Nhà Lý đánh bại quân Tống xâm lược

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Trong lúc Đô tổng quản Quách Quì mang đại quân trên đường di chuyển xuống phương nam, Vua Tống sai Phó tổng quản Triệu Tiết chỉ huy đạo quân tiên phong làm cuộc hành quân mở đường tại vùng đất Trung Quốc giáp giới nước Đại Việt. Cuộc hành quân này rất cần thiết, vì đại quân chọn Vĩnh Bình [Bằng Tường] làm hậu cứ, thuyền chở lương thảo tích trử tại nơi này, nên cần phải giữ an ninh. Hơn nữa lúc quân ta sang đánh Trung Quốc, trưng bản Lộ Bố đã kích chính sách bảo giáp, trợ dịch, bóc lột kềm kẹp dân; nên được dân chúng khe động tại Tả Giang, Hữu Giang hưởng ứng; bởi vậy lúc quân ta rút lui, dân chúng tại vùng này cũng chưa chịu ngã theo Trung Quốc. Để đối phó lại, Vua Tống chủ trương một mặt đưa lợi lộc ra nhử, một mặt cho cầm đao đánh giết:

Trường Biên quyển 273. Ngày Tân Sửu tháng 2 năm Hy Ninh thứ 9 [22/3/1076], Triệu Tiết vào triều đình từ biệt, Thiên tử căn dặn:

Phép dùng dân khe động trước hết đem cho chúng thực lợi, sau đó mới sai khiến; không có thể dùng lời nói ngọt suông để sai khiến. Như việc kiểm điểm giáo huấn quân phiên tại Phu Diên[1] khanh đã chế ngự được, tội nhẹ có thể tha cho, tội nặng phải giết; sai trái đối với kẻ địch Tây Hạ mối họa còn xa, nhưng sai trái trong quân ta thì mối họa đến ngay; đúng như binh pháp dạy sợ nội bộ ta, không sợ kẻ địch; nếu không có thực lợi, muốn đòi hỏi chúng đem hết sức, thực là khó.

Nay khanh tuyển mộ lính địa phương 1,2 ngàn tên tinh nhuệ khỏe mạnh, chọn một viên tướng kiêu hùng, hiếp những dân đinh trong các động, rằng khi đại binh đến, theo ta thì được thưởng, không theo ta thì giết; nếu quả không theo thì giết 2, 3 họ làm gương. Binh uy đã lập, trước hết hiếp Hữu Giang [Quảng Tây], rồi hiếp Tả Giang [Quảng Tây]; sau khi bọn chúng qui thuận, thì đánh sào huyệt Lưu Kỷ [tại Quảng Nguyên, Cao Bằng] không mấy khó khăn. Quách Quì tính keo kiệt, khanh nên bảo rằng triều đình không tiếc phí tổn; ngoài ra Quì quá nghiêm trang, không cảm thông với kẻ dưới, tướng tá không dám trình bày, khanh đến đó chuyện trò với họ, ngoài ra đừng khinh địch.”[2]

Khởi sự dùng chiến thuật Dương đông kích tây, lúc Quách Quì đến Đàm Châu [tỉnh Hồ Nam] bèn ra lệnh cho viên Tri Khâm châu mang quân đánh châu Vĩnh An. Châu này vị trí tại biên giới, một phần thuộc thị xã Móng Cái tỉnh Quảng Ninh ngày nay; phần khác như Bạch Long Vĩ, Hoàng Trúc, Giang Bình; chiếu theo hòa ước Pháp Thanh, nay thuộc Đông Hưng, Trung Quốc. Theo Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Chu Khứ Phi đời Tống, vị trí châu này sát với động Như Tích, Khâm Châu; đây là một châu nhỏ, thuận tiện giao thông, nên quân Tống mở đầu đánh chiếm không mấy khó khăn:

Trường Biên, quyển 277. Ngày Quí Hợi, tháng 7 năm Hy Ninh thứ 9 [11/8/1076]. Trước đó quân Quách Quì đến Đàm Châu [Hồ Nam], ra lệnh Tri Khâm châu Nhiệm Khởi mang quân đánh châu Vĩnh An biên giới giặc. Ngày này [11/8/1076] Khởi đánh chiếm châu Vĩnh An.[3]

Tuy là chiến thắng nhỏ, nhưng với dụng ý thúc đẩy tinh thần đạo quân chủ lực phía tây trên đường bước vào lãnh thổ nước ta, vua Tống ra lệnh quảng cáo một cách rầm rộ. Cũng vào thời gian này, trước áp lực của quân Tống, một số châu động tại vùng Tả, Hữu Giang,  qui thuận:

Trường Biên, quyển 277. Ngày Bính Tý tháng 9 năm Hy Ninh thứ 9, [23/10/1076], chiếu ban:

Binh mã đánh An Nam chẳng bao lâu ra khỏi biên giới, cần biểu dương sĩ khí. Mới đây Nhiệm Khởi đánh giặc tại trại Ngọc Sơn, công tuy không lớn nhưng là cuộc phấn kích đầu tiên, những người có công hãy tâu lên để được đề cao và thưởng, lại bố cáo cho các tướng sĩ đều biết.”

Mộ Chí Quách Quì chép, khi quân đến Đàm Châu, sai Tri Khâm Châu Nhiệm Khởi đánh châu Vĩnh An lấy được. Liệt Truyện cũng chép, đốc suất binh quận và 3 đạo động đinh đánh châu Vĩnh An lấy được. Các dộng Tả, Hữu Giang qui thuận; thủ lãnh Môn Châu Hoàng Kim Mãn, Sầm Khánh Tân, trại Ngọc Sơn tại châu Vĩnh An xin hàng; sự việc vào ngày 9 tháng 7 [11/8/1076]; những việc khác cần khảo thêm.”[4]

Với tham vọng đưa nước ta vào vòng nô lệ, nên Quách Quì được lệnh nơi nào chiếm được cho đặt quận huyện ngay, giống như nội địa Trung Quốc:

Trường Biên, quyển 273. Ngày Giáp Dần tháng 2 năm Hy Ninh thứ 9 [4/4/1076], chiếu ban bọn Quách Quì, một khi bình định Giao Châu, y như nội địa đặt quận huyện.”[5]

