Bầu Chủ tịch nước: Việt Nam muốn đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực?

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Những ngày gần đây, Hà Nội xôn xao tin đồn Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được đồng thuận trong việc lựa chọn ứng viên cho vị trí Chủ tịch nước, vốn đã bị bỏ trống kể từ khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức vào ngày 17 tháng 1. Ứng viên được chọn được cho là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng. Nếu mọi việc suôn sẻ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ họp vào ngày 1 tháng 3 để chính thức thông qua quyết định, và Quốc hội sẽ họp bất thường vào ngày hôm sau để bầu ông Thưởng làm chủ tịch nước. Vị trí hiện tại của ông Thưởng có thể được tiếp quản bởi bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, hoặc ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Dù nắm một số lợi thế trong cuộc đua vào vị trí Chủ tịch nước, Bộ trưởng Công an Tô Lâm được cho là đã tự rút tên mình khỏi danh sách đề cử. Là một quan chức ngành công an, việc đề cử ông có thể đã vấp phải sự phản ứng từ các thành viên Bộ Chính trị khác, những người có thể lo ngại về ảnh hưởng quá lớn của bộ máy công an lên hệ thống chính trị do Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là một cựu quan chức công an. Việc bầu ông Lâm cũng có thể bị một số chính phủ châu Âu đánh giá tiêu cực và gây khó khăn cho các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam. Vào tháng 7 năm 2017, Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, khi đó đang chạy trốn sang Đức để tránh bị truy tố về các tội danh tham nhũng, đã bị “bắt cóc” ngay giữa ban ngày ở Berlin và bị đưa về Hà Nội để xét xử. Phẫn nộ trước vụ việc này, chính phủ Đức đã tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đồng thời được cho là đã đưa ông Lâm vào “danh sách đen” do bị cáo buộc liên quan đến vụ bắt cóc.

Do đó, sự rút lui của ông Lâm đã mở đường cho sự trỗi dậy của ông Thưởng, người đến từ tỉnh Vĩnh Long. Sinh năm 1970, ông Thưởng là Ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất và vẫn còn cả một đường băng sự nghiệp dài phía trước. Do đó, một số nhà phân tích, bao gồm cả tác giả bài viết này, tin rằng ông có thể đợi đến Đại hội Đảng tiếp theo vào năm 2026 để được đề bạt lên cao hơn nữa, qua đó tạo cơ hội cho các quan chức cấp cao khác được thăng chức lần này.

Tuy nhiên, quyết định thăng chức cho ông Thưởng sớm hơn dự kiến dường như đã được định hình bởi một số cân nhắc khác. Đảng có thể đã muốn khôi phục lại thông lệ có sự cân bằng vùng miền trong bốn vị trí thuộc hàng “tứ trụ”, gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội. Kể từ tháng 4 năm 2021, không có chính trị gia miền Nam nào nằm trong nhóm “tứ trụ”.

Quan trọng hơn, ông Thưởng được coi là đồng minh thân cận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người được cho là được ông Trọng lựa chọn trong vai trò kế nhiệm vị trí tổng bí thư. Do đó, việc ông Thưởng được bầu vào vị trí chủ tịch nước có thể tạo thuận lợi cho kế hoạch này. Sự xuất hiện của một chính trị gia từ một phe khác có thể làm phức tạp quá trình chuyển giao quyền lực.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 13, Đảng đã không bầu được nhà lãnh đạo mới kế nhiệm ông Trọng bất chấp vấn đề tuổi tác, sức khỏe và mong muốn nghỉ hưu của cá nhân ông Trọng. Kết quả là ông phải tại vị thêm nhiệm kỳ thứ ba, trái với nguyên tắc không ai được nắm vị trí tổng bí thư hai nhiệm kỳ liên tiếp quy định trong Điều lệ Đảng. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu hiện tại của ông Trọng là xây dựng được một kế hoạch kế nhiệm thành công. Một thất bại khác trong việc chỉ định người kế nhiệm ông sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng lãnh đạo nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định của chế độ. Do đó, quyết định thay thế ông Phúc bằng ông Thưởng trong vai  trò chủ tịch nước và hoàn tất tiến trình bầu cử ngay trong tuần này, thay vì đợi đến khi Quốc hội họp phiên thường kỳ vào tháng 5, có thể được coi là một cách để đẩy nhanh kế hoạch kế nhiệm của ông Trọng.

Một câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời là khi nào ông Trọng sẽ bàn giao chức vụ của mình cho ông Huệ, đặc biệt là nếu xem xét tình hình đang diễn ra xung quanh Thủ tướng Chính. Trước đây từng được coi là một trong những ứng cử viên tiềm năng cho vị trí tổng bí thư nếu ông có thể tại vị cho đến năm 2026, ông Chính gần đây đã chịu nhiều áp lực vì bị cho là có quan hệ thân thiết với nữ doanh nhân, chủ tịch công ty AIC, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đã bị kết án 30 năm tù vắng mặt vì liên quan đến một số vụ bê bối tham nhũng lớn.

Trong trường hợp ông Chính chịu thua trước áp lực và chấp nhận từ chức, có thể nảy sinh hai kịch bản. Trong kịch bản thứ nhất, ông Huệ có thể đảm nhận vị trí thủ tướng và phục vụ trong vai trò này cho đến đại hội đảng tiếp theo vào năm 2026, khi ông sẽ kế nhiệm ông Trọng. Trong kịch bản thứ hai, ông Trọng có thể bàn giao chức vụ tổng bí thư cho ông Huệ ngay sau khi ông Chính từ chức. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam sẽ sớm có một ban lãnh đạo hoàn toàn mới, với ông Huệ làm tổng bí thư, ông Thưởng làm chủ tịch nước, và hai nhân vật cấp cao khác được bổ nhiệm vào các vị trí thủ tướng và chủ tịch quốc hội.

Dù xảy ra theo kịch bản nào, một cuộc chuyển giao quyền lực như vậy sẽ khép lại “công việc dở dang” từ Đại hội Đảng lần thứ 13, khi việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao không diễn ra theo như dự kiến của ông Trọng, dẫn đến một dàn xếp bất thường. Nó cũng sẽ chấm dứt sự bất định chính trị xoay quanh bộ máy lãnh đạo quốc gia, giúp khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài. Với ít vấn đề chính trị nội bộ hơn, ban lãnh đạo mới sẽ có thể tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách, đặc biệt là tình trạng trì trệ trong bộ máy hành chính cũng như quá trình cấp phép các dự án bị trì hoãn, điều đã khiến các nhà đầu tư chán nản trong những năm gần đây.

Nhìn từ góc độ đó, việc ông Thưởng được bầu làm chủ tịch nước trong tuần này, cũng như mong muốn của Đảng trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực trong thượng tầng lãnh đạo, sẽ là những tin tức đáng khích lệ đối với các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài của Việt Nam.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản ngày 28/02/2023 trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg.