Chuyển động Quốc Phòng (17/2 – 23/2/2023)

Print Friendly, PDF & Email

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Chuyên mục Phân tích:

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Trung Quốc cảnh cáo phương Tây đang “thêm dầu vào lửa” cuộc chiến tại Ukraine

Trung Quốc đã cảnh cáo các nước phương Tây không nên “thêm dầu vào lửa” ở Ukraine và nhắc lại lời kêu gọi đàm phán hòa bình trước chuyến thăm dự kiến ​​tới Moscow của nhà ngoại giao cấp cao nhất của Bắc Kinh, Vương Nghị. Ông Vương Nghị cũng cảnh báo “các quốc gia có liên quan” không nên đổ lỗi cho Trung Quốc về cuộc chiến và không nên ám chỉ tình hình bằng câu nói “hôm nay Ukraine, ngày mai Đài Loan” – ám chỉ những lo ngại rằng Bắc Kinh có thể xâm chiếm nước láng giềng nhỏ hơn mà họ tuyên bố chủ quyền. Tuyên bố của Bắc Kinh sẽ công bố kế hoạch hòa bình của riêng mình cho Ukraine để kỷ niệm một năm cuộc xung đột vào thứ Sáu đã bị hoài nghi sâu sắc ở phương Tây. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo rằng Trung Quốc đang xem xét mạnh mẽ việc cung cấp vũ khí cho Nga sau cuộc gặp với Vương Nghị tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần. Bắc Kinh phản bác rằng Washington là bên thúc đẩy chiến tranh bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Xem thêm tại: FT, China warns west against ‘adding fuel to fire’ in Ukraine war. Truy cập ngày 22/2/2023

Châu Âu cảnh báo Trung Quốc không gửi vũ khí cho Nga

Các bộ trưởng châu Âu cảnh báo Bắc Kinh hôm thứ Hai rằng việc cung cấp vũ khí cho Nga sẽ là “lằn ranh đỏ” đối với mối quan hệ của Trung Quốc với EU. Đại diện cấp cao của EU về Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrell cho biết ông đã có một “cuộc trò chuyện dài” với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ở Munich vào cuối tuần qua và một lần nữa yêu cầu Trung Quốc không nên cung cấp vũ khí cho Nga. Các bình luận được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông có thông tin mới cho thấy Trung Quốc đang “cân nhắc cung cấp hỗ trợ sát thương” cho quân đội Nga. Bắc Kinh đã bác bỏ tuyên bố của Blinken, nói rằng chính “Mỹ chứ không phải Trung Quốc đang không ngừng vận chuyển vũ khí đến chiến trường”. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Kiev “chưa thấy” Trung Quốc giao vũ khí cho Nga.

Xem thêm tại: SCMP, ‘Red line’: Europe warns China not to send weapons to Russia. Truy cập ngày 21/2/2023

Putin cảnh báo hạt nhân Mỹ, dọa nối lại thử vũ khí

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng hôm thứ Ba rằng ông sẽ rút Nga ra khỏi Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược, một thỏa thuận song phương được ký bởi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện đang giữ chức phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga. Tổng thống Putin cũng tuyên bố trong bài phát biểu hôm thứ Ba rằng phương Tây đang cố gắng tìm kiếm một “thất bại chiến lược” với Nga và kiểm soát khả năng hạt nhân của nước này. Cả Mỹ và Nga đều có khả năng triển khai nhiều hơn số đầu đạn hạt nhân được phân bổ vì Washington và Moscow có tổng cộng hơn 13.000 đầu đạn – chiếm khoảng 90% kho vũ khí hạt nhân của thế giới, theo dữ liệu do Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí cung cấp.

Xem thêm tại: Fox News, Putin issues nuclear warning to US, threatens to resume weapons tests. Truy cập ngày 22/2/2023

Biden ủng hộ Kiev khi Putin đóng băng thỏa thuận hạt nhân với Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tập hợp các đồng minh NATO ở Ba Lan, tuyên bố ủng hộ “không lay chuyển” đối với Kyiv khi tổng thống Putin tuyên bố đình chỉ vai trò của Moscow trong hiệp ước vũ khí hạt nhân với Washington. Tuyên bố của tổng thống Biden được đưa ra sau chuyến đi không báo trước hôm thứ Hai tới Ukraine, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một tổng thống Mỹ thực hiện chuyến hành trình đến một vùng chiến sự không phải do quân đội Mỹ kiểm soát. Trong bài phát biểu trước nhân dân trước lễ kỷ niệm một năm chiến dịch ở Ukraine, ông Putin hôm thứ Ba cho biết Moscow đã đóng băng việc tham gia vào hiệp ước New START, một thỏa thuận vũ khí hạt nhân quan trọng với Washington.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Biden rallies behind Kyiv as Putin freezes nuclear deal with US. Truy cập ngày 22/2/2023

Thủ lĩnh Wagner: Lính đánh thuê bị tàn sát vì ‘cơn khát đạn’

Yevgeny Prigozhin – người sáng lập công ty quân sự tư nhân Wagner đang chiến đấu thay mặt Moscow ở Ukraine – đã đẩy mâu thuẫn công khai gay gắt với giới lãnh đạo quân đội hàng đầu lên mức độ mới vào thứ Tư với bức ảnh ghê rợn về những xác chết chất đống. Chỉ huy của Wagner liên tục cáo buộc Bộ Quốc phòng Nga tuần này cố tình không cung cấp đạn được cho các binh sĩ của ông, cáo buộc đây là một nỗ lực phản bội nhằm tiêu diệt nhóm lính đánh thuê. Bộ Quốc phòng Nga cho biết những cáo buộc như vậy là “hoàn toàn sai sự thật” và phàn nàn – không nhắc đích danh Prigozhin – về những nỗ lực nhằm tạo sự chia rẽ vốn “chỉ có lợi cho kẻ thù”. Không nản lòng, Prigozhin nhân đôi lời cáo buộc của mình, thực hiện một bước bất thường là công bố hình ảnh hàng chục chiến binh đã chết nằm trên mặt đất băng giá ở miền đông Ukraine, nơi Wagner đang chiến đấu để cố gắng chiếm lấy thành phố Bakhmut của Ukraine.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Wagner chief: Mercenaries slaughtered because of ‘shell hunger’. Truy cập ngày 23/2/2023

Mỹ nói Wagner của Nga chịu tổn thất 30.000 binh sĩ ở Ukraine

Mỹ đã tuyên bố rằng nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga đã phải chịu hơn 30.000 thương vong kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, với khoảng 9.000 chiến binh trong số đó đã thiệt mạng trong chiến đấu. Theo tình báo Mỹ, một nửa số lính đánh thuê Wagner thiệt mạng kể từ giữa tháng 12, khi giao tranh ở thành phố Bakhmut miền đông Ukraine gia tăng. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên rằng Wagner tiếp tục phụ thuộc rất nhiều vào tù nhân, những người được gửi đến chiến trường mà không được đào tạo hoặc trang bị, bất chấp những bình luận gần đây của người sáng lập Wagner, Yevgeny Prigozhin, rằng ông đã ngừng tuyển mộ tù nhân Nga. Bộ Quốc phòng Anh ước tính các lực lượng Nga có thể đã phải chịu khoảng 200.000 thương vong kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Russia’s Wagner fighters suffer 30,000 casualties in Ukraine: US. Truy cập ngày 19/2/2023

