Thế giới hôm nay: 23/08/2019

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

TIN VẮN

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng không có đủ thời gian chỉ trong vòng 1 tháng tới để đàm phán một thỏa thuận Brexit hoàn toàn mới với Liên minh châu Âu. Ông Johnson muốn điều khoản về biên giới cứng với Bắc Ireland được bãi bỏ hoàn toàn; Ông Macron gọi đó là điều kiện không thể thiếu nếu EU muốn duy trì tính toàn vẹn của thị trường chung.

Sách trắng quốc phòng sắp công bố của chính phủ Nhật Bản sẽ cho biết rằng Triều Tiên đang chế tạo đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lắp vào tên lửa đạn đạo, theo tờ Yomiuri Shimbun. Các cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc đã nghi ngờ Triều Tiên đang phát triển năng lực này; việc Nhật công bố công khai như vậy có thể là một biện pháp nhằm thể hiện sự giận dữ của họ đối với việc các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa rơi vào bế tắc.

Tổng thống dân túy của Brazil, ông Jair Bolsonaro, tuyên bố rằng chính phủ của ông thiếu các nguồn lực để dập các vụ cháy rừng nhiệt đới Amazon. Những người phản đối cho rằng ông Bolsonaro, người coi bảo vệ môi trường là mối đe dọa đối với phát triển kinh tế, đã ngầm ủng hộ nông dân gây nên những vụ cháy bất hợp pháp bằng cách làm suy yếu các cơ quan bảo vệ rừng. Số vụ cháy được phát hiện từ đầu năm đến nay đã tăng 84%.

Cảnh sát New Delhi đã bắt giữ P. Chidambaram, cựu Bộ trưởng Tài chính và Nhà ở trong các chính phủ do Đảng Quốc đại lãnh đạo thời điểm trước khi ông Narenda Modi lên nắm quyền. Ông bị bỏ tù vì nghi ngờ đã nhận hối lộ để phê duyệt các khoản đầu tư của nước ngoài. Ông Chidambaram là người có vị thế cao nhất trong nhóm các đối thủ chính trị ngày càng đông đảo của ông Modi đột nhiên bị truy tố vì các tội danh tham nhũng.

Yêu cầu trợ cấp thất nghiệp mới ở Mỹ đã giảm so với dự kiến vào tuần trước. Trong khi đó, IHS Markit, một hãng nghiên cứu dữ liệu, đã công bố “Chỉ số Nhà quản lý mua hàng sản suất” của họ đối với Mỹ, giảm xuống dưới mức 50 điểm trong tháng 8 – một mức cho thấy sản lượng đi ngang – lần đầu tiên kể từ năm 2009. Điều đó khiến cho thị trường lo lắng. Đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ lại đảo ngược một lần nữa – một dấu hiệu khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng nước Mỹ đang đứng trước suy thoái.

Hội đồng quản trị Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đồng ý loại bỏ giới hạn độ tuổi cho Giám đốc Điều hành của họ, dọn đường cho bà Kristalina Georgieva của Bulgaria đảm nhiệm vị trí này. Hiện tại các ứng cử viên phải từ 65 tuổi trở xuống; trong khi bà Georgieva đã bước sang tuổi 66 vào ngày 13 tháng 8. Nếu được bổ nhiệm, bà sẽ là nữ Giám đốc Điều hành thứ hai của IMF và là người đầu tiên đến từ Đông Âu.

Nỗ lực của một số quốc gia châu Phi nhằm mở lại một phần việc buôn bán các bộ phận của voi đã bị bác bỏ bởi Công ước về Buôn bán quốc tế các loài Động, Thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). CITES cũng lần đầu tiên đề xuất siết chặt việc buôn bán hươu cao cổ và các bộ phận cơ thể của chúng. Một số loài hươu cao cổ hiện có số lượng ít hơn 10.000.

TIÊU ĐIỂM

Thách thức ở Hội nghị thượng đỉnh G7

Năm ngoái, Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm bảy nền kinh tế tiên tiến hàng đầu đã kết thúc trong lộn xộn, với việc Tổng thống Donald Trump đăng tweet nói xấu chủ nhà Canada là “rất không trung thực và yếu đuối”, đồng thời từ chối tán thành thông cáo chung cuối cùng. Hội nghị ấy trông giống như G6 + 1 hơn là G7. Tổng thống Emmanuel Macron, chủ nhà của hội nghị dự kiến sẽ bắt đầu vào thứ bảy tới tại thành phố Biarritz ở tây nam nước Pháp, đã loại bỏ phần thông cáo chung nhằm tránh bất kỳ vụ “phá sản” nào. Ông muốn tập trung vào việc làm cho chủ nghĩa tư bản công bằng hơn (một số nhà lãnh đạo châu Phi được mời đến dự) và xanh hơn (tập trung vào vấn đề tài chính cho chống biến đổi khí hậu).

Như thường lệ, các sự kiện bất ngờ có thể làm đảo lộn các kế hoạch tỉ mỉ nhất. Ông Trump đã đe dọa sẽ trả đũa sắc thuế mới của Pháp nhằm vào các đại gia công nghệ bằng việc áp thuế đối với rượu vang Pháp. Tranh luận có thể bùng lên về bất cứ thứ gì từ tiền tệ cho đến Iran và Brexit. Song có một điều sẽ đoàn kết các nhà lãnh đạo ở Biarritz: nỗi sợ hãi về một nền kinh tế thế giới đang chao đảo. Điều đó sẽ khuyến khích họ trấn an thị trường, chứ không phải tranh cãi thêm với nhau.

