Hãng hàng không Air America và mối liên hệ với CIA

Tổng hợp: Nguyễn Thanh Hải

Hãng hàng không Mỹ (Air America) được cho là là một doanh nghiệp hậu cần và vận tải hàng không do Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) nắm quyền sở hữu và điều hành. Suốt nhiều năm, CIA liên tục phủ nhận dấu vết của họ ở Air America (AA), cuối cùng đã bán phần lãi của mình vào năm 1978.

Khi đó AA cung cấp hỗ trợ đường không bí mật cho các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á, bao gồm các hoạt động tìm kiếm và giải cứu, các chiến thuật chèn lực lượng đặc biệt, buôn lậu vũ khí và cả ma túy. Các cựu phi công của AA vẫn đang vận động hành lang để nhận lương hưu, chăm sóc y tế và được thừa nhận về việc họ đã làm trong chiến tranh.

Các bộ hài cốt vẫn đang trong quá trình xác định danh tính và hồi hương, và lần gần đây nhất là năm 2019. Giá trị của các phi công Mỹ là một chương ít được soi sáng cũng như ít được đề cập tới trong hoạt động gián điệp Mỹ. Làm sáng tỏ AA là một vấn đề rất phức tạp vì thông tin công khai về nó rất ít. Tác giả bài viết này là Alec Smith, tốt nghiệp chương trình quan hệ quốc tế MSC của Đại học Aberdeen (Vương quốc Anh) và có bằng LLB về luật toàn cầu tại Đại học Tilburg (Hà Lan).

Một lịch sử bí mật trùng điệp

Câu chuyện về AA không bắt đầu tại Việt Nam hay Lào mà là ở Trung Quốc. Trong suốt Thế chiến II, Mỹ đã cung cấp hỗ trợ cho phe Tưởng Giới Thạch. Thiếu tướng Claire Lee Chennault được giao nhiệm vụ phát triển sức mạnh không quân của Trung Quốc từ những máy bay còn sót lại và tình nguyện viên không quân. Đó là một mục tiêu rất ghê gớm: Chennault phải cản trở quân xâm lược Nhật Bản và tiến hành không kích vào lục địa Nhật Bản.

Air America và mối liên quan với CIA -0
Hoa văn răng cọp trên mũi của máy bay. Ảnh nguồn: NPR 2021 / Getty Images.

Sau khi thành lập Nhóm tình nguyện viên Mỹ (AVG), Chennault được giao khoảng 100 chiếc Curtis P-40 Warhawks để hoàn tất sứ mạng. Chúng được vận chuyển trên một vận tải cơ đến Rangoon và chuyển chúng cho Trung Quốc thông qua ngả Mianma. Những chiếc Warhawks có hoa văn răng hổ, mắt trắng và đỏ ngay trên mũi máy bay. Người Trung Quốc gọi những chiếc máy bay này là “cọp”, phía không quân Mỹ gọi chúng là “Những chú cọp bay”.

AVG trở thành một đơn vị chính thức của Không lực Hoa Kỳ vào năm 1942 khi Mỹ chính thức tham chiến. Hiện nay, những chiếc A-10 của Nhóm chiến đấu số 23 trực thuộc Không lực Mỹ (USAF) vẫn mang hoa văn răng cọp. Cọp là một đơn vị không quân thành công, và nhờ đó mà chiếc ghế của Chennault mới được bản thân Tưởng Giới Thạch ân sủng.

Chennault đã sử dụng địa vị lý tưởng của mình để tiến hành gặp gỡ với các quan chức dân tộc chủ nghĩa ở tỉnh Vân Nam. Chennault đề nghị thành lập một hãng hàng không chuyên chở quặng thiếc tới các cảng biển ở Mianma, đề nghị liên kết mặt hàng xuất khẩu chính của Vân Nam sang các thị trường quốc tế. Tuy nhiên đối phương đã lật úp các nhà hảo tâm chính trị của Chennault ở Vân Nam buộc ông phải tìm kiếm nguồn tài trợ ở nơi khác.

