Thế giới hôm nay: 13/12/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hội đàm với các lãnh đạo Mỹ, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ giữa lúc giao tranh ác liệt ở miền đông nước ông. Ông Zelensky nói sẽ có “kết quả quan trọng” sau một số cuộc họp quốc tế trong tuần tới. Trong khi đó, Ukraine tuyên bố đã tấn công trụ sở của nhóm lính đánh thuê Nga Wagner. Về phía Nga, quân đội nước này đã không kích thành phố cảng Odessa, khiến khoảng 1,5 triệu người bị mất điện.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi thành lập cơ quan đạo đức cấp EU sau vụ bê bối tham nhũng ngay trong Nghị viện Châu Âu. Hôm thứ Sáu, Eva Kaili, một phó chủ tịch của nghị viện, đã bị cảnh sát Bỉ bắt giữ vì nghi ngờ nhận hối lộ từ một quốc gia giấu tên.

Trung Quốc thông báo bãi bỏ app truy dấu covid trên điện thoại. Ứng dụng “thẻ hành trình” này được sử dụng để theo dõi và kiểm soát việc đi lại của người dân. Hiện số ca nhiễm chính thức đang giảm đáng kể, có lẽ vì nước này bớt áp dụng xét nghiệm hàng loạt. Các chuyên gia y tế và phương tiện truyền thông cho rằng covid đang lây lan nhanh chóng, đặc biệt là ở Bắc Kinh nơi đang ghi nhận hàng dài người trước cổng các bệnh viện.

Các nhà khoa học Mỹ được cho là đã thu được “tăng năng lượng ròng” từ phản ứng tổng hợp hạt nhân. Các phản ứng nhiệt hạch, bao gồm những phản ứng giúp tạo ra năng lượng cho mặt trời, có thể tạo ra lượng năng lượng khổng lồ mà không thải ra carbon hoặc chất thải phóng xạ lâu dài. Cho đến nay, các phản ứng tổng hợp nhân tạo đã tiêu thụ nhiều năng lượng hơn chúng tạo ra. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về “bước đột phá khoa học lớn” này vào thứ Ba.

Tân tổng thống Peru Dina Boluarte tuyên bố sẽ đệ trình kế hoạch tiến hành tổng tuyển cử lên Quốc hội, trong bối cảnh có biểu tình dữ dội đòi bà từ chức. Các cuộc biểu tình đã làm rung chuyển Peru kể từ khi Pedro Castillo, người giữ chức tổng thống cho đến tuần trước, bị bắt sau cuộc đảo chính lộn xộn hôm thứ Tư. Những người ủng hộ ông Castillo đã gọi bà Boluarte, người từng là phó tổng thống của ông, là “kẻ phản bội.”

Iran đã hành quyết một thanh niên vào thứ Hai vì vai trò của anh ta trong biểu tình chống chính phủ, ngay sau một người trước đó vào thứ Năm. Majid Reza Rahnavard bị treo cổ với cáo buộc “gây chiến với Chúa” và sát hại hai thành viên lực lượng an ninh Iran. Theo một nhóm nhân quyền, 488 người biểu tình đã thiệt mạng, bên cạnh 62 người của lực lượng an ninh.

Công ty công nghệ sinh học Mỹ Amgen được cho là sắp mua Horizon Therapeutics, sau khi công ty Sanofi của Pháp từ bỏ thương vụ. Thỏa thuận trị giá khoảng 22 tỷ đô la này cho phép Amgen tiếp cận danh mục thuốc điều trị các bệnh viêm nhiễm và tự miễn dịch của Horizon. Nó sẽ là một trong những giao dịch lớn nhất ngành dược phẩm năm nay.

Con số trong ngày: 77%, là tỷ lệ ủng hộ hiện tại của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Đây có thể thuộc mức cao nhất trong số các nhà lãnh đạo lớn trên thế giới.

TIÊU ĐIỂM

Liệu áp lực lạm phát đã giảm ở Mỹ chưa?

