Chuyển động Quốc Phòng (11/11 – 17/11/2022)

Print Friendly, PDF & Email

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi

Chuyên mục Phân tích

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Tên lửa được cho là S-300 rơi xuống Ba Lan khiến hai người chết

Tối thứ Ba vừa qua, chính phủ Ba Lan đã triệu tập một hội nghị an ninh khẩn cấp sau khi có thông tin cho rằng hai người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng tên lửa ở vùng nông thôn Ba Lan gần Ukraine. Chính phủ Ba Lan cho biết các tên lửa rơi xuống khiến hai người chết là S-300 được làm từ Nga. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo của Ba Lan và NATO cho biết tên lửa giết chết hai người trên lãnh thổ Ba Lan hôm thứ Ba có khả năng được bắn bởi lực lượng Ukraine khi đang phòng vệ trước một loạt các cuộc tấn công của Nga và vụ việc dường như là một tai nạn.

Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky cho biết hôm thứ Tư rằng ông không tin tên lửa được phóng bởi lực lượng của mình và kêu gọi các chuyên gia Ukraine tham gia vào cuộc điều tra. Trong cùng ngày người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết rằng Nga không có “bất kỳ mối liên hệ nào” với sự cố tên lửa ở Ba Lan và rằng một số nhà lãnh đạo đã đưa ra những tuyên bố mà chưa hiểu điều gì đã thực sự xảy ra. Sau khi Ba Lan loan báo về vụ việc, các nhà lãnh đạo G-7 cùng với tổng thư ký NATO và người đứng đầu Hội đồng châu Âu lập tức triệu tập một cuộc họp khẩn về tình hình. Các cuộc điều tra vẫn đang được chính phủ Ba Lan thực hiện cùng với sự hỗ trợ của Mỹ nhằm làm rõ trách nhiệm của các bên.

Xem thêm tại: UK Defence, Russian missiles reportedly hit Poland, killing two people. Truy cập ngày 16/11/2022; CNN, NATO say missile that killed two likely fired by Ukraine defending against Russian attack. Truy cập ngày 17/11/2022

EU triển khai sứ mệnh huấn luyện quân sự cho lực lượng vũ trang Ukraine

EU tăng cường hỗ trợ Ukraine bằng cách khởi động một sứ mệnh hỗ trợ quân sự cho quân đội Ukraine. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói hôm thứ Ba rằng sứ mệnh này là một phản ứng trực tiếp đối với yêu cầu hỗ trợ của Ukraine và nói rằng có tới 15.000 binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện ở các quốc gia thành viên châu Âu khác nhau. Phó Đô đốc người Pháp Hervé Bléjean dẫn đầu sứ mệnh và các bộ trưởng quốc phòng EU cũng đồng ý phân bổ 16,5 triệu USD cho Quỹ Hòa bình Châu Âu (EPF) để hỗ trợ sứ mệnh trong 24 tháng.

Xem thêm tại: Al Jazeera, EU launches military training mission for Ukraine’s armed forces. Truy cập ngày 16/11/2022

Mỹ gửi tên lửa đất đối không HAWK tới Ukraine như một phần của gói viện trợ quân sự mới

Các tên lửa HAWK của Mỹ, sẽ được tân trang lại bằng cách sử dụng quỹ của Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine. Các tên lửa này sẽ bổ sung cho cam kết gần đây của Tây Ban Nha về việc chuyển giao các bệ phóng HAWK cho Ukraine. Sau khi các tên lửa được tân trang lại, chúng sẽ được ghép nối với các bệ phóng của hệ thống HAWK do Tây Ban Nha cung cấp.

Do Nga tiếp tục tiến hành không kích nhắm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, việc tiếp tục nâng cấp năng lực phòng thông cho nước này là cần thiết. HAWK là hệ thống tên lửa dẫn đường đất đối không tầm trung do Mỹ sản xuất, chống lại các mục tiêu bay độ cao thấp tới trung bình. Đây là hệ thống phòng không đi dộng, có thể hoạt động dưới mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm. HAWK được phát triển từ những năm 1950, đưa vào trang bị những năm 1960, và liên tục được nâng cấp từ những năm 1970. Thế hệ tên lửa HAWK mới nhất, MIM-23B có tầm bắn đối thiểu 1,5 km, tối đa 35 km, độ cao bắn tối thiểu 60m, và tối đa là 18.000m, cùng đầu đạn văng mảnh nặng 75 kg.

Xem thêm tại: Army Recognition, US sends surface-to-air Hawk missiles to Ukraine as part of a new military aid. Truy cập ngày 12/11/2022

Thụy Điển gửi gói viện trợ nhân đạo và quân sự kỷ lục trị giá 287 triệu USD đến Ukraine

Vào ngày 16 tháng 11 năm 2022, chính phủ Thụy Điển thông báo sẽ đưa ra gói viện trợ mùa đông cho Ukraine. Đây là gói viện trợ lớn nhất cho đến nay bao gồm hỗ trợ quân sự, nhân đạo và khôi phục các cơ sở hạ tầng quan trọng. Gói hỗ trợ quân sự mới bao gồm hệ thống vũ khí tiêu chuẩn phòng không bao gồm đạn tiêu chuẩn, cũng như đạn tiêu chuẩn cho các hệ thống phòng không bổ sung, xe địa hình cá nhân, thiết bị cá nhân bao gồm thiết bị mùa đông và bảo vệ cơ thể, thiết bị ngắm, lều và lưới che.