Tổng thống Zelenskyy nói Putin sẽ nhắm vào các quốc gia thuộc Liên Xô cũ

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho rằng Ukraine sẽ không phải là điểm dừng cuối cùng trong cuộc xâm lược của Tổng thống Putin và phương Tây không được trì hoãn việc cung cấp vũ khí để giúp đẩy lùi các lực lượng của Nga. Tổng thống Zalensky cũng cho biết trong khi phương Tây đang đàm phán cung cấp xe tăng cho Kiev thì Kremlin đang nghĩ cách “bóp nghẹt” nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ Moldova ngay phía tây Ukraine. Moldova, nằm kẹp giữa Ukraine và Romania, thường là trung tâm của cuộc tranh đấu giữa Moscow và phương Tây. Căng thẳng ở Moldova gia tăng theo chu kỳ, đặc biệt là do khu vực ly khai do Kremlin hậu thuẫn ở biên giới phía đông, nơi Nga đồn trú khoảng 1.500 quân. Tổng thống Zelenskyy cho biết tuần trước rằng đất nước của ông đã ngăn chặn các kế hoạch của các cơ quan an ninh Nga nhằm chiếm đóng Moldova, tuyên bố này sau đó đã được các quan chức tình báo Moldova xác nhận. Không có phản ứng ngay lập tức từ Moscow, nhưng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết trong tháng này rằng phương Tây đang xem xét biến Moldova thành “một Ukraine khác”.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Ukraine’s Zelenskyy says Putin will target other ex-Soviet states. Truy cập ngày 18/2/2023

Tổng thống Zelenskyy kêu gọi hỗ trợ vũ khí nhanh chóng để ngăn chặn tham vọng của Nga

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã kêu gọi các đồng minh phương Tây tăng tốc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cảnh báo rằng sự chậm trễ sẽ có lợi cho Nga. Ukraine phụ thuộc vào vũ khí phương Tây để ngăn chặn tham vọng giành quyền kiểm soát các khu vực rộng lớn của đất nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Viện trợ quân sự đã trở thành phép thử đối với quyết tâm của các chính phủ nước ngoài khi chi phí hỗ trợ tăng lên vào thời điểm họ phải đối mặt với lạm phát cao và các vấn đề kinh tế khác. Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi các đồng minh có xe tăng chiến đấu Leopard gửi chúng ngay lập tức khi nỗ lực trang bị vũ khí cho Ukraine bị đình trệ. Cung cấp cho Ukraine hàng tỷ USD viện trợ quân sự đôi khi gây căng thẳng cho các đồng minh của Kiev. Sau khi nhận được cam kết của phương Tây về xe tăng và nhiều đạn dược hơn, Ukraine hiện đang hy vọng vào các máy bay chiến đấu, nhưng một số quốc gia đã chùn bước trong việc gửi chúng. Tổng thống Zelenskyy hứa rằng đất nước của ông cuối cùng sẽ đánh bại sự xâm lược của Moscow – và thậm chí còn dự đoán rằng chiến thắng sẽ xảy ra trong năm nay. Nhưng ông cảnh báo rằng Nga “vẫn có thể hủy hoại nhiều sinh mạng”.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Zelenskyy urges speedy arms support to thwart Russian ambitions. Truy cập ngày 18/2/2023

Tổng thống Zelensky nói với Trung Quốc: Sẽ có ‘chiến tranh thế giới’ nếu liên minh với Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảnh báo Trung Quốc hôm thứ Hai về việc hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine và nói rằng làm như vậy sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới. Bình luận của tổng thống Zelensky được đưa ra khi Trung Quốc nói rằng Mỹ không có quyền đưa ra yêu cầu, sau khi nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc vào cuối tuần về việc Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm thứ Bảy đã cảnh báo nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị về hậu quả nếu Trung Quốc cung cấp hỗ trợ vật chất cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga, nói trong một cuộc phỏng vấn sau khi hai người gặp nhau rằng Washington lo ngại Bắc Kinh đang xem xét cung cấp vũ khí cho Moscow.

Xem thêm tại: SCMP, Ukraine’s Zelensky to China: there would be a ‘world war’ if you ally with Russia. Truy cập ngày 21/2/2023

Chiến tranh Ukraine buộc Mỹ xem xét lại trữ lượng vũ khí

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã buộc phải xem xét lại các giả định của họ vì sự trở lại của các chiến thuật tác chiến trên bộ của thế kỷ 20 sau hai thập kỷ, trong đó học thuyết được định hình bởi các cuộc nổi dậy ở Iraq và Afghanistan. Việc đánh giá có thể dẫn đến tăng ngân sách hàng năm trị giá 817 tỷ USD của quân đội. Những bình luận của tưởng Mark Milley được đưa ra ngay sau chuyến công du cấp cao tới các thủ đô của các nước đồng minh vào tuần trước của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Ukraine đã nhận được hơn 29 tỷ USD hỗ trợ vũ khí và quốc phòng từ Washington kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Số lượng đạn dược mà cuộc xung đột yêu cầu đã bộc lộ những lỗ hổng trong ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ, vốn đang cố gắng xoay trục khỏi mức sản xuất trong thời bình, đồng thời bị bao vây bởi tình trạng thiếu linh kiện và lao động liên quan đến đại dịch.

Xem thêm tại: FT, Ukraine war pushes US to review arms stockpiles. Truy cập ngày 18/2/2023

Borrell của EU nói rằng phương Tây phải cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine

Đại diện cấp cao của (EU) về Chính sách An ninh và Đối ngoại, Josep Borrell, cho biết phương Tây phải cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine và tăng tốc độ giao hàng. Ông Borrell cho biết mình ủng hộ đề xuất của Estonia về việc EU mua đạn dược thay mặt cho các thành viên của mình để giúp đỡ Ukraine. Các ngoại trưởng EU dự kiến ​​sẽ thảo luận về ý tưởng mua chung đạn pháo 155mm tại một cuộc họp ở Brussels vào thứ Hai. Các quan chức và nhà ngoại giao từ EU cho biết cách tiếp cận như vậy sẽ hiệu quả hơn so với việc các thành viên EU đặt hàng riêng lẻ và các đơn đặt hàng lớn hơn cũng sẽ giúp ngành công nghiệp quốc phòng đầu tư vào năng lực bổ sung.

Xem thêm tại: Al Jazeera, West must provide more military aid to Ukraine, EU’s Borrell says. Truy cập ngày 20/2/2023

 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Máy bay phản lực F-35 của Mỹ chặn 4 máy bay chiến đấu Nga gần Alaska, lần thứ hai sau 2 ngày

Hai máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ đã chặn máy bay chiến đấu của Nga hôm thứ Ba khi chúng tiếp cận Khu vực nhận dạng phòng không (AIZ) của Alaska. Máy bay quân sự của Nga bao gồm máy bay ném bom TU-95, cũng như máy bay chiến đấu SU-30 và SU-35. Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) tuyên bố rằng vụ việc không liên quan đến hàng loạt máy bay không xác định được nhìn thấy trong những tuần gần đây, gọi tình huống này là “thường lệ”. Hai máy bay chiến đấu F-16 trước đó đã được NORAD điều động để đánh chặn các máy bay Nga vào thứ Hai, bao gồm một máy bay TU-95 và SU-35.

Xem thêm tại: Fox News, US F-35 jets intercept 4 Russian fighter aircraft near Alaska, second action in 2 days. Truy cập ngày 17/2/2023

Hải quân Mỹ trao hợp đồng tên lửa siêu thanh trị giá 1,2 tỷ USD cho Lockheed Martin

Lockheed Martin sẽ cung cấp các tên lửa siêu thanh cho Hải quân và Lục quân, và có thể được tích hợp với các tàu khu trục lớp Zumwalt của Hải quân theo một thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD. Lockheed Martin đóng vai trò là bên phối hợp chung cho chương trình vũ khí siêu thanh — Hải quân Mỹ gọi là Tấn công nhanh thông thường và Lục quân gọi là Vũ khí siêu thanh tầm xa. Hợp đồng yêu cầu Lockheed Martin cung cấp cho Hải quân các hệ thống phóng, điều khiển vũ khí, đạn tổng hợp và công việc tích hợp để liên kết tên lửa với tàu khu trục Zumwalt. Hải quân đã trao cho Công ty đóng tàu Ingalls của HII một hợp đồng cải tạo tàu khu trục đầu tiên của lớp Zumwalt để hỗ trợ các tên lửa này, vốn yêu cầu các bệ phóng lớn hơn nhiều so với hệ thống phóng thẳng đứng Mk 41 điển hình trên các tàu khác.

Xem thêm tại: Defense News, Navy awards Lockheed Martin $1.2B contract for hypersonic missiles. Truy cập ngày 19/2/2023

Bộ Tư pháp Mỹ cảnh báo về “vũ khí hóa dữ liệu” của Trung Quốc

Sáng kiến ​​liên bang mới nhằm giữ cho những tiến bộ công nghệ của Mỹ không lọt vào tay các đối thủ nước ngoài sẽ là một phần trong chiến lược của chính quyền Biden nhằm chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Lực lượng tấn công công nghệ đột phá, một quan hệ đối tác liên ngành giữa Bộ Tư pháp và Bộ Thương mại, sẽ nhằm vào các quốc gia đối thủ như Trung Quốc đang tìm cách sử dụng những tiến bộ công nghệ cao của Mỹ để phá hoại an ninh quốc gia và phá vỡ luật pháp. Để giúp chống lại những rủi ro này, các quan chức Mỹ đang chú ý nhiều hơn đến cách thức mà các đối thủ nước ngoài cố gắng sử dụng các khoản đầu tư để cung cấp cho họ quyền truy cập vào công nghệ và dữ liệu của Mỹ.

Xem thêm tại: CBS, Justice Department targets threats to U.S. innovation, warns of China’s “weaponization of data”. Truy cập ngày 17/2/2023

Blinken gặp Vương Nghị của Trung Quốc, cảnh báo không nên giúp đỡ Nga

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo Trung Quốc không cung cấp “viện trợ sát thương” cho Nga và lên án hành vi xâm phạm không phận Mỹ bởi một khinh khí cầu do thám Trung Quốc khi ông có cuộc hội đàm hiếm hoi với nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh, Vương Nghị. Mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng kể từ khi Washington cho biết Trung Quốc đã thả một khinh khí cầu do thám qua nước này trước khi các máy bay chiến đấu của Mỹ bắn hạ nó theo lệnh của Tổng thống Joe Biden. Tranh chấp cũng xảy ra vào thời điểm phương Tây đang theo dõi chặt chẽ phản ứng của Bắc Kinh đối với cuộc chiến Ukraine. Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ rất lo ngại rằng Trung Quốc đang xem xét hỗ trợ sát thương cho Nga. Phương Tây đã cảnh giác với phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc chiến Ukraine, với một số cảnh báo rằng một chiến thắng của Nga sẽ khuyến khích các hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan. Trung Quốc đã kiềm chế không lên án cuộc chiến tranh hay gọi đó là một cuộc “xâm lược”.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Blinken meets China’s Wang Yi, warns against helping Russia. Truy cập ngày 19/2/2023

Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác kêu gọi sử dụng AI quân sự ‘có trách nhiệm’

Hơn 60 quốc gia bao gồm Mỹ và Trung Quốc đã ký một “lời kêu gọi hành động” khiêm tốn vào thứ Năm nhằm tán thành việc sử dụng có trách nhiệm trí tuệ nhân tạo (AI) trong quân sự. Các chuyên gia nhân quyền và học giả lưu ý rằng tuyên bố này không có tính ràng buộc về mặt pháp lý và không giải quyết được các mối lo ngại như máy bay không người lái do AI điều khiển, “robot giết người” có thể hành động mà không cần sự can thiệp của con người hoặc nguy cơ AI có thể làm leo thang xung đột quân sự. Hội nghị diễn ra khi sự quan tâm đến AI đang ở mức cao nhất mọi thời đại nhờ sự ra mắt của chương trình ChatGPT của OpenAI và khi Ukraine đã sử dụng nhận dạng khuôn mặt và các hệ thống nhắm mục tiêu được hỗ trợ bởi AI trong cuộc chiến với Nga.

Xem thêm tại: Reuters, U.S., China, other nations urge ‘responsible’ use of military AI. Truy cập ngày 18/2/2023

Bộ trưởng Hải quân Mỹ nói Washington không thể theo kịp tốc độ đóng tàu chiến của Bắc Kinh

Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro cho biết hải quân Trung Quốc có lợi thế đáng kể so với Mỹ, bao gồm hạm đội lớn hơn và năng lực đóng tàu lớn hơn, khi Bắc Kinh tìm cách phô trương sức mạnh của mình trên khắp các đại dương. Hải quân Trung Quốc có thể được trang bị tới 400 tàu trong những năm tới – tăng từ con số 340 hiện tại trong khi hạm đội Mỹ có dưới 300 tàu. Tướng Del Toro cũng cho rằng các nhà máy đóng tàu của hải quân Mỹ không thể sánh bằng các nhà máy Trung Quốc về mặt sản lượng. Bộ trưởng Hải quân không đưa ra con số cụ thể về các xưởng đóng tàu đó, nhưng các báo cáo của Trung Quốc và phương Tây cho biết Trung Quốc có 6 xưởng đóng tàu lớn và 2 xưởng nhỏ hơn đang đóng tàu hải quân.

Xem thêm tại: CNN, US can’t keep up with China’s warship building, Navy Secretary says. Truy cập ngày 23/2/2023

Trung Quốc áp lệnh trừng phạt lên Lockheed Martin, Raytheon vì bán vũ khí cho Đài Loan

Trung Quốc hôm thứ Năm đã áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại và đầu tư đối với các nhà thầu quân sự Mỹ Lockheed Martin và Raytheon vì đã cung cấp vũ khí cho Đài Loan, đẩy mạnh nỗ lực cô lập hòn đảo dân chủ mà Đảng Cộng sản cầm quyền tuyên bố là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Các công ty bị cấm nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc hoặc đầu tư mới vào nước này và vẫn chưa rõ các lệnh trừng phạt có tác động gì đối với Lockheed Martin hoặc Raytheon. Mỹ cấm hầu hết việc bán công nghệ liên quan đến vũ khí cho Trung Quốc, nhưng một số nhà thầu quân sự cũng có các doanh nghiệp dân sự trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và các thị trường khác.

Xem thêm tại: Market Watch, China sanctions Lockheed Martin, Raytheon for Taiwan sales. Truy cập ngày 17/2/2023

Trực thăng hải quân Trung Quốc bay sát tàu Nhật trong đặc khu kinh tế Nhật Bản

Một máy bay trực thăng của hải quân Trung Quốc đã tiếp cận một tàu nghiên cứu của Nhật Bản trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Hoa Đông. Xuất phát từ phía sau tàu Yoko Maru của cơ quan nghiên cứu và giáo dục đánh cá, chiếc trực thăng đã đến điểm cách tàu khoảng 150-200 mét và cao hơn 30 mét so với mặt biển ở vùng biển phía tây bắc Okinawa vào khoảng 10:47 sáng thứ Sáu trước khi bay đi. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, con tàu Nhật Bản đang tiến hành nghiên cứu nguồn lợi thủy sản trong vùng đặc quyền kinh tế, kéo dài khoảng 370 km tính từ bờ biển Nhật Bản.

Xem thêm tại: Kyodo News, China naval helicopter flies near ship in Japan’s economic zone. Truy cập ngày 19/2/2023

Trung Quốc, Nhật Bản đối thoại an ninh đầu tiên sau 4 năm

Trung Quốc cho biết mình lo lắng trước quá trình xây dựng quân đội của Nhật Bản. Trong khi đó Tokyo nhắm vào mối quan hệ quân sự của Bắc Kinh với Nga và việc nước này bị nghi ngờ sử dụng khinh khí cầu gián điệp trong các cuộc đàm phán an ninh chính thức đầu tiên của các cường quốc châu Á trong 4 năm vào thứ Tư. Các cuộc đàm phán, nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, diễn ra khi Tokyo lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực để kiểm soát Đài Loan sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, gây ra một cuộc xung đột có thể lôi kéo Nhật Bản tham gia và phá vỡ thương mại toàn cầu. Nhật Bản vào tháng 12 cho biết họ sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong vòng 5 năm tới lên 2% GDP – tổng cộng là 320 tỷ USD – để ngăn chặn Trung Quốc thực hiện hành động quân sự. Bắc Kinh, đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 7,1% vào năm ngoái, nhiều gấp bốn lần so với Nhật Bản. Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Xem thêm tại: Reuters, China, Japan square off at first security talks in four years. Truy cập ngày 22/2/2023

NATO xem xét đưa ra tuyên bố chung tại thượng đỉnh với Nhật Bản và Hàn Quốc

NATO đang xem xét đưa ra một tuyên bố chung cho hội nghị thượng đỉnh tiếp theo cùng với bốn quốc gia quan sát viên từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, trong một động thái thể hiện sự đoàn kết chống lại Nga và Trung Quốc. Mỹ tin rằng việc thể hiện sự đoàn kết giữa các quốc gia dân chủ và gửi thông điệp rằng bất cứ quốc gia nào cũng sẽ phải trả giá nếu sử dụng vũ lực, sẽ có tác dụng răn đe với Trung Quốc liên quan đến eo biển Đài Loan và Biển Đông. Charles Edel, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, gợi ý rằng châu Âu có niềm tin mạnh mẽ rằng việc triển khai lực lượng tới châu Á sẽ là một biện pháp tạm thời với tác dụng hạn chế trong việc nâng cao khả năng răn đe.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, NATO eyes joint summit statement with Japan and South Korea. Truy cập ngày 17/2/2023

Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản tập trung vào mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên tại cuộc họp ba bên

Trong cuộc họp cấp thứ trưởng, đại diện ba nước đã tái khẳng định nỗ lực ba bên nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng tăng của Triều Tiên. Tái khẳng định mục tiêu cơ bản – phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên – mà ba nước cùng nỗ lực đạt được, ông Cho Hyun-dong, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, nhấn mạnh rằng “hòa bình không phi hạt nhân hóa là hòa bình giả tạo”. Ông nhắc lại vụ phóng tên lửa đạn đạo chưa từng có mà Triều Tiên thực hiện vào năm ngoái, đồng thời cũng nhắc lại phản ứng kiên quyết của Hàn Quốc đối với các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên, bao gồm cả cam kết “cắt nguồn thu hỗ trợ phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên”. Wendy Sherman, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc hình thành một lập trường thống nhất để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Mori Takeo, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, có cùng quan điểm với những người đồng cấp Hàn Quốc và Mỹ về cách đối phó với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Xem thêm tại: The Diplomat, South Korea, US, Japan Focus on North Korea’s Nuclear Threat at Trilateral Meeting. Truy cập ngày 17/2/2023

Triều Tiên đe dọa hành động quân sự khi Hàn Quốc, Mỹ lên kế hoạch tập trận

Triều Tiên hôm thứ Sáu đe dọa sẽ có một phản ứng “mạnh mẽ, kiên quyết chưa từng có” khi Hàn Quốc và Mỹ chuẩn bị cho các cuộc tập trận quân sự hàng năm như một phần trong nỗ lực chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng tăng của Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc Mỹ gây căng thẳng và sử dụng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) làm “công cụ cho chính sách thù địch bất hợp pháp” để gây sức ép với Bình Nhưỡng. Bộ này cũng cảnh báo rằng nếu UNSC tiếp tục bị Washington “làm phiền”, họ sẽ xem xét lại các hành động bổ sung ngoài các hoạt động quân sự thông thường mà không cần giải thích chi tiết. Tuyên bố được đưa ra chưa đầy hai giờ sau khi Hàn Quốc thông báo các cuộc tập trận chung vào tuần tới nhằm cải thiện hoạt động của các cơ sở hạt nhân của Mỹ và các cuộc tập trận thường kỳ vào mùa xuân vào tháng tới.

Xem thêm tại: Reuters, North Korea threatens military action as South, U.S. plan drills. Truy cập ngày 18/2/2023

Triều Tiên xác nhận thử ICBM, phô trương khả năng phản công hạt nhân

Triều Tiên cho biết đã bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) như một lời cảnh báo tới Mỹ và Hàn Quốc, tuyên bố cuộc tập trận đã chứng minh thành công khả năng tiến hành một “cuộc phản công hạt nhân chết người”. Tuyên bố của Triều Tiên hôm Chủ nhật được đưa ra một ngày sau khi nước này phóng tên lửa Hwasong-15 ra vùng biển ngoài khơi bờ biển phía tây Nhật Bản sau khi cảnh báo về phản ứng mạnh mẽ đối với các cuộc tập trận quân sự sắp tới của Mỹ và Hàn Quốc. Hãng thông tấn nhà nước cho biết tên lửa đã bay trong 1 giờ, 6 phút và 55 giây, ở độ cao 5.768km (3.584 dặm), trước khi đánh trúng chính xác một khu vực định sẵn cách đó 989km (615 dặm) ở vùng biển mở.

Xem thêm tại: Al Jazeera, N Korea confirms ICBM test, touts nuclear counterattack ability. Truy cập ngày 20/2/2023

Ấn Độ tăng cường cảnh sát biên giới Ấn-Tây Tạng trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc

Ấn Độ sẽ thành lập bảy tiểu đoàn mới cho lực lượng Cảnh sát Biên giới Ấn Độ Tây Tạng (ITBP) trong vài năm tới trong bối cảnh căng thẳng với nước láng giềng Trung Quốc dẫn đến đụng độ biên giới chết người vào năm 2020 và ẩu đả vào cuối năm ngoái. ITBP chủ yếu bảo vệ biên giới Ấn Độ-Trung Quốc, trải dài từ đèo Karakoram ở Ladakh ở phía bắc Ấn Độ đến Jachep La ở bang Arunachal Pradesh ở phía đông. Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã có những vụ ẩu đả biên giới nhỏ vào tháng 12 tại khu vực Tawang của Arunachal Pradesh mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền. Các cuộc đụng độ là lần đầu tiên kể từ khi quân đội tham gia chiến đấu tay đôi ở thung lũng Galwan của Ladakh, tiếp giáp với cao nguyên Tây Tạng do Trung Quốc kiểm soát.

