Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói Bakhmut, một thị trấn miền đông Ukraine đang bị Nga siết vòng vây trong những tháng gần đây, có thể sẽ thất thủ trong vài ngày tới. Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tập đoàn lính đánh thuê Wagner, cho rằng lính của ông đã nắm quyền kiểm soát phần phía đông của thị trấn. Giới chức phương Tây ước tính khoảng 20.000 đến 30.000 quân Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong chiến dịch Bakhmut.
Biểu tình bùng nổ ở Tbilisi, thủ đô Gruzia, sau khi quốc hội nước này bắt đầu quy trình thông qua một đạo luật có thể hạn chế tự do báo chí và đàn áp xã hội dân sự. Dự luật này bị Mỹ mô tả là “lấy cảm hứng từ Điện Kremlin.” Được biết nó yêu cầu các tổ chức phi chính phủ và cơ quan truyền thông nhận tài trợ từ nước ngoài phải tự phân loại là “tác nhân nước ngoài.” Những người phản đối lo ngại dự luật sẽ ảnh hưởng đến tiến trình gia nhập EU của Gruzia.
Bộ trưởng quốc phòng Đức nói có thể đã có một vụ “ném đá dấu tay” liên quan đến Nga trong vụ đánh bom đường ống Nord Stream 1 và 2. Tin trích tình báo Mỹ trên tờ New York Times hôm thứ Ba cho rằng một nhóm thân Ukraine là thủ phạm. Song các quan chức không rõ ai đã chỉ đạo cuộc tấn công hồi tháng 9, dù không có bằng chứng nào liên quan đến chính phủ Ukraine.
TikTok công bố một kế hoạch bảo mật mới để bảo vệ dữ liệu của khách hàng châu Âu, dường như nhằm xoa dịu lo ngại của các chính trị gia Âu-Mỹ rằng TikTok đang thu thập thông tin để phục vụ mục đích giám sát của chính phủ Trung Quốc. (TikTok bác bỏ cáo buộc.) Trước đó, chính quyền Biden đã ủng hộ một dự luật trao cho họ quyền cấm TikTok vì đe dọa an ninh quốc gia.
Sản lượng công nghiệp Đức tăng 3,5% trong tháng 1 so với tháng trước, sau khi giảm 2,4% trong tháng 12. Con số tích cực này được thúc đẩy bởi sản lượng thiết bị điện tử và hóa chất tăng, dù các ngành khác, chẳng hạn như công nghiệp ô tô, bị giảm sản lượng đáng kể. Trong khi đó, doanh số bán lẻ giảm 0,3% trong tháng 1 do lạm phát cao.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức cho biết “rất không hài lòng” khi các quan chức sở tại xem xét cấm Huawei và ZTE tham gia mạng 5G của Đức. Mỹ và Anh đã cấm hai công ty viễn thông Trung Quốc này vì cho rằng chúng đe dọa an ninh quốc gia. Trung Quốc nói những chính sách như vậy “vi phạm các nguyên tắc cạnh tranh công bằng.”
HelloFresh, một công ty Đức chuyên cung cấp nguyên liệu chế biến bữa ăn, vừa thông báo ngừng nhập nước cốt dừa từ Thái Lan vì lo ngại nông dân ở đây đang dùng khỉ làm lao động cưỡng bức. Công ty đang đứng dưới áp lực từ PETA, một nhóm bảo vệ quyền động vật, khi tổ chức này cáo buộc những con khỉ thường bị xích vào cây, đánh đòn, và phải lột vỏ dừa trong thời gian dài.
Con số trong ngày: 45.000, là số người di cư vượt qua eo biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ trong năm ngoái.
TIÊU ĐIỂM
Biden công bố dự thảo ngân sách
Ở hầu hết các nước, thông báo ngân sách hàng năm của tổng thống thường là một sự kiện lớn. Nhưng đối với tổng thống Joe Biden, công bố dự thảo vào thứ Năm sẽ chỉ là bước đầu cho trận chiến đàm phán lộn xộn ở Quốc hội. Ông Biden muốn đề xuất tăng thuế y tế đối với người Mỹ giàu có và áp thuế bổ sung lên các tỷ phú, qua đó giúp tăng tài trợ cho Medicare và giảm nợ liên bang.
