Đại Việt dưới thời Vua Lê Thái Tông (P1)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Vua tên húy là Nguyên Long, con thứ của vua Thái Tổ, ở ngôi 9 năm, băng khi đi tuần miền Đông, thọ 20 tuổi, táng ở Hựu Lăng. Mẹ vua là Cung Từ hoàng thái hậu Phạm thị, tên húy là Trần, người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa. Vào ngày 20 tháng 11 năm Quí Mão [22/12/1423], sinh ra vua; tháng 3 năm Thuận Thiên thứ 1 [4/1428], phong làm Lương quận công; ngày mồng 6 tháng Giêng năm Thuận Thiên thứ 2, [9/2/1429], được lập làm Hoàng thái tử. Ngày mồng 8 tháng 9 năm Thuận Thiên thứ 6 [20/10/1433], lên ngôi, lấy năm sau làm năm Thiệu Bình thứ 1. Bấy giờ, vua mới 11 tuổi, nhưng không phải nhờ mẫu hậu buông rèm coi việc nước; mọi việc trong thiên hạ do nhà Vua tham khảo với bầy tôi quyết định.

Ngày mồng 1 tháng Giêng năm Thiệu Bình thứ nhất, nhân tết Nguyên Đán, Vua dẫn các quan bái yết thái miếu; lại cùng với bọn sứ thần nhà Minh, Từ Kỳ, mới đến nước ta, làm lễ bái vọng kinh khuyết phương Bắc. Sau đó sai 2 sứ bộ theo Từ Kỳ sang Trung Quốc; một sứ bộ giải thích việc cống vàng; một sứ bộ xin cầu phong:

Giáp Dần, Thiệu Bình năm thứ 1, (Minh Tuyên Đức năm thứ 9). Mùa xuân, tháng Giêng, ngày mồng 1 [9/2/1434], vua dẫn các quan đến bái yết Thái miếu, lại dẫn các quan cùng với sứ thần phương Bắc tới khách quán bái vọng cửa khuyết.

Ngày mồng 4 [12/2/1434], sai Môn hạ ty hữu thị lang Nguyễn Phú (sau đổi là Nguyễn Truyền), Hữu hình viện lang trung Phạm Thì Trung cùng đi với sứ Bắc là bọn Từ Kỳ, Quách Tế sang nhà Minh. Trước đó, nhà Minh sai bọn Từ Kỳ đem thư sang hỏi về những người còn bị ta giam giữ và số vàng phải đem cống, cho nên vua sa bọn Phú sang để trả lời.

Ngày mồng 6 [14/2/1434], sai bọn Tuyên phủ sứ Nguyễn Tông Trụ, Trung thư hoàng môn thị lang Thái Quân Thực, kỳ lão Đái Lương Bật mang tờ biểu và lễ vật địa phương sang nhà Minh cầu phong.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 1b.

Nhà Vua ra chiếu chỉ cho các quan phải hết lòng trung thành, tiến cử người tài; các vệ quân trong nước chuẩn bị lương thực 2 tháng để duyệt binh, tập trận; cùng ra lệnh dân chúng dùng tiền đồng, không phân biệt tốt, xấu:

Ngày mồng 6 [14/2/1434]; ra lệnh chỉ cho văn võ đại thần và các quan lớn nhỏ trong ngoài, đại ý là:

‘Đạo làm tôi cốt yếu có hai điều. Trên thì yêu vua, dưới thì yêu dân. Yêu vua phải hết lòng trung thành, thế thôi. Tất cả các quan được trẫm tin dùng, nếu có ai không hết lòng trung thành, mà bỏ bê phận sự, thì nhà nước có pháp luật. Mới rồi, tìm người hiền để giúp việc nước, đã có lệnh cho mọi người tiến cử người mình biết. Nay đã lâu rồi mà chưa có ai theo lệnh tiến cử một người nào để đáp ứng lòng trẫm là cớ làm sao”.

Ngày mồng 9 [17/2/1434], ra lệnh chỉ cho các quân ngự tiền và các vệ quân năm đạo chuẩn bị lương ăn trong 2 tháng, hạn đến ngày 20 tháng này phải tới địa phận Đông Kinh để điểm danh và luyện tập võ nghệ. Còn quân trấn giữ ở các trấn Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa thì tới địa phận phủ, trấn mình để kiểm duyệt. Ai vi phạm sẽ bị trị tội.

Ngày 12 [20/2/1434], ra lệnh chỉ cho kinh thành và các phủ, lộ, huyện, châu, xã, sách, thôn, trang rằng: Từ nay về sau, tiền đồng sứt nhưng còn xâu dây được thì phải lưu thông tiêu dùng, không được chê bỏ, nếu đã mẻ gãy không xâu dây được nữa thì thôi không tiêu. Người nào trái lệnh, từ chối không nhận, hay kén chọn tiền lành, thì phải tội như nhau. Từ buổi đầu dựng nước đến nay, đã nhiều lần ra chiếu chỉ cấm dân chê bỏ tiền, nhưng bọn coi kho khi nhận tiền lại hay kén chọn tiền tốt, ở trong dân cấm cũng không được, cho nên lại có lệnh này.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 2a.

Qui định con đầu, cháu đầu các quan văn, võ, từ lục phẩm trở lên, được ghi tên vào học Quốc tử giám. Riêng dân chúng, thì cảc lộ, huyện lập danh sách; rồi mở cuộc thi toàn quốc lấy đỗ 1.000 người, chia làm 3 hạng; lấy hạng nhất, nhì, cho vào học Quốc tử giám. Các sinh viên Quốc tử giám được miễn sai dịch:

Ngày 12 [20/2/1434], ra lệnh chỉ cho các quan văn võ rằng: Các quan từ lục phẩm trở lên có coi việc quân dân và các quan phụ đạo, thủ lĩnh ở các phiên trấn mà có con đích, cháu đích thuộc cùng một hộ tịch hay các hộ tịch khác đều được miễn thuế và sai dịch. Nếu là đắp đê quai vạc, làm đường và các việc điều động khẩn cấp, thì không được miễn. Các con đích, cháu đích đều cho ghi tên vào học ở Quốc tử giám để đợi tuyển dụng.

Ngày 15 [23/2/1434], ra lệnh chỉ cho các quan lộ, huyện trong nước phải lập ngay danh sách người dự thi của lộ mình, hẹn tới ngày 25 tháng này phải tới bản đạo tập hợp điểm danh, đến ngày mồng 1 tháng 2 thì thi. Người nào đỗ thì được miễn lao dịch, bổ vào Quốc tử giám. Những học trò ở nhà học của các lộ, đến 25 tuổi trở lên mà không đỗ thì đuổi về làm dân. Lấy bọn Thính hậu văn đội Đỗ Thuận 5 người làm Giáo thụ Quốc tử giám.