Xem thêm tại: Army Recog, Sweden to send record-breaking military and humanitarian aid package to Ukraine worth USD 287 Mn. Truy cập ngày 17/11/2022

Ukraine gây quỹ để chế tạo máy bay không người lái hàng hải

Harry Lye, phóng viên chiến trường hải quân cho biết trên twitter hôm thứ Bảy vừa qua Ukraine phát động chiến dịch gây quỹ để chế tạo ít nhất 100 chiếc USV đa năng. Những chiếc USV này sẽ được sử dụng để bảo vệ vùng biển của Ukraine, ngăn chặn các tàu chở tên lửa của Nga rời khỏi vịnh, bảo vệ các tàu buôn và thực hiện các nhiệm vụ bí mật. Các USV có chiều dài 5,5m, nặng tới 1000kg và có bán kính hoạt động 400k với giá 250,000 USD một chiếc có thể thực hiện tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) hàng hải tầm xa, hộ tống các tàu truyền thống, tàu buôn vận tải và có khả năng bắn pháo trực tiếp.

Tổng hợp tại: Twitter, Everything we know about Ukraine’s maritime drones. Truy cập ngày 12/11/2022

Lính Nga nhận áo giáp mới từ Iran

Các tài khoản blogger quân sự Nga chia sẻ các bức ảnh về áo khoác chống đạn Rouin-3 với các tấm gốm NIJ IV và mũ bảo hiểm NIJ II, cả hai đều do Milad Industrial của Iran sản xuất. Theo một số báo cáo, Iran đang tiếp tục mở rộng doanh số bán sản phẩm quốc phòng sang Nga với mũ bảo hiểm và áo giáp. Vào giữa tháng 10, Tổng cục Tình báo Ukraine cũng tuyên bố rằng Nga sẽ nhận được 1.500 bộ áo giáp và nhiều mũ bảo hiểm tương tự do Iran sản xuất. Moscow cũng đã nhận được một số lượng đạn dược không xác định.

Xem thêm tại: Defence Blog, Russian Soldiers get new body armor from Iran. Truy cập ngày 17/11/2022

Hàn Quốc bán vũ khí cho Mỹ nhằm viện trợ cho lực lượng Ukraine chống lại Nga

Quan chức Mỹ cho biết Washington dự định mua 100.000 quả đạn pháo 155mm do Hàn Quốc sản xuất nhằm viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga mặc dù Hàn Quốc khẳng định giữ nguyên chính sách không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine và hy vọng người sử dụng số đạn này sẽ là Mỹ. Quan chức giấu tên nói thêm rằng quỹ Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) có thể được sử dụng để mua đạn, nhưng liệu chúng có được vận chuyển qua lãnh thổ Mỹ hay không vẫn chưa rõ.

Xem thêm tại: Al Jazeera, US to buy South Korea artillery shells ‘for Ukraine’. Truy cập ngày 12/10/2022

Ý chuẩn bị vận chuyển vũ khí mới cho Ukraine

Các báo cáo truyền thông Ý cho biết Ý có kế hoạch gửi vũ khí phòng không cho Ukraine, có thể bao gồm cả hệ thống SAMP/T. SAMP/T là hệ thống chống tên lửa chiến thuật đặt trên xe tải được thiết kế để chống lại tên lửa hành trình, máy bay có người lái và không người lái, cũng như tên lửa đạn đạo chiến thuật. Rome đang chuẩn bị cho đợt điều động vũ khí thứ sáu tới Ukraine kể từ khi Nga xâm lược nước này vào tháng Hai.

Xem thêm tại: Defense News, Italy preps new Ukraine arms shipment. Is SAMP/T air defense included? Truy cập ngày 12/11/2022

Tân binh Ukraine tham gia trại huấn luyện của Anh để chuẩn bị chiến đấu

Chương trình huấn luyện bắt đầu từ tháng 6 do Anh dẫn đầu bao gồm các giảng viên từ tám đồng minh phương Tây cho đến nay đã huấn luyện 7.000 binh sĩ Ukraine, thêm 3.000 binh sĩ khác sẽ kết thúc khóa huấn luyện vào dịp Giáng sinh. Một sáng kiến ​​tương tự của EU sẽ bắt đầu trong tháng này nhằm huấn luyện 15.000 binh sĩ ở Đức và Ba Lan. Các bài huấn luyện tuy do Anh thiết kế nhưng được điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu ở tiền tuyến Ukraine, bao gồm huấn luyện về vũ khí, chiến thuật chiến trường cơ bản như các chiến thuật thọc sườn và an ninh mạng.

Xem thêm tại: Financial Times, Ukrainian army recruits join British boot camp to prepare for combat. Truy cập ngày 12/10/2022

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Giám đốc FBI cho biết TikTok đặt ra mối lo ngại về an ninh quốc gia

Giám đốc FBI Chris Wray cho biết hôm thứ Ba rằng các hoạt động của TikTok do Trung Quốc sở hữu tại Mỹ làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia, đánh dấu nguy cơ chính phủ Trung Quốc có thể khai thác ứng dụng chia sẻ video này để tác động đến người dùng hoặc kiểm soát thiết bị của họ. Wray nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng Tiktok để kiểm soát việc thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng hoặc kiểm soát thuật toán đề xuất có thể được sử dụng cho các hoạt động gây ảnh hưởng.