Lại dùng chiến tranh tâm lý để mong chiêu dụ được nhiều người, nên ra lệnh bắt được tù binh chưa vội giết, cho sử dụng làm hướng đạo:

Trường Biên, quyển 273, ngày Đinh Tỵ tháng 3 năm Hy Ninh thứ 9 [7/4/1076], chiếu Quảng Nam Tây Lộ bắt được bọn giặc Giao, chưa được giết, cho ty chiêu thảo cân nhắc dùng làm hướng đạo.”[6]

Ngoài ra Vua Tống còn nêu lên sắc bảng cũ từng ban ra chiêu hàng như xá tội  trước kia, cho mối lợi hiện có, dụ ban tước thưởng vv…, nhắc nhở Quách Quì đem ra áp dụng; Quì xin sửa lại bằng văn bản 8 điểm, giản dị dễ hiểu hơn; rồi trình lên, được nhà Vua chấp thuận cho thi hành:

Quyển 277, Tống Thần Tông ngày Kỷ Vị tháng 7 năm Hy Ninh thứ 9 [7/8/1076], chiếu ban cho bọn Quách Quì:

Hỏi thăm được biết vùng khe động Ung Châu, Liêm Châu và vùng núi ngoài biên giới; đất nơi cư trú có nhiều sản vật quí, tự cho là sở hữu. Bọn chúng lo rằng một khi giặc Giao Chỉ diệt xong, triều đình chia đất này thành quận huyện, thì món lợi họ có, sẽ qui vào của công. Với mối lo chung, chúng sẽ kết đảng với nhau; hoặc ngầm theo nước đôi, hoặc chưa quyết lòng qui thuận. Trước kia có sắc bảng ban ra xá tội ác cũ, cho mối lợi hiện có, dụ ban tước thưởng, cưỡng bách theo bằng cách tru diệt; như vậy thế giặc sẽ chia rẽ, công lớn có thể lập. Không biết những lời trên ra sao, các khanh nên bàn bạc, xem có thể được không.’

Bọn Quì tâu:

Xem kỹ triều đình trước đây giảng sắc bảng, e rằng dân biên giới không hiểu, lời văn thông cáo cần nói rõ sự lý, điều quí là người người đều cho là dễ hiểu.’

Rồi điều trần lên trên 8 điểm, xin ra bảng thông cáo cho các khe động; được chấp thuận. Do vậy tướng giặc là Hoàng Kim Mãn, Sầm Khánh Tân ngầm xin qui phục. (Việc này căn cứ vào Quách Quì chinh nam văn tự ghi nhận từ Ngự Bảo Tráp Tử cùng Quì Mộ Chí. Nhưng Mộ Chí chép rằng Hoàng Kim Mãn, Sầm Khánh Tân đến hàng; nhưng bọn Hoàng Kim Mãn chưa từng đến hàng, chỉ ngầm xin hàng thôi; nay san cải thêm.)”[7]

Về phương tiện thông tin bằng ngựa trạm, so từ lúc sự việc thực sự xảy ra đến lúc triều đình nhận được tin, mất nhiều thời giờ; nên ra lệnh đặt thêm quan tại các trạm có khoảng cách xa để đốc thúc, và chi thêm tiền cho nhân viên trạm ngựa:

Trường Biên, quyển 278. Tống Thần Tông ngày Ất Dậu tháng 10 năm Hy Ninh thứ 9 [1/11/1076], chiếu ban:

‘ Hành quân chiến dịch An Nam bắt đầu, những điều ghi trong văn thư báo cáo và sự việc xảy ra ngày tháng không giống nhau; nay ủy cho Chuyển vận sứ dọc đường, ty Đề điểm phủ Khai Phong, đối với những trạm dịch quá xa, tuyển thêm Sứ thần thúc dục. Đặc cách chi thêm tiền cho binh sĩ chuyển thư qua trạm dịch bằng ngựa, từ cửa Sùng Minh đến Ung châu.”[8]

Tờ tâu gửi về, cho biết 4 tướng điều quân hành doanh đến Ung Châu [Nam Ninh], trong tháng 9 [10/1076] số quân bệnh chết lên đến 4,5 ngàn người; nhà Vua nghiêm trách thầy thuốc chữa trị và bắt kiêng ăn:

Trường Biên, quyển 278. Ngày Đinh Dậu 14 tháng 10 năm Hy Ninh thứ 9 [13/11/1076], Thiên tử phê:

Bốn tướng điều quân hành doanh An Nam đến Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây]; vào thượng tuần tháng 9, bệnh chết gần 4,5 ngàn người. Việc xảy ra do Chủ tướng và Phó không ước thúc quân lính, để ăn uống bừa bãi những vật người phương bắc cấm kỵ, nên sinh bệnh. Hãy cấp tốc cấm chỉ, cùng nghiêm trách thầy thuốc trị liệu.”[9]

(Bản truyện về Quì chép: tháng 10 Quì đến Ung châu. Xét Quì Chinh Nam Văn Tự, Quì tại Đàm châu [Hồ Nam]; phàm triều đình phát chiếu tráp, không quá 10 ngày tới các quân, Quế Châu tới Ung Châu gồm 14 trình, các chỗ khác có thể đoán từ xa; việc ngày 14 tháng 10 chiếu ghi 4 tướng hành doanh đến Ung Châu. Như vậy Quì cùng có thể đến Ung Châu, hoặc không đến vào tháng 10, đáng tại tháng 9 không chừng; hoặc 4 tướng chỉ là tiền quân đến trước, trung quân chưa đến, cần khảo thêm cho rõ. Cuối tháng đến châu Tư Minh, tham chiếu đều hợp.)

Vì lương thực chưa vận chuyển đến nơi đầy đủ, nên đại quân phải dừng lại tại biên giới đến 70 ngày; việc này tổn thất lớn, vì quân dừng lại cũng phải ăn nên nhu cầu lương thực phải tăng thêm, lại đóng một chỗ khiến lòng quân sinh ra trễ nãi, khiến Vua Tống rất nóng lòng bèn trách phạt nặng nề:

Trường Biên quyển 279. Ngày Kỷ Hợi [14/1/1077], Chuyển vận phó sứ Quảng Nam Tây Lộ Miêu Thời Trung tâu:

Ty Hành doanh Ung Châu cho biết phu vận lương không đủ; hiện đích thân đốc thúc đinh phu cần để ứng phó cho đòi hỏi quân tình; các châu huyện buông lơi chậm chạp, xin trách răn.