Ngày mồng 4 tháng 2 [14/3/1434], thi học sinh trong cả nước. Lấy đỗ hơn 1.000 người, chia làm ba bậc. Bậc nhất và bậc nhì thì đưa về Quốc tử giám, bậc ba thì cho về học tại nhà học các lộ, đều cho miễn lao dịch. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 2a.

Ngoài ra trong tháng Giêng còn có các việc khác như: Dân tộc thiểu số Lạo tại Tuyên Quang đến cống; bổ dụng 156 quan trong triều và các địa phương; Vua sai các quan bái yết Thái miếu, tuyên thệ trung thành. Cùng ra lệnh cho các quan đại thần không được tới lui nhà người con trưởng Vua Thái tổ, tức Quận vương Tư Tề:

Ngày mồng 7 [15/2/1434], người Lạo ở Bình Nguyên,[1] trấn Tuyên Quang đến cống. Sai Đô đốc Lê Vấn truyền lệnh dụ bảo, cho trở về nghiệp cũ.

Ngày 13 [21/2/1434], bổ các quan viên lớn nhỏ trong ngoài là bọn Lê Trãi 156 người. Những người tội nhẹ xử đi đày nhưng được ân xá là bọn Phan Quý Khanh cũng được dự trong số đó.

Ngày 15 [23/2/1434], vua bái yết Thái miếu, sau đó sai quan văn làm lễ. Vua ra trường đấu xem bọn đại thần Lê Sát và các quan văn võ trong ngoài tế cáo trời, đất, thần kỳ danh sơn [núi danh tiếng], đại xuyên [sông lớn], giết ngựa trắng lấy máu cùng thề. Đồng thời sai các quan đi tế thần kỳ ở các xứ trong nước.

Ngày 28 [8/3/1434], ra lệnh chỉ cho đại thần và các quan rằng: Từ nay về sau không được lui tới chỗ của Quận Vương. Quận Vương nếu không có người đến gọi thì không được vào chầu. Kẻ nào lén lút dẫn đầu, hoặc người coi cửa cho vào, cùng các quan nào lén lút đến nhà Quận Vương đều bị trị tội nặng. Bấy giờ có ba đứa hầu chạy tới tâu với Quận Vương, nói nhiều điều càn bậy, sai trái, cho nên có lệnh này. Lấy bọn Ngự tiền học sinh Trình Thanh và Nguyễn Thiên Tích làm Ngự tiền học sinh cục trưởng, Chu Tam Tỉnh và Trần Phong làm cục phó, Bùi Thì Hanh làm Thái sư thừa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 2a.

Ngày mồng 3 tháng 2 [13/3/1434], quan Tư mã Bắc đạo Lê Văn An mang quân đánh dẹp bọn Quản lãnh Lạng Sơn làm phản; cuối tháng vào ngày 22 [1/4/1434], dẹp xong:

Tháng 2, ngày mồng 3 [13/3/1434], quản lĩnh trấn Lạng Sơn là Hoàng Nguyên Ý mưu phản. Sai Bắc đạo tư mã Lê Văn An đi đánh dẹp.

Ngày 22 [1/4/1434], Tư mã Lê Văn An đánh giặc trở về. Trước kia, bọn Hoàng Nguyên Ý, Hoàng Văn Ngạc, Nguyễn Thế Ninh, Nguyễn Công Đình ở trấn Lạng Sơn đều là các phụ đạo của trấn đó, vì có công theo về triều đình, đều được làm quản lĩnh, vẫn được ở đất cũ của mình. Bọn Tuyên úy Lê Đồ, Lê Lộng không biết vỗ về, chế ngự nên bọn nguyên Ý đều mang lòng oán hận. Quận Vương có người vợ lẽ, vì có lỗi phải đuổi đi. Nguyên Ý về chầu trông thấy rất thích, ngầm đem theo về, đến nỗi lộ việc. Lại có tên gia nô của Ý là Phi Báo, vì bị Ý đánh, chạy đến chỗ bọn Đồ và Lộng, vu cáo là Nguyên Ý đã dấy binh. Vua liền sai Văn An đem quân Ngự tiền, Thiết đột và quân ở Bắc đạo đi đánh. Khi đến nơi thì Văn Ngạc đã bị trấn binh giết chết, bọn Ý đều bỏ cả vợ con chạy trốn sang đất Minh. Văn An liền chia quân lùng bắt thân thích, nô tì, tài sản, gia súc của bốn tên đó cùng vợ con của trấn quân được tới hơn nghìn người đem về dâng nộp. Vua thả hết dân thường, đem gia thuộc của bốn tên đó ban cấp cho các quan.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 4a.

Ngày mồng 8 tháng 2 [18/3/1434] bổ nhiệm các quan trong triều và ngoài lộ; tuyển dụng dân đinh các đạo làm lính. Riêng bãi bỏ chức Hành khiển của Lê Khắc Phục; vì anh Phục là Lê Nhân Chú bị quyền thần Lê Sát giết, Sát cho rằng Phục oán hận, nên tìm cách đoạt chức để tránh mối lo về sau:

Ngày mồng 8 [18/3/1434], lấy Ngự tiền võ đội là bọn Mạc Thôn 47 người làm Trấn phủ các lộ. Thời tiên đế [Lê Thái Tổ], tướng hiệu các đội phạm tội giáng làm võ đội, đến đây lại được bổ dùng.

Lấy Lê Khuyển làm Nhập nội thiếu úy, Tham tri Hải tây đạo chư vệ quân sự thái giám như cũ; Lê Khiêm làm đô áp nha tri tả ban sự.

Bãi chức Nam đạo Hành khiển của Lê Khắc Phục, cho làm Phán đại tông chính. Bấy giờ, Lê Sát đã giết Lê Nhân Chú, ngờ Khắc Phục oán mình, tâu xin đoạt lại quyền hành của Phục, cho coi việc hành ngục. Khắc Phục là em cùng mẹ với Nhân Chú.

Lấy Lê Quốc Trinh làm Nam đạo Hành khiển tri quân dân bạ tịch chính sự, từ tụng như cũ. Lấy Lê Thừa là Thiết đột trung quân hành quân tổng lĩnh; Lê Ê làm Điện tiền đô kiểm điểm đồng thái nội giám nội ngoại chư dịch; Lê Thê làm Chỉ huy sứ.

