Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Chiến tranh Nga – Ukraine:
-
- Nga tuyển thêm 400,000 lính dự bị nhằm ngăn cuộc tấn công mới của Ukraine
- Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus
- Lực lượng Nga tiến công vào Bakhmut
- Tướng Ukraine nói việc trấn thủ Bakhmut là “nhiệm vụ cần thiết của quân đội”
- Tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga đang phát triển với tốc độ rất nhanh
- Tổng thống Putin nói rằng Nga và Trung Quốc không tiến tới liên minh quân sự
- Máy bay không người lái Ukraine làm nổ tung trung tâm thị trấn Nga
- Tổng thống Zelenskyy kêu gọi EU viện trợ chiến đấu cơ, tên lửa
-
- Ukraine nhận xe tăng chiến đấu Leopard, Challenger
- Lính Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện trên xe tăng Anh
- TT Zelenskiy cáo buộc Nga giữ nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia làm ‘con tin’
- TT Zelenskyy dự đoán bước đi của Putin nếu Nga giành chiến thắng tại Bakhmut, mời ông Tập Cận Bình đến Kyiv
- Nga không thể đáp ứng các cam kết cung cấp vũ khí vì chiến tranh
- Lãnh đạo Tây Ban Nha thảo luận về cuộc chiến Ukraine nhân chuyến thăm của ông Tập
- New Zealand quan ngại về việc Trung Quốc viện trợ sát thương cho Nga
- Chuyến thăm của ông Tập đến Nga làm giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:
-
- Lực lượng không quân Mỹ thực hiện cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh nhưng chưa có kết quả rõ ràng
- Trung Quốc phát triển ‘Công nghệ tàng hình’ mới cho các tàu ngầm
- Quân đội Trung Quốc cảnh cáo tàu Mỹ rời khỏi Biển Đông
- Trung Quốc, Mỹ huy động các lực lượng khu vực để tăng cường răn đe lẫn nhau
- Cư dân Đài Loan chạy trốn khỏi các hòn đảo xa xôi khi Trung Quốc cắt cáp biển internet
- Tổng thống Đài Loan kiểm tra hoạt động của quân đội trước chuyến thăm Mỹ nhạy cảm
- Phó tổng thống Đài Loan kêu gọi đối thoại quân sự với Nhật Bản
- Thủ tướng Fumio Kishida cam kết củng cố năng lực quốc phòng Nhật Bản trong năm năm tới
- Nga bắn tên lửa siêu thanh vào mục tiêu giả ở Biển Nhật Bản
- Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo sau khi phản đối Mỹ tập trận
- Tỉnh Philippines gần Đài Loan có thể miễn cưỡng cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự
- Quân đội Philippine triển khai xe tăng hạng nhẹ Sabrah của Israel
- Nhật Bản hối thúc Philippines, Mỹ lập khuôn khổ an ninh chống Trung Quốc
- Việt Nam có thể từ chối nâng cấp ngoại giao với Washington khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng
- Việt Nam cử tàu theo dõi tàu Trung Quốc tuần tra mỏ khí Nga trong EEZ
- Singapore mua 6 tàu chiến có thể được dùng làm tàu mẹ điều khiển drone
- Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ một ASEAN phi hạt nhân vì thỏa thuận AUKUS
- Thỏa thuận mua sắm thủy lôi Asteria và Murena trị giá 1 tỷ USD là “ưu tiên hàng đầu” của Úc
Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:
-
- Mỹ và EU thực hiện cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên nhắm vào Trung Quốc
- Quân đội Ba Lan nhận thêm xe tăng K2 và pháo K9 từ Hàn Quốc
- Mỹ không kích ‘giết chết 11 người’ ở Syria
- Israel tấn công tên lửa vào khu vực Damascus của Syria, khiến 2 binh sĩ bị thương
- Lực lượng Israel giết người Palestine tại Bờ Tây trong dịp lễ Ramadan
- Tàu bị bắt giữ bởi cướp biển được nhìn thấy 540 dặm về phía tây từ điểm tấn công Vịnh Guinea
Chuyên mục Phân tích:
-
- Bài học cho cuộc chiến tương lai từ Ukraine (P9): Tác chiến mạng
- Drone thể thao được sử dụng làm tên lửa tại Ukraine như thế nào?
- Israel có thể hỗ trợ hệ thống phòng không của Ukraine
- Tại sao Nga lại bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus?
- Tại sao Trung Quốc đang củng cố quân đội của mình?
- Những lý do khiến cho Hàn Quốc đứng ngoài xung đột tại eo biển Đài Loan là gì?
- Tại sao vũ khí Nga đang ngày càng kém hấp dẫn đối với các nước Đông Nam Á?
Chiến tranh Nga – Ukraine:
Nga tuyển thêm 400,000 lính dự bị nhằm ngăn cuộc tấn công mới của Ukraine
Điện Kremlin đã rút lại kế hoạch cho một cuộc tấn công tiếp theo ở Ukraine vào mùa xuân này sau khi không giành được nhiều lợi thế và sẽ tập trung vào việc ngăn chặn một cuộc tấn công mới từ Kiev dự kiến sẽ sớm bắt đầu. Theo đó, Moscow đang tìm cách tuyển tới 400.000 lính đánh thuê trong năm nay để bổ sung hàng ngũ. Chiến dịch chiêu binh mới này sẽ giúp Kremlin tránh khỏi một đợt huy động quân dự bị trong khoảng thời gian cuối năm, thời điểm mà Putin chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, một số quan chức nói rằng việc đạt được mục tiêu tuyển thêm 400,000 quân trong năm nay sẽ khó thành hiện thực.
Xem thêm tại: SCMP, Russia seeks 400,000 more reservists to blunt Ukraine’s fresh offensive. Truy cập ngày 26/3/2023
Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus
Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga đang chuẩn bị bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, khiến cho đối đầu leo thang với Mỹ và các đồng minh liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, Moscow sẽ không giao quyền kiểm soát vũ khí cho Belarus và sẽ không vi phạm nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân theo thỏa thuận với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Các tên lửa tầm ngắn Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cũng đã được gửi đến Belarus và việc huấn luyện cho các đơn vị này sẽ bắt đầu vào ngày 3 tháng 4.
Xem thêm tại: Bloomberg, Putin Says Russia Will Station Tactical Nuclear Arms in Belarus. Truy cập ngày 26/3/2023
Lực lượng Nga tiến công vào Bakhmut
Denis Pushilin, lãnh đạo vùng Donetsk do Nga thiết lập, cho biết các lực lượng Nga đang tiến về phía đông thành phố Bakhmut của Ukraine bất chấp sự kháng cự quyết liệt và gần như đã kiểm soát hoàn toàn một nhà máy kim loại ở đó. Khẳng định của ông Denis Pushilin đi ngược lại với những mô tả của Ukraine và phương Tây về tình hình trong thành phố, mà họ cho rằng vẫn đang ổn định. Trận chiến giành lấy Bakhmut đã trở thành tâm điểm đẫm máu và khốc liệt trong cuộc chiến tại Ukraine.
Xem thêm tại: Reuters, Russian forces advance in Ukraine’s Bakhmut – Russian-installed leader. Truy cập ngày. Truy cập ngày 29/3/2023
Tướng Ukraine nói việc trấn thủ Bakhmut là “nhiệm vụ cần thiết của quân đội”
Chỉ huy lực lượng mặt đất của Ukraine cho biết hôm thứ Hai rằng quân đội của ông đang tiếp tục đẩy lùi các cuộc tấn công dữ dội của Nga vào thành phố Bakhmut phía đông và việc bảo vệ nó là một “nhiệm vụ cần thiết của quân đội”. Quân đội Ukraine cho biết Đại tá Oleksandr Syrsky đã đến thăm tiền tuyến phía đông để giải quyết “các vấn đề khó khăn ngăn cản việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chiến đấu” và đưa ra “các quyết định điều quân nhằm tăng cường khả năng ngăn chặn và gây thiệt hại cho kẻ thù”.