Chiếu ban:                                

Đại quân đồn trú tại động đã lâu ngày, chỉ vì đinh phu không đủ số, khiến chậm chạp việc quân. Đối với các châu huyện số lượng chưa được 7 phần, quan châu giáng 1 chức, quan huyện giáng 2 chức, kẻ không có chức quan thì đình lương. Ra lệnh cho quan huyện gông cổ Giám đốc cùng hặc tội, rồi tâu lên.”[10]

Triệu Tiết đề nghị đại quân đóng tại Ung Châu [Nam Ninh], sai người đến trước dụ Lưu Kỷ Tri châu Quảng Nguyên, và Thân Cảnh Phúc thuộc động Giáp, động này do Phò mã Thân Thiệu Thái làm Động chủ. Nhưng Tổng binh Quách Quì không nghe, đem đại quân đến đóng tại châu Tư Minh [Ninh Minh, Quảng Tây]; sai Yên Đạt đặc trách về kỵ binh theo hướng Thái Bình, Long Châu đến đánh châu Quảng Nguyên [Cao Bằng], khiến Lưu Kỷ phải ra hàng:

Trường Biên, quyển 279, ngày Bính Tuất tháng chạp năm Hy Ninh thứ 9 [1/1/1077], ty chiêu thảo An Nam tâu ngụy Quan sát sứ châu Quảng Nguyên Lưu Kỷ đưa người nhà và Động trưởng hàng. Chiếu ban:

Lưu Kỷ nếu như do đại binh áp sát biên giới, bất đắc dĩ xin hàng thì đem y cùng gia thuộc hộ tống đến kinh khuyết.’

Lúc đầu Triệu Tiết bàn với Quách Quì rằng:

Giặc Giao Chỉ sợ bởi mưu kế của Lý Thượng Cát [Thường Kiệt], Lý Kế Nguyên nên phản. Nay Càn Đức [Vua Lý Nhân Tông] cùng mẹ đều oán 2 người này, việc nước nghe lời Nguyễn Thù, Thù có ý thuận phục ta. Lưu Kỷ coi châu Quảng Nguyên, Thân Cảnh Phúc coi động Giáp; đều nắm cường binh dòm ngó tình hình. Giám áp trại Hoành Sơn Thành Trác vốn giao hảo với Thù và Cảnh Phúc; muốn sai Trác mang sắc bảng đến chiêu nạp những tên giặc này.’

Quì không nghe lời; cho đại quân trú tại châu Tư Minh [châu Ninh Minh, Quảng Tây], sai Yên Đạt mang quân từ trại Thái Bình [Sùng Tả, Quảng Tây] tiến vào châu Quảng Nguyên; Lưu Kỷ chống cự, Đạt phá được. Kỷ trước đó muốn hàng nhưng do dự chưa quyết; Quì phát ra nhiều hịch dụ các động rằng Kỷ mấy lần gửi văn thư trình bày sẽ phản Giao Chỉ theo triều đình, hẹn 3 ngày ra hàng; rồi sự kiện xảy ra đúng như lời hẹn. Quì thu quân qui hàng hơn 5.000 người, lại cứu được 3.000 dân nội địa bị bắt. Mộ bia Quì, Phạm Tổ Vũ[11] chép:Quách Quì đến châu Tư Minh, cho rằng châu Quảng Nguyên là đất yết hầu quan trọng, binh giáp tinh nhuệ, nếu không chiếm trước, sẽ là mối họa trong tim bụng; Quan sát sứ ngụy Lưu Kỷ là mưu chủ của giặc, không bắt Kỷ thì uy danh quân chưa chấn tác.’

 Bèn sai Yên Đạt đến đánh, khắc phục ngay; phá thành, Kỷ ra hàng.”[12]

Sau khi chiếm được châu Quảng Nguyên; Quì điều cánh quân Yên Đạt trở về, rồi mang đại binh vào nước ta; hai bên giao chiến tại quan ải Quyết Lý. Quân ta thua rút, quân Tống chiếm được Cơ Lang, tức huyện Quang Lang[13] địa phận tại tỉnh thành Lạng Sơn ngày nay. Tướng Khúc Trăn, theo Yên Đạt đánh châu Quảng Nguyên, sau khi rút quân, tiện đường đánh chiếm châu Môn tại phía tây Quang Lang. Trước áp lực của quân Tống, các động Cổ Nông[14] tại phía bắc tỉnh Cao Bằng, Bát Tế [không rõ vị trí] ra hàng. Với quân số vượt trội, một mặt dùng  quyền lợi mua chuộc, một mặt dùng quân sự uy hiếp, khiến phần lớn các tù trưởng dân tộc thiểu số ra hàng, nhờ vậy quân Tống vượt qua được phòng tuyến thứ nhất tại biên giới:

Trường Biên, quyển 279, ngày Quí Tỵ tháng chạp năm Hy Ninh thứ 9 [8/1/1077], ty Chiêu thảo An nam tâu đầu mục các động Cổ Nông, Bát Tế, Nùng Chí Trung, Lô Báo xin hàng. Chiếu ban trong bọn đó có người nào từng phản phúc mà qui thuận; lênh ty Chiêu thảo chọn Sứ thần áp giải đến kinh khuyết.