 Sai Đại tư đồ Lê Sát, Tư khấu Lê Ngân, Tư mã Lê Liệt, Lê Bôi tuyển đinh tráng các đạo làm lính. Ra lệnh rằng: Những con trai của các hạng quân, dân đều chọn cả. Còn con trai của các quan văn võ từ lục phẩm trở lên có coi việc quân, dân và học trò Quốc tử giám, các sắc dịch, các hạng nô công và tư, do nhà nước cho phép, đã thích chữ đều được miễn. Nếu là quân ngự tiền, võ đội, thiết đột mà có 1, 2,3 con trai thì được miễn 1 người; quân, dân có từ 3 con trai trở lên, cũng chỉ miễn 1 người, còn lại đều tuyển chọn cả.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 4a.

Trước kia vào tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2 [3/1429], bọn Trình Hoàng Bá dâng sớ mật, khuyên Vua Lê Thái Tổ giết các công thần Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo. Sau nhà Vua biết bọn Hoàng Bá là lũ tiểu nhân, nên ra lệnh không được dùng lại nữa. Nay Đại tư đồ Lê Sát cho ân xá, có ý dùng lại. Các vị quan đặc trách can gián là Nguyễn Thiên Tích, Bùi Cầm Hổ kịch liệt khuyên can; lời tâu được chấp thuận:

“Ngày mồng 8 [18/3/1434], Đại tư đồ Lê Sát cho là Trình Hoành Bá trước đây bị tội, nhưng có tài đáng tiếc, sai Thiếu bảo Lê Quốc Hưng biên vào sổ các quan cũ được hưởng ân xá, khi có chiếu chỉ, sắc lệnh cho được hầu cùng với Hành khiển của bản đạo, có ý định dùng lại.

Ngôn quan[2] Nguyễn Thiên Tích và Bùi Cầm Hổ tâu rằng:

 “Tiên đế đã có lệnh là bọn Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá, Lê Đức Dư có tài, nhưng không được dùng lại nữa. Bề tôi có kẻ nào mưu việc phản nghịch cần phải tố cáo cũng không cho chúng được cáo giác. Nếu dùng lại thì trái với lệnh của Tiên đế. Vả lại, những kẻ như bọn Hoành Bá thì còn ai dùng nữa?”.

 Rút cuộc, xóa bỏ tên hắn, sai bổ vào quân ngũ. Sau lại sợ Hoành Bá ở trong quân, nhất định sẽ gây chuyện có hại, bấy giờ mới thích chữ vào trán đuổi về làm dân.

 Trước kia, Thái Tổ khi về già có nhiều bệnh, lại thêm Quận Vương Tư Tề ngông cuồng, bậy bạ, vua thì còn trẻ thơ, mà Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo đều có công lao giúp nước, rất được người đương thời trọng vọng. Nguyên Hãn lại là con cháu nhà Trần và Văn Xảo cũng là người kinh lộ, lo rằng sau này họ có chí khác, nên bên ngoài thì đối xử theo lễ tiết hậu, nhưng trong lòng lại rất ngờ vực hai người.

Bọn Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư đón biết ý vua, dâng sớ mật, khuyên Thái Tổ quyết ý giết đi. Nếu có ai không vui, bọn Quốc Khí liền chỉ vào họ mà bảo họ là bè đảng của hai nhà ấy, nên rất nhiều người bị xử tử và đi đày. Các quan đều sợ miệng bọn chúng không dám nói gì. Nhưng Thái Tổ biết rất rõ bọn Quốc Khí đều là loại tiểu nhân xảo quyệt, trong bụng vẫn ghét chúng. Sau này bọn chúng đều có tội, lần lượt bị đuổi đi, song lại lo chúng đuợc dùng lại cho nên nói thế để ngăn ngừa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 5a.

Ngoài ra trong tháng 2, viên Phụ đạo dân tộc thiểu số Mường Việt, Sơn La; vợ Đèo Cát Hãn tại Mường Lễ [Lai Châu] vào chầu. Nhà Vua lại nhắc nhở tiến cử người tài, giúp trị nước:

Ngày mồng 8 [18/3/1434], cho viên phụ đạo đóng ở Mường Việt[3] là Cầm Công được đội mũ thắt đai vào chầu.

Ngày 14 [24/3/1434], người mẹ của Đèo Mạnh Vượng là vợ của Đèo Cát Hãn châu Mường Lễ về hàng. Sau khi Đèo Cát Hãn chết, con là Mạnh Vượng đem mẹ về ở đất cũ. Người mẹ một mình về hàng trước. Vua hỏi Mạnh Vượng sao không tự đến. Trả lời: Vượng vì em là Đạo Thu dẫn bọn Mường Lự[4] đến đánh nên không thể bỏ đi xa, thiếp già nay xin về vâng mệnh triều đình trước. Vua sai người dụ bảo bà ta bảo cho Mạnh Vương vào chầu.

 Ngày 15 [25/3/1434], ra lệnh chỉ cho các quan viên văn võ rằng:

‘Những người mà các ngươi tiến cử, những lời mà các ngươi tâu lên, chả lẽ ta không biết hay sao? Song những lời của các ngươi chẳng có mưu kế lạ gì có thể dùng được, những kẻ được tiến cử đều là bọn tầm thường dung tục. Các ngươi nếu có lòng vì nước, lại càng phải dể ý xét hỏi rộng khắp, xem có ai còn ẩn dật chốn núi rừng, hay nương náu nơi thôn dã, chưa được triều đình xét dùng tới, hãy tiến cử lấy một vài người giúp trẫm lo việc trị nước, như thế thì mới có thể là tận trung với nước, sẽ được thưởng vượt bậc“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 5b.

Bấy giờ vào tháng 4 mùa hè, trời hạn hán lúa chết; cho rước Phật từ chùa Pháp Vân về để cầu mưa; lại thả vài chục tên tù nhẹ. Đến ngày 22, vẫn không mưa, lập chay đàn tại điện Cần Chính:

Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1 [9/5/1434], vua sai các quan rước Phật chùa Pháp Vân[5] ở Cát Châu về Đông Kinh để cầu mưa. Bấy giờ, trời đã lâu không mưa, mà chỉ rước Phật đọc chú để cầu đảo. Nguyễn Thiên Hựu dâng sớ tâu rằng:

‘Bệ hạ sửa đức, tha tù oan, thả bớt cung nữ mà trời không mưa thì xin chém đầu thần để tạ trời đất’.

 Đại tư đồ Lê Sát ghét Hựu nói thẳng, sớ chưa được trả lời, thì gặp trận mưa nhỏ, bèn gọi Thiên Hựu mà hỏi rằng:

 ‘Đêm hôm qua chẳng mưa nhỏ rồi là gì?’

Ngày mồng một tháng 4 [9/5/1434], thả vài chục tên tù tội nhẹ vì hạn hán đã lâu.