Xem thêm tại: Reuters, Holding Bakhmut is a ‘military necessity’ – Ukrainian general. Truy cập ngày 28/3/2023
Tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga đang phát triển với tốc độ rất nhanh
Tổng thống Putin nói rằng tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga sẽ phát triển với tốc độ nhanh chóng trong thời gian sắp tới. Theo đó, Moscow sẽ sản xuất và hiện đại hóa hơn 1,600 xe tăng trong vòng ba năm tới nhằm đạt gấp ba lần con số xe tăng của Ukraine. Song song với đó, Nga cũng sẽ sản xuất đạn dược gấp ba lần hoặc hơn. Trong những năm gần đây, chính phủ Nga đã đầu tư rất nhiều vào việc hiện đại hóa và mở rộng khả năng quân sự của mình, và tổ hợp công nghiệp quốc phòng là một phần chủ chốt của nỗ lực này.
Xem thêm tại: Army Recog, Russian military-industrial complex is developing at a very fast pace. Truy cập ngày 28/3/2023
Tổng thống Putin nói rằng Nga và Trung Quốc không tiến tới liên minh quân sự
Tổng thống Putin nói rằng Nga và Trung Quốc không tạo ra một liên minh quân sự và sự hợp tác giữa các lực lượng vũ trang của Nga và Trung Quốc là “minh bạch”, vài ngày sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Trung Quốc và Nga đã ký thỏa thuận hợp tác “không giới hạn” vào đầu năm 2022, chỉ vài tuần trước khi Putin gửi hàng chục nghìn quân vào Ukraine. Bắc Kinh đã kiềm chế không chỉ trích quyết định của Putin và đã đưa ra một kế hoạch hòa bình cho Ukraine.
Xem thêm tại: Reuters, China are not creating military alliance, Putin says. Truy cập ngày 27/3/2023
Máy bay không người lái Ukraine làm nổ tung trung tâm thị trấn Nga
Một drone do Ukraine vận hành, Tu-141 Strizh, đã gây ra vụ nổ ở trung tâm một thị trấn của Nga hôm Chủ nhật, làm ba người bị thương và ba tòa nhà dân cư bị hư hại. Vụ nổ xảy ra ở trung tâm Kireyevsk, cách thủ đô Moscow khoảng 220 km về phía nam. Kyiv vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc. Trước đó, Nga đã báo cáo các cuộc tấn công bằng drone ở một số thị trấn và thành phố, một số trong số đó cách biên giới với Ukraine hàng trăm km.
Xem thêm tại: SCMP, Ukraine drone packed with explosives blasted Russian town centre. Truy cập ngày 27/3/2023
Tổng thống Zelenskyy kêu gọi EU viện trợ chiến đấu cơ, tên lửa
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã yêu cầu các nhà lãnh đạo châu Âu nhanh chóng tăng cường viện trợ vũ khí hiện đại cho quân đội Ukraine, cụ thể là chiến đấu cơ và hệ thống tên lửa tầm xa nếu không họ sẽ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài trong nhiều năm. Trong khi TT Zelenskyy hoan nghênh việc EU đã gửi cho Kyiv 1 triệu quả đạn pháo, nhưng ông vẫn tin rằng chiến đấu cơ và tên lửa sẽ hiệu quả hơn trong việc đẩy lùi quân Nga.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Zelenskyy calls on EU to give jets, missiles or expect a long war. Truy cập ngày 25/3/2023
Ukraine nhận xe tăng chiến đấu Leopard, Challenger
Đức và Anh đã giao lô xe tăng chiến đấu đầu tiên cho Ukraine gồm 18 xe tăng Leopard và 14 xe tăng Challenger 2 nhằm cung cấp sự hỗ trợ trên bộ rất cần thiết khi các lực lượng Nga tăng cường các cuộc tấn công ở phía đông của đất nước. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết ông đã kiểm tra các phương tiện mới khác – bao gồm xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức, xe tải bọc thép Cougar và xe bọc thép chở quân Stryker của Mỹ.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Ukraine receives Leopard, Challenger battle tank. Truy cập ngày 29/3/2023
Lính Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện trên xe tăng Anh
Các đội xe tăng Ukraine hiện đã hoàn thành khóa huấn luyện Challenger 2 ở Anh và đang trở về nhà để chống lại cuộc xâm lược của Nga. Khóa huấn luyện bắt đầu ngay sau thông báo hồi tháng 1 rằng Anh sẽ tặng 14 xe tăng Challenger 2 cùng đạn dược và phụ tùng thay thế để viện trợ cho Ukraine. Xe tăng Challenger 2 đánh dấu một bước thay đổi về khả năng của Lực lượng Vũ trang Ukraine, đảm bảo họ có khả năng bảo vệ tốt hơn các kíp lái của mình và cung cấp cho Kyiv một số hệ thống vũ khí hiện đại và tinh vi nhất trên thế giới.
Xem thêm tại: UKDJ, Ukrainian crews complete training on British tanks. Truy cập ngày 28/3/2023
TT Zelenskiy cáo buộc Nga giữ nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia làm ‘con tin’
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết quân đội Nga đang chiếm giữ nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia làm ‘con tin’ và sự an toàn của nhà máy này không thể được đảm bảo cho đến khi Nga rời đi, trong khi lực lượng Ukraine đã đóng cửa thị trấn Avdiivka để lên kế hoạch cho hành động tiếp theo. Trước đó, Nga và Ukraine thường xuyên cáo buộc nhau pháo kích nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Đồng thời, giao tranh xung quanh nhà máy và lo lắng về tình trạng thiếu nước cùng với hệ thống làm mát có thể dẫn đến mất điện đã làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân.
Xem thêm tại: Reuters, Zelenskiy accuses Russia of holding Zaporizhzhia nuclear plant ‘hostage’. Truy cập ngày 29/3/2023
TT Zelenskyy dự đoán bước đi của Putin nếu Nga giành chiến thắng tại Bakhmut, mời ông Tập Cận Bình đến Kyiv
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cảnh báo rằng trừ khi Ukraine giành chiến thắng trong một trận chiến kéo dài ở Bakhmut, Nga có thể bắt đầu tạo dựng sự ủng hộ quốc tế cho một thỏa thuận có thể yêu cầu Ukraine đưa ra các thỏa hiệp không thể chấp nhận được. Những bình luận của Zelenskyy là sự thừa nhận rằng thất bại trong trận chiến kéo dài 7 tháng ở Bakhmut – trận chiến dài nhất cho đến nay – sẽ là một thất bại chính trị tốn kém hơn là một thất bại chiến thuật. TT Zelenskyy cũng mời ông Tập Cận Bình đến thăm Ukraine.
Xem thêm tại: SCMP, Ukraine’s Zelensky predicts Putin moves if Russia wins battle for key city, invites China’s Xi. Truy cập ngày 30/3/2023
Nga không thể đáp ứng các cam kết cung cấp vũ khí vì chiến tranh
Lực lượng không quân Ấn Độ (IAF) cho biết Nga không thể cung cấp các trang thiết bị quốc phòng thiết yếu mà Moscow đã cam kết cho quân đội Ấn Đội. Nguyên nhân là do cuộc chiến tại Ukraine. Chuyến hàng lớn nhất đang được vận chuyển là các đơn vị phòng không S-400 Triumph mà Ấn Độ mua vào năm 2018 với giá 5,4 tỷ USD. Ba trong số các hệ thống này đã được chuyển giao và hai hệ thống nữa đang chờ được chuyển giao. Ngoài ra, IAF cũng phụ thuộc vào Nga để có phụ tùng cho các máy bay chiến đấu Su-30MKI và MiG-29, trụ cột của lực lượng này.