Xem thêm tại: Reuters, U.S. FBI director says TikTok poses national security concerns. Truy cập ngày 17/11/2022

Tập Cận Bình quân đội Trung Quốc tập trung chuẩn bị cho chiến tranh

Tập Cận Bình đã nói với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) rằng phải tập trung toàn bộ sức lực vào chiến đấu nhằm chuẩn bị cho chiến tranh. Hôm thứ Tư vừa qua hình ảnh ông Tập trong bộ quân phục nhân dịp chuyến thăm một trung tâm chỉ huy được đăng trên trang nhất của Nhân dân Nhật báo. Ông Tập cho biết quân đội phải “tăng cường huấn luyện quân sự toàn diện để chuẩn bị cho chiến tranh”, đồng thời cảnh báo tại đại hội đảng vừa qua về “những cơn bão nguy hiểm” sắp ập đến. Lời kêu gọi diễn ra trong bối cảnh ông Tập cho rằng Trung Quốc đang trong tình trạng mất ổn định về an ninh giữa căng thẳng tại Đài Loan.

Xem thêm tại: Guardian, Xi Jinping tells China’s army to focus on preparation for war. Truy cập ngày 13/11/2022

Trung Quốc cung cấp cho ‘các nước thân thiện’ hệ thống radar có thể phát hiện vệ tinh đối thủ

Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang đưa ra cho “các nước thân thiện” cơ hội mua một hệ thống radar có thể bù đắp cho lợi thế trinh sát chiến trường của các vệ tinh phương Tây. Radar mảng pha quét điện tử chủ động SLC-18 cao 10m, được trưng bày tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông tuần này, có thể phát hiện và theo dõi nhiều vệ tinh có quỹ đạo thấp cùng một lúc, và dự đoán đường đi của chúng.

Xem thêm tại: SCMP, China offers ‘friendly countries’ radar system that can detect enemy satellites. Truy cập ngày 12/11/2022

Tàu tấn công đổ bộ mới của hải quân Trung Quốc tham gia ‘huấn luyện định hướng chiến đấu’

Hải quân Trung Quốc cho biết tàu tấn công đổ bộ mới của họ, An Huy, đã tham gia “huấn luyện định hướng chiến đấu” trên biển. Đây là tàu chiến Type-075 thứ ba gia nhập hải quân. Tàu An Huy được trình chiếu trong cuộc tập trận “thực tế” trong một video được đăng trên tài khoản mạng xã hội Weibo chính thức của hải quân hôm thứ Năm. Đoạn video tiết lộ số hiệu thân tàu chiến là 33 nhưng không cho biết cuộc huấn luyện được tiến hành ở đâu hoặc khi nào, cho biết thêm rằng tàu tấn công đổ bộ đã “nâng cấp đầy đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu”.

Xem thêm tại: SCMP, Chinese navy’s new amphibious assault ship takes part in ‘combat-oriented training’. Truy cập ngày 18/11/2022

Trung Quốc phô diễn tên lửa siêu thanh phóng từ trên không tại triển lãm hàng không gần Đài Loan

Trung Quốc đã công bố các phiên bản phóng từ trên không của tên lửa siêu thanh đặt trên tàu và tên lửa hành trình đối hạm tại Triển lãm Hàng không Chu Hải, diễn ra vào tuần này ở tỉnh Quảng Đông, miền nam gần Đài Loan. Một cặp tên lửa siêu thanh phóng từ trên không được mang dưới cánh của máy bay ném bom Tây An  H-6K đã có mặt tại triển lãm khai mạc hôm thứ Ba và kéo dài đến hết ngày 13 tháng 11. Mô hình trưng bày của loại tên lửa này mang mã hiệu “2PZD-21”. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc gọi chúng là phiên bản phóng từ trên không của tên lửa siêu thanh chống hạm YJ-21 được trang bị trên các tàu tuần dương Type 055 của Trung Quốc.

Xem thêm tại: Defense News, China displays air-launched hypersonic missile at air show near Taiwan. Truy cập ngày 12/11/2022

Trung Quốc mua đất canh tác gần căn cứ quân sự Mỹ

Một số công ty Trung Quốc đã mua hoặc nỗ lực mua những khu đất rộng lớn gần các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ trong những năm gần đây. Vào tháng 11 năm 2021, Grand Forks thông báo rằng Tập đoàn Fufeng của Sơn Đông, Trung Quốc đã chọn khu vực này làm địa điểm cho một nhà máy sấy ngô mới. Theo một báo cáo hồi tháng 5 của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung Quốc (USCC), nhà máy mới của Tập đoàn Fufeng sẽ nằm trên một khu đất rộng 370 mẫu Anh cách Căn cứ Không quân Grand Forks khoảng 12 dặm.

Xem thêm tại: American Mil, China buying US farmland near military bases. Truy cập ngày 15/11/2022

PLA cam kết nâng cấp hệ thống vũ khí hàng đầu gia tăng hy vọng về việc ra mắt máy bay ném bom tàng hình H-20.

Mọi con mắt đang đổ dồn vào kế hoạch tung ra máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới H-20 của PLA, được coi là sự đáp trả của Trung Quốc đối với B-21 Raider – máy bay ném bom chiến lược tiên tiến nhất của quân đội Mỹ dự kiến ​​sẽ ra mắt vào tháng tới. Trung tá Châu Triệu Tạ (Zou Zhaosia) cho biết việc nâng cấp và thay thế vũ khí sẽ tiếp tục như đã làm trong thập kỷ qua khi quân đội Trung Quốc hướng tới mục tiêu trở thành lực lượng chiến đấu tầm cỡ thế giới. Tống Trung Bình (Song Zhongping) cho rằng đây là một phần không thể thiếu để lực lượng không quân xây dựng khả năng răn đe chiến lược mạnh mẽ.