Vị thiếu tướng đã tuyển lựa tài năng của AVG để sáng lập hãng hàng không. Ông đã gặp gỡ với ông Whiting Willauer (giám đốc của Cục quản lý kinh tế đối ngoại Mỹ) để có được 50.000 USD kinh phí từ Rio Cathay SA, hãng đang tài trợ cho các liên danh Mỹ ở Trung Quốc. Ông Willauer đã giúp Chennault thành lập AVG và Những chú cọp bay trong thời chiến, và cả hai đã tạo dựng được lòng tin ở một mức độ nào đó. Mặc dù ban đầu được các quan chức tỉnh Vân Nam chào đón, nhưng cả hai đã vấp phải sự kháng cự gay gắt từ những công ty của Trung Quốc.

Chennault đã để ý tới vấn đề vận tải hàng không từ các thành phố duyên hải Trung Quốc vào nội địa. Ông đã tiếp cận đại tá Ralph Olmstead – giám đốc Cơ quan cứu trợ và phục hồi chức năng mới (UNRRA) của Liên hợp quốc (UN). Hợp đồng UNRRA đã dẫn đến việc thành lập Cơ quan phục hồi chức năng và cứu trợ quốc gia Trung Quốc. Ngày 25 tháng 10 năm 1946, cái tên dài lê thê này đã được rút ngắn thành Vận tải hàng không dân dụng (CAT).

CAT đã mua 5 chiếc C-47 Skytrains từ Mỹ và thiết lập một tuyến không vận giữa Thượng Hải và Canton (tức Quảng Châu). CAT đã thực hiện các chuyến bay thương mại sau khi giao hàng viện trợ trở về. Năm 1947, CAT có 5 chiếc C-47 hoạt động và hơn 150 nhân viên, và sau đó thêm một số chiếc C-46 được giao. CAT thực hiện chuyên chở hàng cứu trợ của UN đã được chất lên các bến cảng Thượng Hải.

Ngay từ đầu đã xảy ra sự cố. Có 2 báo cáo cho thấy CAT đã mất ít nhất 2 chiếc C-47 trong năm hoạt động đầu tiên. Hơn nữa CAT thường xuyên bị tạm giữ bởi các chỉ huy căn cứ không quân Trung Quốc. Các báo cáo tai nạn cho thấy CAT đã hoạt động trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và chịu áp lực to lớn. Nhiều sân bay mà CAT hoạt động đã bị thủng bởi các mảnh bom, đạn. Công việc mà CAT thực hiện đã được chính phủ theo chủ nghĩa dân túy Trung Quốc và UN ghi nhận là một nỗ lực nhân đạo.

Air America và mối liên quan với CIA -0
Tướng Chennault tại trụ sở ở Thượng Hải. Ảnh nguồn: CAT Association.

 

Cuộc trường chinh và CIA mua lại CAT

Thay mặt cho chủ nghĩa dân túy, CAT đã nhanh chóng dịch chuyển hoạt động cứu trợ truyền thống sang một tuyến hàng không gọi là “con thoi bông – lính”. Binh lính sẽ được vận chuyển từ Thanh Đảo tới Tế Nam (tỉnh Sơn Đông), sau đó những kiện bông sẽ được chất đầy lên những chiếc C-46 để bay về Thanh Đảo. Việc này bị vạch mặt bởi một bài báo ở Thượng Hải xuất bản năm 1947, đã tố “CAT – Những kẻ trục lợi giả dạng hãng hàng không cứu trợ”.