Xem thêm tại: Reuters, Russia cannot meet arms delivery commitments because of war, Indian Air Force says. Truy cập ngày 24/3/2023
Lãnh đạo Tây Ban Nha thảo luận về cuộc chiến Ukraine nhân chuyến thăm của ông Tập
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez sẽ thảo luận về nỗ lực của ông Tập trong việc làm trung gian hòa đàm ở Ukraine trong chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh vào tuần tới. Chuyến thăm của thủ tướng Sánchez và việc đưa sáng kiến hòa bình cho Ukraine của Trung Quốc vào chương trình nghị sự, là nhằm tiếp thêm động lực cho nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tự coi mình là người trung gian hòa giải cuộc chiến. Trước đó, vào tháng hai, Thủ tướng Sanchez cũng đã gặp TT Zelenskyy, nói rằng Tây Ban Nha sẽ hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Xem thêm tại: Financial Times, Spanish leader to discuss Ukraine war on Xi visit. Truy cập ngày 24/3/2023
New Zealand quan ngại về việc Trung Quốc viện trợ sát thương cho Nga
Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta đã bày tỏ quan ngại với Trung Quốc về bất kỳ điều khoản viện trợ sát thương nào nhằm hỗ trợ Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương hôm thứ Bảy. Ngoại trưởng Mahuta cũng nhắc lại việc chính phủ New Zealand lên án “cuộc xâm lược trái phép” của Moscow tại Ukraine. Thêm vào đó, bà Mahuta cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, Hồng Kông và tranh chấp tại Biển Đông cũng như căng thẳng tại eo biển Đài Loan.
Xem thêm tại: AP, New Zealand tells China its concern on lethal aid to Russia. Truy cập ngày 26/3/2023
Chuyến thăm của ông Tập đến Nga làm giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân
Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, nói rằng chuyến chuyến đi của ông Tập tới Moscow trong tháng này đã giúp thế giới an toàn hơn, giảm khả năng Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, ông Josep Borrell cũng nói rằng giải pháp cho cuộc xung đột do Trung Quốc đề xuất, bị Mỹ bác bỏ, không đủ để giải quyết cuộc xung đột nhưng cũng không hoàn toàn ủng hộ Moscow.
Xem thêm tại: FT, Xi Jinping’s Russia trip reduced chance of nuclear war, says EU foreign policy chief. Truy cập ngày 26/3/2023
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:
Lực lượng không quân Mỹ thực hiện cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh nhưng chưa có kết quả rõ ràng
Lực lượng Không quân Mỹ (UAF) hôm thứ Sáu đã nói rằng họ đã tiến hành một vụ phóng thử Vũ khí phản ứng nhanh phóng trên không (ARRW) AGM-183A vào đầu tháng này, nhưng vẫn chưa rõ liệu cuộc thử nghiệm có thành công hay không. UAF cho biết máy bay ném bom B-52H đã thả nguyên mẫu ARRW ngoài khơi bờ biển phía nam California. Cuộc thử nghiệm là lần phóng thứ hai của nguyên mẫu ARRW và tập trung vào hiệu suất của vũ khí.
Xem thêm tại: Defense News, US Air Force conducts hypersonic test, but full results are unclear. Truy cập ngày 26/3/2023
Trung Quốc phát triển ‘Công nghệ tàng hình’ mới cho các tàu ngầm
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố đã phát triển một thiết bị phủ mới có thể giúp tàu ngầm né tránh sonar tinh vi của kẻ thù bằng nguyên lý hoạt động giống như nước. Thiết bị hình viên gạch do họ phát triển có thể phân tích tần số quét thủy âm của kẻ thù và tạo ra các sóng âm đối lập để người điều khiển máy quét thủy âm nhầm tàu ngầm với nước. Sự phát triển này diễn ra vào thời điểm cạnh tranh quyền lực mạnh mẽ đang diễn ra giữa Trung Quốc và các đối thủ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Mặc dù Mỹ chủ yếu vận hành các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng hải quân Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường của mình trong khi đi tắt đón đầu trong việc chế tạo các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân hiệu quả hơn.
Xem thêm tại: Eurasian Times, China Develops New ‘Stealth Technology’ For Its Submarines That Can Dodge US Navy Sonars. Truy cập ngày 28/3/2023
Quân đội Trung Quốc cảnh cáo tàu Mỹ rời khỏi Biển Đông
Quân đội Trung Quốc nói rằng đã theo dõi và cảnh cáo tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Milius khi tàu này xâm nhập trái phép vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Hải quân Mỹ hôm thứ Năm đã bác bỏ tuyên bố của PLA, nói rằng tàu khu trục của mình đang tiến hành “các hoạt động thường lệ” ở Biển Đông và không hề bị tàu Trung Quốc trục xuất. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế rằng tuyên bố này không có cơ sở pháp lý.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Chinese military says US ship ‘warned’ away in South China Sea. Truy cập ngày 24/3/2023
Trung Quốc, Mỹ huy động các lực lượng khu vực để tăng cường răn đe lẫn nhau
Các nhà phân tích cho biết cạnh tranh giữa Mỹ-Trung ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã dẫn đến việc Washington và Bắc Kinh mở rộng quy mô các cuộc tập trận quân sự với các đối tác trong khu vực nhằm ngăn nhau sử dụng vũ lực. Theo đó, các cuộc tập trận chung với các quốc gia trong khu vực đã trở thành thông lệ đối với quân đội Trung Quốc và lực lượng Mỹ như một cách để thể hiện khả năng răn đe. Khoảng 200 lính PLA sẽ tham gia vào cuộc tập trận Rồng Vàng kéo dài 20 ngày với Campuchia, trong khi Mỹ và Philippines vừa công bố cuộc mô phỏng chiến tranh kéo dài 7 ngày với 17,600 nhân sự tham gia từ cả hai nước. Phía Trung Quốc cũng đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc Mỹ bành trướng sự hiện diện quân sự tại Philippines trong các cuộc hội đàm kín với người đồng cấp Philippines tại Manila vào thứ Năm. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro đã cùng thảo luận nhằm đánh giá tổng thể mối quan hệ giữa hai bên đối với những vấn đề nhức nhối, bao gồm việc Philippines cho phép quân đội Mỹ mở rộng sự hiện diện tới một khu vực phía bắc đối diện với Eo biển Đài Loan.
Xem thêm tại: SCMP, China, US draw on regional forces to scale up mutual deterrence. Truy cập ngày 26/3/2023; SCMP, Chinese diplomats oppose US military presence in Philippines. Truy cập ngày 24/3/2023
Cư dân Đài Loan chạy trốn khỏi các hòn đảo xa xôi khi Trung Quốc cắt cáp biển internet
Quần đảo Matsu đã bị cắt đứt với thế giới bên ngoài sau khi hai đường cáp internet dưới biển bị tàu Trung Quốc cắt đứt vào tháng trước. Dây cáp ở Matsu đã bị đứt 27 lần trong 5 năm qua, thường là do tàu cá Trung Quốc thả neo và kéo lưới đánh cá. Sự cố ngừng hoạt động internet đã làm nổi bật một lỗ hổng bảo mật quan trọng – đó là Đài Loan không thể bảo vệ thông tin liên lạc của mình trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Quốc. Đường Phượng, Bộ trưởng Bộ Thông tin cho biết Đài Bắc đang tìm kiếm nhiều nhà khai thác vệ tinh tầm thấp để cung cấp internet trong thời kỳ khủng hoảng, mặc dù luật yêu cầu họ phải thuộc sở hữu đa số của một cổ đông trong nước. Bộ trưởng Đường cũng đang lên kế hoạch tung ra các máy thu vệ tinh phi địa tĩnh di động tới 700 địa điểm trong nước và ba địa điểm quốc tế trong năm tới
Xem thêm tại: Telegraph, Taiwan residents flee remote islands as China severs internet sea cables. Truy cập ngày 27/3/2023
Tổng thống Đài Loan kiểm tra hoạt động của quân đội trước chuyến thăm Mỹ nhạy cảm
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đến thăm các kỹ sư quân đội vào thứ Bảy và xem xét quá trình đào tạo của họ, nói rằng bảo vệ nền dân chủ là nhiệm vụ “cao cả” của lực lượng vũ trang, trước chuyến đi vào tuần tới tới Mỹ và Trung Mỹ. Phía Trung Quốc lên án Mỹ vì đã cho phép bà thực hiện chuyến đi dù trên thực tế nó chỉ là một chuyến quá cảnh. Bà Thái đã nhiều lần đề nghị đàm phán với Trung Quốc, nhưng nói rằng Đài Loan sẽ tự bảo vệ mình nếu bị tấn công và chỉ người dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ
Xem thêm tại: Reuters, Taiwan president reviews troops ahead of sensitive U.S. visit. Truy cập ngày 26/3/2023
Phó tổng thống Đài Loan kêu gọi đối thoại quân sự với Nhật Bản
Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) nói rằng Đài Loan và Nhật Bản cần thiết lập một cơ chế đối thoại quân sự để bảo vệ hòa bình, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trong khu vực. Theo đó, phó tổng thống Lại chỉ ra rằng Nhật Bản và Đài Loan đang chung thuyền khi phải đối mặt với các mối đe dọa trực tiếp từ các nước độc tài như Trung Quốc và Triều Tiên. Ông Lại cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác quân sự giữa Tokyo và Đài Bắc như một bước đi quan trọng không thể thiếu nhằm tránh chiến tranh.