Ngày 22 [30/5/1434] đặt đàn chay ở điện Cần Chính, vì hạn hán hại lúa, sét đánh cháy thuyền.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 7a.

Tại trường Quốc tử giám có người dán thư nặc danh, tố cáo Đại tư đồ Lê Sát giết quan đại thần Lê Nhân Chú. Lê Sát nghi Giám sinh Nguyễn Đức Minh là thủ phạm; bắt đi đày và tịch thu tài sản:

Ngày mồng 1 tháng 4 [9/5/1434], đày giám sinh Nguyễn Đức Minh ra châu xa. Đức Minh dời nhà đến ở Quốc tử giám, có thư nặc danh dán trên vách miếu thần bên cạnh đường, trong đó có câu: “Đại tư đồ Sát và Đô đốc Vấn cùng mưu giết ông Sĩ phán đại lý (tức là Nhân Chú) “. Đức Minh gọi người đến xem, rồi bóc lấy xé nát ném xuống nước. Sát ngờ thư ấy do Đức Minh làm, sai bắt về tra khảo, nhưng Đức Minh không nhận, định đem chém, nhưng hình quan cho là tội còn ngờ, nên được giảm tội chết, bắt đi đày và tịch thu gia tài.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 7b.

Triều đình bổ nhiệm 2 quan đại thần; và thăng thưởng tướng hiệu, 851 viên thuộc 5 đạo, 596 viên thuộc Ngự tiền:

Ngày mồng 1 tháng 4 [9/5/1434], lại lấy Lê Khả làm Vinh lộc đại phu Lạng Sơn trấn tuyên úy đại úy tri quân sự; lấy Lê Nhữ Tổ làm Chính sự viện đồng tham nghi tước Minh tự.

Ngày 25 [2/6/1434], thăng chức cho các tướng hiệu các vệ quân năm đạo, từ vệ đồng trì, quản lĩnh, dưới đến đội trưởng là 851 viên, những người ở trong được thăng và ở các quận ngự tiền được chọn bổ là 596 viên; 155 người có tội nhẹ được ân xá và sử dụng. Quan nội mật gọi tên cấp sắc suốt từ sáng đến trưa vẫn chưa hết. Những người ở trong mà chưa được thăng thì được thưởng mỗi người một tư.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 7b.

Vào đầu năm, vào ngày mồng 4 [12/2/1434], Vua sai Môn hạ ty hữu thị lang Lê Truyền, tháp tùng sứ bộ Từ Kỳ sang nhà Minh đến Yên Kinh:

Ngày 12 tháng 4 năm Tuyên Đức thứ 9 [20/5/1434]. Bọn Từ Kỳ, Hữu Thị lang bộ binh, từ An Nam trở về. Quyền coi quốc sự nước An Nam Lê Lợi chết, con là Lân[6] sai Đầu mục Lê Truyền theo bọn Kỳ đến cáo tang, hiến người vàng cùng sản phẩm địa phương.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 234)

Ngày 19 tháng 4, dân Mường tại Thanh Hóa làm phản, Tuần sát Lê Thống đánh dẹp được. Cũng trong ngày, Chiêm Thành mang binh thuyền cướp phá tại Cửa Việt, Quảng Trị, bị quân dân ta đánh đuổi:

Ngày 19 [27/5/1434], dân Mường Ba Long, phủ Thanh Hóa làm phản theo về nước Ai Lao. Tuần sát Lê Thống đi đánh, chém giết bọn đinh tráng, bắt sống hơn 30 người đàn ông, đàn bà.

Chiêm Thành cướp bắt người châu Hóa.

 Chúa Chiêm Thành là Bố Đề nghe tin Thái Tổ băng, thấy vua mới lên ngôi, ngờ là nước ta có biến loạn, bèn tự mình cầm quân ra đóng sát biên giới, chực mưu vào cướp. Nhưng vì chưa rõ thực hư, không dò hỏi vào đâu được, mới sai thuyền đi ngầm vào Cửa Việt cướp bắt mấy người rồi đi. Dân địa phương đánh lại, bắt được 2 người đem nộp.Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 7b.

Đại tư đồ Lê Sát lạm dụng giết tù tội, không chờ cứu xét:

Ngày19 [27/5/1434], xử chém ngay tội tù.

Trước đây, người của quân Uy viễn là Nguyễn Bẩm và của trung quân Thiết đột là Trịnh Thọ Lộc chuyên nghề dụ trộm những nô tỳ nhà nước ban cho các quan. Tư mã Lê Liệt bắt được tâu lên. Vì bấy giờ các nô tỳ công và tư bỏ trốn nhiều, Đại tư đồ Lê Sát giận lắm, sai hình quan tra ngay ở sân điện, xét xong, lôi ra chém ngay.”

Viên Thái sử Bùi Thì Hanh tâu rằng ngày 1 tháng 5 có nhật thực, đất nước sẽ gặp tai biến; Tư đồ Lê Sát xin cho nghỉ chầu, bắt vượn đem giết để trấn yểm:

Tháng 5, ngày Đinh Sửu, mồng 1 [7/6/1434], nghỉ chầu.

Trước đó, Thái sử Bùi Thì Hanh bí mật tâu rằng, ngày mồng 1, tháng 5, có tinh vược đen ăn mặt trời, hôm ấy sẽ có nhật thực. Có nhật thực thì trong nước có tai biến. Nếu bắt được vượn sống đem giết để trấn yểm thì có thể chấm dứt được tai biến. Đại tư đồ Lê Sát tin là thực, tâu xin ra lệnh cho quan lại các trấn Tuyên Quang, Thái Nguyên đốc thúc dân chúng bủa lưới săn lùng khắp rừng núi khe hang, bắt vượn khỉ đóng cũi gửi về nườm nợp không ngớt. Đến ngày ấy nghỉ chầu, làm phép trấn yểm trong cung cấm, các quan không một ai được biết. Thì Hanh chỉ tâu cho Lễ bộ thị lang Trình Toàn Dương, trước là đạo sĩ, cùng làm phép với mình. Hai người đều được thưởng rất hậu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 8b.

Sứ thần nước ta đến Yên Kinh cáo tang vào ngày 12 tháng 4 năm Tuyên Đức thứ 9 [20/5/1434]; đến ngày 3 tháng 5 Vua Tuyên Tông sai sứ sang điếu tế:

Ngày 3 tháng 5 năm Tuyên Đức thứ 9 [9/6/1434]. Sai Hành nhân Quách Tế, Chu Bật đến An Nam tế Lê Lợi. Ngày này Đầu mục An Nam bọn Lê Truyền từ giả trước bệ rồng, ban cho tiền giấy làm phí tổn đi đường.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 234)

Ngày mồng 5, đặt qui định mới đánh thuế bãi dâu:

“Ngày mồng 5 [11/6/1434], ra lệnh chỉ cho các phủ, lộ, trấn, huyện, xã, sách, trang rằng: Các loại thuế dân đinh, đầm hồ năm nay thì theo lệ năm Quý Sửu [1433], còn thuế bãi dâu thì theo lệ mới quy định.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 9a.