Ngày hôm đó, bọn Quách Quì mang quân ra khỏi biên giới, giặc đóng tại ải Quyết Lý, Quì sai Trương Thế Củ đánh, Quì sai bắn bằng nõ mạnh, dùng đao to chém vào mũi voi, voi chạy đạp vào quân địch, đại quân tiến vào, giặc tan bỏ chạy, quân ta thừa thắng lấy được Cơ Lang; Biệt tướng Khúc Trân lấy được châu Môn; các khe động đều hàng.”[15]

Thời gian chiếm được châu Quảng Nguyên, Phó Tổng quản Triệu Tiết lại đề nghị dùng cánh quân này xuống Bắc Kạn, Thái Nguyên, đi theo phía tây, nhắm đánh bất ngờ, chia thực lực quân ta; nhưng Quách Quì vẫn không theo. Quân Quì sau khi chiếm được phía bắc Lạng Sơn, noi theo hướng Quốc lộ 1 tiến quân, đến vùng Chi Lăng, Đồng Mỏ; tại nơi này quân ta đặt phục binh tại ải Giáp Khẩu. Quì bèn dùng đường tắt mang đại quân đến bờ sông Cầu:

Trường Biên, quyển 279, ngày Quí Mão tháng chạp năm Hy Ninh thứ 9 Ngày [18/1/1077] bọn Quách Quì đến sông Phú Lương,[16] căn cứ vào Hội Yếu. Trước đó Quì sai Yên Đạt đánh phá Quảng Nguyên trước, rồi trở lại Vĩnh Bình [Bằng Tường, Quảng Tây] hội với đại binh. Triệu Tiết cho rằng từ Quảng Nguyên đi đường tắt đến Giao Châu [chỉ thành Thăng Long] chỉ có 12 trạm dịch, lợi dụng bất ngờ đánh vào, 3 đường[17] cùng tiến đánh dẹp; thế tất giặc sẽ bị chia ra mà thua, nhưng Quì không nghe. Quảng Nguyên đã hàng, Đạt bèn trở lại chỗ ước hẹn với Quì; lúc bấy giờ bại binh tại các động Hạ Liên, Cổ Lộng còn hơn 1 vạn tên; Đạt sợ nếu bỏ đi thì bọn chúng sẽ đến đánh. Bèn sai Khúc Trân dùng khinh kỵ 3000 tên, phao tin rằng sẽ từ 2 động xâm nhập Giao Châu, rồi mang 2 tên đầu hàng cùng trở về chỗ hẹn; giặc quả lo phòng thủ, không dám có hành động gì khác. Giặc bắt đầu đặt phục kích tại ải Giáp Khẩu để đợi quân ta, Quì biết được, bèn dùng đường tắt tại lãnh Đâu Đỉnh tiến quân đến sông Phú Lương.”[18]

Qua văn bản nêu trên, Phó Đô tổng quản Triệu Tiết đề cập về 3 đường đánh dẹp: đường thứ nhất do đại quân từ Bằng Tường vào Lạng Sơn; thứ hai, đường thủy từ Khâm Châu; và một đường do Triệu Tiết đề nghị từ  Cao Bằng xuống Thái Nguyên. Nói về đường thứ 2, trong văn bản ngày [3/5/1076] ghi trong Trường Biên quyển 273, qui định nhiệm vụ Chiến trạo đô giám Dương Tòng Tiên mang thủy quân vượt đại Dương xâm nhập góc tây nam, đi vòng sau lưng quân ta, đánh vào chỗ không ngờ; nhân đó mang quân hội với Chiêm Thành, Chân Lạp cùng ra sức đánh. Nhưng trong báo cáo về triều, Tòng Tiên vẫn chần chừ, cho đến ngày 12/9/1076 chưa hoàn thành vượt biển:

Trường Biên quyển 277, Tống Thần Tông ngày Ất Vị tháng 8 năm Hy Ninh thứ 9 [12/9/1076], chiếu ban:

An Nam đạo hành doanh chiến trạo Đô giám Dương Tòng Tiên chỉ huy binh giáp chưa vượt qua hải dương; cần ra lệnh ty Chiêu thảo phân xử…”[19]

Dương Tòng Tiên phải mang quân từ cửa biển ngược theo sông Bạch Đằng vào Lục Đầu hội quân với Quách Quì, rồi chở bộ binh vượt sông; nhưng Tòng Tiên không hoàn thành sứ mệnh giao phó, nên bị giam 1 năm. Sau cuộc chiến, Vua Thần Tông xét lại thấy Tòng Tiên tuy không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cũng tham gia những trận đánh nhỏ ngoài cửa biển, và cho người liên lạc với Chiêm Thành, nên xét tha và mệnh đến kinh đô:

Trường Biên quyển 288. Tống Thần Tông năm Nguyên Phong thứ nhất [1078]. Ngày Mậu Tuất tháng 2 [8/4/1078], Thiên tử đích thân thảo chiếu ban:

Trước đây bọn An nam chiến trạo đô giám Dương Tòng Tiên dùng đạo quân đơn lẻ mạo phạm vào chỗ bất trắc, xâm nhập lãnh thổ giặc, lớn nhỏ hàng chục trận đánh, tuy chém bắt không nhiều, nhưng quan quân cũng không đến nỗi bị bại; nay quân trở về và bị vào ngục đến hơn một năm; xét việc cần lao với Vương sư thực cũng đáng thương. Huống mới đây đã có lễ tha tội, thì cũng nên thả ra. Hãy xét tướng sĩ nào có công, tâu lên đề nghị thưởng.’

Rồi ra lệnh Tòng Tiên đến kinh khuyết.”[20]

Lúc đến kinh đô Tòng Tiên tâu rằng tuy không họp được với đại binh Quách Quì, nhưng đã liên lạc với Chiêm Thành và nhận được thông điệp của Vua nước này, cho biết đã mang 7.000 quân ngăn chặn tại biên giới:

Trường Biên quyển 288. Tống Thần Tông ngày Mậu Tuất tháng 3 năm Nguyên Phong thứ nhất [8/5/1078]. Tây kinh tả tàng khố phó sứ, tiền An Nam đạo hành doanh chiến trạo đô giám Dương Tòng Tiên tâu:

Trước đây tại cảng khẩu Đông Kính Giao Chỉ, lâu không nghe tin tức thanh thế của đại binh, bèn sai Phàn Thực, Hoàng Tông Khánh đến biên giới Chiêm Thành, Giao Chỉ thám thính; cùng dụ Chiêm Thành chớ giúp Giao Chỉ; sợ Giao Chỉ chạy trốn, lệnh mang quân ngăn chặn.’

 Nay cứ thực trạng tâu:

‘Chiêm Thành dùng 7.000 quân chặn chỗ quan trọng của Giao Chỉ, nhận được thông điệp trả lời của Quốc chủ bằng chữ nước này, hiện để tại chế viện Đàm Châu [Hồ Nam].’ Xin lấy ra xem kỹ, rồi ưu thưởng cho di bên ngoài, Phàn Thực, Tông Khánh, cùng xin cấp cho Tam ty quân tướng.”