Xem thêm tại: Japan Times, Taiwan vice president calls for military dialogue with Japan. Truy cập ngày 26/3/2023
Thủ tướng Fumio Kishida cam kết củng cố năng lực quốc phòng Nhật Bản trong năm năm tới
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ Sáu cam kết sẽ củng cố năng lực quốc phòng của đất nước trong vòng năm năm tới, sau khi Tokyo cập nhật ba văn kiện an ninh quốc gia chủ chốt hồi cuối năm ngoái. Thủ tướng Kishida cũng nói rằng các động thái tăng cường năng lực hạt nhân và tên lửa cũng như tăng cường sức mạnh quân sự cách nhanh chóng cũng như các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực “ngày càng trở nên rõ ràng hơn”, ám chỉ đến Triều Tiên và Trung Quốc.
Xem thêm tại: Japan Times, Kishida vows to strengthen Japan’s defense capabilities over five years. Truy cập ngày 27,3/2023
Nga bắn tên lửa siêu thanh vào mục tiêu giả ở Biển Nhật Bản
Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Ba cho biết hải quân Nga đã bắn thử hai tên lửa chống hạm siêu âm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào một mục tiêu giả ở vùng vịnh Peter Đại đế tại vùng Biển Nhật Bản. Tên lửa P-270 Moskit, tên mã NATO là SS-N-22 Sunburn, là tên lửa hành trình siêu thanh tầm trung có nguồn gốc từ Liên Xô và có khả năng tiêu diệt tàu chiến trong phạm vi lên tới 120km (75 dặm). Phía Nhật Bản cho biết sẽ cảnh giác trước các hoạt động quân sự của Moscow và nói rằng vụ phóng tên lửa không gây ra thiệt hại nào.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Russia test fires supersonic missiles at target in Sea of Japan. Truy cập ngày 29/3/2023
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo sau khi phản đối Mỹ tập trận
Triều Tiên đã bắn hai tên lửa đạn đạo ra vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông, sau khi phản đối cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc. Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc nói rằng tên lửa được bắn từ tỉnh Hwanghae của Triều Tiên vào lúc 8 giờ hôm thứ Hai. Chính phủ Nhật Bản cho biết các tên lửa có thể đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Đây là lần thứ bảy Triều Tiên phóng tên lửa trong tháng này nhằm phản đối các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc trong những tháng gần đây. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un hôm thứ Ba cho biết Triều Tiên sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân “bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu”, mang đến mối đe dọa mới khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ – USS Nimitz đến Hàn Quốc. Ông Kim nhắc lại lời kêu gọi tăng cấp số nhân kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên “nhằm bảo vệ an ninh vĩnh cửu của nhà nước cũng như hòa bình và ổn định khu vực”. Cùng với đó, Triều Tiên cũng thử nghiệm drone hạt nhân dưới nước được thiết kế để lén lút thâm nhập vào vùng biển tác chiến nhằm tạo ra một cơn “sóng thần phóng xạ” khổng lồ có thể tiêu diệt các nhóm mục tiêu hải quân và cảng. KCNA cho biết các cuộc thử nghiệm mới nhất của Triều Tiên nhằm cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc về một “cuộc khủng hoảng hạt nhân” đang âm ỉ khi Washington và Seoul tiếp tục “các cuộc tập trận quân sự có chủ đích, dai dẳng và khiêu khích”.
Xem thêm tại: Al Jazeera, North Korea fires ballistic missiles after protesting US drills. Truy cập ngày 28/3/2023; Bloomberg, Kim Jong Un Threatens Nuclear Use Anytime as US Carrier Arrives. Truy cập ngày 28/3/2023. AP, North Korea claims ‘radioactive tsunami’ weapon test at sea. Truy cập ngày 25/3/2023
Tỉnh Philippines gần Đài Loan có thể miễn cưỡng cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự
Thống đốc tỉnh Cagayan, Manuel Mamba hôm thứ Năm nói rằng ông có thể cho phép quân đội Mỹ sử dụng hai căn cứ, xây dựng cơ sở và đặt vũ khí tại tỉnh này theo thỏa thuận quốc phòng giữa Manila và Washington. Cagayan là một điểm nóng tiềm tàng nằm cách Đài Loan khoảng 600km. Thống đốc Mamba cũng nói thêm rằng ông phản đối sự hiện diện của quân đội nước ngoài và cảnh báo rằng đón tiếp lực lượng Mỹ có thể khiến khu vực dễ bị tấn công khi chiến tranh nổ ra. Tổng thống Philippine Ferdinand Marcos Jr nói rằng bốn căn cứ bổ sung đã được ấn định và địa điểm chính xác sẽ được công bố trong thời gian sắp tới.
Xem thêm tại: SCMP, Philippine province near Taiwan may reluctantly allow US to use military bases. Truy cập ngày 25/3/2023
Quân đội Philippine triển khai xe tăng hạng nhẹ Sabrah của Israel
Quân đội Philippine đã được trang bị xe tăng hạng nhẹ Sabrah được sản xuất bởi công ty Elbit Systems của Israel. Xe tăng Sabrah sở hữu pháo chính 105mm, súng máy đồng trục 7,62mm và súng máy hạng nặng 12,7mm. Xe tăng này cũng có các hệ thống điều khiển hỏa lực và nhắm mục tiêu tiên tiến, bao gồm máy đo khoảng cách laser và máy tính đạn đạo, cho phép kíp lái tấn công mục tiêu chính xác ở cự ly xa. Ngoài ra, Sabrah cũng có hệ thống giáp mô-đun có thể điều chỉnh nhằm đem lại khả năng bảo vệ tối ưu trước các mối đe dọa khác nhau.
Xem thêm tại: Army Recog, Philippine army is innovating with deployment of Israeli Sabrah light tank. Truy cập ngày 25/3/2023
Nhật Bản hối thúc Philippines, Mỹ lập khuôn khổ an ninh chống Trung Quốc
Nhật Bản, Philippines và Mỹ sẽ thiết lập một khuôn khổ ba bên liên quan đến các cố vấn an ninh quốc gia của họ, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sự quyết đoán quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Eduardo Ano, cố vấn an ninh của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan và người đồng cấp Nhật Bản Takeo Akiba dự kiến sẽ là hai đại diện khác tại cuộc họp dự kiến. Cuộc gặp ba bên có thể sẽ diễn ra sau khi Mỹ và Philippines tổ chức các cuộc đàm phán an ninh liên quan đến các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của họ tại Washington vào ngày 11/4.
