Thế giới hôm nay: 07/12/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một đòn tấn công bằng máy bay không người lái vào sân bay của Nga ở Kursk, nằm cách biên giới Ukraine khoảng 100 km, đã làm cháy bể chứa trong một cơ sở dầu gần đó, theo thống đốc vùng. Trong một diễn biến khác, bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu cáo buộc Ukraine “khủng bố hạt nhân” vì đã nã pháo vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia (Ukraine phủ nhận).

Ủy ban Hạ viện Mỹ có nhiệm vụ điều tra vụ bạo loạn 6 tháng 1 ở Điện Capitol sẽ chuyển “một số” đề nghị khởi tố lên bộ tư pháp, theo lời của chủ tịch ủy ban. Nằm trong danh sách đối tượng tiềm năng là Donald Trump và các đồng minh của ông, dù chủ tịch uỷ ban cho biết danh sách cũng như sức nặng pháp lý của nó vẫn chưa được chốt.

Ban giám sát của Meta, vốn có nhiệm vụ đưa ra đánh giá độc lập về các vấn đề nhạy cảm, đã thúc giục Facebook tiến hành thay đổi “đáng kể” phương cách kiểm duyệt nội dung của những người dùng nổi tiếng. Ban cũng nói Facebook đã bỏ qua các nguồn thông tin nguy hiểm vì nhẹ tay với các đối tác kinh doanh và chính trị gia. Trong khi đó, Facebook nói có thể sẽ rút nội dung tin tức Mỹ khỏi trang chủ newsfeed, phần nào vì dự luật mới của Quốc hội có thể sẽ cho phép các nhà cung cấp tin tức tính phí dẫn link.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dự lễ truy điệu người tiền nhiệm Giang Trạch Dân tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Ông Giang, người qua đời ở tuổi 96 hồi tuần trước, lên nắm quyền ngay sau cuộc đàn áp đẫm máu năm 1989 chính tại quảng trường này. Ông Tập đã nhân sự kiện này để nhấn mạnh cam kết đối với mục tiêu “thịnh vượng chung” của ông.

Latvia rút giấy phép phát sóng đối với TV Rain, một kênh tin tức lưu vong Nga hoạt động từ thủ đô Riga của nước này. Cơ quan quản lý truyền thông của Latvia cáo buộc kênh này đe dọa an ninh quốc gia và trật tự xã hội của đất nước. Nhưng có lẽ họ đã nhầm: các nước nên hoan nghênh những cơ quan truyền thông đang cố gắng đưa tin tức thật vào Nga.

Quốc hội Indonesia thông qua luật cấm quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Bộ luật mới, theo đó sẽ áp dụng cho cả người Indonesia lẫn người nước ngoài, cũng hạn chế quyền chỉ trích tổng thống và các tổ chức nhà nước. Chính phủ nói đã “cố gắng đáp ứng phản hồi” và rằng bộ luật cũ, có từ thời thuộc địa, đã “không còn phù hợp.”

Con số trong ngày: 80%, là xác suất ghé thăm sòng bạc của một người Trung Quốc lần đầu đi du lịch nước ngoài.

TIÊU ĐIỂM

Bức tranh kinh tế EU khi mùa đông đến gần

Liệu các đòn đánh của Vladimir Putin vào kinh tế châu Âu có hiệu quả? Số liệu GDP chi tiết của EU, được công bố vào thứ Tư, sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi này. Trong quý 3 năm 2022, GDP toàn EU tăng 0,2% so với quý 2. Dù không quá ấn tượng, nó cũng không phải suy thoái. Nhưng sau một mùa thu tương đối ôn hoà, mùa đông dài sắp tới có thể sẽ khó khăn hơn. Các số liệu sắp tới đây cho thấy nhiều khả năng sẽ có suy thoái. Doanh số bán lẻ giảm trong tháng 10; trong khi các chỉ số niềm tin trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng vẫn thấp. Đáng lo ngại nhất là việc toàn bộ ngành dịch vụ bị suy yếu, với mức giảm tệ nhất kể từ tháng 2 năm 2021.

Nhưng có một điểm sáng là thị trường lao động. Các doanh nghiệp dự kiến thuê thêm lao động, qua đó giúp duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Điều đó ít nhiều cũng gửi đi một tín hiệu tích cực: kinh tế EU có thể suy yếu, nhưng các doanh nghiệp dường như không cho rằng tình trạng hiện tại sẽ kéo dài.