Xem thêm tại: Reuters, India to bolster Indo Tibetan Border Police amid tension with China. Truy cập ngày 17/2/2023

Philippines, Mỹ tổ chức tập trận lớn nhất trong nhiều năm

Philippines và Mỹ trong năm nay sẽ tiến hành cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất kể từ năm 2015 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc ở Biển Đông. Cuộc tập trận ‘Balikatan’ hàng năm sẽ được tiến hành vào quý hai và có sự tham gia của hơn 8.900 binh sĩ so với năm trước. Các cuộc tập trận nhấn mạnh mối quan hệ được cải thiện với Mỹ dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., và diễn ra khi Philippines lên án các hành động “hung hăng” của Trung Quốc trên tuyến đường thủy đang tranh chấp, bao gồm cả việc sử dụng “laser cấp độ quân sự” chống lại một trong các tàu của Manila trước đó.

Xem thêm tại: Reuters, Philippines, U.S. to hold biggest war games in years. Truy cập ngày 17/2/2023

Philippines cùng với Mỹ và Úc thảo luận về tuần tra bảo vệ bờ biển chung ở Biển Đông

Philippines và Mỹ đang thảo luận về việc tiến hành các cuộc tuần tra bảo vệ bờ biển chung, bao gồm cả ở Biển Đông. Jay Tarriela, phát ngôn viên của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) về các vấn đề Biển Đông, nói rằng các cuộc đàm phán với Mỹ đã qua giai đoạn sơ khai và khả năng thực hiện các cuộc tuần tra chung là rất cao. Ông Tarriela không cung cấp thông tin chi tiết về quy mô hoặc thời gian của các cuộc tuần tra được đề xuất, diễn ra sau khi Lầu Năm Góc cho biết trong tháng này, Mỹ và Philippines đã “đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông”. Rommel Jude Ong, cựu phó chỉ huy Hải quân Philippines, nói rằng ý tưởng triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển ở Biển Đông thay vì hải quân sẽ “giảm thiểu mọi tính toán sai lầm và ngăn Trung Quốc kiếm cớ leo thang căng thẳng” trên tuyến đường thủy này.

Trong một động thái khác có liên quan, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Úc tới Philippines, hai bên cũng đã thảo luận khả năng triển khai tuần tra chung ở Biển Đông.

Xem thêm tại: Reuters, Philippines, U.S. discuss joint coast guard patrols in South China Sea. Truy cập ngày 21/2/2023; ABC, Australia, Philippines discuss joint South China Sea patrols to counter China’s ‘aggressive activities’, truy cập 24/2/2023

Cảnh sát biển Philippines triển khai tàu chỉ huy đến Biển Tây Philippines

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) hôm thứ Sáu cho biết họ đã cử tàu chỉ huy của mình đến Biển Tây Philippines để củng cố và tăng cường sự hiện diện của lực lượng này trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. PCG đã triển khai BRP Teresa Magbanua – một tàu phản ứng đa năng dài 97m được mua thông qua khoản vay ưu đãi từ Nhật Bản – vào ngày 28 tháng 1 cho Nhóm đảo Kalayaan. Hơn một tuần sau khi được triển khai tới quần đảo Kalayaan và các vùng lân cận, BRP Teresa Magbanua đã xua đuổi một tàu đánh cá treo cờ Việt Nam đang thực hiện các hoạt động đánh bắt dài ngày ở vùng biển ngoài khơi Bãi Cỏ Rong.

Xem thêm tại: PhilStar, Coast Guard deploys flagship vessel to West Philippine Sea. Truy cập ngày 18/2/2023

Chính trị gia Philippines lên tiếng lo ngại về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở phía bắc đất nước

Nỗ lực mở rộng quyền tiếp cận của quân đội Mỹ tới 5 căn cứ ở Philippines đã vấp phải sự phản đối của một thống đốc tỉnh ở phía bắc đất nước. Theo Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, một trong những địa điểm mới có thể là ở Cagayan, một tỉnh ven biển trên đảo chính Luzon, cách Đài Loan 300 dặm về phía nam. Tuy nhiên, Thống đốc Cagayan, ông Manuel Mamba, cho biết sự hiện diện quân sự mở rộng của Mỹ tại tỉnh của ông có thể khiến tỉnh này bị tấn công hạt nhân. Mamba cho biết thêm người dân ở Cagayan sẽ không cho phép xung đột với các nước láng giềng như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Patricio Abinales, một chuyên gia về Philippines tại Đại học Hawaii, cho biết những bình luận của Mamba “chỉ là vênh váo”. Ông nói, các cơ hội tài chính để tiếp đón các lực lượng Mỹ sẽ đủ để vượt qua sự phản đối của địa phương.

Xem thêm tại: Stars and Stripes, Philippine politician voices concern over US military presence in country’s north. Truy cập ngày 18/2/2023

Úc lần đầu tổ chức tập trận hải quân quan trọng

Úc sẽ lần đầu tiên tổ chức một cuộc tập trận hải quân quốc tế quan trọng khi chính phủ ca ngợi sức mạnh của mối quan hệ với Ấn Độ. Thủ tướng Úc Anthony Albanese tiết lộ về hoạt động quốc phòng khi Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu Chris Bowen nhấn mạnh nhu cầu đảm bảo an ninh khu vực lớn hơn trong chuỗi cung ứng năng lượng sạch. Trong ba năm qua, Cuộc tập trận Malabar đã có sự tham gia của cả bốn quốc gia Quad ở nhiều địa điểm khác nhau quanh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các tàu và máy bay quốc phòng từ Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ tham gia nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự giữa các quốc gia.

Xem thêm tại: Canberra Times, Australia to host key naval exercise for the first time. Truy cập ngày 19/2/2023

 

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Nga bác bỏ khả năng thử tên lửa siêu thanh trong tập trận hải quân chung với Nam Phi và Trung Quốc

Một sĩ quan hải quân cấp cao của Nga cho biết Nga sẽ không bắn tên lửa siêu thanh Zircon thế hệ mới trong cuộc tập trận hải quân chung với Nam Phi và Trung Quốc. Cuộc tập trận Mosi II kéo dài 10 ngày, diễn ra ngoài khơi bờ biển phía đông của Nam Phi và trùng với dịp kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine, đã gây báo động cho các chính phủ phương Tây. Hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin hồi đầu tháng này rằng một tàu khu trục nhỏ tham gia cuộc tập trận – Đô đốc Gorshkov – sẽ thực hiện huấn luyện phóng hệ thống tên lửa Zircon trong cuộc tập trận. Tuy nhiên, Đại úy Oleg Gladkiy, chỉ huy lực lượng Nga, nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng sẽ không có vụ phóng thử nào diễn ra. Bất chấp tên gọi của chúng, các nhà phân tích cho biết đặc điểm chính của vũ khí siêu thanh không phải là tốc độ – thứ đôi khi có thể bị các đầu đạn tên lửa đạn đạo truyền thống sánh kịp hoặc vượt qua – mà là khả năng cơ động. Loại vũ khí này được coi là một cách để đạt được lợi thế trước bất kỳ đối thủ nào vì chúng có khả năng tránh được các lá chắn tên lửa và hệ thống cảnh báo sớm.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Russia rules out testing hypersonic missile during naval exercise. Truy cập ngày 23/2/2023

Ba Lan kêu gọi NATO đảm bảo an ninh cho Ukraine thời hậu chiến

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã kêu gọi các cường quốc NATO đảm bảo an ninh thời hậu chiến cho Ukraine, trước thềm chuyến thăm Warsaw của người đồng cấp Mỹ để tái khẳng định sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev sau một năm tham chiến của Nga. Lời kêu gọi của tổng thống Andrzej Duda được đưa ra khi ông chuẩn bị tiếp đón tổng thống Joe Biden trong sự kiện được cho là điểm nhấn trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ vào tuần này đánh dấu kỷ niệm cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine. Mặc dù Ukraine biết rằng họ không thể gia nhập NATO vào lúc này, nhưng Kyiv vẫn mong đợi một “mối quan hệ đối tác” với “một số đảm bảo an ninh”. Tổng thống Duda cũng kêu gọi tổng thống Biden tái khẳng định “bằng những điều khoản rất mạnh mẽ” trong chuyến thăm Warsaw của ông rằng Mỹ hoàn toàn ủng hộ Điều 5 của NATO, điều khoản phòng thủ tập thể coi bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào một quốc gia thành viên là một cuộc tấn công chống lại tất cả. Các đảm bảo an ninh mà Ukraine tìm kiếm sẽ được thiết kế khác đi, ràng buộc hiệu quả các cường quốc hàng đầu của NATO như Mỹ, Anh và Pháp cung cấp hỗ trợ quân sự trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Ukraine trong tương lai.