Lệnh 5 đạo diễn tập võ, cho bọn tù Chiêm Thành xem, rồi thả cho về. Lại cho tuần tra kỹ các tỉnh Bình, Trị, Thiên, để phòng ngừa Chiêm Thành đến cướp phá; cùng tuần phòng nghiêm mật tại các cửa ải:

Ngày 12 [18/6/1434], sai quân năm đạo diễn võ ở trường đấu, dẫn bọn tù Chiêm Thành tới xem rồi cho về.

Sai Nhập nội tư mã Lê Liệt, tổng đốc các quân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, đi tuần tra các nơi thuộc Tân Bình, Thuận Hóa, nếu gặp giặc cỏ Chiêm Thành vào cướp biên giới, mà có viên chỉ huy hay tên lính nào vi phạm quân lệnh hay sợ hãi rút lui thì cho phép chém trước tâu sau. Lại sai Nhập nội thiếy úy Lê Khôi và Hành khiển tổng quản Lê Truất cùng đốc suất các quân ở Tân Bình và Thuận Hóa đi theo.

Ngày 18 [24/6/1434], ra lệnh chỉ cho các đội tuần kiểm coi giữ cửa ải ở các lộ, trấn, huyện phải tuần tra, canh giữ nghiêm ngặt lùng bắt trộm cướp.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 9a.

Sai sứ dâng biểu cầu phong, biểu do Hành khiển Nguyễn Trãi soạn, bọn Nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ muốn đổi vài chữ; Nguyễn Trãi giận chửi mắng Thúc Huệ, khiến gây ác cảm với quyền thần Lê Sát:

“Ngày 16 [22/6/1434], sai bọn Tuyên phủ sứ Nguyễn Tông Trụ: Trung thư hoàng môn thị lang Thái Quân Thực: kỳ lão Đái Lương Bật mang tờ biểu và phương vật sang cầu phong nhà Minh. Hành khiển Nguyễn Trãi soạn xong tờ tâu, bọn Nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ và Học sĩ Lê Cảnh Xước muốn đổi lại mấy chữ: Nguyễn Trãi giận nói:

‘Bọn các ngươi là hạng bề tôi vơ vét, nạn hạn hán này là do các ngươi gây nên cả’.

Thúc Huệ tố cáo với Đại tư đồ Sát và Đô đốc Vấn. Sát và Vấn tức lắm, trách Trãi rằng:

‘Làm nên nỗi có thiên tai không phải là do lỗi của bọn ấy, lỗi ở vua và tể tướng thôi, sao ông trách nhau quá như thế?’.

 Trãi từ tạ nói:

 ‘Thúc Huệ chỉ vì chút tài vét thuế mà chiếm chỗ then chốt của thiên hạ, mỗi khi có sổ sách tâu vào đều muốn vơ của dân về cho quan, để mong hợp ý vua, cho nên tôi nhân việc này mà nói ra thôi, không dám chê bàn gì đến vua và tể tướng cả’.

 Sát vẫn chưa nguôi giận. Nhưng bản tâu vẫn theo như của Trãi, không thay đổi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 9b.

Ngày 24 tháng 5 [10/6/1434], một người thợ xây cất chùa Báo Thiên, lao động cực nhọc, bèn đem lời chê trách triều đình. Việc phát giác, các quan can gián xin giảm án tử hình, nhưng Đại tư đồ Lê Sát cương quyết xử tử:

 “Bấy giờ, điều động thợ ở các cục tất tác làm chùa Báo Thiên. Công việc thổ mộc rất nặng nề, Sư Đăng phải làm lụng vất vả, nói vụng rằng:

 ‘Thiên tử không có đức, để đến nỗi hạn hán. Đại thần ăn của đút, cử dùng kẻ vô công, có gì là thiện đâu mà phải làm chùa to thế’.

 Bị người cáo giác. Đại tư đồ Lê Sát giận lắm. Quan thẩm hình Nguyễn Đình Lịch nói:

‘Nó dám nói càn đến việc nước, nên chém.

Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cầm Hổ đều xin tha tội chết, vua sắp nghe theo, thì Sát nói:

 ‘Trước đã nghe lời bọn Thiên Hựu không giết Nguyễn Đức Minh, để rồi nó bỏ thư nặc danh vu cho nhau, nay lại định tha thằng này thì làm thế nào cho đứa khác răn sợ?’

 Bọn Thiên Hựu không dám nói nữa. Bèn chém Sư Đăng. Ngay hôm ấy vừa gặp có mưa nhỏ. Hôm sau, Sát nói trong triều rằng:

‘Nếu nghe lời ngôn quan, làm gì có trận mưa ấy?’.

 Lê Ngân nói:

‘Giết nhiều kẻ ác thì được mưa nhiều, chỉ có điều xương người chất đầy đường khó đi thôi“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 10a.

Tháng 6, bộ tộc Bồn Man nước Ai Lao sai người đến cống:

Ngày mồng 8 [13/7/1434], Mường Bồn Man[7] nước Ai Lao sai người sang cống lễ vật, ban cho hai chiếc áo dệt kim tuyến và năm tấm lụa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 11a.

Ngày 12, Đào Lộc con viên Đồng tri phủ Đào Quí Dung thời Minh cai trị, từ Vân Nam trở về hàng:

Ngày 12 [18/7/1434], Đào Lộc về hàng. Lộc là con của Đào Quý Dung. Trước kia, khi Thái Tổ dẹp giặc Ngô, viên phụ đạo trấn Quy Hóa [Yên Bái, Lao Cai] là Đồng tri phủ nguỵ Quý Dung không phục, đem gia thuộc trốn sang Vân Nam. Đến đây, Quý Dung chết, con hắn về hàng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 11a.

Nhà Vua truy tôn mẹ đẻ là Cung từ quốc thái mẫu:

Ngày 24 [29/7/1434], truy tôn mẹ đẻ là Cung Từ quốc thái mẫu. Trước kia, Thái Tổ không lập chính thất, chỉ có vài người như Trịnh Thần phi là mẹ Quận vương [Tư Tề] và Phạm Huệ phi thôi. Quốc mẫu cũng là vợ lẽ của Tiên đế, đã mất ngay từ buổi đầu gian lao dựng nước. Đến đây, vua tưởng nhớ, truy tôn là Quốc thái mẫu. Thần chủ cũ của Quốc thái mẫu ở Lam Kinh, vua sai cậu là Hữu ban Lê Liên và Trung thư thị lang Trần Thuấn Du rước thần chủ mới và Kim sách đến miếu làm lễ truy tôn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 12a.