Trong suốt năm 1947, CAT dần thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm thay mặt cho chính phủ dân túy Trung Quốc. Chính phủ dân túy thực hiện việc gia hạn hợp đồng cho CAT tùy thuộc vào sự đồng ý của Chennault để thực hiện các nhiệm vụ bay ở Mãn Châu, nơi khi ấy đã nổ ra cuộc chiến giữa phe Cộng sản và chính phủ dân túy. Trong suốt năm 1948, các phi công CAT đã chuyển nguồn cung trực tiếp đến Phụng Thiên (thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh). Một chuyến bay giữa Thanh Đảo và Phụng Thiên đã bị các chiến cơ Liên Xô tấn công.

Sau tháng 6 năm 1949, gần như tất cả các hoạt động của CAT được tiến hành thay mặt chính phủ dân túy Trung Quốc. Khi Trung Quốc được giải phóng vào năm 1949, CAT đã theo chân các nhà hảo tâm dân túy đến Formosa (Đài Loan). Việc kinh doanh bết bát khi các thành phần dân túy sống lưu vong và CAT đứng trên bờ vực khánh kiệt. Việc đại lục được giải phóng đồng nghĩa CAT không có điểm nào để bay đến cũng như có ít máy bay để bay.

Cùng thời điểm đó CIA nhận ra rằng họ cần một sức mạnh không quân bí mật để thực hiện các nhiệm vụ với giá rẻ và hiệu quả ở Đông Nam Á. Năm 1950, CIA tiếp cận Chennault và Willauer để tìm cách mua lại CAT. Chennault đồng ý và CIA đã chi 500.000 USD tiền vốn để mua lại toàn bộ dịch vụ hàng không. Trước khi thực hiện việc mua bán này, CAT hoạt động đơn thuần là một hãng bay thương mại. Nó bay quanh đảo Đài Loan, chở hành khách trên những chiếc C-46 cũ kỹ và một số chiếc Cessnas mới hơn.

Làm thế nào CIA biết rằng CAT sẵn sàng thực hiện những hợp đồng nguy hiểm là một chương chưa được khám phá trong lịch sử hàng không. Trên thực tế, CAT dường như đã “nộp mạng” cho chính phủ Mỹ khi hãng bay này đang căng thẳng tài chính và sụt giảm doanh thu không phanh. Frank Wisner (một quan chức CIA) đã thông báo quyết định mua CAT cho Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân vào tháng 6 năm 1950. Giám đốc CIA phê chuẩn dự án mua hãng bay trong cùng tháng đó. CIA cũng trực tiếp thông báo ý định này cho Willauer vào tháng 7 năm 1950.

Sự khởi đầu của chiến tranh Triều Tiên đã tạo động lực cho chính phủ Mỹ mua lại CAT và đưa nó tái hoạt động. Khi quân đội CHDCND Triều Tiên vượt qua vĩ tuyến 38, văn phòng CAT ở Hương Cảng đã ngay tức khắc chuẩn bị cho các hoạt động tăng cường tại Châu Á. Chennault (được sự cố vấn của sĩ quan thực địa của CIA là Al Cox) đã viết một bức điện tín cho Tướng quân Douglas MacArthur với đề nghị sử dụng các cơ sở CAT trên đảo Đài Loan làm cơ sở hậu cần.

Al Cox là một cựu binh của Cục tình báo chiến lược (OSS) lão làng trận mạc. Cùng với Conrad La Gueux, John Mason (cựu thủ lĩnh sư đoàn bộ binh 90) và Hans Tofte (chuyên gia bán quân sự), CIA bắt đầu hỗ trợ các hoạt động CAT nhằm chuẩn bị cho việc giải cứu các phi công quân sự Mỹ bị bắn rơi ở Triều Tiên.

Tướng MacArthur khuyên CAT rằng quân đội Mỹ có đủ năng lực hậu cần để đối phó với duy trì chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Các liên lạc viên của CAT trong Không lực Mỹ nói với các đại diện của tổ chức này rằng sự hiện diện của Chennault trong tổ chức là một trở ngại với tướng MacArthur. MacArthur không muốn biến mình thành một vị tướng bù nhìn. Cả Chennault lẫn Willauer đều từ chối trả lời.