Xem thêm tại: SCMP, High hopes of China’s H-20 stealth bomber launch as PLA top brass vow weapon system upgrades. Truy cập ngày 12/11/2022

Trung Quốc trưng bày loạt phương tiện hàng hải không người lái chưa từng thấy

Triển lãm hàng không Chu Hải năm nay cũng mang đến một cái nhìn hiếm hoi về các phương tiện lặn không người lái (UUV) mới nhất của nước này. Mặc dù kém bắt mắt hơn các phương tiện bay không người lái, như hệ thống Dực Long 3 mới được tiết lộ, các hệ thống UUV này cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và giám sát, cũng như các cuộc tấn công chính xác, và do đó đóng một vai trò quân sự quan trọng. UAV Dực Long 3, đã ra mắt hôm thứ Ba tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 14 ở thành phố Chu Hải, miền nam Trung Quốc, là chiếc đầu tiên trong dòng Dực Long có khả năng vươn tới tầm liên lục địa.

Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc (CSSC) đã giới thiệu số lượng UUV lớn gấp đôi so với các kỳ triển lãm trước. Trong đó có Hải Thần 6000 (Poseidon 6000), một UUV dài 7,6 m, nặng 3 tấn và có tầm lặn sâu tối đa 6.000 m với khả năng phát hiện thủy lôi và các loại mìn dưới nước. Ngoài ra, CSSC lần đầu tiên giới thiệu thiết bị EA63, một thiết bị điều khiển từ xa trang bị trên các tàu chiến mặt nước với mục tiêu phá mìn cả ở trên mặt nước và dưới mặt nước.

Các thiết bị phòng thủ bờ biển không người lái như L30 Watcher hay M75 Protector cũng được trưng bày. Cả hai được thiết kế bởi Yunzhou, một công ty công nghệ có trụ sở tại Chu Hải.

Xem thêm tại: SCMP, China showcases never before seen range of unmanned maritime vehicles at Zhuhai air show. Truy cập ngày 14/12/2022

Đài Loan khoe máy bay không người lái quân sự giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc

Hôm thứ Ba vừa qua Đài Loan trình diễn công nghệ máy bay không người lái tự phát triển, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định yêu sách của mình đối với hòn đảo tự trị này. Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Trung Sơn đưa ra một cái nhìn hiếm hoi về máy bay không người lái Chien Hsiang được thiết kế để tiêu diệt radar của kẻ thù và các phương tiện bay chiến đấu không người lái khác. Hàng chục máy bay không người lái sử dụng một lần được chở trên một chiếc xe tải, được trang bị tên lửa tích hợp và được dẫn hướng bằng động cơ cánh quạt trước khi đâm vào mục tiêu. Việc phát triển máy bay không người lái là một phần trong nỗ lực của hòn đảo nhằm xây dựng các nguồn lực chiến tranh phi đối xứng để đối phó với các lực lượng PLA lớn hơn và mạnh hơn.

Xem thêm tại: AP News, Amid tensions with China, Taiwan shows off military drones. Truy cập ngày 16/11/2022; SCMP, Taiwan unveils close-range helicopter-like drone to keep an eye on threats from mainland China. Truy cập ngày 17/11/2022

Bộ quốc phòng Đài Loan báo cáo hoạt động của quân đội Trung Quốc

Bộ quốc phòng Đài Loan ngày 17 tháng 11 trên twitter báo cáo rằng 14 máy bay PLA và 3 tàu PLAN xung quanh Đài Loan đã bị phát hiện lúc 6 giờ sáng (UTC + 8) hôm nay. Lực lượng Trung Quốc đã theo dõi tình hình và ứng phó với các hoạt động này bằng máy bay trong CAP, tàu hải quân và hệ thống tên lửa trên đất liền. Tiếp đó, 6 trong số các máy bay được phát hiện (J-10*4, BZK-005 UAV RECCE và Y-8 ASW) đã đi vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phía tây nam của Đài Loan.

Xem thêm tại: Twitter, Ministry of National Defence, R.O.K’s PLA report. Truy cập ngày 17/11/2022

Philippines, Việt Nam đồng ý tăng cường chia sẻ thông tin tình báo trong bối cảnh tranh chấp biển với Trung Quốc

Tổng thống Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm thứ Năm đã nhất trí tăng cường hợp tác tình báo và chiến lược giữa Philippines và Việt Nam trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng kiểm soát Biển Đông. Cả hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Campuchia nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai nước trên một số lĩnh vực như quốc phòng, thương mại, đầu tư, nông nghiệp và an ninh hàng hải.

Xem thêm tại: Manila Times, PH, Vietnam agree to boost intel sharing amid sea row with China. Truy cập ngày 13/11/2022

Canada mua 39 xe của tập đoàn General Dynamics, tìm kiếm vũ khí chống tăng

Bộ Quốc phòng Canada cho biết quân đội nước này đã đặt mua thêm 39 xe bọc thép hạng nhẹ từ General Dynamics trị giá 165 triệu USD để thay thế quân trang đã viện trợ cho Ukraine hồi đầu năm nay. Ottawa cũng dự định mua các hệ thống chống tăng Carl Gustaf thế hệ mới để thay thế các loại vũ khí cũ cũng được chuyển đến Ukraine. Canada đã vận chuyển đạn dược, đạn chống tăng, lựu đạn, bệ phóng tên lửa M72, 4 khẩu pháo M777 và 100 khẩu súng trường không giật Carl Gustaf M2 thế hệ cũ từ kho dự trữ của mình cho Ukraine nhằm chống lại Nga.

