gia thông qua việc hoạt động ở mức độ dưới ngưỡng chiến tranh trong trung hạn.

Các nhà phân tích cũng cho thấy rằng ông Tập đang nỗ lực xây dựng năng lực quân sự liên hợp trong các hoạt động của PLA dọc eo biển Đài Loan. Bằng chứng cho việc này là sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi, PLA đã phô trương lực lượng trong một chiến dịch chung bao gồm sự tham gia của các đơn vị trên biển, trên không và tên lửa trong khi mô phỏng một cuộc phong tỏa hòn đảo.

Thêm vào đó, các chuyên gia nhận định rằng việc hiện đại hóa PLA vẫn còn rất nhiều khoảng trống và sẽ mất nhiều thời gian để lấp đầy các khoảng trống đó, vì vậy Trung Quốc vẫn khó có thể phát động một cuộc đổ bộ vào Đài Loan trong tương lai gần.

Xem thêm tại: CNN, Xi’s ‘action men’ now lead China’s military. Here’s what that means for Taiwan. Truy cập ngày 30/10/2022

Trung Quốc nâng cấp bộ ba hạt nhân trong bối cảnh Tập Cận Bình thúc đẩy răn đe chiến lược mạnh mẽ hơn

Trung Quốc dự kiến nâng cấp bộ ba hạt nhân, theo sau lời kêu gọi của ông Tập về một “hệ thống răn đe chiến lược vững chắc”.

Các nhà phân tích quốc phòng nhận định rằng cuộc chiến tại Ukraine và một trật tự thế giới đang ngày càng lung lay đã khiến Trung Quốc nhận ra rằng chỉ vũ khí thông thường là chưa đủ cho khả năng “răn đe chiến lược”.

Châu Trần Minh (Zhong Chenming), nghiên cứu viên về khoa học và công nghệ quân sự tại Bắc Kinh, cho rằng vũ khí thông thường bộc lộ nhiều điểm yếu, như trong cuộc chiến tại Ukraine. Mặt khác, nhà bình luận quốc phòng Tống Trung Bình (Song Zhongbing), nói rằng cuộc chiến tại Ukraine cho thấy bộ ba hạt nhân tối hậu của Nga bộc lộ khả năng răn đe khiến cho Mỹ và NATO không thể đối đầu trực diện với quân đội Nga và rằng đây là công cụ hữu hiệu nhất nhằm ngăn các cuộc chiến leo thang.

Thêm vào đó, ông Chu cho biết khả năng răn đe sẽ được gia tăng bằng việc phát triển máy bay thả bom tàng hình siêu thanh H6-N có thể mang theo tên lửa đạn đạo. Hiện tại, khả năng răn đe hạt nhân mạnh nhất của Trung Quốc bao gồm chuỗi tên lửa liên lục địa (IBCM) Đông Phong, bao gồm  DF-41 phóng trên đất liền, DF-31AG phóng trên các xe bánh lốp, và JL-2 phóng trên tàu ngầm, tất cả đều có khả năng nhắm tới lãnh thổ Mỹ.

Trong tương lai, việc phát triển máy bay ném bom chiến lược tàng hình siêu thanh H-20 có thể nâng cao hơn nữa năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Chu cũng nói rằng lựa chọn tốt nhất của Bắc Kinh là nâng ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, hơn là mở rộng kho vũ khí hạt nhân và kích động một cuộc chạy đua vũ trang. Châu Ba (Zhou Ba), nghiên cứu viên cấp cao của Việt An ninh và Chiến lược Quốc tế Đại học  Thanh Hoa, cũng cho rằng Trung Quốc nên hiện đại hóa khả năng đảm bảo kho vũ khí hạt nhân của mình tuy nhỏ nhưng hiệu quả trong việc tạo đủ khả năng răn đe.

Xem thêm tại: SCMP, Upgrades for China’s nuclear triad as Xi Jinping pushes for stronger strategic deterrence: analysts. Truy cập ngày 30/10/2022

Lý do Triều Tiên thử nghiệm quá nhiều tên lửa 

Các chuyên gia cho rằng hàng trăm máy bay chiến đấu của Hàn Quốc và Mỹ tấn công giả lập trong quá trình tập luyện có vẻ là lý do hàng đầu dẫn đến việc Triều Tiên thử nghiệm số lượng tên lửa kỷ lục tuần này, tuy nhiên Bình Nhưỡng cũng có thể gia tăng căng thẳng trước cuộc thử nghiệm hạt nhân.

Mason Richey, giáo sư về Nghiên cứu Đối ngoại tại trường đại học Hankuk, nhận định rằng Triều Tiên không thích những cuộc tập trận kết hợp lớn trên không, đặc biệt sau khi Seoul sử dụng các chiến đấu cơ F-35. Thêm vào đó, Triều Tiên cũng thử nghiệm và phô diễn vũ khí của mình vì một vài lý do khác, bao gồm các tiến triển về mặt kỹ thuật, giá trị tuyên truyền, huấn luyện khả năng và công tác sẵn sàng của phi đội, và cho thấy rằng khả năng răn đe.

Takashi Kawakami, giáo sư tại Đại học Takushoku ở Tokyo, và Adam Mount, giám đốc Dự án Tình thế Phòng thủ, cho rằng Triều Tiên đang nhắm tới việc củng cố khả năng răn đe của mình. Việc phóng đồng thời tên lửa tầm ngắn và tầm xa cùng các vũ khí khác là đáng quan ngại vì chúng cho thấy Triều Tiên đang thực hiện kế hoạch tấn công các mục tiêu xa xôi của Mỹ trong một cuộc xung đột trên bán đảo.

Các chuyên gia cũng nhận thấy rằng các cuộc thử nghiệm không giống phản ứng thông thường đối với các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh. Mount cũng cho rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chọn tiến hành một vụ thử hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vì một số lý do, bao gồm gia tăng tác động của vụ thử, định hình cách Mỹ và các đồng minh nhận thức về cuộc thử nghiệm, làm loãng phản ứng quốc tế hoặc giúp Bình Nhưỡng xoa dịu Trung Quốc. Yang Moo-jin, giáo sư Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên tại Seoul, nói rằng Kim muốn gia tăng ủng hộ trong nước cho chính phủ của ông trong thời kỳ kinh tế khó khăn và cho thấy rằng khi chạm đến các vấn đề của bán đảo Hàn Quốc thì ông sẽ ngồi hàng ghế đầu.

Xem thêm tại: Reuters, Why is North Korea testing so many missiles? Truy cập ngày 3/11/2022