Xem thêm tại: SCMP, Japan pushes Philippines, US to form anti-China security framework. Truy cập ngày 30/3/2023
Việt Nam có thể từ chối nâng cấp ngoại giao với Washington khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng
Việc Mỹ thúc đẩy nâng cấp quan hệ với Việt Nam trong năm nay đang vấp phải sự phản đối từ phía Hà Nội, động thái mà Trung Quốc có thể coi là thù địch vào thời điểm căng thẳng giữa hai siêu cường Bắc Kinh và Washington. Mỹ đang hy vọng có thể nâng cấp ngoại giao với Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 10 năm mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam vẫn đang do dự vì lo sợ một cuộc trả đũa tiềm tàng từ Trung Quốc. Các chuyên gia cũng nói thêm rằng Việt Nam muốn nâng cấp quan hệ, nhưng sẽ phải đợi đến thời điểm thích hợp.
Xem thêm tại: Reuters, Vietnam may resist diplomatic upgrade with Washington as U.S.-China tensions simmer. Truy cập ngày 24/3/2023
Việt Nam cử tàu theo dõi tàu Trung Quốc tuần tra mỏ khí Nga trong EEZ
Một tàu Việt Nam đã theo dõi một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc hôm thứ Bảy tại mỏ khí đốt do Nga khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Dữ liệu từ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho thấy tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đi thẳng vào các lô thăm dò năng lượng do các công ty Nga điều hành hoặc sở hữu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khoảng 40 lần kể từ tháng 1 năm 2022. Các cuộc tuần tra phản ánh hoạt động của cảnh sát biển Trung Quốc tại Biển Đông, vốn được sử dụng để khẳng định yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh.
Xem thêm tại: Reuters, Vietnam sends ship to track Chinese vessel patrolling Russian gas field in EEZ. Truy cập ngày 28/3/2023
Singapore mua 6 tàu chiến có thể được dùng làm tàu mẹ điều khiển drone
ST Engineering thông báo công ty con ST Engineering Marine của họ đã giành được hợp đồng đóng sáu Tàu chiến đấu đa năng (MRCV) cho Hải quân Singapore (RSN). ST Engineering được cho là đã cung cấp tàu chiến đa năng Vanguard 130, mặc dù các nguồn tin cho biết các tàu này sẽ dựa trên các thiết kế khinh hạm Iver Huitfeldt và Absalon của Công ty Công nghệ Hàng hải Odense của Đan Mạch. Báo cáo cũng cho biết các tàu này có khả năng sẽ được trang bị radar Thales Sea Fire và tên lửa đất đối không Aster và VL Mica của MBDA. Cả hai thiết kế tàu ngầm của Đan Mạch đều dài khoảng 137 mét, với dầm dài 19 mét.
Xem thêm tại: Defense News, Singapore buys six combat vessels that can serve as drone motherships. Truy cập ngày 29/3/2023
Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ một ASEAN phi hạt nhân vì thỏa thuận AUKUS
Trung Quốc sẵn sàng ký một hiệp ước biến Đông Nam Á thành khu vực không có vũ khí hạt nhân, trong nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm thu hút các nước láng giềng và chống lại quyết định của Washington trong việc đẩy nhanh việc bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và công nghệ cho Úc. Hiệp ước phi vũ hạt nhân có hiệu lực từ năm 1997 và bắt buộc 10 quốc gia thành viên ASEAN “không được phát triển, sản xuất hoặc mua, sở hữu hoặc kiểm soát vũ khí hạt nhân; đặt hoặc vận chuyển vũ khí hạt nhân bằng bất kỳ phương tiện nào; hoặc thử nghiệm hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Xem thêm tại: SCMP, Aukus subs deal firms China support for Asean nuclear weapon-free zone. Truy cập ngày 29/3/2023
Thỏa thuận mua sắm thủy lôi Asteria và Murena trị giá 1 tỷ USD là “ưu tiên hàng đầu” của Úc
Chính phủ Úc sẽ khẩn trương mua sắm hàng trăm thủy lôi công nghệ cao và thành lập một cơ sở sản xuất trong nước để sản xuất hàng nghìn vũ khí sát thương trong một thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD. Các loại mìn biển do Ý sản xuất có khả năng tiêu diệt tàu và tàu ngầm của đối phương trong khi vẫn đảm bảo các tàu thân thiện vẫn nguyên vẹn, khiến chúng trở nên lý tưởng để bảo vệ các cảng của quốc gia và khiến các “điểm nghẽn” chiến lược trở nên bất khả xâm phạm trước kẻ dịch. Các thủy lôi do Rheinmetall sản xuất có thể được triển khai bởi tàu ngầm, tàu thủy và máy bay, chúng có thể ở dưới đáy biển hoặc ẩn nấp ở độ sâu được chỉ định, và kích hoạt khi phát hiện dấu hiệu âm thanh và từ tính của tàu và tàu ngầm đối phương.
Xem thêm tại: The Australian, Albanese government’s $1bn deal Asteria and Murena sea mines ‘top priority’. Truy cập ngày 30/3/2023
Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:
Mỹ và EU thực hiện cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên nhắm vào Trung Quốc
Mỹ và EU hôm thứ Sáu đã thực hiện một cuộc tập trận hải quân chung kéo dài hai ngày tại một địa điểm mật, đánh dấu việc hợp tác quân sự đầu tiên theo hình thức này khi Washington và Brussel ngày càng có chung lời nói và hành động đối với Trung Quốc và vấn đề an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cuộc tập trận bao gồm việc trao đổi nghiệp vụ về thủ tục lên tàu, điều hướng tàu và huấn luyện nhằm nâng cao khả năng phối hợp tác chiến giữa các lực lượng.
Xem thêm tại: SCMP, Eyeing China, US and EU conclude first-ever joint naval exercise touting ‘high seas freedom of navigation’. Truy cập ngày 26/3/2023
Quân đội Ba Lan nhận thêm xe tăng K2 và pháo K9 từ Hàn Quốc
Bộ trưởng bộ quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak xác nhận rằng đã nhận thêm 5 xe tăng K2 Báo Đen và 12 pháo tự hành K9 Thần Sấm từ Hàn Quốc. Xe tăng K2 được trang bị vũ khí chính là pháo nòng trơn 120mm L-55 dài 6,6m, cùng với súng máy đồng trục 7,62mm và một đại liên 12,7mm, đồng thời có tốc độ tối đa 75km/h với kíp lái gồm 3 người. Pháo tự hành K9 sử dụng loại đạn 155mm và triển khai theo nhóm với xe tiếp đạn tự động K10.
Xem thêm tại: Army Recog, Polish army receives more K2 tanks and K9 howitzers from South Korea. Truy cập ngày 25/3/2023
Mỹ không kích ‘giết chết 11 người’ ở Syria
Quân đội Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc không kích ở miền đông Syria nhằm chống lại các nhóm do Iran hậu thuẫn mà Washington đổ lỗi cho một cuộc tấn công bằng drone vào căn cứ gần Hassaken giết chết một nhà thầu, và khiến năm binh sĩ Mỹ bị thương. Các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các địa điểm như phía đông thành phố Deir Az Zor, một tiền đồn gần thị trấn Mayadeen đã giết 11 phi công Iran và 6 phi công khác chưa được chính thức xác nhận. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu đã tuyên bố rằng dù Mỹ không muốn xảy ra xung đột với Iran nhưng nước này đã sẵn sàng để “hành động mạnh mẽ” nhằm bảo vệ người dân Mỹ. Cả Bộ Ngoại giao Iran và Syria vào cuối ngày thứ Bảy đã chỉ trích các cuộc không kích của Mỹ nhắm vào khu vực chiến lược Deir ez-Zor giáp biên giới với Iraq. Bộ Ngoại giao Syria chỉ trích các cuộc tấn công “tàn bạo” mà họ nói đã giết chết một số người và vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Nó nói thêm rằng các cuộc tấn công là sự tiếp nối các cuộc tấn công của Israel và thề sẽ “chấm dứt sự chiếm đóng của Mỹ”.