Chiếu ban cho Chuyển vận phán quan Hồ Nam đô quan viên ngoại lang Triệu Dương Chước tiến dâng thư điệp của phiên Chiêm Thành; riêng Phan Thực, Hoàng Tông Khánh thì bảo đến kinh khuyết.”[21]

Tại phía nam sông Cầu, quân ta phòng thủ rất kiên cố, theo Học giả Trình Di[22] mô tả phòng tuyến dài 25 dặm; vị trí phòng tuyến có thể từ ngã ba sông Cầu và sông Cà Lồ cho đến phía đông đường quốc lộ 1; vì nơi này là tuyến phòng thủ huyết mạch để bảo vệ lăng tẩm vua chúa nhà Lý tại tỉnh Bắc Ninh. Quân Tống dùng bè vượt sông, bị quân ta tiêu diệt trọn; số quân sang tiếp cứu, lại bị đánh chặn, thiệt hại rất nhiều:

Trường Biên quyển 280. Năm Hy Ninh thứ 10 [22/3/1077]… ….Sách Hà Nam Trình Thị Di Thư, Tô Sung chép

Vào đến sào huyệt giặc, dùng bè chở 500 quân qua sông, vừa chặt vừa đốt, không phá nỗi mấy trại giặc bằng tre. Rồi chèo bè không trở về để mang thêm quân tiếp cứu, thì số quân qua sông bị giặc bắt giết; quân ta không được cứu, hoặc chết hoặc chạy trốn; cuối cùng không thành công, vùng tranh chấp chỉ có 25 dặm. Lại muốn sang tiếp, nhưng không có thuyền, không có lương cho lính, sự tính toán sai lầm trầm trọng, từ trước tới nay chưa từng xảy ra! May mà giặc xin cung thuận, mới có lời để ứng phó; nếu như chúng không chịu thuận, thì lấy gì xử trí đây?[23]

Tuy sử Trung Quốc chép quân ta phòng thủ tại sông Phú Lương, tức sông Hồng; nhưng theo họ mô tả tại con sông cách thành Thăng Long 30 dặm thì đích xác là sông Như Nguyệt tức sông Cầu. Tại nơi này quân ta phòng thủ vững chắc, lại đánh mạnh khiến chúng không thể vượt sông được:

Trường Biên, quyển 279, ngày Quí Mão tháng chạp năm Hy Ninh thứ 9 Ngày [18/1/1077]. Tại nơi cách thành Giao Châu chưa đến 30 dặm, giặc dàn hơn 400 chiếc thuyền tại bờ phía nam, khiến quân ta không thể vượt sông, muốn đánh cũng không được.”[24]

Sử liệu trên phù hợp với chiến tích lưu lại trong sử Việt; qua bài thơ bất hủ Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư, khơi nguồn hứng khởi bất tận trong công cuộc chống ngoại xâm; nên sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư trân trọng chép như sau:

Người đời truyền rằng Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông để cố thủ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân[25] có tiếng đọc to rằng:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phân định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

(Sông núi nước Nam, Nam đế ở,

Rõ ràng phân định tại sách trời

Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?

Cứ thử làm xem, chuốc bại nhơ!)

Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Qua mấy lần thất bại, quân Tống gỉả bộ sơ hở để nhử quân ta vượt sông sang đánh. Phía ta điều động mấy vạn, do Thái tử Hồng Chân chỉ huy vượt sông đánh phá; khởi đầu quân Tống thất bại, Quì phải tăng viện thêm thân binh. Quân ta tấn công tiếp, đến chỗ đất bằng bị quân kỵ  do Từ Đạt đặc trách chỉ huy,  phục kích phản công bất ngờ, đành phải thua rút; lúc vượt sông trở về quân ta bị chết nhiều, trong đó có Thái tử Hồng Chân:

Trường Biên, quyển 279, ngày Quí Mão tháng chạp năm Hy Ninh thứ 9 [18/1/1077]. Đạt xin dùng kế tỏ ra yếu để dụ địch, giặc quả coi thường quân ta, dùng mấy vạn quân quát tháo đánh ngược lại; tiền quân bất lợi, Quì điều động thân binh cự địch. Quân Từ Đạt kế tục tiến, giặc hơi núng; gọi quân kỵ Trương Thế Cự, Vương Lâu hợp đấu, quân mai phục xông ra, giặc đại bại, bị ép xuống sông; số người chết đông, đến nỗi nước sông 3 ngày không chảy. Giết Đại tướng Thái tử Hồng Chân, bắt Tả lang tướng Nguyễn Căn.”[26]

Tuy bị thua trận này, nhưng phòng tuyến tại bờ phía nam sông Cầu vẫn giữ vững. Lại nhân việc tên nho sĩ Trung Quốc Từ Bá Tường phản bội triều đình nước ta; trước đó y từng gửi thư cho Vua ta xin tình nguyện làm nội tuyến đánh Trung Quốc; sau đó y thi đậu Tiến sĩ được ra làm quan, bèn trở cờ theo Tống chống lại quân ta. Vua Lý Nhân Tông bèn dùng lá thư y gửi cho nhà Vua làm bằng chứng, để mượn tay triều Tống giết tên phản bội, và nhân tiện đổ việc gây chiến do y xui nên, để chấm dứt chiến tranh một cách chóng vánh. Hành tung của Từ Bá Tường, do Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên ghi như sau:

“Trường Biên quyển 273. Tống Thần Tông ngày Đinh Sửu tháng 3 năm Hy Ninh thứ 9 [27/4/1076], chiếu ban cho viên Tiến sĩ Từ Bá Tường chức Hữu thị cấm, làm Tuần kiểm các châu Khâm, Liêm, Bạch. Trước đó giặc Giao Chỉ từ Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây] cướp bắt mấy ngàn người, định đi về hướng Quảng Châu. Bá Tường mộ được vài chục người, theo đuổi phía sau, bắt giết được mấy chục tên; nhờ đó số già trẻ hơn 700 người trốn thoát được. Ty Kinh lược nghe tin, nên được mệnh ban chức như vậy.

