Thế giới hôm nay: 26/01/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chính quyền Biden tuyên bố gửi 31 xe tăng Abrams tới Ukraine, ngay sau khi Đức viện trợ 14 xe tăng Leopard. Tổng thống Joe Biden cũng công bố một gói 400 triệu đô la bao gồm tám phương tiện thu hồi M88 để kéo xe tăng Abrams. Động thái của Đức – được đưa ra sau nhiều cân nhắc kỹ lưỡng – cho phép Ba Lan và các nước khác viện trợ Leopard do Đức sản xuất.

Một tòa án ở Moscow đã giữ nguyên lệnh của Bộ Tư pháp Nga là giải thể Moscow Helsinki Group, đánh dấu động thái mới nhất trong cuộc đàn áp xã hội dân sự không dừng của chính phủ. Các thẩm phán cho rằng tổ chức nhân đạo này đã vi phạm quy định pháp lý vì hoạt động bên ngoài khu vực địa lý của mình. Vốn được thành lập từ năm 1976 để giám sát các hành vi lạm dụng nhân quyền của Liên Xô, đây là tổ chức nhân quyền lâu đời nhất ở Nga.

Ngân hàng Canada cho thấy họ sẽ trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên ngừng tăng lãi suất. Sau khi lạm phát giảm từ 8,1% trong tháng 6 xuống còn 6,3% trong tháng 12, ngân hàng đã tăng một phần tư điểm phần trăm lãi suất lên 4,5%, cao nhất kể từ năm 2008. Thống đốc ngân hàng cho biết sẽ thực hiện “tạm dừng có điều kiện” trong thời gian tới.

Cổ phiếu của Adani Group, một tập đoàn đa quốc gia rất quan trọng đối với kinh tế Ấn Độ, đã giảm giá mạnh vì bản báo cáo gay gắt của công ty đầu tư Hindenburg Research. Tập đoàn bị buộc tội thao túng thị trường và gian lận kế toán; dù giám đốc tài chính của họ gọi những tuyên bố này là “vô căn cứ”. Cổ phiếu của Adani Enterprises, công ty chính của tập đoàn, có thời điểm giảm 3,7% hôm thứ Tư.

ASML, nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip của Hà Lan, đã đánh bại kỳ vọng với thu nhập quý bốn đạt 1,8 tỷ euro (2 tỷ đô la) và dự kiến tăng trưởng doanh thu đạt hơn 25% trong năm nay. Dù bị ảnh hưởng bởi hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc, công ty công nghệ lớn nhất châu Âu vẫn còn thị trường toàn cầu — ASML có đơn đặt hàng tồn đọng kỷ lục, lên tới 40 tỷ euro, tính đến cuối năm 2022.

Giới chức Triều Tiên ra lệnh phong tỏa 5 ngày ở Bình Nhưỡng khi số ca nhiễm bệnh hô hấp không xác định gia tăng. Người dân thủ đô được yêu cầu ở nhà và thường xuyên kiểm tra thân nhiệt, trong đợt phong tỏa toàn thành phố đầu tiên sau 8 tháng. Triều Tiên thừa nhận có dịch covid-19 vào năm ngoái, nhưng tuyên bố chiến thắng virus hồi tháng 8.

Rupert Murdoch từ bỏ kế hoạch tái hợp hai công ty truyền thông của mình là Fox Corporation và News Corporation. Các cổ đông đã phản đối đề xuất của ông, cho rằng việc sáp nhập sẽ làm giảm giá trị của News Corp, công ty sở hữu Wall Street JournalTimes. (Fox Corp sở hữu Fox News và các đài truyền hình khác.) Ông Murdoch chia tách hai công ty từ năm 2013.

Con số trong ngày: 12%, là tỷ lệ phụ nữ Afghanistan cho rằng phụ nữ được đối xử “tôn trọng và có nhân phẩm” ở đất nước mình.

TIÊU ĐIỂM

Kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt trong quý cuối năm 2022

Kinh tế Mỹ dường như đã kết thúc năm 2022 với thống kê ấn tượng. Các số liệu được công bố vào thứ Năm dự kiến cho thấy GDP quý bốn tăng theo năm khoảng 2,5%. Nó đánh dấu quý tăng trưởng mạnh thứ hai liên tiếp của Mỹ, đập tan những suy đoán về suy thoái kinh tế — ít nhất là cho đến hiện tại. Tiêu dùng phục hồi và đầu tư ngoài lĩnh vực nhà ở vững mạnh có lẽ là động lực chính.

Nhưng phía trước là sóng dữ. Việc Cục Dự trữ Liên bang mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ đang bắt đầu gây ra tác động. Thị trường nhà ở trở nên đìu hiu, qua đó làm giảm đầu tư trong những tháng tới. Lãi suất cao hơn cũng đang hạn chế khả năng đi vay của người tiêu dùng, tạo áp lực lên doanh số bán lẻ. Về bản chất, dữ liệu GDP là nhìn lại quý trước, trong khi các chỉ số tương lai ít sáng sủa hơn nhiều.