Xem thêm tại: Al Jazeera, US air strikes ‘kill 11’ in Syria after drone kills contractor. Truy cập ngày 25/3/2023; Reuters, Biden says US is prepared to act “forcefully” to protect Americans. Truy cập ngày 25/3/2023; Al Jazeera, Iran, Syria condemn US attacks on Iran-linked facilities. Truy cập ngày 27/3/2023
Israel tấn công tên lửa vào khu vực Damascus của Syria, khiến 2 binh sĩ bị thương
Israel vào sáng thứ Năm đã tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu ở khu vực Damascus với những tiếng nổ lớn vang khắp thành phố thủ đô, khiến cho 2 binh sĩ bị thương. Phía Syria cho biết Lực lượng phòng không nước này đã “bắn hạ một số tên lửa”. Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu bên trong các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Syria trong những năm gần đây, trong đó có hai cuộc tấn công tên lửa vào sân bay quốc tế Aleppo trong tháng này.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Israeli missile attack on Syria’s Damascus area wounds 2 soldiers. Truy cập ngày 30/3/2023
Lực lượng Israel giết người Palestine tại Bờ Tây trong dịp lễ Ramadan
Các quan chức Palestine hôm thứ Năm cho biết lực lượng Israel giết một người đàn ông Palestine 25 tuổi trong một cuộc đột kích vào bờ Tây. Lực lượng Tulkarem, một trong bảy nhóm vũ trang mới nổi tại bờ Tây, nói rằng Abu Khadijeh là một trong những nhân vật đã thành lập nhóm này. Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh bắt đầu tháng Ramadan của người Hồi giáo bên trong lãnh thổ Palestine.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Israeli forces kill Palestinian in West Bank as Ramadan begins. Truy cập ngày 24/3/2023
Tàu bị bắt giữ bởi cướp biển được nhìn thấy 540 dặm về phía tây từ điểm tấn công Vịnh Guinea
Một chiếc tàu thuộc sở hữu của Đan Mạch đã bị cướp biển tấn công ở Vịnh Guinea hôm thứ Bảy đã được phát hiện cách bờ biển khoảng 540 dặm vào thứ Ba. Tàu chở dầu và hóa chất mang cờ Liberia Monjasa Reformer đã bị năm người có vũ trang lên tàu cách cảng Pointe-Noire của Cộng hòa Congo khoảng 140 dặm về phía Tây. Vịnh Guinea đã trở thành điểm nóng về cướp biển toàn cầu trong những năm gần đây, mặc dù các vụ cướp biển đã giảm kể từ năm 2021 khi chính quyền các quốc gia ven vịnh tăng cường các nỗ lực an ninh với sự hỗ trợ của tàu hải quân nước ngoài
Xem thêm tại: Reuters, Ship seized by pirates seen 540 miles west from Gulf of Guinea attack point. Truy cập ngày 30/3/2023
Chuyên mục Phân tích:
Bài học cho cuộc chiến tương lai từ Ukraine (P9): Tác chiến mạng
Nhiều chuyên gia an ninh mạng thắc mắc vì sao Nga lại không có thành công nào liên quan tới chiến tranh mạng trong cuộc chiến tại Ukraine. Vậy có phải là do năng lực tác chiến mạng của Nga kém hay không? Hay có điều gì đó ở các lực lượng tác chiến mạng của Ukraine mà chúng ta chưa biết? Nga từng hạ gục các trang web của chính phủ, gián đoạn các năng lực liên lạc viễn thông, và làm tê liệt mạng lưới chính phủ và doanh nghiệp Ukraine.
Vậy thì điều gì giải thích cho việc Nga không đạt được ưu thế tác chiến mạng? Một phần câu trả lời có thể nằm ở phía các lực lượng phòng thủ mạng của Ukraine. Cũng như việc chuẩn bị về quân đội, Ukraine cũng đã cải thiện năng lực tác chiến mạng, cộng với việc các kỹ sư phần mềm Ukraine có năng lực hàng đầu trong khu vực và các đội Tiên phong Phòng thủ của Bộ Tư lệnh Mạng Mỹ đặt tại Ukraine vào năm 2021 đã giúp Kyiv đánh bật các hacker Nga ra khỏi mạng lưới dễ tổn thương của mình. Thêm vào đó, khu vực tư nhân cũng đã trang bị công cụ để tự bảo vệ các hoạt động của mình tại Ukraine. Trên khắp châu Âu, các quan hệ đối tác mới đầy sáng tạo đã xuất hiện giúp bảo vệ mạng lưới của Ukraine như sáng kiến Hợp tác hỗ trợ phòng thủ mạng. Việc gia tăng phòng thủ này đã được đền đáp khi dưới các cuộc tấn công liên tục của Nga, lực lượng phòng thủ mạng của Ukraine đã tránh được thảm họa.
Do đó, một bài học quan trọng đó là: có thể chuẩn bị, phòng ngừa và phục hồi khi đối mặt với cuộc tấn công kỹ thuật số của một kẻ thù đáng gờm. Cả Trung Quốc và Đài Loan đều đang học hỏi kinh nghiệm của Nga ở Ukraine. Dù vậy, các biện pháp phòng thủ trong lĩnh vực số sẽ không thể thực hiện được một sớm một chiều. Do đó, các chính phủ và doanh nghiệp Đài Loan phải bắt đầu lập kế hoạch và triển khai ngay bây giờ. Điểm chính rút ra từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga đó là chiến tranh mạng là một yếu tố mang tính quyết định. Dù thiếu một chiến thắng quyết định nhờ chiến tranh mạng tại Ukraine, Nga vẫn cho thấy hạn chế quan trọng nhất của chiến tranh mạng đó là trong cuộc xung đột, bạo lực vẫn là thứ thống trị.
Xem thêm tại: Foreign Policy, Lessons for the Next War: Cyberdefense. Truy cập ngày 24/3/2023
Drone thể thao được sử dụng làm tên lửa tại Ukraine như thế nào?
Drone đã trở thành một phần phổ biến trong cuộc chiến ở Ukraine. Cả Nga và Ukraine đều sử dụng drone 4 cánh để theo dõi kẻ thù và thả lựu đạn. Nga đã sử dụng drone Shahed-136 do Iran sản xuất để phá hủy các thành phố của Ukraine. Còn gần đây, Ukraine đã chuyển các thiết bị drone được thiết kế cho các mục đích thể thao thành đạn tuần kích cỡ nhỏ. Loại drone này nhanh hơn và linh hoạt hơn so với các mẫu thương mại được các nhiếp ảnh gia sử dụng: chúng có thể đạt tốc độ gần 250 km/h, nhỏ hơn với trọng lượng không qua 500g nhưng lại có thể tải đạn, ví dụ như khoảng 1kg lựu đạn (dù như vậy sẽ làm giảm tốc độ bay và thời gian bay của chúng). Qúa trình chuyển đổi để chúng có thể được sử dụng cho chiến tranh bao gồm việc bổ sung các gói pin vào phía trên và một quả bom bên dưới. Nhưng khác với các loại drone thả bom, drone thể thao chỉ có thể sử dụng được một lần khi chúng sẽ nổ tung cùng với gói thuốc nổ. Vì vậy, độ hữu dụng của chúng đến từ việc tấn công các mục tiêu mà drone ném bom thẳng từ trên xuống không thể chạm tới được, ví dụ như hào lũy, lô cốt. Mặt khác, điểm yếu của loại drone này, như bao loại drone khác, là từ việc chúng phải phụ thuộc vào liên lạc qua radio khi tín hiệu vô tuyến có thể gặp khó khăn khi tiếp cận các khu vực dưới lòng đất và chúng dễ bị nhiễu. So với loại drone tự sát hay đạn tuần kích Switchblade 300 do Mỹ viện trợ, thì loại drone thương mại này rẻ hơn, dễ mua hơn, và có thể mang đầu đạn uy lực hơn. Theo đó, một mẫu drone thể thao chỉ có giá 700 USD, so với Switchblade có giá 75,000 USD. Do đó, dù có thể là một công cụ hạn chế, vũ khí dẫn đường cực rẻ có thể rất hữu ích trong chiến tranh.