Trong năm qua ở Mỹ, cứ mỗi khi lạm phát giảm nhẹ là áp lực giá cả lại phục hồi mạnh mẽ. Do đó, giới đầu tư và ngân hàng trung ương trên khắp thế giới sẽ xem xét kỹ lưỡng các số liệu mới nhất, được công bố vào thứ Ba, để xem liệu chu kỳ ảm đạm này có chấm dứt chưa. Dự báo hiện tại cho rằng chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi, tức không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 0,3% trong tháng 11, tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ đó.

Nếu đúng, đây sẽ là đợt lạm phát hai tháng nhẹ nhất kể từ năm 2021. Chi phí của nhiều mặt hàng tiêu dùng đang giảm nhờ chuỗi cung ứng được thông thoáng hơn. Giá bất động sản cũng suy yếu khi lãi suất lên cao. Nhưng áp lực sẽ không tự nhiên biến mất. Tiền lương tăng nhanh vì thị trường lao động tiếp tục nóng. Và giá dầu có thể tăng vọt bất cứ lúc nào khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine kéo dài. Thận trọng có lẽ là cách tiếp cận đúng nhất vào lúc này.

Mỹ muốn cải thiện quan hệ với châu Phi

Sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi đang là cái gai trong mắt phương Tây, bên cạnh những can thiệp của Nga. Nhưng Mỹ cũng có ảnh hưởng trong khu vực. Sự hiện diện của hàng chục nhà lãnh đạo châu Phi vào thứ Ba tại Washington, cho Hội nghị Thượng đỉnh Các Lãnh đạo Mỹ-châu Phi đầu tiên kể từ năm 2014, là minh chứng cho điều đó.

Đối với nhiều nước châu Phi, Mỹ là một đồng minh an ninh không thể thiếu. Các điều khoản thương mại của Mỹ cũng mang lại quyền tiếp cận ưu đãi cho hàng xuất khẩu từ châu Phi. Và viện trợ nhân đạo của Mỹ đã giúp cứu sống hàng triệu người. Nhưng các chính trị gia châu Phi muốn nhiều hơn từ mối quan hệ với Mỹ, đặc biệt khi nền kinh tế của họ chìm trong khó khăn bởi đại dịch, chiến tranh Ukraine và quản lý yếu kém.

Trước đây Donald Trump luôn đặt châu Phi trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Nhưng Joe Biden muốn chứng tỏ rằng ông coi trọng quan điểm của lục địa. Giới chức Mỹ nói hội nghị thượng đỉnh là dịp để lắng nghe từ người châu Phi. Nhưng người châu Phi sẽ muốn nghe nước Mỹ có thể mang lại điều gì.

Tổng thống Pháp Macron đồng tổ chức hội nghị về tái thiết Ukraine

Vào thứ Ba, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Pháp của ông, Emmanuel Macron, sẽ cùng tổ chức một hội nghị tại Paris về viện trợ cho Ukraine. Ông Zelensky sẽ họp online, trong khi thủ tướng của ông, Denys Shmyhal, đích thân đến thủ đô nước Pháp để kêu gọi ủng hộ. Ông Shmyhal ước tính việc tái thiết toàn diện Ukraine sẽ tiêu tốn 750 tỷ USD.

Hội nghị có hai phần. Một hội nghị bàn tròn quốc tế sẽ xem xét cách giúp Ukraine sống sót qua mùa đông. Ông Macron muốn có cam kết cung cấp máy phát điện, thiết bị y tế và các viện trợ khác. Sau đó một cuộc thảo luận song phương sẽ tìm cách để các công ty Pháp giúp đỡ tiến trình tái thiết.

Cuộc gặp diễn ra khi ông Macron muốn chứng tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của Pháp đối với Ukraine, bất chấp những cáo buộc từ các đồng minh Đông Âu rằng ông mềm mỏng với Nga. Theo Viện Kiel, một tổ chức nghiên cứu ở Đức, chỉ có Đức cam kết viện trợ nhiều hơn Pháp trong số các nước EU.