Thế giới hôm nay: 07/11/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của Liên Hợp Quốc đã khai mạc tại Ai Cập với việc các đại biểu nhất trí bàn về vấn đề bồi thường cho các thiệt hại biến đổi khí hậu mà các nước nghèo phải chịu đựng. Đây là lần đầu tiên chủ đề gây tranh cãi này được chính thức đưa vào chương trình nghị sự của COP. Các nước giàu, những thủ phạm chính phát thải ra khí nhà kính, trước đây luôn lảng tránh vấn đề này.

Truyền thông nhà nước Iran đưa tin gần 230 nghị sĩ quốc hội đã ký một tuyên bố yêu cầu cơ quan tư pháp của nước này “xử lý dứt khoát” bất kỳ ai biểu tình chống chế độ. Tình trạng bất ổn tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố Iran hôm Chủ nhật, với các nhà hoạt động nói lực lượng an ninh đã nổ súng vào đám đông ở Marivan thuộc tỉnh Kurdistan, ngay sau đám tang của Nasrin Ghaderi, một người biểu tình thiệt mạng hôm thứ Bảy.

Các quan chức thân Nga ở Kherson, miền nam Ukraine, nói thành phố đã mất nguồn cung điện nước vì “các hoạt động phá hoại.” Thông báo được đưa ra trong bối cảnh có tin đồn Nga rút quân khỏi thành phố về bờ đông sông Dnieper. Trong khi đó, Ukraine tuyên bố Nga đang phá hủy tàu thuyền dân sự trên sông, nhiều khả năng là để cản quân Ukraine vượt sông.

Các đời tổng thống Mỹ đồng loạt tổ chức các cuộc mít tinh ở bang Pennsylvania trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào thứ Ba tuần này. Barack Obama và Joe Biden cùng xuất hiện ở Philadelphia, nơi ông Obama nói với các đảng viên Dân chủ rằng “lá phiếu của bạn [sẽ quyết định] sự thật, logic, lý trí, và sự tử tế cơ bản.” Trong khi đó ở đông nam thành phố Pittsburgh, Donald Trump kêu gọi các cử tri Cộng hòa ngăn cản “sự hủy diệt của đất nước chúng ta.”

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết củng cố năng lực quốc phòng của đất nước, và tuyên bố Nhật phải sẵn sàng tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng. Ông nhắc đến các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên và cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Thông điệp của ông là một dấu hiệu cho thấy các ưu tiên chính sách đang thay đổi ở Nhật Bản, nơi mà chủ nghĩa hòa bình đã trở thành nguyên tắc chính trị căn bản kể từ sau Thế chiến II.

Trung Quốc ghi nhận 4.420 ca nhiễm covid-19 mới theo ngày, cao nhất kể từ tháng 5. Hôm thứ Bảy, các quan chức đã một lần nữa khẳng định kiên trì cách tiếp cận zero-covid, theo đó sẽ tiến hành phong tỏa nghiêm ngặt nếu xuất hiện ổ dịch mới. Thị trường đã tăng trong những ngày gần đây với hy vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng hạn chế covid, vốn đang làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Người đứng đầu cao ủy nhân quyền của Liên Hợp Quốc kêu gọi Elon Musk đảm bảo “nhân quyền là trọng tâm trong việc quản trị Twitter.” Trong một bức thư ngỏ, Volker Turk viết: “Các báo cáo cho thấy toàn bộ nhóm phụ trách nhân quyền của công ty bị sa thải không phải là một ‘khởi đầu đáng khích lệ.’” Trước đó, ông Musk tuyên bố Twitter “không có lựa chọn nào khác” ngoài việc sa thải hàng loạt vì nền tảng truyền thông xã hội đang lỗ tới 4 triệu đô la mỗi ngày.

Con số trong ngày: 180kWh một năm, là lượng điện tiêu thụ trung bình của một người dân châu Phi cận Sahara (không bao gồm Nam Phi), ít hơn mức tiêu thụ điện của một chiếc tủ lạnh trung bình ở Mỹ.

TIÊU ĐIỂM

Một ngày nữa là đến bầu cử giữa kỳ ở Mỹ

Cứ hai năm một lần người Mỹ lại đi bỏ phiếu chọn dân biểu và thượng nghị sĩ. Nhưng cuộc bầu cử năm nay, diễn ra vào thứ Ba, có tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi phòng họp quốc hội. Có tên trên lá phiếu còn là ứng viên cho các cơ quan lập pháp bang, nơi quyết định hầu hết các chính sách ở Mỹ. Người dân sẽ bầu thị trưởng, thống đốc và thẩm phán — với các hệ thống bỏ phiếu rất đa dạng theo từng địa phương. Năm nay các vấn đề trọng tâm sẽ là quyền phá thai và quyền bầu cử, bên cạnh nhiều vấn đề khác. Bầu cử giữa kỳ luôn là một cuộc thực thi dân chủ rất lớn.

