Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Nga tiếp tục bắn phá Ukraine bằng tên lửa vào thứ Hai, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng. Người Ukraine đã phải xuống trú ẩn trong các ga tàu điện ngầm khi còi báo động vang lên ở khắp các thành phố lớn, bao gồm cả thủ đô Kyiv. Tên lửa lại tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine: thống đốc Kyiv cho biết 40% khu vực này đã bị mất điện. Trước đó vào thứ Hai, các vụ nổ tại hai căn cứ không quân ở Nga đã giết chết ba người và làm bị thương sáu người khác, theo nhà chức trách nước này; Kiev chưa nhận trách nhiệm.
Trung Quốc dần từ bỏ chính sách zero covid sau làn sóng biểu tình chưa từng thấy. Thành phố Urumqi ở khu vực Tân Cương, nơi khởi nguồn của tình trạng bất ổn, đã mở lại các trung tâm thương mại và nhà hàng từ thứ Hai. Một số thành phố lớn khác cũng sẽ không còn yêu cầu xét nghiệm covid âm tính để lên phương tiện giao thông công cộng. Thị trường chứng khoán Trung Quốc hoan nghênh những tín hiệu đáng mừng này.
Tổng chưởng lý Iran nói nước ông sẽ bãi bỏ lực lượng cảnh sát đạo đức, vốn có nhiệm vụ đảm bảo phụ nữ phải đội khăn trùm đầu. Dù nhiều nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ—vì lực lượng này thuộc bộ nội vụ, cơ quan cho đến nay vẫn chưa lên tiếng, chứ không phải hệ thống tư pháp—nhưng nếu đúng đây sẽ là dấu hiệu cho thấy chính phủ muốn nhượng bộ trước các cuộc biểu tình đã kéo dài ba tháng qua. Trong khi đó, người biểu tình đã kêu gọi đình công ba ngày trong tuần này.
Circle, một công ty tiền điện tử tự tuyên bố đang điều hành loại tiền stablecoin lớn thứ hai thế giới, đã từ bỏ kế hoạch lên sàn chứng khoán trong bối cảnh vụ sụp đổ của FTX tiếp tục làm chao đảo thị trường. Circle đã ký một thỏa thuận trị giá 9 tỷ đô la với Concord, một công ty phục vụ mục đích lên sàn, vào tháng 7 năm 2021. Cổ phiếu của nhiều công ty tiền điện tử niêm yết công khai đã giảm mạnh trong năm nay — ví dụ sàn giao dịch Coinbase của Mỹ đã mất khoảng 80% giá trị.
Công Đảng Anh đặt ra một kế hoạch cho “sự chuyển giao lớn nhất từ trước đến nay đối với quyền lực” và của cải khỏi chính phủ ở Westminster và chia sẻ nó trên toàn quốc. Các đề xuất của đảng này bao gồm xoá bỏ Thượng Nghị viện (Viện Quý tộc), chuyển 50.000 công chức ra bên ngoài London và trao cho các chính phủ địa phương cũng như chính quyền địa phương nhiều quyền hơn, bao gồm cả các vấn đề ngân sách.
Donald Trump kêu gọi “đình chỉ” hiến pháp Hoa Kỳ trong nỗ lực tiếp tục lời nói dối của ông về cuộc bầu cử tổng thống 2020. Trên mạng xã hội Truth của mình, ông nói có thể cần phải hủy bỏ “tất cả các quy tắc” để đưa ông quay lại Nhà Trắng (dù bản thân ông đã tuyên bố ra tranh cử). Động thái phản dân chủ này của Trump đã bị lên án rộng rãi—nhưng các đảng viên Cộng hòa cấp cao vẫn giữ im lặng.
TIÊU ĐIỂM
EU chưa hết đau đầu với Hungary
Suốt mười năm qua EU luôn đau đầu với chính phủ ngày càng chuyên quyền, tham nhũng, và bất tuân luật lệ của Viktor Orban ở Hungary. Giờ là cơ hội cho họ làm điều gì đó. Tuần trước Ủy ban châu Âu đã khuyến nghị rằng khoản viện trợ trị giá 13,3 tỷ euro (14 tỷ USD) cho Hungary sẽ chỉ được tiếp tục nếu nước này tiến hành cải cách. Vào thứ ba, hội đồng các bộ trưởng tài chính của các nước EU, được gọi là Ecofin, sẽ bỏ phiếu về quyết định này.
Các bộ trưởng dự kiến cho phép tiếp tục khoản tài trợ 5,8 tỷ euro từ quỹ phục hồi covid của EU, với điều kiện Hungary phải thực hiện 27 cải cách chống tham nhũng. Nhưng thủ tướng Hungary có thể có đủ đồng minh để ngăn Ecofin đóng băng khoản tiền 7,5 tỷ euro trong ngân sách thường xuyên của EU được dành cho nước ông. Ngoài ra ông cũng chống trả bằng cách ngăn chặn một gói viện trợ chung cho Ukraine và một đề xuất thuế tối thiểu lên các công ty đa quốc gia. Vì vậy, bất chấp nhiều năm đe doạ, EU cuối cùng sẽ không thể làm được gì Hungary.