Vào thời Hy Ninh [1068-1077]; triều đình sai Thẩm Khởi, Lưu Di kế tục làm Tri Quế châu nhắm mưu đồ đánh Giao Chỉ; bọn Khởi, Di cho đóng chiến thuyền, đoàn kết dân đinh trong động thành tổ chức bảo giáp, cấp cho trận đồ, y theo như vậy mà dạy chiến thuật, các động bị tao nhiễu. Người dân địa phương cầm trận đồ, bàn về chiến thuật tấn công, phòng ngự đối với Giao Chỉ nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Bấy giờ Tiến sĩ đất Lãnh Nam Từ Bá Tường bất mãn vì thi không đậu, bèn bí mật gửi thư cho Giao Chỉ rằng:

‘Đại vương đời trước gốc tích vốn là người Phúc Kiến,[27] nghe rằng các Công, Khanh Giao Chỉ hiện nay phần lớn là người Phúc Kiến. Bá Tường tài cán không dưới người, nhưng không dùng tại Trung Quốc, nguyện được làm tay dưới phụ tá cho Quốc vương. Nay Trung Quốc muốn cử đại binh diệt Giao Chỉ; binh pháp cho rằng tiếng nói trước có thể đoạt lòng người; chi bằng hãy mang quân vào đánh trước, Bá Tường xin làm nội ứng.’

Do vậy, Giao Chỉ phát đại binh vào cướp phá; đánh chiếm 3 châu Ung, Khâm, Liêm; nhưng Bá Tường chưa có cơ hội theo. Nhân Thạch Giám quen thân với Bá Tường, tâu rằng Bá Tường lập được chiến công, cho giữ chức Thị cấm, làm Tuần kiểm các châu Khâm, Liêm, Bạch. Khi triều đình mệnh Tuyên huy sứ Quách Quì mang quân đánh Giao Chỉ, Giao Chỉ xin hàng nói rằng:

‘Tôi vốn không có ý vào đánh, người Trung Quốc hô hào tôi vào.’

Rồi đưa thư của Bá Tường cho Quì, Quì truyền hịch cho ty Chuyển vận Quảng Tây hạch hỏi. Nhân đó Bá Tường chạy trốn, rồi tự tử. Điều này do Tư mã Quang văn ghi, vào ngày Tân vị tháng 2 năm Nguyên Phong thứ nhất [11/4/1078], sự việc Bá Tường bị bại lộ.”[28]

Tổng quản Quách Quì cân nhắc kỹ, biết rằng không làm được gì hơn, bèn chấp nhận lời đề nghị giải binh, ra lệnh rút quân. Về phía ta, tuy nhất thời nhà Vua tuyên bố nhường các đất Tô, Mậu, Tư Lang, Môn Lạng, Quảng Nguyên; nhưng trải qua mấy năm kế tiếp liên tục đấu tranh cả hai mặt quân sự và ngoại giao,[29] đã lấy lại được số đất này:

Trường Biên, quyển 279, ngày Quí Mão tháng chạp năm Hy Ninh thứ 9 [18/1/1077]. Càn Đức [Vua Lý Nhân Tông] sợ, dâng biểu đến cửa quân xin hàng, nạp đất năm châu Tô, Mậu, Tư Lang, Môn Lạng, Quảng Nguyên, và hứa trả những người bị bắt.

Lúc đó Quách Quì bàn điều động đại binh vượt sông, các tướng nói:

 “ Chín quân[30] lương thực hết. Phàm quân lúc đi 10 vạn, phu 20 vạn; vượt nắng nóng lam chướng, chết quá nữa, số còn lại đều bệnh tật.”

 Quì nói:

“Ta không thể lật đổ sào huyệt giặc, bắt Càn Đức để báo đáp triều đình, do trời vậy. Nguyện lấy một thân, để cứu sống chục vạn sinh mệnh.”

Bèn mang quân về, đưa tờ biểu Càn Đức hàng tâu lên, hẹn với người Giao chờ chiếu chỉ. Những lời trên căn cứ liệt truyện Khúc Trân, Yên Đạt, Triệu Tiết, Quách Quì; cùng bài minh trên mộ bia Quì, Tiết, Đạt. Mộ bia Quì ghi: “Giặc dùng kế phục kích tại Giáp Khẩu, không thi hành được, rồi đặt chiến hạm mấy trăm tại bờ sông Phú Lương. Thủy Cáo nói: “Hòa Bân, Dương Tòng Tiên đã đến.” Trong quân đều vui mừng. Lúc đến, thì người Giao mấy vạn quát tháo coi thường quan quân, tiền quân bất lợi.” Xét, mộ bia gọi là Thủy Cáo, không biết là ai; lời nói không rõ nghĩa, nên không lấy. Bài minh của Quì do Phạm Tổ Vũ làm; minh của Tiết, do Phạm Bách Lộc làm, Quì minh, Tăng Bố làm.”[31]

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nước ta, tuy chép sự việc một cách vắn tắt, nhưng cũng tổng kết được cuộc xâm lăng của nhà Tống như sau:

Bính Thìn, Lý Nhân Tông, Thái Ninh năm thứ 5 [1076]. Mùa xuân, tháng 3, nhà Tống sai tuyên phủ sứ Quảng Nam [Quảng Nam Tây Lộ] là Quách Quỳ làm Chiêu Thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, đến sông Như Nguyệt đánh tan được. Quân Tống chết hơn 1 nghìn người. Quách Quỳ lui quân, lại lấy châu Quảng Nguyên của ta.”

XIN LƯU Ý: Sau bài thứ 22 này, có 5 bài Cuộc đấu tranh đòi đất đầu tiên trong bang giao Việt – Trung đã được đăng vào năm ngoái; tiếp đến sẽ đăng bài thứ 28: Lý Nhân Tông: Bàn thêm về nội trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội.

—————–

 [1] Phu Diên: vùng đất thuộc Diên An tỉnh Thiểm Tây ngày nay; dưới thời Bắc Tống là vùng tranh chấp với Tây Hạ.