Xem thêm tại: FT, Poland calls for Nato security guarantees to postwar Ukraine. Truy cập ngày 21/2/2023

Tàu chở dầu thuộc sở hữu của Israel bị máy bay không người lái Iran tấn công ở Biển Ả Rập

Một tàu chở dầu thuộc sở hữu của một công ty quốc tế do một người Israel đứng đầu đã bị máy bay không người lái tự sát Shahed 136 nhắm mục tiêu vào tuần trước ở Biển Ả Rập. Hồ sơ cho thấy Campo Square thuộc về Công ty Hàng hải Zodiac, thuộc sở hữu của ông trùm vận tải Israel Eyal Ofer. Zodiac đáp lại rằng tàu chở dầu được quản lý bởi một công ty Hy Lạp, Eletson. Nguồn tin quân sự được trích dẫn nói rằng cuộc tấn công có thể báo hiệu “sự tăng cường các hành động đe dọa của Iran đối với hoạt động vận chuyển trong khu vực”. Nguồn tin cũng nói với phóng viên rằng chính Iran đã thực hiện vụ tấn công.

Xem thêm tại: The Times of Israel, Tanker owned by Israeli reportedly attacked by Iranian drone in Arabian Sea. Truy cập ngày 18/2/2023

Tên lửa Israel tấn công tòa nhà ở trung tâm Damascus, 5 người thiệt mạng

Israel đã tiến hành các cuộc không kích nhắm vào một số khu vực của Damascus 1 ngay sau nửa đêm, khiến 5 người chết và 15 thường dân bị thương. Hai nguồn tin tình báo cho biết cuộc tấn công xảy ra gần một khu phức hợp an ninh mà đồng minh của Syria là Iran đã thiết lập. Hiện chưa rõ liệu cuộc tấn công của Israel có nhằm vào một cá nhân cụ thể nào hay không, nhưng hai nguồn tin tình báo phương Tây cho biết mục tiêu là một trung tâm hậu cần trong tòa nhà do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) điều hành. Cả Iran và Nga đều giúp Tổng thống Bashar al-Assad xoay chuyển cuộc nội chiến ở nước này theo hướng có lợi cho ông bằng sự hỗ trợ kinh tế và quân sự. Tehran và Moscow đều lên án các cuộc tấn công và nói rằng Israel đe dọa sự ổn định khu vực.

Xem thêm tại: Reuters, Israeli missile strikes building in central Damascus, five dead. Truy cập ngày 20/2/2023

Lực lượng Israel giết 11 người Palestine trong cuộc tấn công Nablus

Theo Bộ Y tế Palestine, it nhất 102 người bị thương vào thứ Tư – 82 người bị trúng đạn thật. Sáu người trong tình trạng nguy kịch. Các cuộc đối đầu lan rộng đã nổ ra ngay sau khi quân đội Israel xông vào Nablus với hàng chục xe bọc thép và lực lượng đặc biệt lúc 10 giờ sáng. Nhóm vũ trang Lions’ Den cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã đụng độ với lực lượng Israel trong cuộc đột kích, cùng với Lữ đoàn Balata được công bố gần đây. Những người Palestine trẻ tuổi ném đá vào các phương tiện vận tải bọc thép. Quân đội Israel cho biết “lực lượng an ninh hiện đang hoạt động tại thành phố Nablus” nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Nablus và Jenin gần đó là tâm điểm của các cuộc xâm nhập bạo lực mà Israel đã tăng cường trong năm qua.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Israeli forces kill 11 Palestinians in Nablus raid. Truy cập ngày 23/2/2023

Bộ trưởng QP Israel cho biết Iran đang đàm phán với 50 quốc gia để bán tên lửa và máy bay không người lái

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant hôm thứ Sáu đã cáo buộc Iran thúc đẩy việc bán các máy bay không người lái (UAV) và tên lửa dẫn đường chính xác (PGM) cho không dưới 50 quốc gia, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2015. Việc bán những máy bay không người lái như vậy vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vốn tán thành thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức – nhằm kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Tehran và ngăn nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Nghị quyết 2231 cấm Iran xuất khẩu tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái có tầm bắn hơn 300 km và trọng tải hơn 500 kg cho đến tháng 10 năm 2023. Israel đã theo dõi chặt chẽ việc Nga phóng máy bay không người lái tự sát do Iran sản xuất vào các thành phố của Ukraine, vì lo ngại vũ khí tương tự sẽ nhắm vào nhà nước Do Thái trong các cuộc chiến tranh trong tương lai, đặc biệt là thông qua Hezbollah ở biên giới phía bắc của nước này.

Xem thêm tại: Times of Israel, Gallant says Iran in talks with 50 countries to sell missiles and drones. Truy cập ngày 17/2/2023

Taliban tấn công trụ sở cảnh sát ở Karachi của Pakistan

Ít nhất 4 người đã thiệt mạng khi các tay súng Taliban ở Pakistan xông vào một khu nhà cảnh sát ở thành phố Karachi, miền nam Pakistan. Tiếng súng và tiếng nổ đã được nghe thấy vào thứ Sáu bên ngoài khuôn viên, nơi có một số tòa nhà cảnh sát và nhà ở của sĩ quan. Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP), còn được gọi là Taliban Pakistan, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Vụ tấn công vào trụ sở cảnh sát Karachi được thực hiện vài tuần sau khi một kẻ đánh bom tự sát cải trang thành cảnh sát giết chết 101 người tại một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Peshawar, tây bắc. Các nhà chức trách đổ lỗi cho TTP đã dàn dựng vụ đánh bom.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Taliban attacks police compound in Pakistan’s Karachi. Truy cập ngày 18/2/2023

Thủ lĩnh ISIL thiệt mạng, 4 lính Mỹ bị thương ở Syria

Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) có trụ sở tại Trung Đông đã công bố vào thứ Sáu rằng họ đã tiêu diệt một thủ lĩnh cấp cao của ISIL (ISIS) trong một cuộc đột kích ở đông bắc Syria và bốn binh sĩ bị thương trong cuộc đột kích được thực hiện với sự phối hợp của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo. Cuộc đột kích diễn ra chưa đầy một tháng sau khi các lực lượng Mỹ giết chết Bilal al-Sudani, một thủ lĩnh ISIL ở Somalia, người mà Washington mô tả là “người hỗ trợ chính cho mạng lưới toàn cầu của tổ chức”. ISIL đã kiểm soát những vùng đất rộng lớn ở Iraq và Syria từ năm 2014 cho đến khi bị thất bại về lãnh thổ vào cuối năm 2017. Trong thời gian đó, nhóm này đã tuyên bố là một “vương quốc Hồi giáo” và truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu dân sự trên khắp thế giới, thu hút hàng nghìn chiến binh nước ngoài, kể cả từ Châu Âu và Mỹ.