Xem thêm tại: Defense News, Canada buys 39 General Dynamics vehicles, eyes anti-tank weapons. Truy cập ngày 12/11/2022

Rishi Sunak nói Anh có thể gửi vũ khí đến Đài Loan

Thủ tướng Anh Rishi Sunak không loại trừ khả năng gửi vũ khí tới Đài Loan khi chính phủ của ông xem xét lại chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh. Sunak nói tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia rằng London sẵn sàng hỗ trợ Đài Loan, tương tự như việc chống lại sự gây hấn của Trung Quốc.  Khi được hỏi liệu gửi vũ khí có phải là cách tiếp cận đúng đắn hay không, Sunak trả lời rằng Anh vẫn đang xem xét tất cả những điều này như một phần của cái gọi là đánh giá tích hợp. Sunak cũng xác nhận cách tiếp cận của ông đối với Trung Quốc có thể sẽ khác với cách tiếp cận của người tiền nhiệm Liz Truss.

Xem thêm tại: SCMP, Rishi Sunak says UK could send weapons to Taiwan. Truy cập ngày 16/11/2022

Ấn Độ xem xét sản xuất vũ khí chung với Nga

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm thứ Ba tuyên bố rằng ông đã có một cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyan Jaishankar về việc sản xuất vũ khí chung với Ấn Độ, một đồng minh lịch sử và đối tác thương mại của Nga. Moscow và New Delhi đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và du hành vũ trụ, ca ngợi những thành tựu gần đây của Ấn Độ trong cả hai lĩnh vực. Cuộc gặp giữa ông Lavrov và ông Jaishankar hôm thứ Ba đánh dấu lần thứ năm ngoại trưởng hai nước gặp nhau kể từ đầu năm.

Xem thêm tại: National Interest, India Considers Joint Weapons Production with Russia. Truy cập ngày 11/11/2022

Na Uy đặt mua thêm pháo K9, xe K10 từ Hanwha của Hàn Quốc

Bộ Quốc phòng Na Uy đã ký hợp đồng với tập đoàn công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc Hanwha Aerospace để mua thêm 4 khẩu pháo tự hành K9 (SPH) và 8 phương tiện tiếp tế đạn dược K10 (ARV). Sau khi được giao, chúng sẽ gia nhập 24 khẩu K9 SPH và 6 khẩu K10 ARV do Na Uy đặt hàng vào năm 2017. Na Uy đã nhận được K9 SPH đầu tiên vào năm 2019 để thay thế cho M109, pháo có tháp pháo 155 mm do Mỹ phát triển đã nghỉ hưu sau 50 năm phục vụ trong Quân đội Na Uy.

Xem thêm tại: Defbrief, Norway orders more K9 howitzers, K10 vehicles from South Korea’s Hanwha. Truy cập ngày 12/11/2022

Triều Tiên bắn tên lửa cảnh báo đáp trả quân sự ‘dữ dội hơn’ đối với Mỹ

Theo các quan chức Seoul, Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo về phía vùng biển phía đông của nước này vài giờ sau khi đe dọa “đáp trả quân sự quyết liệt hơn” đối với những nỗ lực nhằm tăng cường sự hiện diện an ninh trong khu vực của Mỹ. Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) cho biết tên lửa đạn đạo tầm ngắn đã được bắn từ khu vực Wonsan của Triều Tiên hôm thứ Năm. JCS cho biết tên lửa đã bay khoảng 240 km và đạt độ cao 47 km, đồng thời cho biết thêm rằng ngay trước khi phóng, quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức một cuộc tập trận phòng thủ tên lửa “được lên kế hoạch trước”.

Xem thêm tại: Al Jazeera, N Korea fires missile, warns US of ‘fiercer’ military responses. Truy cập ngày 17/11/2022

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi:

Anh tham gia sáng kiến thúc đẩy dịch chuyển lực lượng ở châu Âu của EU

Anh sẽ tham gia một sáng kiến ​​​​của Liên minh châu Âu để giúp quân đội và quân trang di chuyển nhanh chóng trên khắp lục địa. Các quan chức liên minh viện dẫn cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine là một yếu tố quan trọng trong việc đưa cựu thành viên EU tham gia vào sáng kiến này. Thông báo được đưa ra trong cuộc họp ngày 15 tháng 11 của Hội đồng Đối ngoại của EU về các vấn đề quốc phòng tại Brussels, nơi hội đồng đã thông qua quyết định mời Vương quốc Anh tham gia dự án Di động Quân sự của Tổ chức Hợp tác Cấu trúc Thường trực (PESCO), được khởi động vào năm 2018 .

Xem thêm tại: Defense News,  Britain to join EU push for easing the flow of forces in Europe. Truy cập ngày 16/11/2022

RAF thử nghiệm triển khai nhanh HIMARS của Romania

Một máy bay vận tải Atlas của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) tiến hành thử nghiệm khả năng triển khai vũ khí NATO một cách nhanh chóng hơn bằng cách sử dụng một hệ thống HIMARS của quân đội Romania. RAF cho biết các cuộc thử nghiệm được thực hiện bởi máy bay Atlas A400M được điều khiển bởi các nhân viên Phi đội 30 và LXX nhằm kiểm tra khả năng thu nạp và vận chuyển hệ thống vũ khí của Mỹ hiện đang được triển khai với một số đồng minh NATO. Cuộc thử nghiệm được thực hiện tại căn cứ không quân Mihail Kogălniceanu, trên bờ Biển Đen. Đồng tham gia với tư cách cố vấn là các nhân viên từ Bộ chỉ huy Hoạt động Đặc biệt của Mỹ ở Châu Âu.