Mỹ mở đấu giá các lô điện gió ngoài khơi
Vào thứ Ba, chính quyền Biden sẽ tổ chức phiên đấu giá cho thuê đầu tiên để phát triển điện gió ngoài khơi bờ biển phía tây nước Mỹ. Năm lô này, nằm dọc theo đường bờ biển California, có thể giúp đưa nước Mỹ tiến gần hơn đến mục tiêu 30 gigawatt điện gió ngoài khơi của Joe Biden vào năm 2030. Vì các địa điểm này nằm ở vùng nước sâu, chúng cũng sẽ là nơi đặt các tua-bin nổi đầu tiên của Mỹ.
Song nhà đầu tư tiếp tục gặp khó khăn. Đạo luật Giảm Lạm phát, bộ luật khí hậu tham vọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, có các điều khoản giảm thuế cho các công nghệ năng lượng sạch. Nhưng quy trình cấp phép phức tạp và rất dễ dẫn đến kiện tụng khiến các cơ quan chính phủ có thể mất tới 5 năm để phê duyệt một trang trại năng lượng mặt trời. Các dự án điện gió và đường dây tải điện lại thường mất nhiều thời gian hơn. Cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đều đồng ý rằng quy trình phê duyệt quá chậm chạp, nhưng các nhà lập pháp đã bác bỏ dự luật cải cách do thượng nghị sĩ Joe Manchin của bang Tây Virginia đưa ra. Nếu Quốc hội không chung tay hành động, ước mơ xanh của Mỹ sẽ khó đi xa.
Vòng hai cuộc đua Thượng viện ở bang Georgia
Không như phần lớn nước Mỹ, ngày mai các cử tri bang Georgia sẽ đi bỏ phiếu vòng hai sau khi cả hai ứng viên Thượng viện của họ đều không giành được đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử tháng 11. Còn nhớ hồi tháng 1 năm 2021, cả nước Mỹ đã nín thở theo dõi cuộc đua của Georgia vì nó quyết định quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ.
Năm nay, cuộc đua của Georgia sẽ một lần nữa khép lại cuộc chiến tại Thượng viện. Nhưng lần này có ít áp lực hơn vì đảng Dân chủ đã kiểm soát được Thượng viện. Dù thế họ vẫn sẽ rất vui nếu có thêm một ghế nữa. Hai ứng viên là Raphael Warnock, người đương nhiệm của đảng Dân chủ và là người dẫn trước trong vòng đầu với cách biệt một điểm phần trăm, và Herschel Walker, ứng viên Cộng hòa thường hay bị hớ hênh trong phát ngôn.
Các đảng viên Cộng hòa khác ra tranh cử ở Georgia, chẳng hạn như thống đốc Brian Kemp, đều giành chiến thắng dễ dàng vào tháng trước. Nhưng ông Walker, một cựu ngôi sao bóng bầu dục, người đã không vượt qua được những bê bối cá nhân của mình, có thể thất bại khi đảng Cộng hòa đã không còn hy vọng chiếm lại Thượng viện. Thăm dò đang cho thấy ông Warnock dẫn trước.
Ấn Độ tranh cãi về đạo luật quyền công dân
Ba năm trước, quốc hội Ấn Độ đã thông qua Đạo luật Sửa đổi Quyền Công dân (CAA), theo đó giúp những người di cư đến từ các nước láng giềng và theo một số tôn giáo nhất định có thể nhập tịch Ấn Độ dễ dàng hơn. Việc người Hồi giáo không có trong danh sách này đã gây ra biểu tình chết người suốt nhiều tháng. Khi ấy biểu tình đã phải dừng lại vì lệnh phong tỏa trong đại dịch, nhưng đã thành công trong việc ngăn Đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc Hindu thực thi luật.
Nhưng giờ đây luật này lại trở thành tâm điểm tranh cãi. Hồi đầu năm, bộ trưởng nội vụ Amit Shah đã nhấn mạnh “CAA đang và sẽ trở thành hiện thực.” Cho tới nay tòa tối cao của Ấn Độ vẫn chưa làm gì. Sau nhiều tháng trì hoãn, vào thứ Ba họ sẽ bắt đầu xét xử hơn 200 đơn kiện thách thức CAA, nhiều trong số đó cho rằng CAA vi phạm hiến pháp phi tôn giáo của đất nước. Người Hồi giáo ở Ấn Độ, những người cho rằng luật này sẽ mở đường cho các bước đe doạ đến quyền công dân của chính họ, sẽ không ngồi chờ tòa án. Những năm gần đây các thẩm phán thường có xu hướng ngả theo chính phủ Ấn Độ.