Nhưng nền dân chủ Mỹ đang bị một số đảng viên Cộng hòa đặt câu hỏi. Năm nay có rất nhiều ứng viên cho rằng cuộc bầu cử tổng thống 2020 là gian lận và Donald Trump mới là tổng thống hợp pháp. Nhiều trong số họ đang tranh cử cho các chức vụ địa phương, chẳng hạn như thư ký bang vốn có nhiệm vụ giám sát bầu cử. Chiến thắng của họ ở các bang chiến trường như Arizona và Michigan do đó sẽ quyết định trực tiếp tiến trình bầu cử trong tương lai. Dù còn hai năm nữa nhưng bầu cử tổng thống 2024 đã phủ bóng lên chính trị Mỹ.

Triển vọng thương mại toàn cầu theo WTO

Vào thứ Hai Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ công bố báo cáo thường niên của họ về thương mại toàn cầu, trong đó phần lớn được thực hiện thông qua hệ thống được WTO giám sát. Đây là một thời điểm rất đáng quan ngại. Thương mại hàng hóa toàn cầu đã tăng bật trở lại sau suy thoái 2020 dù vẫn còn nhiều vấn đề về chuỗi cung ứng. Năm 2021, tỉ trọng của thương mại trên GDP toàn cầu thậm chí lên mức cao nhất kể từ năm 2014 và tiếp tục tăng trong năm 2022, theo ước tính hiện tại của WTO.

Nhưng có nhiều rắc rối phía trước. Trong năm tới tăng trưởng dự kiến ​​sẽ chậm lại đáng kể; với Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đều có nguy cơ suy thoái. Chủ nghĩa bảo hộ cũng ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, Trung Quốc và phương Tây đang tìm cách giảm phụ thuộc lẫn nhau về tài nguyên và công nghệ quan trọng. Và chính sách công nghiệp mới của Mỹ — bao gồm các quy tắc “Mua hàng Mỹ” được viết trong luật khí hậu mới — đã khiến nhiều đối tác thương mại cả Âu và Á lo lắng. Có lẽ cú phục hồi ngoạn mục sau đại dịch cũng sẽ là lần ăn mừng cuối cùng.

Ukraine nhận nhiều vũ khí phòng không từ phương Tây

Trong những ngày tới, Ukraine sẽ nhận được hai hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS do Kongsberg, một công ty hàng không vũ trụ Na Uy, và tập đoàn Raytheon của Mỹ đồng phát triển. Tháng trước, Ukraine đã nhận một hệ thống phòng không IRIS-T tiên tiến từ Đức, đi kèm lời hứa viện trợ thêm ba hệ thống nữa. Slovakia cũng đã cung cấp một dàn tên lửa từ nhiều tháng trước.

Những vũ khí như vậy đang giúp Ukraine phòng thủ hiệu quả. Tại thời điểm ngày 10 tháng 10, gần một nửa số tên lửa và máy bay không người lái của Nga đi qua được hệ thống phòng thủ của Ukraine; giờ đây nước này tuyên bố bắn hạ hơn 80% số tên lửa và máy bay không người lái. Dù vậy, trong tháng qua các cuộc tấn công của Nga đã phá hủy hoặc làm hư hại tới 40% cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước, gây mất điện trên diện rộng. (Ukraine thậm chí có kế hoạch sơ tán thủ đô Kyiv trong trường hợp mất điện kéo dài.) Hiện Mỹ muốn tăng tốc độ bàn giao thêm sáu hệ thống NASAM. Người Ukraine sẽ đếm từng ngày đến ngày bàn giao.

BioNTech sắp công bố kết quả quý

BioNTech, công ty công nghệ sinh học Đức có sản phẩm vắc-xin covid-19 hợp tác với Pfizer, sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 3 vào thứ Hai. Các con số của công ty sẽ cho thấy tương lai của các hãng vắc-xin một khi đại dịch qua đi. Tập đoàn Mỹ Pfizer đã đánh bại kỳ vọng vào tuần trước khi báo cáo doanh thu quý 3 lên tới 22,6 tỷ USD. CEO của Pfizer Albert Bourla cho biết: “Chúng tôi tin rằng mảng dược phẩm covid-19 sẽ vẫn tạo ra doanh thu hàng tỷ đô la cho công ty trong tương lai gần.” Tuy nhiên, hãng dược Moderna của Mỹ lại có kết quả kém với lý do các vấn đề sản xuất phức tạp, và đã phải loại bỏ 333 triệu đô la hàng tồn kho hết hạn.

Moderna, Pfizer và BioNTech đã tăng giá các sản phẩm covid-19 để bù đắp nhu cầu giảm trong tương lai, ​​và đang đứng dưới áp lực phải đa dạng hóa danh mục thuốc. BioNTech cũng kỳ vọng thúc đẩy doanh số bán hàng với liều tiêm nhắc covid mới, vốn đã chứng tỏ hiệu quả hơn trước biến thể omicron so với phiên bản nghiên cứu cùng Pfizer. Nhưng khi coronavirus không còn dẫn đầu chương trình nghị sự của các chính phủ, vắc-xin covid sẽ không thể tạo ra lợi nhuận trong trong thời gian dài.