[2] 趙卨入辭,上諭卨:「用峒丁之法,先須得實利,然後可以使人,不可以甘言虛辭責其效命。如鄜延點教蕃兵,若非卿有以制之,使輕罪可決,重罪可誅,違西夏則其禍遠,違帥臣則其禍速,合於兵法畏我不畏敵之義。苟無實利,則欲責其效命也難矣。今卿可選募精勁土人一二千,擇梟將領之,以脅峒丁,諭以大兵將至,從我者賞,不從者殺。若果不從,即誅三兩族。兵威既立,先脅右江,然後脅左江。此等既歸順,則攻劉紀巢穴不難也。郭逵性吝嗇,卿宜諭以朝廷不惜費,兼逵好作崖岸,不通下情,將佐莫敢言,卿至彼為言之,毋得輕敵。」

[3] 先是,郭逵次潭州,遣知欽州任起領兵襲賊界永安州玉山寨。是日,起攻拔永安州。此據郭逵征南文字七月二十一日奏。

[4] 詔:「安南兵馬非久出界,宜有以鼓作士氣。昨任起等攻賊界玉山寨,功雖不大,然首能奮擊,其得功人可倍推賞訖奏,仍布告將士使聞知。」郭逵墓誌云:師次潭州,遣知欽州任起攻永安州,拔之。傳又云:率郡兵、峒丁三道進討永安州,拔之,左、右江悉效順,門州首領黃金滿、岑慶賓降永安州玉山寨。即七月九日事,其餘當考。

[5] 詔郭逵等交州平日,依內地列置州縣。

[6] 丁巳,詔廣南西路捕獲交賊生口,並未得殺,聽招討司相度,以為鄉導。

[7] 己未,詔郭逵等:「訪聞邕、欽二州溪峒及外界山獠,以所居之地寶產至厚,素所擅有,深慮一旦交賊蕩滅,朝廷列其土為郡縣,美利悉歸公上。以勢異患同之故,及交相黨與,或陰持兩端,或未決效順。須前詔外得一詳悉敕牓,赦其罪惡,與其所利,誘之以爵賞,迫之以誅戮,如此則賊勢必分,大功亟立。未知所言如何,卿等宜審議,條可否,疾速以聞。」逵等言:「看詳朝廷前降敕牓,竊慮邊人不曉,文告之辭須至畫一,直說事理,所貴人人易曉。」乃條上八事,請散牓州縣溪峒。從之。於是賊將黃金滿、岑慶賓皆來潛輸誠欵。此據郭逵征南文字所受七月五日御寶劄子并逵墓志,然墓誌云黃金滿、岑慶賓來降。彼黃金滿等未嘗來降,但潛通降欵耳。今略加刪改.

[8] 乙酉,詔:「安南軍興,文字與常日不同,委逐路轉運使、開封府界提點司,當行驛路地分闊遠,選差得替待闕使臣一兩員分巡轄催趣,仍賜自崇明門至邕州當軍行驛路馬遞急脚鋪兵士特支錢。」

[9] 丁酉,上批:「安南行營至邕州四將下諸軍,九月上旬死病近四五千人。此乃將、副全不約束,恣令飲食北人所忌之物,以致生疾,可火急嚴誡勵,仍切責醫用藥治之。」逵本傳云,逵十月次邕州。按逵征南文字,逵在潭州,凡朝廷發下詔劄,不過十日到軍前,桂州至邕州凡十四程,其他亦可遙度,此十月十四日詔云行營四將至邕州,則逵次邕州,或不在十月,當在九月未耳。或四將乃前軍耳,中軍未也。須更考詳。月末次思明州,并合參照此。

[10] 廣南西路轉運副使苗時中言:「邕州行司言運糧夫不足,見親督丁夫應副軍須,其州縣官吏弛慢,乞先戒厲。」
詔:「大軍頓峒日久,止緣丁夫不足元數,致稽軍事。其州縣當職官,令廣西轉運司案比元拋數不及七分處,州官追一官,縣官追兩官,無官可追即停其俸。各且令在任縣官枷項監督,並劾罪以聞。」

[11] Phạm Tổ Vũ: Sử gia nỗi tiếng thời Tống.

[12] 始,趙卨與郭逵言:「交賊怵於李尚吉、李繼元之謀,故叛。乾德及其母,今皆怨此兩人,而以國聽阮洙,洙每有懷服之意,劉紀據廣源州,申景福據甲峒,皆擁強兵顧望。橫山寨監押成卓故與洙、景福相好,欲使卓齎敕牓入賊招納。」逵不從,大軍駐思明州,先遣燕達【九】將兵由太平寨入廣源州,紀拒戰,達破之。紀初欲降而猶豫未決,逵移檄諭諸洞,聲言紀數以狀自陳,決背交賊歸我,約以三日出降,果如期而至。逵收眾五千餘人,又得省民被略者三千人。范祖禹墓誌云:「逵次思明州。逵以謂廣源州咽吭之地,兵甲精銳,不先取之,則有腹背之患。偽觀察使劉紀為賊謀主,不禽紀則軍聲不振,遣燕達往,一戰克之,拔其城,紀出降。」

[13] Quang Lang: theo Đồng Khánh Địa Dư Chí, Tràng Khánh, Lạng Sơn, đời Lý gọi là châu Ôn.

[14] Cổ Nông: theo Đồng Khánh Địa Dư Chí, Cổ Nông thuộc huyện Quảng Uyên, phía bắc tỉnh Cao Bằng.

[15] 癸巳,安南招討司言廣源古農八細峒頭首儂士忠、盧豹等乞降。詔內有嘗歸明反覆之人【一一】,令招討司選使臣押赴闕。
是日,郭逵等舉兵出界,賊屯決里隘,逵遣張世矩攻之。賊以象拒戰,逵使強弩射之,以巨刀斬象鼻,象卻走,自踐其軍,大兵乘之,賊潰去,乘勝拔機榔縣,別將曲珍又攻拔門州,溪峒悉降。

[16] Phú Lương: Sử Trung Quốc chép nhầm, sử nước ta chép sông Như Nguyệt, tức sông Cầu.

[17] Ba đường: ý chỉ đại quân từ Bằng Tường vào Lạng Sơn, đường thủy từ Khâm Châu, và một đường do Triệu Tiết đề nghị từ châu Quảng Nguyên.