Nhưng những ý tưởng này khả năng cao sẽ không bao giờ đi đến bản ngân sách cuối cùng, nhất là khi phe Cộng hòa, hiện kiểm soát Hạ viện, muốn cắt giảm thuế. Cuộc tranh luận có thể kéo dài nhiều tháng tới. Giai đoạn rủi ro đến vào khoảng tháng 7 khi Quốc hội tiến gần đến thời hạn nâng trần nợ của chính phủ. Đảng Dân chủ muốn bảo vệ các chương trình an sinh xã hội, trong khi đảng Cộng hòa muốn thu nhỏ chính phủ. Giữa hai bên không có một thỏa hiệp rõ ràng nào.
Biểu tình lớn ở Gruzia
Theo lịch, vào thứ Năm này quốc hội Gruzia sẽ bỏ phiếu về luật mới yêu cầu các tổ chức xã hội dân sự nhận được hơn 20% ngân sách từ nước ngoài phải đăng ký là “các tác nhân có ảnh hưởng nước ngoài.” Nhưng phản ứng của công chúng dữ dội đến mức đảng cầm quyền, Giấc mơ Gruzia, phải lặng lẽ dời ngày bỏ phiếu lên thứ Ba, khi một phiên bản của dự luật được thông qua bước đầu. Để phản đối, hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường ở thủ đô Tbilisi, nơi cảnh sát chống bạo động dùng đạn hơi cay và bắt giữ hàng chục người.
Những người chỉ trích dự luật nói nó lấy ý tưởng từ Điện Kremlin (Nga có một luật tương tự). Họ cũng cho rằng nó sẽ làm hỏng nỗ lực gia nhập EU của Gruzia, giữa lúc EU cảnh báo về sự sa sút dân chủ của đất nước. Các nhà quan sát Mỹ, châu Âu và Liên Hợp Quốc đã lên án dự luật mới. Đại đa số người dân Gruzia muốn gia nhập EU. Nếu chính phủ tiếp tục gây nguy hiểm cho tiến trình đó, biểu tình sẽ chỉ càng dữ dội.
Thủ tướng Ý tỏ ra cảm thông với người di cư
Khi nước Anh công bố kế hoạch ngăn người di cư bất hợp pháp trên những chiếc thuyền nhỏ, chính phủ bảo thủ Ý lại cố gắng thể hiện một hình ảnh nhẹ nhàng hơn. Nội các của nước này sẽ họp vào thứ Năm tại Cutro, một thị trấn miền nam nằm gần nơi xảy ra vụ đắm tàu di cư cuối tháng trước. Thủ tướng Giorgia Meloni muốn chứng tỏ chính phủ của bà quan tâm đến các nạn nhân, dù phản đối người di cư bất hợp pháp. Ít nhất 72 người, trong đó có 17 trẻ em, thiệt mạng trong thảm họa tháng trước. Bộ trưởng Nội vụ Matteo Piantedosi đã bị chỉ trích vì đổ lỗi cho các nạn nhân về sự bất hạnh của họ, điều ông kiên quyết phủ nhận.
Phía công tố đã bắt đầu điều tra nguyên nhân của thảm kịch. Nhiều người đang thắc mắc vì sao lực lượng bảo vệ bờ biển Ý không thể tiếp cận hiện trường cho đến khoảng 5 giờ sau khi cơ quan biên giới của EU, Frontex, báo hiệu có thuyền tiếp cận. Số vụ tàu lạ vào bờ biển Ý đã tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 23 tháng 2 năm nay, so với cùng kỳ năm 2022.
Tấm vé vào NATO lơ lửng của Phần Lan và Thụy Điển
Tại một cuộc họp ở Brussels vào thứ Năm, các nhà ngoại giao Phần Lan và Thụy Điển sẽ cố gắng thuyết phục phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ đã đáp ứng các điều kiện để trở thành thành viên NATO. Thổ Nhĩ Kỳ ngăn hai nước gia nhập vì cho rằng họ chứa chấp các lực lượng ly khai người Kurd. Ankara muốn họ phải đàn áp các thành viên địa phương của Đảng Công nhân người Kurd, một nhóm vũ trang từ lâu đã là cái gai trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ.
Khó có đột phá nào. Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ Phần Lan, nhưng nói chính phủ Thụy Điển cần phải làm nhiều hơn nữa. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan dường như cho rằng ông sẽ thu được nhiều nhượng bộ hơn, bao gồm cả việc dẫn độ những người Kurd mà chính phủ ông coi là khủng bố. Ông có lẽ cũng muốn chứng tỏ hình ảnh mạnh mẽ trong nước, nhất là khi bầu cử tổng thống tháng 5 đến gần. Thụy Điển và Phần Lan có vẻ sẽ phải ngồi chờ ít nhất vài tháng nữa.