Thế giới hôm nay: 06/02/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Mỹ bắn hạ chiếc khinh khí cầu do thám của Trung Quốc trên không phận Mỹ ở Đại Tây Dương, theo Lầu Năm Góc. Chính phủ Trung Quốc đáp trả bằng tuyên bố đanh thép cáo buộc chính quyền Biden “vi phạm nghiêm trọng các công ước quốc tế.” Hôm thứ Sáu, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến đi dự kiến tới Trung Quốc sau khi Lầu Năm Góc phát hiện khinh khí cầu bay qua các địa điểm quân sự nhạy cảm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói các điều kiện ở mặt trận phía đông đang trở nên khắc nghiệt hơn khi giao tranh leo thang ở Bakhmut, Vuhledar và Lyman, ba thành phố tranh chấp ở tỉnh Donetsk. Trong khi đó, bộ trưởng quốc phòng Oleksii Reznikov nói các tên lửa tầm xa mới do nước ngoài cung cấp sẽ không được dùng để tấn công lãnh thổ Nga. Hôm thứ Sáu Mỹ đã hứa viện trợ một loại tên lửa có thể tăng gấp đôi phạm vi tấn công của Ukraine.

Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố đã ân xá cho “hàng chục nghìn” tù nhân, bao gồm một số người bị bắt trong biểu tình chống chính phủ gần đây. Cái chết của Mahsa Amini, một phụ nữ trẻ bị bắt hồi tháng 9 vì không đội khăn trùm đầu “đúng cách,” đã châm ngòi cho biểu tình hàng loạt. Để dập tắt, chính quyền đã bắt giam gần 20.000 người và kết án tử hình hơn một trăm người.

Lở tuyết vào cuối tuần qua ở ÁoThụy Sĩ đã khiến 10 người thiệt mạng tại các khu nghỉ dưỡng. Sau khi có tuyết và gió dữ dội, Áo đã phát đi cảnh báo tuyết lở cấp bốn, cấp cao thứ hai, với thông điệp “có khả năng xảy ra tuyết lở rất lớn” và khuyên người trượt tuyết nên tìm nơi trú ẩn.

Tướng Pervez Musharraf, người lên làm tổng thống Pakistan sau cuộc đảo chính quân sự năm 1999, vừa qua đời ở tuổi 79. Nhiệm kỳ của ông Musharraf chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nhưng bị chỉ trích vì dùng quân đội để bịt miệng những người chỉ trích và ủng hộ “cuộc chiến chống khủng bố” hậu 11-9 của Mỹ. Musharraf từ nhiệm vào năm 2008 và sống lưu vong những năm cuối đời ở Dubai.

Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử Đài Loan có nhà máy ở Trung Quốc, báo cáo doanh thu kỷ lục 660 tỷ Đài tệ (22 tỷ USD) trong tháng 1, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty này, vốn sản xuất khoảng 70% iPhone của Apple, đã phục hồi sau những gián đoạn nghiêm trọng do chính sách zero covid của Trung Quốc gây ra. Họ cho biết nhà máy ở ngoại ô thành phố Trịnh Châu đã trở lại mức sản xuất bình thường.

Charles Bronson, một trong những tù nhân nguy hiểm nhất nước Anh, đã tung các tác phẩm nghệ thuật mới của ông lên chợ trực tuyến trước thềm cuộc triển lãm tranh vào cuối tháng này. Dù bị biệt giam suốt 50 năm qua nhưng Bronson vẫn tạo ra được thị trường cho tranh của mình. Tên khai sinh là Michael Peterson, ông đổi tên theo một nam diễn viên người Mỹ nhưng giờ đã đổi lại thành Charles Salvador, theo tên người anh hùng nghệ thuật của ông, Salvador Dali.

Con số trong ngày: 1,2 triệu, là số lượng giấy phép câu cá được bán ở bang Minnesota trong năm 2020 — tức cứ năm cư dân thì có một giấy phép.

TIÊU ĐIỂM

Ngân hàng trung ương Ấn Độ họp hội đồng chính sách

Vào thứ Hai, các lãnh đạo ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) sẽ mở cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài ba ngày, và nhiều khả năng sẽ công bố mức tăng lãi suất nhỏ. Đây có thể là đợt tăng cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt hiện tại. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đang nhẹ tay hơn vì lạm phát chậm đi. Trong tháng 12, lạm phát theo năm đã giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống còn 5,7%, thấp nhất trong hơn một năm qua. Trong ngân sách tuần trước, chính phủ đã công bố kế hoạch kiềm chế chi tiêu, từ đó phần nào giúp giảm lạm phát.

Nhưng hết vấn đề này lại có vấn đề khác. Một số ngân hàng lớn nhất của Ấn Độ có tiếp xúc tài chính với Adani Group, tập đoàn khổng lồ đang bị rung chuyển bởi các cáo buộc gian lận. RBI khẳng định “ngành ngân hàng vẫn kiên cường và ổn định,” còn các ngân hàng thương mại cũng đã phát đi các thông cáo xoa dịu lo ngại. Nhưng nếu tình hình tồi tệ hơn, RBI có thể sẽ phải quay lại chữa cháy.

Châu Âu xem xét ra chiến lược xanh đối trọng với Mỹ

Sự nghiệp ban đầu của Margrethe Vestager ấn tượng đến nỗi nó trở thành niềm cảm hứng cho “Borgen,” một chương trình truyền hình nổi tiếng về chính trị Đan Mạch. Giờ đây, với tư cách là người quản lý các vấn đề về cạnh tranh của Ủy ban Châu Âu, bà Vestager nắm trong tay một trong những thanh kiếm kinh tế sắc bén nhất của EU: các quy tắc cạnh tranh nghiêm khắc và việc thực thi chúng.

Các quy định này có thể hạn chế quyền lực của các công ty và hỗ trợ của nhà nước. Nhưng nhiều chính phủ EU, đặc biệt là người Pháp, muốn làm cùn thanh gươm của bà Vestager. Họ lập luận rằng các kế hoạch đầy tham vọng (và tốn kém) của chính phủ Mỹ nhằm xây dựng nền công nghiệp chế tạo xanh đòi hỏi châu Âu phải đáp lại với các khoản trợ cấp lớn. Điều trớ trêu là chiến lược công nghiệp xanh mới của EU đang làm suy yếu các quy tắc cạnh tranh của châu Âu và cho phép các chính phủ chi tiêu xa hoa hơn.

Vào thứ Hai, bà Vestager sẽ nói chuyện với bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen – người có nhiệm vụ giám sát các khoản tín dụng thuế đứng sau tham vọng của Mỹ – nhằm hạn chế căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương xoay quanh vấn đề trợ cấp. Nó rất quan trọng đối với tương lai của kinh tế châu Âu.

Chương trình hành động của Liên Hợp Quốc trong năm 2023

Khi chuẩn bị danh sách bài nhạc, các nhạc công phải mang đến cho đám đông cả chất liệu mới lẫn những tác phẩm kinh điển. António Guterres, tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đối mặt với thách thức tương tự khi ông vạch ra các ưu tiên của mình cho năm 2023 trước Đại hội đồng vào thứ Hai.

Ông Guterres thích những tuyên bố nghiệt ngã: trong những tháng gần đây ông đã cảnh báo về “hủy diệt hạt nhân” và “địa ngục khí hậu.” Nhiều khả năng chúng ta sẽ nghe lại điệp khúc trên khi ông cảnh báo về những rủi ro do cuộc chiến của Nga ở Ukraine gây ra, bên cạnh lạm phát leo thang và nhiệt độ tăng.

Nhưng ông cũng có các chủ đề mới, trong đó có 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030, bao gồm từ hòa bình cho đến năng lượng tái tạo. Tiến độ của chương trình này được đánh giá bốn năm một lần, với lần tiếp theo được lên kế hoạch cho tháng 9. Ông Guterres có thể sẽ kêu gọi các chính phủ đảm bảo tiến độ. Nếu không, ông sẽ phải tiếp tục nhắc đi nhắc lại.

Anh giáo xem xét vấn đề hôn nhân đồng tính

Hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa ở Anh từ năm 2014. Nhưng không một tổ chức tôn giáo nào có thể bị bắt buộc tổ chức đám cưới đồng giới. Khi cơ quan đứng đầu của Giáo hội Anh gặp nhau vào thứ Hai này cho một phiên họp bốn ngày, vấn đề hôn nhân đồng giới sẽ được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Vào tháng 1, nhà thờ đã nói có kế hoạch cho phép giáo sĩ ban phước cho các cặp đồng giới, nhưng tiếp tục cấm kết hôn đồng tính trong nhà thờ. Khi thượng hội đồng tranh luận về đề xuất trong tuần này, các giáo sĩ tiến bộ có thể sẽ thúc đẩy dỡ bỏ lệnh cấm.

Tín hữu của nhà thờ dường như ủng hộ ý tưởng này. Khoảng 55%, và gần 3/4 những người dưới 50 tuổi, ủng hộ hôn nhân đồng giới, tăng từ 38% của năm 2013. Nhưng người Anh giáo ở những nơi khác trên thế giới không có quan điểm tự do như vậy. Hồi tháng 8 năm 2022, Global South Fellowship of Anglican Churches, đại diện của khoảng 75% tín đồ Anh giáo trên toàn thế giới, đã tái khẳng định lại quan điểm đồng tính luyến ái là “không phù hợp với kinh thánh.” Do đó, Giáo hội Anh có nguy cơ gây bất ổn hoàn toàn cho Cộng đồng Anh giáo.