[18] 是日,郭逵等次富良江。此據會要。初,逵遣燕達先破廣源,復還永平,與大兵會。趙卨以為廣源間道距交州十二驛,趣利掩擊,出其不意,川途並進,三路致討,勢必分潰。逵不從。廣源既降,達議還赴逵約,時下連、古弄洞敗兵猶萬餘眾。達恐去則彼必來襲,乃留曲珍將輕騎三千,揚言由二洞入交州,縱二蠻俘使歸。賊果自守不敢動。賊始設伏於夾口隘以待我師,逵知之,乃由間道兜頂嶺以進,遂抵富良江

[19] 乙未,詔:「安南道行營戰棹都監楊從先所總兵甲,既不過海洋,宜令悉取招討司處分.

[20] 上批手詔:「前安南戰棹都監楊從先等,頃以孤軍,冒犯不測,深入賊境,大小數十戰,雖無甚斬獲,然官軍亦不致傷敗。今師還繫獄,殆將逾年,原其勞於王事,實可矜愍,況昨已經郊赦,宜並釋之。其一行有功將士等,仍第賞以聞。」尋令從先赴闕。舊紀全載此詔。

[21] 西京左藏庫副使、前安南道行營戰棹都監楊從先【一四】言:「昨在交阯東涇港口,久不聞大兵消息聲勢,遂差效用樊實、黃宗慶等往占城、交阯兩界刺事,及諭占城毋援交阯,恐交阯賊遁逃,令以兵把截。今據實等狀稱:『占城遣蕃兵七千扼交賊要路,得其國主蕃書回牒,見在潭州制院。』乞取索看詳優奨之,所貴以風勸外夷。實、宗慶並與三司軍將。」詔湖南轉運判官、都官員外郎趙楊繳進蕃書牒本,其樊實、黃宗慶仍發遣赴闕。

[22] Trình Di: là thủy tổ Tống Nho, nên nơi học chữ Nho xưa  gọi là “cửa Khổng sân Trình”.

[23] 深至賊巢,以栰度五百人過江,且斫且焚,破其竹寨幾重不能得。復棹其空栰,續以救兵,反為賊兵會合禽殺,吾眾無救,或死或逃,遂不成功,所爭者二十五里耳。欲再往,又無舟可度,無糧可戍,此謬算未之有也。猶得賊辭差順、遂得有詞具承當了,若使其言猶未順,如何處之?

[24] 未至交州三十里,賊艤戰艦四百餘艘於江南岸,我師不能濟,欲戰弗得

[25] Trương Tướng quân: theo Toàn Thư, Trương Tướng quân tức anh em nhà họ Trương; Trương Khiếu, Trương Hát; hai người là 2 tướng giỏi của Triệu Quang Phục, được dân lập đền thờ gần sông Cầu.

[26] 達請示弱以誘賊,賊果輕我師,數萬觽鮜噪逆戰,前軍不利,逵率親兵當之。達等繼進,賊少卻,叱騎將張世矩、王螻合鬥,諸伏盡發,賊大敗,蹙入江水者不可勝數,水為之三日不流。殺其大將洪真太子,禽左郎將阮根

[27] Việc họ Lý gốc người Phúc Kiến, không thấy ghi trong chánh sử Trung Quốc và Việt Nam.

[28] 詔以廣西進士徐伯祥為右侍禁、欽廉白州巡檢。先是,交賊自邕州驅略老小數千人,將道廣州歸。伯祥募得數十人,輒追躡其後,而所斬獲亦數十級,於是所略去老小因得乘間脫免者至七百餘人。經略司以聞,故有是命。熙寧中,朝廷遣沈起、劉彞相繼知桂州以圖交趾。起、彞作戰船,團結峒丁以為保甲,給陣圖,使依此教戰,諸峒騷然。土人執交趾圖言攻取之策者,不可勝數。嶺南進士徐伯祥屢舉不中第,陰遺交趾書曰:「大王先世本閩人,聞今交趾公卿貴人多閩人也。伯祥才略不在人後,而不用於中國,願得佐大王下風。今中國欲大舉以滅交趾,兵法先聲有奪人之心【一二】,不若先舉兵入寇,伯祥請為內應。」於是,交趾大發兵入寇,陷欽、廉、邕三州。伯祥未得間往歸之。會石鑑與伯祥有親,奏稱伯祥有戰功,除侍禁,充欽、廉、白州巡檢【一三】。朝廷命宣徽使郭逵討交趾,交趾請降曰:「我本不入寇,中國人呼我耳。

。」因以伯祥書與逵,逵檄廣西轉運司按鞫。伯祥逃去,自經死。此據司馬記聞。元豐元年二月辛未,伯祥事敗。

[29] Xin xem tiếp loạt bài “Cuộc đấu tranh đầu tiên đòi lại đất trong lịch sử bang giao Việt Trung

[30] Chín quân tức cửu quân, chỉ quân đội; do xưa Thiên tử có 6 quân, chư hầu có 3 quân, cộng là 9 quân, hay cửu quân.

[31] 未至交州三十里,賊艤戰艦四百餘艘於江南岸,我師不能濟,欲戰弗得。達請示弱以誘賊,賊果輕我師,數萬眾鮜譟逆戰,前軍不利,逵率親兵當之。達等繼進,賊少卻,叱騎將張世矩、王蝼合鬥,諸伏盡發,賊大敗,蹙入江水者不可勝數,水為之三日不流。殺其大將洪真太子,禽左郎將阮根。乾德懼,奉表詣軍門乞降,納蘇、茂、思琅、門諒、廣源五州之地,仍歸所掠子女。於是逵與諸將議帥大兵濟江,諸將曰:「九軍食盡矣。凡兵之在行者十萬,夫二十餘萬,冒暑涉瘴,死亡過半,存者皆病瘁。」逵曰:「吾不能覆賊巢,俘乾德以報朝廷,天也。願以一身活十餘萬人命。」乃班師,以乾德降表聞,約交人聽旨。此據曲珍、燕達、趙卨、郭逵傳及逵、卨、達墓銘刪修。逵墓銘云:「賊以夾口之計不及施,亟以戰艦數百艘先趨富良壁岸下。紿告曰:『和斌、楊從先且至。』軍中皆喜。既至,則交人數萬鮜譟薄官軍,前軍不利。」按墓銘所稱紿告,不知謂誰,其語殊不了了,今不取。逵銘,范祖禹作;卨銘,范百祿作;逵銘,曾布作。