Xem thêm tại: UK Defence, RAF transport trials rapid deployment of Romanian HIMARS. Truy cập ngày 17/11/2022

Máy bay vận tải của Không quân Mỹ triển khai tên lửa chống hạm tại Na Uy

Lực lượng Không quân Mỹ sử dụng hệ thống Rapid Dragon lần đầu tiên trong một cuộc thử nghiệm tại nước ngoài, trong đó tên lửa hành trình đặt trên bệ phóng sẽ được triển khai từ phía sau một máy bay đang tiến hành cơ động. MC-130J Commando II từ Phi đội hoạt động đặc biệt 352 đã phóng tên lửa hành trình hỗn hợp không đối đất với tầm bắn mở rộng với biệt danh là “khoang bom trong hộp” trong một phạm vi trên Biển Na Uy vào thứ Tư.

Xem thêm tại: Defense News, US Air Force cargo plane launch a cruise missile in Norway. Truy cập ngày 12/10/2022

Na Uy ký hợp đồng tên lửa AMRAAM trị giá 500 triệu USD cho phi đội F-35

Bộ Quốc phòng Na Uy đã ký kết hợp đồng trị giá 5 tỷ Krone Na Uy (tương đương 502 triệu USD) để mua Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) cho phi đội máy bay chiến đấu F-35 của nước này. AIM-120D3 (AMRAAM-D) là phiên bản nâng cấp của tên lửa trước đây đã được sử dụng bởi cả máy bay chiến đấu F-16 của Na Uy và hệ thống phòng không NASAMS. Với động cơ mạnh hơn, hệ thống điều khiển và liên kết dữ liệu tốt hơn tên lửa này sẽ giúp máy bay chiến đấu của Na Uy có khả năng chống lại các mối đe dọa trên không hiện đại.

Xem thêm tại: DefBrief, Norway signs massive $500M AMRAAM missile contract for F-35 fleet. Truy cập ngày 16/11/2022

Chuyên mục Phân tích:

Bước thụt lùi đáng xấu hổ của Nga và hàm ý cho cuộc chiến.

Sự rút lui của Nga khỏi Kherson về phía đông bờ sông Dnipro hôm thứ Sáu vừa qua là một bước thụt lùi đáng xấu hổ của Nga trong cuộc chiến và là một bước tiến quân sự quan trọng từ khi lực lượng Ukraine tấn công vùng Kherson từ hồi tháng 9. Vậy sự rút lui này của Nga mang hàm ý gì cho cả Nga và Ukraine? Về phía Nga, việc rút lui về phía đông bờ sông Dnipro sẽ mang lại lợi thế trong việc ngăn chặn Ukraine cắt đường tiếp tế nước sạch cho Crimea trong thời gian tới. Thêm vào đó, Nga cũng sẽ dễ dàng bổ sung lực lượng và phòng thủ toàn diện chặn đứng các bước tiến của quân Ukraine.

Về phía Ukraine, chiến thắng vẻ vang lần này sẽ giúp Ukraine có thêm hỗ trợ từ quốc tế đồng thời giúp quân lính đã kiệt sức có cơ hội hồi phục và chuyển trọng tâm cuộc chiến về vùng Donbas. Tuy nhiên, thời gian sắp tới sẽ rất khó khăn cho Ukraine khi các thiệt hại về cơ sở hạ tầng ngày càng nhiều khiến cho Kyiv đối mặt với nhiều thách thức. Điển hình như các thiệt hại đáng kể tại con đập sông Dnipro, vốn có khả năng gây ngập lụt và gây nguy hại đến nhà máy điện hạt nhân tại Zaporizhzhia. Các sự kiện ở Kherson và Kharkiv cũng chỉ ra rằng Ukraine sở hữu sự nhanh nhẹn về chiến thuật khác xa so với phong cách chiến đấu của Nga, cũng như năng lực chiến đấu vượt trội hơn nhiều. Việc sử dụng cách thức đánh bom không thương tiếc tại Donetsk và Luhansk dù đã giết hàng nghìn lính Ukraine nhưng thật khó để hình dung cách này sẽ giúp Putin đạt được mục tiêu là tiếp cận biên giới Luhansk và Donetsk – đặc biệt khi Ukraine hiện đã giành rất nhiều lợi thế ở khu vưc phía nam

Xem thêm tại: CNN, Russia’s withdrawal from Kherson is a humiliating setback. Here’s what it means for the war. Truy cập ngày 12/11/2022

Nhận định của chuyên gia về quy trình hiện đại hóa PLA trong vòng 5 năm tới

Taylor Fravel, chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh Trung Quốc có một số nhận định về bài báo có tiêu đề “Hoàn thành mục tiêu 100 năm xây dựng Quân đội đúng tiến độ” của Hứa Kỳ Lượng, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc trên tờ Nhân dân nhật báo thuộc chuỗi các bài viết nhằm nghiêm túc nghiên cứu và thực hiện tinh thần Đại hội thứ 20 của ĐCSTQ.