Đại tư đồ Lê Sát cho xây dựng xong các chùa Thanh Đàm và Chiêu Độ:

“Ngày 24 [29/7/1434] Đại tư đồ Lê Sát dựng xong các chùa Thanh Đàm và Chiêu Độ, có đến hơn 90 gian.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 12b.

Tháng 7, ra lệnh các các cấp giải quyết các vụ kiện theo trình tự từ dưới lên, không được vượt cấp; chỉ có các vụ kiện lớn thì mới cho tâu thẳng lên. Ngày rằm tháng 7 lễ Vu Lan, tha tù nhẹ:

Mùa thu, tháng 7, ngày 11 [15/8/1434], ra lệnh chỉ cho tướng hiệu vệ quân các đạo và các quan lộ, huyện, trấn, sách, xã rằng:

‘Phép trị nước lấy hình pháp gọn nhẹ làm gốc. Trẫm thấy các quân nhân đều tâu báo vượt cấp, cấu kết nhau để đi kiện người, bỏ phế việc của dân, quấy rối triều đình, không gì tệ hơn. Từ nay, quân hay dân nếu có vụ kiện nhỏ thì tới chổ xã quan của xã mình mà trình bày, xã quan không giải quyết được mới lên huyện, huyện không giải quyết ược mới lần lượt lên lộ, lên phủ, phủ không không giải quyết được thì bấy giờ được tâu lên. Các vụ kiện ruộng đất cũng thế. Các quan xét xử phải giữ phép công bằng, không được nhận đút lót mà làm sai, để có người bị oan uổng. Các vụ kiện lớn thì mới cho tâu thẳng lên.’

 Ngày 15 [19/8/1434], mở hội Vu Lan, tha cho 50 tên tù tội nhẹ, ban cho các sư tụng kinh 220 quan tiền.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 12b.

Tháng 8, qui định y phục cho Giám sinh Quốc tử giám và Sinh đồ các lộ; cho Giáo thụ Quốc tử giám và giáo chức đội mũ Cao Sơn:

Tháng 8, cho các giám sinh Quốc tử giám và sinh đồ các lộ, huyện được mang mũ áo và cho Giáo thụ Quốc tử giám cùng giáo chức các lộ, huyện được được đội mũ cao sơn. Trước kia, Giáo thụ và Giám thư khố đầu đội mũ thái cổ, đến đây, cho đội mũ cao sơn. Định khoa thi Hương, thi Hội. Mở kỳ thi các quan lại, hạng nhất được bổ vào Quốc tử giám:

Ngày mồng 8 [10/9/1434], Định khoa thi chọn học trò. Xuống chiếu rằng: Muốn có được nhân tài, trước hết phải chọn lựa kẻ sĩ, mà phép chọn lựa kẻ sĩ phải lấy thi cử làm đầu. Nhà nước ta từ thuở xưa loạn lạc, người anh tài như lá mùa thu, bậc tuấn kiện như sao buổi sớm. Thái Tổ ta buổi đầu dựng nước, mở mang nhà học, dùng cỗ Thái lao[8] để tế Khổng Tử, rất mực sùng Nho, trọng đạo. Nhưng vì nước mới dựng nên chưa kịp đặt khoa thi. Trẫm nối theo chí hướng người xưa, lo được nhân tài để thỏa lòng mong đợi. Nay định rõ thể lệ khoa thi, kỳ thi: Bắt đầu từ năm Thiệu Bình thứ 5 [1438], thi hương ở các đạo, năm thứ 6 [1439], thi hội ở sảnh đường tại kinh đô. Từ đấy về sau, cứ 3 năm một lần thi lớn, coi đó làm quy định lâu dài, người nào thi đổ, đều được ban danh hiệu tiến sĩ xuất thân. Tất cả khoa mục của các kỳ thi quy định như sau:

Kỳ thứ nhất: 1 bài kinh nghĩa, Tứ thư mỗi sách một bài, mỗi bài đều 300 chữ trở lên.

Kỳ thứ hai: Chế, biếu, biểu.

 Kỳ thứ 3: thi, phú.

Kỳ thứ 4: 1 bài văn sách từ 1000 chữ trở lên.

Thi lại viên, hỏi về ám tả. Những người đỗ hạng nhất được bổ vào Quốc tử giám, hạng nhì bổ làm sinh đồ và thuộc lại bên văn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 13b.

Bấy giờ tình hình tại phương nam, chúa Chiêm Thành Bố Đề, rút quân về không còn gây hấn; nên viên Tư mã Nam đạo cũng cho đem quân về. Về phía tây, sai sứ sang giải hòa nội loạn tại Ai Lao:

Ngày 18 [20/9/1434], Tư mã Nam đạo Lê Liệt đem quân về. Bố Đề thấy nước ta không có sự biến gì đã rút quân từ trước. Liệt đến châu Hóa, định trở về, gặp lúc nguời Man ở châu Hóa là Đạo Thành bị Đạo Luận đánh, đến xin cứu viện. Liệt bèn đem quân đánh giúp, bắt được hơn nghìn người và vài chục con voi mang về.

Ngày 19 [21/9/1434], sai quản hạt Lê Bạn sang sứ nước Ai Lao.

 Bàn nhà[9] Côn Cô nước Ai Lao bị kẻ bề tôi phản nghịch là Nữu Tại tấn công, sức chống không nổi, sai sứ sang xin cứu viện. Vua sai Bạn sang trước dụ bảo, giải hòa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 14a.

Tháng 9, bổ dụng và cách chức các quan trong triều và ngoài lộ, như sau:

Tháng 9, ngày mồng 4 [6/10/1434], Lấy Ngự sử Bùi Cầm Hổ làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn, lấy chuyển vận huyện Cổ Đằng [huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa] Phan Thiên Tước làm Thị ngự sử.

Lấy Chuyển vận sứ huyện Giáp Sơn là Lương Thiên Phúc làm Điện trung thị ngự sử, Giáo thụ Bắc Giang Hạ lộ là Nguyễn Chiêu Phủ làm Giám sát ngự sử, vì Chiêu Phủ dâng sớ có điều được chấp nhận.

Ngày 16 [13/10/1434] Tổng quản lộ An Bang là Nguyễn Tông Từ và Đồng tổng quản Lê Dao bị biếm 3 tư [3 bậc], bãi chức.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 16a.