Xem thêm tại: Economist, How racing drones are used as improvised missiles in Ukraine. Truy cập ngày 25/3/2023
Israel có thể hỗ trợ hệ thống phòng không của Ukraine
Nhiều sự chú ý đã đổ dồn vào vai trò của hệ thống phòng thủ tên lửa khi Nga thực hiện các cuộc tấn công bằng drone và tên lửa nhắm vào các trung tâm dân cư của Ukraine. Các lá chắn phòng thủ tên lửa được thiết kế nhằm làm suy yếu sự tự tin của đối thủ bằng cách nâng cao sự bất định và làm suy giảm khả năng của tên lửa, đồng thời củng cố tinh thần của bên phòng thủ. Nga bắt đầu nhắm vào các địa điểm như tòa nhà chính phủ và cơ sở hạ tầng viễn thông nhằm gây thiệt hại cho việc chống cự và sĩ khí của Ukraine. Tuy nhiên, với hệ thống phòng không S-300, Ukraine đã đánh bật các tên lửa hành trình của Nga một cách hiệu quả. Khả năng đánh chặn tên lửa ngày càng hiệu quả của Ukraine là một yếu tố khiến Moscow chuyển hướng sang Iran để mua số lượng lớn máy bay không người lái Shahed-131 và Shahed-136, vốn đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc chiến. Nhưng khả năng của Ukraine đã được cải thiện đáng kể với các hệ thống phòng không của phương Tây như NASAMS và IRIS-T. Điều này đã củng cố khả năng đánh chặn các cuộc tấn công tên lửa của Ukraine. Thêm vào đó, hệ thống Patriot giúp củng cố sức mạnh của Ukraine khi nước này đối mặt với cuộc tấn công dữ dội này và cách tiếp cận phòng không đa tầng, nhiều lớp cũng phản ánh cách tiếp cận tương tự của Israel trong việc đối đầu với mối đe dọa do Iran và Hezbollah gây ra.
Israel đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc cung cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa cho Ukraine nhưng đã kiềm chế không làm như vậy vì sợ chọc giận Nga, điều này có thể hạn chế quyền tự do hành động của họ trong việc tấn công các lực lượng của Iran ở Syria. Dù vậy, Israel nói rằng sẽ viện trợ cho Ukraine hệ thống cảnh báo sớm mối đe dọa trên không, đồng thời Tel Aviv cũng đã phê chuẩn giấy phép xuất khẩu các hệ thống chống drone cho Kyiv như David’s Sling hay Arrow 3. Từ kinh nghiệm chiến tranh tên lửa của mình, Israel biết hệ thống phòng không cần thiết như thế nào để duy trì sức mạnh và khả năng phục hồi. Tuy nhiên, có khả năng là sự hỗ trợ chặt chẽ của Iran dành cho Nga, thay vì áp lực của Mỹ, sẽ thay đổi tính toán của Israel về hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Xem thêm tại: ASPI, Ukraine’s air defences are crucial, and Israel can help. Truy cập ngày 30/3/2023
Tại sao Nga lại bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus?
Tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông dự định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW) trên lãnh thổ Belarus dường như là một nỗ lực khác nhằm gia tăng nguy cơ trong cuộc xung đột ở Ukraine. Trước nhất, TNW là gì? TNW là vũ khí được sử dụng nhằm tiêu diệt quân lính và vũ khí của kẻ thù trên chiến trường. Khác với vũ khí hạt nhân chiến lược, vốn nằm trong thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Washington và Moscow, TNW chưa bao giờ bị giới hạn trong các hiệp ước kiểm soát và Nga chư từng công khai số lượng hay thông tin gì về loại vũ khí này. Thêm vào đó, trong khi vũ khí hạt nhân chiến lược được đặt trong các tên lửa đạn đạo liên lục địa trên đất liền hoặc trên tàu ngầm luôn trong trạng thái sẵn sàng phóng, thì TNW được cất giữ tại một số cơ sở lưu trữ được bảo vệ nghiêm ngặt ở Nga và cần thời gian để vận chuyển chúng đến các đơn vị chiến đấu.
Tổng thống Putin đưa ra ba lý do cho động thái này. Đầu tiên, ông Putin nói rằng tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã yêu cầu Moscow bố trí vũ khí hạt nhân của mình tại Minsk và Nga đã giúp hiện đại hóa máy bay chiến đấu Belarus nhằm đạt được khả năng mang vũ khí hạt nhân. Kế đến, ông Putin nói rằng chính quyết định của Anh nhằm viện trợ cho Ukraine đạn xuyên giáp chứa uranium hiếm là nguyên nhân khiến Nga phải bố trí vũ khí hạt nhân tại Belarus khi loại đạn này gây nguy hiểm cho khu vực dân sự và có thể gây ô nhiễm môi trường. Cuối cùng, ông Putin cho rằng việc đặt TNW tại Minsk cũng giống như việc Mỹ đặt vũ khí hạt nhân của mình tại Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ trước đây, và hành động này không hề vi phạm Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân.
Nhưng hậu quả khả dĩ của động thái này sẽ là gì? Việc ông Putin đặt TNW tại Belarus sẽ giúp tên lửa và máy bay Nga có thể nhắm đến các mục tiêu tiềm năng tại Ukraine dễ dàng hơn, và nó cũng mở rộng khả năng của Nga trong việc nhắm đến một số quốc gia thành viên NATO tại Đông và Trung Âu. Ngoài ra, mục tiêu của ông Putin trong động thái này cũng là để ngăn các nước đồng minh phương Tây viện trợ thêm cho Ukraine vũ khí trước khi Kyiv thực hiện bất kỳ cuộc phản công nào. Ukraine đã phản ứng trước động thái của ông Putin bằng cách kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ. Phía Mỹ nói rằng Washington vẫn chưa thấy bất kỳ động thái bố trí TNW nào và chưa có lý do gì để thay đổi thế bố trí răn đe chiến lược của mình. Thêm vào đó, NATO bác bỏ tuyên bố của Putin rằng Nga chỉ đang làm những gì Mỹ đã làm trong nhiều thập kỷ, nói rằng các đồng minh phương Tây hành động với sự tôn trọng đầy đủ đối với các cam kết quốc tế của mình.
Xem thêm tại: AP, Why does Russia want tactical nuclear weapons in Belarus? Truy cập ngày 29/3/2023
Tại sao Trung Quốc đang củng cố quân đội của mình?
Quá trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại đáng kể rằng Bắc Kinh có thể muốn gây chiến với Mỹ. Nhưng trên thực tế, có nhiều động lực về mặt chính trị và an ninh đóng vai trò là nền tảng cho quá trình hiện đại hóa này và chúng phần lớn không liên quan gì đến việc gây chiến. Tính đến năm 2022, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ đứng thứ hai sau Mỹ với 230 tỷ USD, và được dự đoán có thể tăng thêm 60 tỷ USD mỗi năm. Đối với một số nhà quan sát, việc Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng gây ra lo ngại về một cuộc xung đột có thể xảy ra.