Cùng ngày hôm đó, CAT phái 2 đại diện Joe Rosbert và Lew Burridge bay đến Tokyo. Họ  được yêu cầu bán các khả năng của CAT và tìm hiểu cách mà viện trợ nhân đạo tới Trung Quốc được phân bổ nhanh chóng trên khắp đất nước bởi CAT. MacArthur không ấn tượng về việc này. Bảy tuần sau, tâm thế MacArthur chuyển sang tuyệt vọng. Chennault và Willauer được triệu hồi đến Tokyo và được yêu cầu chuẩn bị các điều khoản cho một hợp đồng. Vào ngày 25 tháng 8, Không lực Mỹ phê chuẩn các điều khoản của hợp đồng và CAT đã vận chuyển hậu cần hàng không vào Hàn Quốc.

Cần lưu ý rằng Willauer vẫn tiếp tục làm đại sứ Mỹ ở Costa Rica và Honduras. Trong thời gian làm đại sứ Mỹ ở Honduras, Willauer đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch PBSuccess năm 1954. Nếu Willauer là một điệp viên của CIA trước khi CAT được mua lại thì không có hồ sơ để chứng minh việc đó, nhưng trong bất kỳ tình huống nào, Willauer đều duy trì quan điểm rằng mình đã tiếp xúc với CAT sau khi rời đi.

Air America và mối liên quan với CIA -0
Gary Gentz đứng trước trực thăng Bell Huey 204B của Air America. Ảnh nguồn: Air America / Virtual Museum.

 

Hoạt động bao trùm của CAT

CIA nhận thấy nhu cầu cấp thiết đối với bộ kỹ năng của các phi công CAT – những người đã được tôi luyện tại Trung Quốc. Trong suốt chiến tranh Triều Tiên, các phi công CAT đã tiến hành những nhiệm vụ trên đất liền đại lục, cài cắm điệp viên và trang thiết bị CIA vào lãnh thổ đối phương. CAT cũng cung cấp duy tu quan trọng cho máy bay của USAF bị phá hỏng ở Triều Tiên. Chiến tranh Triều Tiên là trận đánh đầu tiên mà CAT thực hiện thay mặt cho chính phủ Mỹ.

CAT cũng tiến hành các nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng thực dân Pháp khi họ cố gắng giành lại quyền kiểm soát Đông Dương. Quyền sở hữu của CIA đi kèm với lợi ích của loại máy bay mới USAF C-119, một loại máy bay mà sau đó được đổi tên thành AC-119. Nó là tiền thân ban đầu của loại máy bay chống nổi dậy và chiến đấu hiện đại dùng thả hàng tiếp tế cho lính Pháp ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Ngoài các đợt thả dù, phi công CAT cũng tiến hành một trong những đợt không kích bằng bom napalm đầu tiên trong chiến tranh Đông Dương nhằm vào các vị trí của Việt Nam. Sau khi kết thúc cuộc chiến đó, CAT đã dùng máy bay C-119 để di tản dân sự đến Nam Việt Nam. Nhằm duy trì hình thức của một hãng hàng không dân sự, CAT đã áp dụng mọi nỗ lực nhằm tiếp tục các hoạt động bay bình thường.

Tháng 12 năm 1958, CIA đã chi tiền để mua một chiếc Convair 880 mới toanh trị giá 4,5 triệu USD. Được gọi là “Mandarin Jet” bởi kiểu cách trang trí bắt mắt và được lái bởi những phi công giỏi nhất của CAT gồm Felix Smith và Harry Cockrell cùng với vài người khác. Chiếc máy bay được cắt băng khánh thành bởi bà Tống Mỹ Linh, vợ của Tưởng Giới Thạch. Mandarin Jet tiếp tục hoạt động cho đến khi nó được bán cho hãng Cathay Pacific vào năm 1968.

Nguồn: ANTG