Thế giới hôm nay: 09/06/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Thống đốc Luhansk của Ukraine cho biết các lực lượng Ukraine hiện chỉ kiểm soát vùng ngoại ô của Severodonetsk, thành phố công nghiệp đang là tiền tuyến trong cuộc chiến tranh với Nga. Ông Serhiy Haidai cho biết thành phố bị pháo kích không ngừng, đồng thời dự đoán Nga sẽ tăng cường bắn phá Lysychansk gần đó.

Thủ tướng Đức Angela Merkel giai đoạn 2005-2021 đã bảo vệ các quyết sách của bà trước Vladimir Putin. Bà Merkel đã bị chỉ trích vì thúc đẩy đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nhằm kết nối Đức và Nga; bà cho rằng thương mại với Nga “không thể bị bỏ qua.” Bà giữ nguyên quan điểm phản đối kế hoạch đưa Gruzia và Ukraine vào NATO hồi năm 2008, vì làm vậy chẳng khác gì một “lời tuyên chiến”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảnh báo hàng trăm triệu người có thể lâm vào cảnh “thiếu ăn và bần cùng” vì tình trạng thiếu lương thực do cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách đàm phán đưa số ngũ cốc bị mắc kẹt tại các cảng Biển Đen ra ngoài, nhưng Nga quả quyết chỉ cho phép một khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Được biết Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.

Một học sinh 11 tuổi sống sót sau vụ xả súng trường học ở Uvalde, Texas, đã mô tả với các nhà lập pháp cách em tự bôi máu lên người mình sau khi tay súng giết giáo viên và bạn bè của em. Đây là một phần của phiên điều trần có sự tham dự của người thân các nạn nhân trong vụ xả súng, vốn khiến 21 người thiệt mạng, nhằm chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu về một gói các biện pháp kiểm soát súng ở Quốc hội. Nó khó có thể được thông qua tại Thượng viện.

MalaysiaThổ Nhĩ Kỳ và một loạt các nước Hồi giáo khác đã lên tiếng phản đối tuyên bố của người phát ngôn của đảng cầm quyền Ấn Độ, trong đó bà miệt thị nhà tiên tri Muhammad. Đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo đã đình chỉ Nupur Sharma vào Chủ nhật vì những bình luận của bà, vốn được chiếu trên truyền hình vào ngày 26 tháng 5. Sự việc cũng khiến những người cánh hữu Ấn Độ bực bội vì chính phủ không hậu thuẫn luận điệu bài Hồi giáo của họ.

Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse đưa ra cảnh báo lợi nhuận lần thứ ba trong năm nay. Họ dự đoán sẽ thua lỗ trong quý hai do hoạt động kém hiệu quả của mảng ngân hàng đầu tư. Thủ phạm được xác định là chiến tranh Ukraine và chính sách thắt chặt tiền tệ. Bloomberg thậm chí đưa tin ngân hàng đang xem xét sa thải bớt nhân viên để cắt giảm chi phí. Các tin này làm cổ phiếu của họ mất 7,6%, dù sau đó phục hồi nhẹ.

Một chiếc mặt nạ bị Bỉ cướp từ thuộc địa ở châu Phi vừa được trả lại cho Cộng hòa Dân chủ Congo — cổ vật đầu tiên trong số 84.000 đồ tạo tác mà chính phủ hứa sẽ hoàn trả. Hiện chiếc mặt nạ đang được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Bỉ ở Trung Phi. Trong chuyến thăm Congo, Vua Philippe của Bỉ cho biết nó hiện đang được cho Bảo tàng Quốc gia Kinshasa của Congo “mượn vô thời hạn.”

TIÊU ĐIỂM

Điều trần ở Quốc hội Mỹ về vụ bạo động 06/01/2021

Điều trần ở Hạ viện Mỹ thường rất kịch tính, đặc biệt là các phiên sẽ bắt đầu vào thứ Năm này. Trọng tâm của chúng là về các sự kiện diễn ra hôm 6 tháng 1 năm 2021, khi một đám đông, dường như được Tổng thống Donald Trump khuyến khích, xông vào tòa nhà Capitol nhằm ngăn Quốc hội xác nhận chiến thắng của Joe Biden. Ủy ban 6 tháng 1, bao gồm bảy đảng viên Dân chủ và hai đảng viên Cộng hòa, đã dành cả năm qua để phỏng vấn hơn 1.000 người và xem xét hơn 140.000 tài liệu. Trong sáu phiên họp được trực tiếp trên truyền hình tới đây, ủy ban sẽ cho thấy những gì họ thu thập được, trước khi xuất bản một báo cáo đầy đủ vào tháng 9.