Tuy nhiên, dù chuẩn bị cho chiến tranh là một khả năng cho việc PLA xây dựng lực, nhưng nó không phải là khả năng duy nhất. Lý do đầu tiên khiến cho Bắc Kinh phải xây dựng một lực lượng quân sự hùng hậu là vì yếu tố an ninh cơ bản. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ý thức về bài học lịch sử rằng các vương triều sụp đổ nhanh chóng vì quân đội yếu kém sẽ cho phép kẻ thù hạ bệ cả đế chế. Do đó, duy trì khả năng răn đe mạnh mẽ, kể cả thông qua kho vũ khí hạt nhân lớn, là lý do cơ bản khiến Trung Quốc cố gắng có được một quân đội hùng mạnh. Lý do thứ hai là một Trung Quốc đang phát triển đòi hỏi một quân đội có năng lực hơn để xử lý một loạt các nhiệm vụ ngày càng tăng, bao gồm cả khả năng xảy ra xung đột với Đài Loan. Theo đó, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều mối đe dọa về mặt địa chính trị và hàng loạt các nhiệm vụ phi chiến tranh, như viện trợ nhân đạo, tuần tra hàng hải. Tiếp đến là về mặt uy tín quốc gia. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi một quân đội hùng mạnh là dấu hiệu của vị thế quốc gia và là một cách để khơi dậy lòng yêu nước. Thêm vào đó, việc xây dựng quân đội mạnh cũng giúp cho ông Tập củng cố vị thế lãnh đạo của mình, cụ thể hơn là quyền chỉ huy quân đội của ông. Cuối cùng, lý do Bắc Kinh củng cố PLA nằm ở việc giữ cho quân đội tập trung vào trách nhiệm của mình và chống lại xu hướng sa vào tham nhũng và thờ ơ. Các chỉ thị của Tập tiếp tục tập trung vào các nghĩa vụ quân sự diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa tổng thể, năng lực và hiệu quả của chính phủ nhằm làm tiền để cho việc thực hiện các mục tiêu phục hưng đất nước.
Xem thêm tại: Defense New, Why is China strengthening its military? It’s not all about war. Truy cập ngày 25/3/2023
Những lý do khiến cho Hàn Quốc đứng ngoài xung đột tại eo biển Đài Loan là gì?
Mặc dù Hàn Quốc là một đồng minh của Mỹ, nhưng khác với Nhật Bản, phản ứng với khả năng xảy ra một cuộc xung đột tại eo biển Đài Loan của Seoul là rất khác. Hàn Quốc có thể sẽ giới hạn hỗ trợ của mình ở các hành động gần mức thấp nhất – như các biện pháp trừng phạt kinh tế mang tính biểu tượng và trở thành hậu phương tiếp tế cho lực lượng Mỹ sau trận chiến – với hy vọng tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Seoul nhận thấy có ba lý do thuyết phục để đứng ngoài cuộc chiến tại eo biển Đài Loan. Đầu tiên là sự thịnh vượng của Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc, khi thị trường Bắc Kinh chiếm 30% tổng kim ngạch thương mại của Seoul năm 2022. Ngoài ra, hầu hết nguồn cung đất hiếm của Hàn Quốc là từ Trung Quốc, và Trung Quốc cũng chiếm 40% lượng xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn năm 2021.
Kế đến, Seoul tin rằng một cuộc chiến tranh tại Đài Loan sẽ làm tăng mối đe dọa của Triều Tiên đối với Hàn Quốc. Theo đó, việc Mỹ quyết định bảo vệ Đài Loan sẽ khiến Washington bỏ rơi Hàn Quốc, dẫn đến việc Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một cuộc xâm lược như một phần trong kế hoạch phối hợp với Bắc Kinh nhằm chia rẽ lực lượng Mỹ. Tuy nhiên, những lập luận trên hoàn toàn sai lệch vì Hàn Quốc có đủ khả năng để tự bảo vệ mình cũng như việc nhân sự và khí tài Mỹ hiện đang ở Hàn Quốc sẽ không đóng vai trò lớn nào trong trường hợp xảy ra xung đột tại Đài Loan. Lý do cuối cùng đó là Hàn Quốc tin rằng một Trung Quốc thân thiện sẽ có ảnh hưởng vừa phải đối với Triều Tiên. Nhưng lợi ích của Trung Quốc đối với Hàn Quốc trong vai trò kiềm chế Bình Nhưỡng luôn bị đánh giá quá cao khi Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa và tiến hành các vụ thử hạt nhân ngay cả khi Trung Quốc dường như sẵn sàng áp dụng áp lực đối kháng. Mặt khác, thay vì là người kiềm chế, Bắc Kinh có thể trở thành người tạo điều kiện cho các hành vi sai trái của Triều Tiên khi Mỹ và Hàn Quốc nối lại cuộc tập trận quân sự chung vào giữa tháng Ba.
Xem thêm tại: Diplomat, South Korea Will Stay Out of a Taiwan Strait War. Truy cập ngày 27/3/2023
Tại sao vũ khí Nga đang ngày càng kém hấp dẫn đối với các nước Đông Nam Á?
Các nước Đông Nam Á đang chứng kiến cuộc cạnh tranh nước lớn giữa Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực. Cũng tại khu vực này, một nền quốc phòng vững chắc là điểm khởi đầu cho một nước mạnh. Do đó, các nước Đông Nam Á sẽ mua vũ khí từ đâu là một vấn đề lớn, đặc biệt khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã đảo lộn mọi thứ. Trước cuộc chiến tại Ukraine hai thập kỷ, Nga là nguồn cung vũ khí lớn nhất của khu vực với doanh thu hơn 11 tỷ USD, cùng với đó là Mỹ, Pháp, Đức và các bên khác. Nga cung cấp vũ khí công nghệ cao với giá cả phải chăng đồng thời chấp nhận thanh toán bằng hàng hóa. Ngoài ra, Nga cũng chẳng quan tâm gì đến nhân quyền, và tham nhũng giúp bôi trơn các giao dịch. Tuy nhiên, doanh thu từ vũ khí của Nga đã dần chậm lại trước cả khi cuộc chiến diễn ra. Điển hình nhất là Việt Nam, một trong những khách hàng lớn nhất của Nga, tạm dừng dừng hiện đại hóa quân đội sau những lo ngại về tham nhũng trong khi số khác thì lại lo sợ bị Mỹ trừng phạt. Đối với giai đoạn trong cuộc chiến, một số quốc gia bắt đầu quan ngại về rủi ro của vũ khí Nga khi tất cả chứng kiến hiệu năng nghèo nàn mà các loại vũ khí này thể hiện trên chiến trường. Thêm vào đó, việc bị áp các lệnh trừng phạt cũng khiến Nga khó tiếp cận các công nghệ tiên tiến không chỉ quan trọng trong việc sản xuất hệ thống vũ khí mà còn trong việc nâng cấp chúng để kéo dài thời gian sử dụng. Vậy ai sẽ thế chỗ của Nga? Trung Quốc có tham vọng thay thế, nhưng doanh thu của Bắc Kinh từ Đông Nam Á giảm 2/5 giai đoạn năm năm đến 2021 so với cùng kỳ trước đó. Chưa hết, cũng có những lo ngại về chất lượng của vũ khí Trung Quốc. Ví dụ như việc Thái Lan đã mua 3 tàu ngầm từ Trung Quốc vào năm 2017 nhưng dự án này đã rơi vào bế tắc khi động cơ Trung Quốc không chạy được. Ngoài Trung Quốc ra, Ấn Độ cũng muốn đột phá thị trường với mẫu tên lửa hành trình BrahMos, nhưng người chiến thắng cuộc chơi lại là Hàn Quốc. Vũ khí của Hàn đã thắng về giá, chất lượng, độ tín dụng và giao hàng nhanh chóng. Thêm vào đó, các nguồn cung của Seoul cũng rất vui lòng trong việc chuyển giao công nghệ cho các khách hàng, bắt đầu từ Indonesia, hiện đang đóng tàu ngầm với sự hỗ trợ từ Hàn Quốc. Cuối cùng, Hàn Quốc ít bị ảnh hưởng trong trò chơi địa chính trị vĩ đại đang diễn ra ở Đông Nam Á, một điểm cộng trong mắt các nước tại khu vực.
Xem thêm tại: Economist, Russian arms have fewer takers in South-East Asia. Truy cập ngày 24/3/2023