Fravel nhấn mạnh “ba bước chiến lược” trong hiện đại hóa quốc phòng và quân sự là: 2027 là năm đạt được hiện đại hóa quân đội về ngắn hạn; cơ bản đạt được tiến trình hiện đại hóa vào năm 2035 và trở thành quân đội đẳng cấp thế giới vào năm 2049. Năm 2027 trở thành năm chiến lược ngắn hạn và trở thành hoa tiêu để đạt được các thành tựu hiện đại hóa vào năm 2035 (trung hạn) và 2049 (dài hạn). Các thách thức về môi trường an ninh bên ngoài gia tăng tầm quan trọng của sức mạnh quân sự nhằm ổn định tình hình trong thời bình và có khả năng đạt được chiến thắng quyết định trong thời chiến.

Bài báo cũng đưa ra 5 nỗ lực cần theo đuổi bao gồm các hướng dẫn về mặt chiến lược và chiến dịch, hiểu rõ các địa hạt mới, và huấn luyện. Fravel tập trung vào hai nỗ lực còn lại, gồm xây dựng khả năng răn đe chiến lược cấp cao và một hế thống tác chiến hỗn hợp. Đối với PLA, răn đe chiến lược không đồng nghĩa với vũ khí hạt nhân, mà là bất kỳ một khả năng nào có thể được sử dụng để đạt được các mục tiêu chiến lược thông qua răn đe. Hứa Kỳ Lượng mô tả răn đe chiến lược như “hòn đá tảng” của chính trị quyền lực và nhấn mạnh vào khả năng “kiểm soát và cân bằng bất đối xứng” (asymmetric checks and balances) trong khi tập trung vào nỗi sợ của kẻ thù. Hứa Kỳ Lượng dành nhiều thời gian thảo luận về cải thiện tác chiến hỗn hợp. Điều này nói lên rằng các thách thức vẫn chưa biến mất bất chấp cuộc cải cách hồi năm 2016.

Lĩnh vực thứ hai mà ông Hứa nhấn mạnh là nhu cầu tạo ra một hệ thống nhằm dung hòa khả năng “chiến đấu, chuẩn bị, và xây dựng”, ám chỉ đến các thách thức về việc triển khai lực lượng, duy trì sự sẵn sàng và hiện đại hóa / xây dựng lực lượng. Cuối cùng, năm năm tới sẽ là “giai đoạn chủ chốt nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả” do đó việc tăng cường khả năng lãnh đạo đảng, quản trị chiến lược, cải cách và đổi mới, nhân sự, và thống nhất khả năng và hệ thống chiến lược quốc gia.

Tổng hợp tại: Twitter, M. Taylor Fravel. Truy cập ngày 12/11/2022

Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào căn cứ hải quân Nga chưa mang tính cách mạng

Alessio Patalano, giáo sư chiến tranh và chiến lược Đông Á tại King’s College London, đưa ra một số phân tích về cuộc tập kích của Ukraine vào hạm đội Nga tại Sevastopol vừa qua. Patalano cho rằng khác với việc làm đắm chiến hạm Moskva hồi đầu cuộc chiến, mức độ chiến thắng lần này tại Sevastopol của Ukraine vẫn còn mơ hồ do hạn chế dữ liệu tổng quan về thiệt hại của Nga trong cuộc tập kích.

Một đoạn phim chưa được kiểm chứng về cuộc tập kích nói lên mức độ hậu quả còn lớn hơn những gì Nga tuyên bố. Tiếp đó, cuộc tập kích được thực hiện chỉ bằng drone, khiến cho các nhà phân tích cho rằng đây là một cuộc cách mạng và “một kỷ nguyên mới” trong chiến tranh hải quân. Tuy nhiên, Patalano đặt ra nghi vấn liệu các diễn biến gần đây có đang thay đổi bản chất của chiến tranh hải quân một lần nữa hay không? Patalano cho rằng về mặt chiến thuật các hành động của Ukraine mang tính đổi mới, sáng tạo và đầy táo bạo. Tuy nhiên, những điều kể trên chưa đủ để gọi là cách mạng.

Việc sử dụng các phương tiện không người lái tấn công một hạm đội là lựa chọn đã có từ lâu trong chiến tranh hải quân, tương tự như cách sử dụng các con thuyền nhỏ có bọc thuốc nổ được thả trên mặt nước nhằm gây thiệt hại, vô hiệu hóa hay làm đắm tàu trong thời đại của thuyền buồm (Age of Sail). Do đó, cuộc tập kích của Ukraine vừa qua chỉ là những giải pháp cải tiến dựa trên cái đã có trong lịch sử. Cuộc tập kích nhắm thẳng vào căn cứ chính nơi hạm đội Biển Đen cảm thấy an toàn nhất cho thấy một bước đi táo bạo trong chiến dịch tấn công của Ukraine. Cuộc tấn công thể hiện bước chuyển tổng thể về chiến thuật của Ukraine, từ phòng thủ sang chủ động tấn công trên toàn chiến trường. Tuy nhiên, cái giá phải trà là, các loại tàu thuyền trên biển của Ukraine hoàn toàn có thể trở thành các mục tiêu khả dĩ của Nga, kể các các tàu kéo dân sự, do các tàu này có thể được dùng để triển khai drone.

Do đó, Patalano đi đến một kết luận rằng công nghệ ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến dịch, nhưng để chiến dịch thành công đạt hiệu quả tối đa thì phải có chiến lược đúng đắn. đặc biệt khi một bên sở hữu năng lực thấp hơn. Thêm vào đó, một số mảnh ghép vẫn còn thiếu, và các bằng chứng liên quan đặc biệt về các biện pháp thụ động và chủ động của Nga để phòng vệ trước các cuộc tấn công bằng drone vẫn chưa rõ ràng. Cuối cùng ông cho rằng cuộc tập kích của Ukraine tại Sevastopol cho chúng ta thấy mục tiêu của Kyiv đang nhắm đến là gì về mặt chiến thuật, hơn là việc công nghệ đang dẫn dắt chiến tranh hải quân tới đâu.