Các nhà kinh tế và lãnh đạo ngân hàng nhóm họp ở Jackson Hole

Các nhà đầu tư sẽ hướng về Wyoming vào hôm nay, nơi Jerome Powell, chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sẽ phát biểu trước các nhà kinh tế và các nhà quản lý ngân hàng trung ương. Các tên tuổi lớn về chính sách tiền tệ nhóm họp tháng 8 hàng năm tại Jackson Hole (Wyoming) để cùng thảo luận và nghe các báo cáo nghiên cứu mới. Chủ đề của năm nay là “Thách thức đối với chính sách tiền tệ”, và ông Powell phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Hồi tháng 7, do lo ngại tác động đối với nền kinh tế Mỹ tạo ra bởi tăng trưởng toàn cầu yếu và cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump, Fed đã giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2008.

Căng thẳng thương mại kể từ đó vẫn leo thang và các thị trường bất ổn; một số chỉ dấu cho thấy có thể xảy ra suy thoái. Trong khi đó, những lời phàn nàn công khai của ông Trump về việc Fed từ chối giảm lãi suất nhanh hơn vẫn tiếp tục. Gần đây, ông tweet: “…CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG ĐÂU RỒI?”. Trong bài phát biểu của mình, ông Powell sẽ cố gắng trấn an các thị trường rằng Fed sẵn sàng giảm lãi suất nhiều hơn nữa nếu nền kinh tế đòi hỏi  – song Fed không muốn gây ấn tượng rằng họ cắt giảm lãi suất vì bi quan hay phải “nghe lời” Trump – một nhiệm vụ gần như bất khả thi.

Lãi suất liên bang và lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ.

Quan hệ Nhật-Hàn bế tắc

Những người hàng xóm thù hận dường như không hề nhượng bộ nhau. Hôm nay, Hàn Quốc đã xóa bỏ một hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo nhằm trả đũa các quy định thắt chặt xuất khẩu của Nhật nhằm vào các ngành công nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc. Hiệp ước ba bên với Mỹ đã được ký kết vào năm 2016 để giúp đối phó với các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Mối quan hệ bắt đầu trở nên gay gắt vào mùa thu năm ngoái khi Tòa án tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật phải bồi thường cho những người lao động Hàn Quốc bị buộc làm việc trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên.

Nhật khẳng định tất cả các yêu cầu bồi thường đã được giải quyết trong hiệp ước thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm 1965. Tuy nhiên, nhiều người Hàn Quốc tin rằng người Nhật chưa đủ hối lỗi cho các hành động sai trai của họ thời chiến. Một cuộc tẩy chay Nhật Bản ngày càng gia tăng đã gây thiệt hại cho thương mại và du lịch. Nỗ lực trong tuần này của Trung Quốc nhằm làm người hòa giải cho cuộc tranh chấp đã khiến Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc đang cố gắng chia rẽ một liên minh châu Á quan trọng. Song ông Moon Jae-in, tổng thống Hàn Quốc, đã từ chối lời kêu gọi giảm bất đồng của ông Donald Trump.

Bầu Trưởng đặc khu Macau

Vào Chủ nhật tới, một hội đồng gồm 400 đại cử tri sẽ lựa chọn Trưởng đặc khu mới của Macau. Đừng nên trông đợi vào bất ngờ nào: Ho Iat Seng, một doanh nhân 62 tuổi được chính quyền trung ương Trung Quốc ủng hộ, là ứng cử viên duy nhất. Trên lý thuyết, thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha được phép tự điều hành công việc của mình kể từ khi được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1999. Song, trong thực tế, họ bị kiểm soát chặt chẽ, với việc các cuộc bầu cử trực tiếp chỉ bầu ra chưa tới một nửa số ghế trong cơ quan lập pháp.

Gần đây, chính quyền lo lắng rằng tình cảm chống chính phủ có thể lan truyền từ Hồng Kông gần đó. Cảnh sát đã cấm một cuộc biểu tình nhỏ vốn được lên kế hoạch nhằm thể hiện đoàn kết với người biểu tình Hồng Kông vào ngày 19 tháng 8. Nhưng rất ít trong số 600.000 cư dân Macau coi cải cách chính trị là ưu tiên hàng đầu. Họ được hưởng thu nhập cao hơn nhiều so với người Hồng Kông và phúc lợi cũng hào phóng hơn. Họ nhận được một phần lợi nhuận hàng năm từ các sòng bạc khổng lồ của thành phố. Số tiền đó trị giá khoảng 1.250 đô la mỗi người trong năm nay.

Google đối mặt “công đoàn” của các Youtuber

Google đã phải đối mặt với sự bất mãn từ các nhân viên của họ. Tháng 11 năm ngoái, 20.000 “Googler” – cách mà Google gọi nhân viên của mình – đã biểu tình nhằm phản đối cách công ty xử lý nạn quấy rối tình dục. Thách thức mới nhất về lao động của Google đến từ các YouTuber, những người sáng tạo nội dung cho công ty con về lưu trữ video khổng lồ của Google.

Mặc dù các YouTuber không phải là nhân viên, hàng ngàn người trong số này kiếm sống từ doanh thu quảng cáo mà video của họ tạo ra. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng từ năm 2017, YouTube đã bắt đầu hạn chế những video có thể được hỗ trợ bởi quảng cáo, khiến thu nhập của các YouTuber giảm xuống. Đáp lại, 23.000 người đã tham gia FairTube, một tổ chức mong muốn hợp thành phong trào công đoàn và buộc Google cho đến hôm nay phải ngồi vào bàn thương lượng. Phong trào này mạnh nhất ở châu Âu, nơi họ được hỗ trợ bởi IG Metall, công đoàn thương mại lớn nhất châu lục. Một vấn đề đau đầu khác của Google ở châu Âu là án phạt cho hành vi chống cạnh tranh từ năm 2017 với số tiền phạt hơn 9 tỉ đô-la.