Làm lễ tế cáo trời đất, thái miếu, về việc đúc xong 6 quả ấn;

Ngày 16 [13/10/1434], tấu cáo trời đất và thái miếu về việc đúc sáu quả ấn: Thuận thiên thừa vận chi bảo, Đại thiên hành hóa chi bảo, Sắc mệnh chi bảo, Chế cáo chi bảo, Ngự triều chi bảo, Ngự triều tiểu bảo. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 14a.

Bấy giờ thuyền buôn Java đến cống sản vật địa phương; triều đình cấm tư nhân buôn bán với người nước ngoài. Các lân bang như Ai Lao, Chiêm Thành đều mang lễ vật đến cống:

Ngày 16 [13/10/1434] Thuyền buôn nước Trảo Oa [Java] vào cống lễ vật địa phương.

Triều đình có lệnh cấm quan lại và dân chúng không được mua bán vụng trộm hàng hóa nước ngoài. Bấy giờ, có thuyền buôn Trảo Oa đến trấn Vân Đồn, bọn Tông Từ giữ việc xét ghi số hàng hóa trong thuyền, trước đã báo nguyên số rồi, sau lại gian lận đổi làm bản khác, mà bán trộm đi hơn 900 quan tiền, cùng với Lê Dao, mỗi người chiếm hơn 100 quan. Việc bị phát giác, nên cả hai đều bị trị tội.

 Côn Cô [Vua] nước Ai Lao sai bề tôi là Quan Long dâng voi và vàng bạc xin viện binh. Ra lệnh chỉ cho Thiếu úy Mường Mộc[10] là Xa Miên dẫn các man ở châu Nam Mã[11] đi cứu Côn Cô.

 Sứ Chiêm Thành mang thư và lễ vật sang cống để cầu hòa thân.

 Đại tư đồ Lê Sát hỏi:

‘Nước ngươi vào trộm đất ta, bắt bớ dân chúng ở châu Hóa là cớ làm sao?

 Trả lời:

 ‘Vua nước tôi nghe tin Tiên đế băng hà, nay Hoàng đế lên ngôi, hai nước chưa trao đổi sứ thần, cũng chưa tin hẳn, nên sai tướng quân đến đầu địa giới hỏi thăm tin tức. Tướng quân tự tiện làm trái lời dạy bảo, bắt trộm 6 người của châu Hóa đem về. Vua nước tôi giận lắm, xử tội tất cả những người vào cướp châu Hóa từ đại tướng trở xuống đều bị chặt chân, rồi đưa người bị bắt giao trả cho Tổng quản Hóa Châu, không dám xâm phạm đến’.

Triều đình biết là dối trá, nhưng vì họ biết sai người sang, cho nên khoan dung không xét hỏi nữa.

Bèn sai Chuyển vận Lê Thọ Lão, Khởi cư Thái Huệ Trù sang sứ Chiêm Thành.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 17a.

Tháng 10 [11/1434], bổ nhiệm các quan tại trấn và Quốc tử giám bác sĩ tại kinh đô:

Lấy bọn Đồng tri Nam Sách hạ vệ Lê Thọ làm An Bang trấn vệ đồng tổng tri chư quân sự; Thẩm hình viện phó sứ Trình Tử Dục làm Tuyên phủ sứ thượng bạn trấn Thái Nguyên.

Lấy Thái tử thị giảng cũ là Nguyễn Tấn Tài làm Quốc tử giám bác sĩ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 17b.

Nhà Minh vào tháng 5 [6/1434] đã sai Hành nhân Quách Tế, Chu Bật đến An Nam tế Vua Lê Thái Tổ; vào tháng này lại sai Thị lang Chương Xưởng sang phong Vua Quyền trông coi quốc sự, giống như chức tước của Vua cha:

Ngày 11 tháng 10 năm Tuyên Đức thứ 9 [10/11/1434]. Mệnh cho Lân, con trai quyền trông coi quốc sự nước An Nam Lê Lợi đã quá cố, được tiếp tục trông coi nước An Nam. Trước đây Lê Lợi bị bệnh mất, bọn Bồi thần Lê Sát đưa Lân lên tạm thời cai quản việc nước rồi xin mệnh triều đình. Đến nay Lân sai Bồi thần Nguyễn Tông Trụ, kỳ lão Đái Lương Bật dâng biểu xin mệnh. Thiên tử ra lệnh Thị lang Chương Xưởng, Hành nhân Hầu Tiến mang sắc đến dụ rằng:

“Trẫm trước kia nghĩ rằng quân dân An Nam các ngươi đều là con đỏ, sau khi hỏi han tình hình trong nước, bèn mệnh Lợi, cha ngươi, quyền giữ quốc sự trông coi dân chúng. Nay cha ngươi mất, đặc mệnh ngươi quyền trông coi quốc sự. Ngươi cần kính trọng đạo trời, lấy lòng thành thờ bề trên, lòng nhân vỗ về kẻ dưới; ngõ hầu giữ bờ cõi an ninh, hưởng lộc vị lâu dài. Khâm thử!”

Ban cho Xưởng tiền phí tổn đi đường; cho bọn Tông Trụ tiền giấy lệnh cùng về với Xưởng.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 234)

Tháng 11, phái đoàn Quách Tế đến điếu tế Vua Lê Thái Tổ một cách trọng thể tại điện Càn Đức; bèn thiết yến khoản đãi và sai bọn Quản lĩnh Lê Bính sang nhà Minh tạ ơn. Riêng bọn Chánh sứ Lê Vĩ, Nguyễn Truyền mua rất nhiều hàng từ Trung Quốc mang về để kiếm lời; triều đình muốn làm cho họ hổ thẹn; bèn sai người thu lấy hết đem phơi bày ở sân điện, rồi sau mới trả lại:

Tháng 11, nhà Minh sai bọn hành nhân Quách Tế, Chu Bật, đi theo sứ báo tin buồn của ta là Lê Vĩ, sang điếu tế. Đến kinh sư; ngày mồng 4 [4/12/1434] làm lễ tế, cỗ tế đều mang từ đất Bắc sang, rất là thịnh soạn. Vua ra đón ở cửa Thừa Thiên, đưa bày lễ tế ở điện Càn Đức. Lễ vật có: 1 con lợn, 1 con dê, giấy tiền, cờ tiết, hương hoa cộng 80 bàn. Tế quan đứng bên tả, chủ tế đứng ổ bên hữu, không dâng rượu, đàn bà đứng sau màn cất tiếng khóc.

 Ngày mồng 5 [5/12/1434], thiết yến bọn Tế ở Cần Chính đường.