Tỉ lệ mắc bệnh của người lao động Anh tăng cao

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Công IPPR, được công bố vào thứ Tư, sẽ khiến người đọc lo lắng. Anh là nước G7 duy nhất có lực lượng lao động chưa quay về mức tiền đại dịch. Khoảng 2,5 triệu trong lực lượng lao động 36 triệu người của Anh đang không hoạt động kinh tế vì bệnh tật. Và những người đang làm việc cũng trở nên ốm yếu hơn: hiện tại xác suất mắc bệnh của người lao động đã cao hơn 13% so với ba năm trước.

Đây là tin xấu cho nền kinh tế kém hiệu quả kinh niên của Anh: những vùng có tỷ lệ ốm đau cao hơn thường có năng suất thấp hơn. Và người lao động chân tay sẽ phải bỏ lỡ công việc nhiều hơn, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế.

Giải pháp được IPPR khuyến nghị là cải thiện phòng ngừa các bệnh có thể tránh cũng như tăng khả năng tiếp cận bác sĩ và phương pháp điều trị. Nơi làm việc cũng nên phù hợp với những người có sức khỏe kém. Nền kinh tế ốm yếu của Anh sẽ không muốn lực lượng lao động của mình cũng ốm yếu nốt.

Toà án Tối cao Mỹ xử vụ kiện về luật bầu cử

Vào thứ Tư, Tòa Tối cao Mỹ sẽ xem xét một ý tưởng mới lạ có thể thay đổi cách thức bầu cử ở nước này. Theo những người ủng hộ “thuyết cơ quan lập pháp bang độc lập” gây tranh cãi, các nhà lập pháp bang nên có thẩm quyền gần như tuyệt đối (chỉ bị giới hạn bởi Quốc hội) trong việc điều hành các cuộc bầu cử liên bang—từ việc vẽ các khu vực bầu cử cho đến ấn định giờ bỏ phiếu. Luật hiện tại cho phép các tòa án bang xem xét và ngăn chặn các quy định như vậy.

Vụ Moore kiện Harper xuất phát từ cuộc tranh cãi về bản đồ đơn vị bầu cử quốc hội của phe Cộng hòa ở Bắc Carolina vào năm 2021. Khi tòa án cấp cao nhất của bang tuyên bố bản đồ này vi phạm hiến pháp Bắc Carolina, các nhà lập pháp bang thuộc đảng Cộng hòa đã yêu cầu Tòa án Tối cao can thiệp.

Họ cho rằng hiến pháp liên bang chỉ trao quyền cho cơ quan lập pháp bang trong việc điều chỉnh bầu cử Quốc hội, và tòa án tiểu bang không có quyền gì. Các quan chức Dân chủ của Bắc Carolina cũng như các nhóm ủng hộ quyền bầu cử bác bỏ quan điểm này vì nó “sỉ nhục không thể chấp nhận được” đối với quy tắc liên bang. Họ nói rằng nó “mâu thuẫn không thể hoà giải được với các nguyên tắc cơ bản của nền cộng hòa của chúng ta.”

Hội nghị đa dạng sinh học toàn cầu khai mạc

COP15, hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học, sẽ khai mạc tại Montreal vào thứ Tư. Tại đây, hơn 20.000 đại biểu sẽ tranh luận trong hai tuần tới về cách cứu các loài động thực vật trên Trái đất, mà hơn 12% trong số đó có nguy cơ tuyệt chủng.

Các hệ sinh thái lành mạnh giúp mang lại thực phẩm, vật liệu xây dựng và thuốc men. Thực vật giải phóng oxy và hấp thụ khoảng 11 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm; bên cạnh 10 tỷ nữa từ các đại dương. (Con người thải ra khoảng 50 tỷ tấn.) Ngân hàng Thế giới ước tính suy thoái hệ sinh thái sẽ lấy đi 225 tỷ đô la khỏi GDP toàn cầu vào năm 2030.

Tất cả các mục tiêu đa dạng sinh học trước đây của Liên Hợp Quốc đều đã bị bỏ lỡ. Hy vọng là COP15 sẽ mang lại một bộ quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý và có thể định lượng được, như thỏa thuận Paris đã làm với biến đổi khí hậu. Nhiều nước muốn ban hành cam kết bảo vệ 30% diện tích đất và đại dương của thế giới cho tới năm 2030 (cũng như nguồn ngân sách để thực hiện nó). Nhưng chưa rõ các bước cụ thể— đặc biệt khi Mỹ vẫn là một trong số ít quốc gia chưa phê chuẩn Công ước của COP về Đa dạng Sinh học.