Xem thêm tại: Al Jazeera, ISIL leader killed, 4 US troops injured in Syria raid: Pentagon. Truy cập ngày 18/2/2023

Thỏa thuận quân sự trị giá 4,5 tỷ Dh được ký vào ngày khai mạc triển lãm quốc phòng Abu Dhabi

11 giao dịch trị giá 4,5 tỷ Dirham đã được công bố vào ngày khai mạc Hội nghị và Triển lãm Quốc phòng Quốc tế (IDEX) lần thứ 16 và Triển lãm An ninh Hàng hải và Quốc phòng Hải quân (NAVDEX) lần thứ bảy được tổ chức tại Abu Dhabi. Các sự kiện kéo dài năm ngày, dưới sự bảo trợ của Tổng thống UAE, Ngài Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan, được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Quốc gia Abu Dhabi (ADNEC), với sự hợp tác của Bộ Quốc phòng. Với 1.350 công ty tham gia triển lãm, số lượng nhà triển lãm đã tăng 50% so với kỳ triển lãm trước vào năm 2021. Ngoài ra, có tới 65 quốc gia tham gia – nhiều hơn 10% so với kỳ triển lãm trước. Số lượng gian hàng quốc gia đã tăng 17% lên 41 và tổng diện tích triển lãm đã tăng 20% ​​lên 165.000m2.

Xem thêm tại: Khaleej Times, Dh4.5 billion worth of military deals signed on opening day of Abu Dhabi defence exhibition. Truy cập ngày 23/2/2023

Armenia đề xuất hiệp ước hòa bình cho Azerbaijan

Thủ tướng Nikol Pashinyan cho biết Armenia đã trình bày với Azerbaijan một hiệp ước hòa bình đầy đủ nhằm chấm dứt tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ liên quan tới khu vực Nagorno-Karabakh. Thủ tướng Pashinyan cho biết một thỏa thuận sẽ cung cấp các cơ chế giám sát của cả hai bên để ngăn chặn các hành vi vi phạm thỏa thuận hòa bình. Hai nước láng giềng khu vực Kavkaz vướng vào hai cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ tranh chấp, và đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người. Kể từ đó, các cuộc đàm phán hòa bình qua trung gian quốc tế tạo ra rất ít kết quả. Tháng trước, Nga đã đổ lỗi cho Armenia về sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán hòa bình với Azerbaijan, trong dấu hiệu xích mích mới nhất giữa Moscow và Yerevan về cuộc xung đột.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Armenia offers peace treaty project to Azerbaijan. Truy cập ngày 17/2/2023

Ba lính lực lượng giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc thiệt mạng vì bom ở Mali

Ít nhất ba nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã thiệt mạng và năm người bị thương nặng ở miền trung Mali khi đoàn xe của họ trúng một quả bom ven đường. Đây là cuộc tấn công mới nhất nhắm vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình vốn bị đánh giá là nguy hiểm nhất thế giới của Liên hợp quốc. Mali bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột bắt đầu từ một phong trào ly khai ở miền bắc vào năm 2012 nhưng sau đó đã phát triển thành vô số nhóm vũ trang tranh giành quyền kiểm soát ở các khu vực miền trung và miền bắc của đất nước. Giao tranh đã lan sang các nước láng giềng, bao gồm cả Burkina Faso và Niger, và tình hình an ninh ngày càng xấu đi trong khu vực đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Three UN peacekeepers killed by roadside bomb in Mali. Truy cập ngày 22/2/2023

 

Chuyên mục Phân tích:

Bài học cho cuộc chiến tương lai từ Ukraine (P4): Chống lại luật chơi của Trung Quốc và Nga

Một trong những bài học về quân sự hữu dụng nhất từ cuộc chiến tại Ukraine đó là chiến lược của Trung Quốc, Nga và Iran nhằm giữ Mỹ tránh xa khỏi sân sau của mình có thể được sử dụng để chống lại các cường quốc xét lại này nhằm bảo vệ trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Khái niệm chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) nổi lên khi Bắc Kinh, Moscow, và Tehran tìm các chiến lược bất đối xứng nhằm chống lại khả năng triển khai lực lượng của Mỹ tại những nơi mà các quốc gia này cho rằng mình có tầm ảnh hưởng chính đáng.

Sau khi chứng kiến Mỹ đánh bại Iraq tại Kuwait năm 1991 và khủng hoảng Đài loan 1995-96, các kẻ thù đã học hỏi cách mà Mỹ đánh trận và đầu tư vào các hệ thống được thiết kế nhằm làm đứt gãy mô hình đó tại điểm yếu nhất của nó. Cụ thể hơn, Trung Quốc, Nga, và Iran bắt đầu tích trữ số lượng lớn đạn dẫn đường chính xác, gồm tên lửa hành trình liên lục địa và đất đối không, vũ khí siêu thanh, và gần đây hơn, drone và đạn tuần kích, cùng với khả năng nhắm bắn ngoài đường chân trời (over-the-horizon). Những vũ khí này hứa hẹn sẽ áp đảo một số lượng tương đối nhỏ các căn cứ quân sự và nhóm tấn công tàu sân bay của Mỹ vốn tạo thành xương sống cho việc triển khai sức mạnh của Mỹ ở Vịnh Ba Tư, Tây Thái Bình Dương và các khu vực khác. Hơn thế nữa, những vũ khí này có thể được mua với giá chỉ bằng một phần chi phí so với khí tài tiên tiến của Mỹ. Do đó, vũ khí với số lượng nhiều và rẻ tiền bắt đầu chiếm ưu thế so với vũ khí đắt đỏ và số lượng ít.

Tuy nhiên, Ukraine lại đang thành công sử dụng chiến lược A2/AD để chống lại việc triển khai quyền lực của Điện Kremlin. Ukraine đã sử dụng hỏa lực tầm xa và tầm gần chính xác – hệ thống tên lửa chống tăng dẫn đường, tên lửa dẫn đường phóng hàng loạt, đạn pháo chính xác, máy bay không người lái tự sát, tên lửa phòng không có điều khiển và tên lửa chống hạm – để tấn công vào lực lượng và chuỗi tiếp tế của Nga. Ngoài ra, điều không thể thiếu đối với thành công trên chiến trường của Kyiv là kỹ năng tác chiến điêu luyện mà các binh sĩ Ukraine đã sử dụng đề điều khiển những loại vũ khí bất đối xứng này. Bằng cách làm cho các đơn vị của mình vừa phân tán vừa có tính cơ động cao—khai hỏa rồi nhanh chóng triển khai lại—Kyiv đã có thể thực hiện các cuộc tấn công không ngừng nghỉ vào các mục tiêu của Nga trong khi tránh được đòn phản công. Ngược lại, các lực lượng Nga đã đạt được thành công lớn nhất trong các cuộc tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Ukraine.