Cơn đau đầu mang tên súng đạn của Mỹ

Thứ Năm này tổng thống Joe Biden sẽ tổ chức tiệc chiêu đãi tại Nhà Trắng nhân dịp Tết Nguyên đán. Nhưng sự kiện có thể sẽ ảm đạm hơn bình thường. Hôm thứ Bảy, một tay súng đã giết chết 11 người trong một vũ trường đang đón năm mới ở Monterey Park, một vùng ngoại ô đa số là người Mỹ gốc Hoa ở Los Angeles. Chỉ hai ngày sau, một người đàn ông khác lại sát hại bảy người—nhiều người trong số họ là dân nhập cư—ở Half Moon Bay, một thành phố phía nam San Francisco.

California có luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn các tiểu bang khác: vũ khí tấn công bị cấm, kiểm tra lý lịch bắt buộc nếu mua súng, và quan chức có quyền tịch thu súng của những người bị coi là nguy hiểm. Nhờ đó, tử vong do súng ở California thấp hơn 37% so với mức trung bình toàn quốc — nhưng không đủ để ngăn chặn xả súng ở một quốc gia nơi súng là vô cùng phổ biến. Giới chức bang đang thúc đẩy ban hành nhiều hạn chế hơn, trong khi ông Biden tiếp tục kêu gọi thi hành lệnh cấm vũ khí tấn công trên toàn quốc. Song mọi con mắt lập pháp sẽ đổ về Tòa án Tối cao, nơi gần đây đã mở rộng cách diễn giải quyền mang vũ khí.

Các tập đoàn quốc phòng Mỹ có kết quả kinh doanh không quá ấn tượng

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã khiến ngân sách quân sự trên khắp phương Tây tăng mạnh, trong đó Mỹ vừa thông qua ngân sách quốc phòng năm cao kỷ lục là 858 tỷ đô la vào tháng 12. Các lo ngại chiến lược về Trung Quốc cũng góp phần vào sự gia tăng này. Dù vậy, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ lại không có được kết quả bội thu. Lockheed Martin, công ty quốc phòng lớn nhất thế giới, đánh bại kỳ vọng thị trường trong tuần này về doanh thu quý bốn, nhưng lại có tổng doanh thu năm thấp hơn so với 2021. Vào thứ Năm, Northrop Grumman, một nhà sản xuất lớn khác, dự kiến thu nhập quý trên mỗi cổ phiếu sẽ tăng 10% so với năm trước và phục hồi sau ba quý liên tiếp giảm lợi nhuận.

Bản thân các nhà sản xuất vũ khí đã không thể tận dụng được không khí căng thẳng hiện tại. Thị trường lao động khan hiếm gây khó khăn cho việc tuyển dụng nhân viên, trong khi đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát làm tăng giá nguyên vật liệu, đặc biệt là chất bán dẫn cần thiết cho tên lửa chống tăng chính xác. Nhưng ít nhất thì các nhà sản xuất cũng không phải lo sợ Quốc hội mới của Mỹ: ngay cả phe Cộng hòa, vốn luôn yêu cầu cắt giảm ngân sách, cũng rất hiếm khi đề cập đến cắt giảm chi tiêu quốc phòng.

Áp lực đổi ngày quốc khánh gia tăng ở Australia

Theo truyền thống, người Úc kỷ niệm Ngày Quốc khánh vào ngày 26 tháng 1 bằng bia và tiệc nướng. Nhưng hàng nghìn người đã xuống đường phản đối trong những năm gần đây, vì nó đánh dấu cuộc đổ bộ của những người định cư Anh đầu tiên vào năm 1788. Đối với người bản địa — chiếm 4% dân số Úc — ngày này là ngày khởi đầu cho cuộc diệt chủng và xua đuổi tổ tiên của họ. Một số thậm chí gọi nó là “Ngày Xâm lược” và yêu cầu thay đổi ngày lễ.

Điều đó ít nhiều là khả dĩ. Chính phủ đảng Lao động, do Anthony Albanese lãnh đạo, muốn sửa hiến pháp để trao cho người bản địa tiếng nói lớn hơn trong hoạch định chính sách. Ông Albanese đã loại bỏ các quy định bắt buộc tổ chức lễ nhập quốc tịch vào ngày 26 tháng 1 và cho phép công chức nghỉ thêm một ngày. Một số công ty lớn cũng đang làm như vậy. Dù phe bảo thủ nổi giận, thăm dò dư luận cho thấy gần một nửa người trẻ Úc ủng hộ việc đổi ngày. Sớm hay muộn, người Úc chắc chắn sẽ có những bữa tiệc nướng yêu nước vào một ngày khác.