Các phiên điều trần sẽ tiết lộ mức độ tham gia của ông Trump. Do đó, các nhân vật cánh hữu nhiều khả năng sẽ coi công việc của ủy ban như một cuộc săn lùng phù thủy. Nhưng đối với đảng Dân chủ, các phiên điều trần có thể là hy vọng cuối cùng của họ nhằm tập hợp các cử tri bất mãn với Trump và những người ủng hộ ông, qua đó chạy đà cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.

ECB họp bàn chính sách tiền tệ

Vào thứ Năm này các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ họp tại Amsterdam để bàn về chính sách tiền tệ của khu vực đồng euro. ECB đang có một tình huống khó: thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, hay nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu?

Không phải toàn bộ kinh tế châu Âu đều ở trong tình trạng hỗn loạn. Ngành dịch vụ, đặc biệt là ở các nước phía nam, đang bắt đầu mở cửa trở lại các khách sạn và nhà hàng. Thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Song lĩnh vực sản xuất phải chịu đựng đồng thời cả đứt gãy chuỗi cung ứng, giá năng lượng cao lẫn ngân sách tiêu dùng eo hẹp đi. Dữ liệu được công bố vào thứ Ba cho thấy các đơn đặt hàng nhà máy của Đức đã giảm trong tháng 4; sau đó vào thứ Tư OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng của châu Âu. Trong khi đó, lạm phát 8% đang cao kỷ lục và tạo ra nhiều áp lực để ECB tăng lãi suất trong bối cảnh lãi suất huy động hiện vẫn đang ở mức âm. Tại Amsterdam, ngân hàng có khả năng sẽ thông báo kết thúc mua trái phiếu và báo hiệu một vài đợt tăng lãi suất thận trọng trong những tháng tới.

Kinh tế Trung Quốc dần bình thường hóa

Từ ngày 6 tháng 6, giới chức Bắc Kinh đã cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại, khi số ca nhiễm covid-19 giảm còn trên đầu ngón tay. Giờ đây, một chuỗi dữ liệu kinh tế được công bố trong bảy ngày tới, bắt đầu với thương mại vào thứ Năm, sẽ cho ta thấy các khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc phải vượt qua.

Doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và nhà ở có lẽ đều giảm so với cùng kỳ tháng 5, tức tháng thứ hai đóng cửa và hạn chế đi lại ở nhiều thành phố. Những người đặt cược nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong phần còn lại của năm có thể sẽ phải thất vọng. Không phải mọi thứ đều đã trở lại bình thường (ở Bắc Kinh, trường học vẫn đóng cửa cho đến 13 tháng 6), trong khi khả năng tái bùng dịch là hoàn toàn có thể. Một cuộc khảo sát gần đây của ngân hàng Morgan Stanley cho thấy có nhiều người dự kiến ​​cắt giảm chi tiêu trong tháng tới hơn là tăng chi tiêu. Chỉ có hai danh mục cho thấy điều ngược lại: tạp hóa và giáo dục.

Cựu tổng thống Somalia đắc cử nhiệm kỳ hai

Trong nhiệm kỳ đầu làm tổng thống của Hassan Sheikh Mohamud, quyền lực của ông thậm chí chẳng vươn xa khỏi cánh cổng đầy bao cát chống đạn của dinh tổng thống ở Mogadishu. Nhóm thánh chiến Al-Shabab hoành hành khắp nơi và tấn công khủng bố trở thành một thường lệ. Nhiều thập kỷ nội chiến đã biến đất nước thành vũng lầy phân chia cát cứ.

Nhiệm kỳ đầu của ông Mohamud kết thúc vào năm 2017, khi ông thất bại trước Mohamed Abdullahi Mohamed. Nhưng sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 5 vừa qua, ông sẽ nhậm chức lần hai vào thứ Năm. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Somalia độc lập vào năm 1960 có một người đắc cử tổng thống hai lần. Song ông Mohamud kế thừa một đất nước đang trượt lùi đầy nguy hiểm. Tổng thống tiền nhiệm tỏ ra vô cùng độc tài, gây chiến với các nước láng giềng và từ chối rời nhiệm sở, làm dấy lên lo ngại về một cuộc nội chiến mới. Và đáng lo nhất là việc các lực lượng thánh chiến giành lại nhiều lãnh thổ trong thời gian gần đây. Trong phát biểu với The Economist, Mohamud nói nhiệm vụ đầu tiên của ông là đánh bại họ.