Xem thêm tại: ASPI, Ukraine’s drone raid on Russian naval base was tactically innovative but not revolutionary. Truy cập ngày 18/11/2022

Lầu Năm Góc đang chuẩn bị cho chiến tranh ở châu Âu và châu Á như thế nào?

Caleb Larson, chuyên gia về quốc phòng tại tờ National Interest có bài phân tích về các động thái của Mỹ nhằm chuẩn bị chiến tranh tại hai khu vực châu Âu và châu Á. Larson cho rằng với ngọn lửa chiến tranh vẫn đang bùng lên ở Ukraine, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu vẫn đang theo dõi sát sao cuộc xung đột. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có nhiều bài phát biểu đe dọa sẽ trả đũa hạt nhân để đáp trả những thất bại nghiêm trọng của Nga trên chiến trường Ukraine. Mặc dù cuộc chiến ở Ukraine khó có khả năng lan rộng ra khắp lục địa châu Âu, nhưng đây vẫn là sự phát triển địa chính trị quan trọng nhất ở châu Âu trong 80 năm qua. Cuộc chiến cũng là bằng chứng cho thấy rằng trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, được xây dựng từ sau Thế chiến II, có tác động đối với an ninh ở châu Á.

Mỹ đã thực hiện hai cuộc tập trận quân sự lớn với các đồng minh ở cả châu Âu và châu Á. Cuộc tập trận thứ nhất là Bầy sói Thinh lặng (Silent Wolverine) ở Đông Đại Tây Dương cùng với sáu quốc gia đồng minh NATO gồm Canada, Đan Mạch, Đức, Pháp, Hà Lan và Tây Ban Nha nhằm hỗ trợ huấn luyện tàu sân bay đa miền và tăng cường khả năng tương tác và răn đe tích hợp của NATO. Cuộc tập trận lớn thứ hai là Malabar 2022, gồm các cuộc tập trận trên biển có sự tham gia của hải quân, máy bay và quân nhân từ Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ ở vùng biển Philippines và ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. Cuộc tập trận này nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng hàng hải, tăng cường quan hệ đối tác quan trọng và thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Bộ Quốc phòng Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và trong khi Trung Quốc là mối đe dọa đang nổi lên mà Mỹ phải chú ý và chuẩn bị đối phó, Washington vẫn không thể rời mắt khỏi cuộc xung đột ở Ukraine.

Xem thêm tại: National Interest, How the Pentagon Is Preparing for War in Europe and Asia. Truy cập ngày 11/11/2022

Quốc hội Mỹ tìm cách nhanh chóng vũ trang cho Đài Loan khi mối đe dọa từ Trung Quốc gia tăng

Rút ra từ bài học cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Quốc hội Mỹ đang thúc đẩy trang bị vũ khí và huấn luyện Đài Loan trước bất kỳ cuộc tấn công quân sự tiềm tàng nào của Trung Quốc, nhưng liệu viện trợ có thành hiện thực hay không lại phụ thuộc vào chính Tổng thống Biden.

Nỗ lực của cả hai đảng sẽ cho phép quân đội Mỹ sử dụng ngay lập thức kho vũ khí của mình, vốn bao gồm các loại vũ khí nổi tiếng như Javelin và Stinger, bước đi hiện nay vốn chỉ dành cho Ukriane. Nỗ lực này cũng bao gồm cung cấp vũ khí cho Đài Loan lần đầu tiên thông qua chương trình hỗ trợ quân sự nước ngoài do Mỹ tài trợ. Thông qua các điều khoản này, Đài Loan có thể nhận được vũ khí và thiết bị như tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống phòng không, máy bay không người lái tự sát, mìn hải quân, hệ thống chỉ huy, kiểm soát và radio an toàn. Gói viện trợ sẽ dựa trên nghĩa vụ của Mỹ theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó nêu rõ rằng chính sách của Mỹ là cung cấp vũ khí cho Đài Loan nhằm kích hoạt khả năng tự vệ của hòn đảo này.

Tuy nhiên,  những người hoài nghi đặt nghi vấn liệu sự hỗ trợ này có tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan trong thời gian tới hay không? Một số chuyên gia nói rằng việc sử dụng gói tài chính quân sự dành cho nước ngoài sẽ không đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí. Những người khác lập luận rằng với một công cụ như vậy, chính phủ Mỹ sẽ có thể đàm phán các giao dịch nhanh hơn và đưa ra quyết định về hướng chiến lược phòng thủ của Đài Loan. Đài Loan có điểm khác biệt chính yếu với Ukraine, đó là Đài Loan là một hòn đảo do đó sẽ khó tiếp viện hơn trong một cuộc xung đột và về cơ bản lực lượng Đài Loan chỉ có thể chiến đấu với những gì họ có trong tay khi xung đột bắt đầu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết thêm rằng bên cạnh việc tiếp tục tăng cường vũ trang và huấn luyện Đài Loan, Mỹ cần tăng cường khả năng ngoại giao, kinh tế và quân sự trong khu vực nhằm gia tăng khả năng răn đe Trung Quốc trong thời gian tới.

Xem thêm tại: Washington Post, Congress seeks to arm Taiwan quickly as China threat grows. Truy cập ngày 14/11/2022