Thế giới hôm nay: 18/11/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bộ trưởng tài chính Anh Jeremy Hunt công bố dự thảo ngân sách đến năm 2027-28 trị giá 62 tỷ bảng Anh (73 tỷ USD), tức 2,1% GDP, trong đó bao gồm các gói cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Ông kỳ vọng nó sẽ giúp khôi phục uy tín tài chính của Anh vốn bị người tiền nhiệm của ông làm cho sụp đổ bằng chương trình giảm thuế vô căn cứ. Nằm trong dự thảo là việc đóng băng các ngưỡng thuế đối với thuế thu nhập, bảo hiểm quốc gia và thuế thừa kế, đồng nghĩa người nộp thuế sẽ phải đóng cao hơn nếu được tăng lương. Lương hưu, phúc lợi và tín dụng thuế quốc gia sẽ tăng 10,1%, bằng với tỷ lệ lạm phát của tháng 9. Ngân sách của hầu hết các cơ quan chính phủ sẽ tăng chậm hơn lạm phát.

Nancy Pelosi từ chức vai trò lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, vị trí mà bà đã giữ từ năm 2003. Bà Pelosi, người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một trong hai đảng lớn ở Quốc hội Mỹ, sẽ tiếp tục là nghị sĩ đại diện cho California. Trước đó, phe Cộng hòa đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, qua đó đẩy người thay thế bà Pelosi xuống vị trí lãnh đạo thiểu số.

Một tòa án Hà Lan phán quyết rằng chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines rơi hồi năm 2014 ở Ukraine đã bị các lực lượng thân Nga bắn trúng bằng một hệ thống tên lửa do Nga sản xuất. Hai người Nga và một người Ukraine đã bị kết tội giết người vì bắn rơi chiếc máy bay chở khách khiến 298 người thiệt mạng. Cả ba người đều bị kết án chung thân vắng mặt.

Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc công bố tăng trưởng yếu trong quý 3 với doanh thu đạt 207 tỷ nhân dân tệ (29 tỷ USD), chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là vì chính sách zero covid của Trung Quốc khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Năm nay dịp lễ mua sắm “Ngày độc thân” 11 tháng 11 đã trôi qua ảm đạm khác thường.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres xác nhận thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển giữa Nga và Ukraine sẽ được gia hạn thêm 120 ngày, bất chấp lệnh phong toả hiện tại của Nga. Ông cũng cho biết LHQ “hoàn toàn cam kết” tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga. Nga muốn xuất khẩu amoniac, một thành phần quan trọng trong phân bón, qua đường ống dẫn đến cảng Odessa của Ukraine.

Truyền thông nhà nước Myanmar cho biết chính quyền đã trả tự do cho gần 6.000 trong tổng số hơn 16.000 người bị bắt kể từ cuộc đảo chính tháng 2 năm 2021. Trong số những người được trả tự do có một cựu nhà ngoại giao Anh và ba công dân nước ngoài khác. Dù vậy, cuộc chiến của chế độ với những người đấu tranh dân chủ và các nhóm sắc tộc có vũ trang vẫn tiếp diễn, để mặc nền kinh tế lụn bại.

Elon Musk hứa giảm thời gian làm việc tại Twitter và cuối cùng sẽ bổ nhiệm một giám đốc mới cho mạng xã hội. Cổ phiếu của Tesla, công ty sản xuất xe điện của ông Musk, gần đây đã đi xuống khi các nhà đầu tư không hài lòng về thời gian ông bỏ ra cho Twitter, công ty được ông mua lại với giá 44 tỷ USD vào tháng trước. Trước đó, ông Musk đã gửi tối hậu thư cho nhân viên Twitter: sẵn sàng làm việc “căng” hoặc ra đi.

Con số trong ngày: gần 3 nghìn tỷ đô la, là mức đỉnh giá trị của toàn thị trường tiền điện tử vào năm ngoái. Hôm nay con số này chỉ còn 830 tỷ đô la.

TIÊU ĐIỂM

COP27 vẫn chưa có đột phá nào

Hội nghị khí hậu COP27 của Liên Hợp Quốc tại Ai Cập theo lịch sẽ bế mạc vào thứ Sáu. Nhưng khó có thể kỳ vọng các cuộc đàm phán kết thúc đúng thời hạn, nhất là vì đã bị đình trệ suốt hai tuần qua. Cho đến tối thứ Năm, tất cả những gì có được từ hội nghị thượng đỉnh là một bản phác thảo dài 20 trang về các đề xuất cho kế hoạch khí hậu toàn cầu, trong đó hầu hết mọi thứ vẫn chưa được hoàn thiện.

COP thường chạy quá giờ. Cả COP21, hội nghị ký kết Thỏa thuận Paris, và COP26 ở Glasgow năm ngoái đều kéo dài thêm một ngày. Hơn nữa đàm phán năm nay diễn ra đặc biệt chậm chạp.