Ngày mồng 7 [7/12/1434], bọn Đại tư đồ Sát lại thiết yến bọn Tế ở khách quán, bày các trò chơi để xem, theo lời yêu cầu của họ. Bọn sứ Minh Từ Vĩnh Đạt, Chương Xưởng, Quách Tế, trước sau mấy toán, ngoài lễ vật cống tiễn, triều đình còn có quà tặng riêng cho từng người, họ đều từ chối không nhận. Nhưng họ lại cho người đi theo mang nhiều hàng hóa phương Bắc, tính giá rất cao, bắt ép triều đình phải mua.

Sai Quản lĩnh Lê Bính, Nội mật viện đồng tri Phan Ninh, Ngự tiền học sĩ cục Nguyễn Thiên Tích và Lê Cát Phủ theo Quách Tế sang nhà Minh tạ ơn việc sang điếu tế.

Ngày 22 [22/12/1434], Bấy giờ chánh sứ Lê Vĩ, Nguyễn Truyền, hai người mua rất nhiều hàng phương Bắc, đến 30 gánh. Triều đình ghét họ làm thói buôn bán, định làm cho họ phải hổ thẹn trong lòng; mới sai người thu lấy hết đem phơi bày ở sân điện, rồi sau mới trả lại. Việc này rồi thành lệ thường.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 17b.

Ngày 22 tháng 11 [22/12/1434] sinh nhật của Vua, lấy làm lễ Vạn Thọ Thánh Tiết. Lệnh giảm tô và thuế đinh; truy phong 2 đời ông, cha, của Đại tư đồ Lê Sát:

Ngày 22 là ngày sinh của vua, lấy làm Kế Thiên thánh thọ tiết sau đổi là Vạn Thọ thánh tiết.

 Giảm tô ruộng và thuế nhân đinh.

 Truy phong 2 đời cho Đại tư đồ Lê Sát.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 18b.

Bấy giờ trời quá rét, mặt đất đóng băng, khiến sau này Vua Tự Đức phải than rằng “Lạ!”:

Rét quá, mặt đất đóng băng, cây cối trên núi héo chết. Lời phê – Lạ!” Cương Mục, Chính Biên, quyển 16.

Trước kia vào tháng 9, Côn Cô, Vua nước Ai Lao xin viện binh, triều đình sai bọn Xa Miên mang quân cứu viện. Vào tháng 12, Xa Miên đến nơi, biết chuyện xảy ra, một Hoàng thân Ai Lao đã giết Côn Cô rồi lên làm Vua. Vua mới xin hàng, sai sứ theo Xa Miên mang voi và vàng đến cống, được tha tội. Vào ngày 8, con trai Đèo Cát Hãn tại vùng Lai Châu nối gót mẹ về hàng, được ban tước Quan phục hầu. Ngày 26, viên tù trưởng châu Nam Mã tại thượng nguồn sông Mã, trước đây thuộc đất Ai Lao, xin qui thuận rồi sai con vào chầu, cho làm Đại tri châu:

Tháng 12, ngày mồng 8 [7/1/1435], người Ai Lao sang hàng, dâng 3 con voi. Khi quân của bọn Xa Miên và Hà An Lược sang tới nơi thì bọn Nữu Sách, Nữu Tại nước Ai Lao đã giết chúa nó là Côn Cô mà lập người họ của Côn Cô là Dụ Quần làm Bàn nhà [Vua] rồi sai sứ mang voi và vàng bạc sang ta xin hàng. Thế là bọn An Lược cùng đi với bọn ấy trở về. Triều đình xá tội cho chúng.

Ngày mồng 8 [7/1/1435], Con trai của Đèo Cát Hãn ở châu Phục Lễ [Sơn La, Lai Châu] là Mạnh Vượng về hàng. Sắc cho làm Nhập nội tư mã tri bản châu quân dân sự, tước Quan phục hầu.

Ngày 26 [25/1/1435], Cho Đạo Miện châu Nam Mã làm Đại tri châu tri quân dân sự bản châu, tước Minh tự. Trước đây, châu Nam Mã thuộc nước Ai Lao, sau vì mộ đức nghĩa nhà vua mà quy thuận. Đến đây, sai con vào chầu, xin nội phụ. Vua khen ngợi và trao cho chức đó, lại ban cho mũ, đai và một bộ thời phục.Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 19a.

Thời Vua Lê Lợi khởi nghĩa, Hoàng Khoan coi 2 đô Thiếp Lãng, Như Tích thuộc châu Khâm theo; đến nay tỉnh Quảng Đông chiêu dụ vẫn không được, nên làm tờ tâu lên triều đình nhà Minh:

Ngày 20 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ 9 [19/1/1435]. Châu Khâm, Quảng Đông tâu:

‘Hai đô Thiếp Lãng, Như Tích tiếp giáp với huyện Vạn Ninh, Giao Chỉ. Trước đây nhân Lê Lợi phản nghịch, bọn người trong đô là Hoàng Khoan bị cưỡng bách, trợ giúp man khấu cướp tài sản của dân. Mới đây được ân mệnh chiêu phủ, bọn Khoan cam tâm nghe lời giặc không tuân theo.’

Thiên tử mệnh hành tại bộ Binh gửi văn thư cho Tam ty, Tuần Án Ngự sử Quảng Đông thẩm xét ước lượng để tiện nghi xử lý.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 236)

—————–

[1] Bình Nguyên: tên châu đời Lý Trần về sau, thời Lê, đổi thành châu Vị Xuyên, là đất các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, tỉnh Hà Tuyên ngày nay.

[2] Ngôn quan: hay gián quan, là các quan giữ chức trách can gián khuyên ngăn vua.

[3] Mường Việt: tức là Việt Châu, nay là huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

[4] Mường Lự: tức là động Bình Lư, nay thuộc tỉnh Lào Cai.

[5] Chùa Pháp Vân: Chùa này ở thôn Văn Giáp, huyện Thượng Phúc, nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

[6] Tên vua Lê Thái Tông xưng với Trung Quốc là Lân, nhưng tên thực là Nguyên Long.

[7] Bồn Man: Theo Đào Duy Anh, Đ.N.V.N.Q.C.Đ. trang 157; Bồn Man thuộc Ai Lao, tại thượng nguồn sông Phố, sông Sâu, Hà Tĩnh.

[8] Cỗ Thái lao: lễ lớn, dùng đủ tam sinh tức ba con vật để tế là: trâu, dê, lợn.

[9] Bàn nhà: tức là “vua” phiêm âm tiếng Lào là “pha nhân”

[10] Mường Mộc: nay thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

[11] Nam Mã: Vùng đất thượng lưu sông Mã, giáp đất Ai Lao.