Tranh chấp lớn nhất là về quỹ “tổn thất và thiệt hại”. Các nước nghèo muốn các nước giàu phải bồi thường thiệt hại do nhiệt độ tăng. Ngoài ra còn có tranh luận về việc liệu các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh có nên cam kết giảm dần việc sử dụng “tất cả nhiên liệu hóa thạch,” mà trong đó bao gồm cả khí đốt tự nhiên vốn sạch hơn các loại nhiên liệu khác. Không có nhiều hy vọng cho một kết quả thực chất.

APEC khai mạc thượng đỉnh ở Bangkok

Các nước châu Á đã tổ chức liên tiếp ba hội nghị thượng đỉnh trong những tuần gần đây. Sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Campuchia và G20 tại Indonesia sẽ là thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Thái Lan. Trong hội nghị kéo dài ba ngày, 21 thành viên của APEC dự kiến ​​sẽ phê chuẩn một kế hoạch hành động khí hậu mang tên “Các mục tiêu Bangkok.” Dù đây là tin đáng hoan nghênh, vẫn còn đó hai vấn đề quan ngại.

Đầu tiên là về nền kinh tế toàn cầu. Các nước nhỏ hơn trong APEC lo ngại suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến Mỹ và Trung Quốc, các đối tác thương mại chính của họ. Và cũng như nhiều nơi khác, các chính phủ ở Châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với lạm phát gia tăng.

Mối lo thứ hai là liệu Mỹ và Trung Quốc, hai thành viên lớn nhất của APEC, có thể hợp tác một cách đáng tin cậy trong thời đại cạnh tranh chiến lược hay không. Và dù chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có tham dự, tổng thống Mỹ Joe Biden đã về nước (phó tổng thống Kamala Harris sẽ thay ông). “Châu Á-Thái Bình Dương không phải là sân sau của ai cả, và không nên trở thành chiến trường cho một cuộc tranh giành quyền lực,” ông Tập tuyên bố hôm thứ Năm. Ước gì mọi chuyện đơn giản như ông nói.

Ông Lavrov về Nga sau khi rời G20 sớm

Vào thứ Sáu, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thảo luận về “môi trường địa chính trị mới” tại cuộc họp ở Moscow của Hội đồng Lãnh đạo Các Chủ thể của Liên bang Nga, một hội đồng gồm các thống đốc và quan chức cấp cao khu vực. Hầu hết các thống đốc đều hết sức trung thành với tổng thống Vladimir Putin, và do đó sẽ chào đón ông Lavrov một cách ấm áp sau một tuần đầy thử thách tại thượng đỉnh G20 ở Bali. (Ông Putin từ chối lời mời và cử ông đi thay.)

Các nhà lãnh đạo phương Tây tại G20 đã thể hiện rõ quan điểm của họ đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Nhưng ông Lavrov sẽ quan tâm đến nhận xét của các lãnh đạo vốn mập mờ hơn về vấn đề này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một đồng minh quan trọng của ông Putin, đã chỉ trích các hành vi “vũ khí hóa” lương thực và năng lượng, một ám chỉ rõ ràng về những hậu quả kinh tế đau đớn của chiến tranh. Việc Nga hôm thứ Năm đồng ý gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen có thể giúp xoa dịu những lo ngại của ông Tập. Nhưng những người bạn của Nga đang ngày càng mất kiên nhẫn.

Brazil bước đầu thay đổi chính sách khí hậu

Phải đến ngày 1 tháng 1 năm sau Luiz Inácio Lula da Silva mới chính thức nhậm chức tổng thống Brazil—chức vụ ông lần đầu nắm giữ cách đây gần 20 năm. Nhưng tân tổng thống đã bắt đầu các chuyến công du ngoại giao của mình. Hôm thứ Tư, ông đã ở Ai Cập để phát biểu tại COP27, hội nghị khí hậu của LHQ. Lula cho biết “Brazil đã trở lại” và cam kết chống nạn phá rừng ở Amazon. Và đến thứ Sáu, ông tới Lisbon để dự hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên giữa Brazil và Bồ Đào Nha kể từ năm 2016.

Cách tiếp cận chính sách đối ngoại và môi trường của ông Lula khác biệt rõ rệt so với đương kim tổng thống Bolsonaro, người đã thất bại trong cuộc bầu cử tháng 10. Ông Bolsonaro không tham dự hai hội nghị COP trước đó và nạn phá rừng ở Amazon đã tăng vọt 73% trong giai đoạn 2018-2021 khi ông làm tổng thống. Trong khi ông Bolsonaro từ chối mọi sự giúp đỡ từ bên ngoài để bảo vệ rừng nhiệt đới, ông Lula yêu cầu được hỗ trợ. Và ông ngay lập tức được đền đáp: sau cuộc bầu cử của Lula, Đức và Na Uy cho biết sẽ một lần nữa đóng góp vào “Quỹ Amazon” được Brazil dùng cho mục đích bảo tồn.