Mặt khác, Tây Thái Bình Dương rất khác so với Ukraine: chủ yếu là môi trường hàng hải, bao gồm những khoảng cách địa lý lớn hơn rất nhiều và bị tranh giành bởi các bên tham chiến với năng lực công nghệ tiên tiến hơn nhiều. Dẫu vậy, các nguyên lý của A2/AD nhằm ngăn chặn, nếu cần thiết, đánh bại đối thủ đều có thể áp dụng được như nhau. Cụ thể hơn, Mỹ và các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần ưu tiên khả năng triển khai trong thời gian ngắn số lượng lớn tên lửa chống hạm và phòng không tương đối rẻ tiền, cơ động cao, có thể phân tán và cơ động khắp chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai trước lực lượng hải quân và không quân ngày càng lớn mạnh của Bắc Kinh. Cuộc chiến của Nga cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một cơ sở công nghiệp đồng minh có thể duy trì sản xuất những vũ khí này ở quy mô lớn và tốc độ cao. Kyiv đã được giải cứu bởi phương Tây khi họ rút bớt kho vũ khí của riêng mình để trang bị vũ khí cho Ukraine. Nhưng trong trường hợp xảy ra xung đột ở Tây Thái Bình Dương, sẽ không có ai đến giải cứu một quân đội Mỹ thiếu trang bị và hết đạn dược. Do đó, cuộc xâm lược của Nga là một hồi chuông cảnh tỉnh vô giá đối với các nhà hoạch định của Bộ Quốc phòng và Quốc hội rằng cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động của ngành công nghiệp quốc phòng thời hậu Chiến tranh Lạnh là không đủ cho các loại hình chiến tranh xuất hiện ở kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc.

Cuối cùng, những tác động tàn phá do hỏa lực tầm xa gây ra ở Ukraine có khả năng thúc đẩy sự tập trung hơn nữa vào việc nâng cấp đáng kể khả năng bảo vệ, khả năng phục hồi và dự phòng của các căn cứ, trụ sở và kho hậu cần quan trọng của Mỹ và đồng minh, cũng như sự phát triển của nhiều hơn nữa các hệ thống phòng thủ chống tên lửa và chống drone được tích hợp hiệu quả—bao gồm tăng tốc các công nghệ phòng thủ đột phá như năng lượng định hướng và vũ khí vi sóng công suất cao. Những thứ này có thể có tiềm năng lâu dài giúp phá vỡ sự cân bằng quân sự hiện tại đang nghiêng về vũ khí A2/AD bằng cách cung cấp những cách thức hợp lý và rẻ tiền để ngăn chặn chúng.

Xem thêm tại: Foreign Policy, Lessons for the Next War: Counter Russia’s and China’s Playbook. Truy cập ngày 20/2/2023

Vì sao tổng thống Joe Biden đến thăm Kyiv?

Tổng thống Joe Biden miêu tả chuyến thăm Kyiv vừa qua là một cử chỉ nhằm “tái khẳng định cam kết [của Mỹ] đối với nền dân chủ, chủ quyền, và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Tổng thống Biden cũng công bố một gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 500 triệu USD và nội các của ông đang thực hiện các cuộc thảo luận kín về sự vận động của chiến trận hiện tại. Nhưng tác động chính của chuyến thăm mang tính biểu tượng, diễn ra chỉ bốn ngày trước lễ kỷ niệm một năm cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào ngày 24 tháng Hai. Đồng thời chuyến thăm cũng mang đến cho tổng thống Biden cơ hội trực tiếp trải nghiệm cuộc chiến, khi ông đi bộ quanh trung tâm Kyiv giữa tiếng còi báo động không kích rền vang.

Ngoại trưởng Dmytro Kuleba, người đã hủy chuyến đi Brussels vào sáng sớm của chuyến thăm, mô tả sự hiện diện của ông Biden là “chiến thắng cho người dân Ukraine” và là thông điệp gửi tới “vũng lầy” của Nga rằng họ không còn sợ hãi. Quang cảnh hai tổng thống đi cạnh nhau ở Kiev chắc chắn tạo ra một đối trọng mạnh mẽ với những người thúc giục được đưa ra yêu cầu Ukraine nhượng bộ lãnh thổ. Nhiều người ở Kiev đã lo ngại trước các báo cáo rằng Trung Quốc đang tìm cách môi giới cho một thỏa thuận hòa bình. Cam kết của ông Biden với Ukraine là một trong những lý do chính khiến đất nước này vẫn đang chiến đấu. Phát biểu tại Kiev, ông Biden cho biết ông Putin đã rất ngạc nhiên trước quy mô đoàn kết của phương Tây. Tổng thống Zelensky cho biết ông hy vọng kết quả cuộc gặp giữa ông với ông Biden sẽ “ảnh hưởng đến chiến trường” và mang chiến thắng đến gần hơn. Tổng thống Ukraine nói thêm rằng đất nước của ông tiếp tục trải qua một “thời kỳ khó khăn”, chịu tổn  thất nghiêm trọng khi bảo vệ tiền tuyến ở phía đông, xung quanh thị trấn Bakhmut. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Ukraine sẽ bắt đầu một giai đoạn giao tranh thậm chí còn đẫm máu hơn vào mùa xuân, bao gồm cả một cuộc phản công mới. Các nhà lãnh đạo của Ukraine đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ việc hối thúc phương Tây chuyển giao tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu F-16 – điều mà ông Biden có vẻ không chắc chắn cam kết. Ukraine hy vọng rằng chuyến thăm sẽ ràng buộc ông Biden nhiều hơn về mặt tình cảm với cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ. Nhưng đó cũng là cơ hội để người dân Ukraine bày tỏ sự cảm kích đối với tổng thống Mỹ.

Xem thêm tại: Economist, Why Joe Biden visited Kyiv. Truy cập ngày 21/2/2023

Hiệp ước vũ khí hạt nhân START mới là gì?

Tổng thống Putin nói rằng Nga sẽ dừng việc tham gia hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới (START) với Mỹ sau khi cáo buộc phương Tây đang trực tiếp nhúng tay vào việc tấn công các căn cứ không quân chiến lược của mình. Vậy hiệp ước START mới là gì? Hiệp ước này được ký vào năm 2010 bởi tống thống Mỹ lúc bấy giờ là Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev và có hiệu lực vào năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm sau khi tổng thống Joe Biden nhậm chức năm 2021. Hiệp ước START mới giới hạn số lượng các đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai. Dưới hiệp ước này, Moscow và Washington cùng cam kết sẽ không triển khai quá 1,500 đầu đạt hạt nhân chiến lược và không quá 700 tên lửa tầm xa và máy bay ném bom. Ngoài ra, mỗi bên có thể thực hiện 18 cuộc thanh tra các địa điểm vũ khí hạt nhân chiến lược mỗi năm nhằm đảm bảo bên còn lại không vi phạm giới hạn của hiệp ước.

Vậy kho vũ khí hạt nhân của Nga lớn đến đâu và ai là người chỉ huy chúng? Tổng thống Putin hiện đang kiểm soát khoảng 5,977 đầu đạn hạt nhân tính đến năm 2022, so với 5,428 do tổng thống Mỹ Joe Biden kiểm soát. Khoảng 1,500 đầu đạn trong số đó đã được bãi bỏ (nhưng có lẽ vẫn còn nguyên), 2889 đang được dự trữ và khoảng 1,588 được dùng làm đầu đạn chiến lược. Khoảng 812 đầu đạn được triển khai trên tên lửa đạn đạo phóng từ đất liền, 576 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, và khoảng 200 căn cứ máy bay ném bom hạng nặng. Xếp sau Nga, Mỹ có khoảng 1.644 đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai. Trung Quốc có tổng cộng 350 đầu đạn, Pháp 290 và Anh 225. Nhưng vấn đề chính ở đây là làm thế nào để vận chuyển vũ khí – tên lửa, tàu ngầm và máy bay ném bom có thể mang đầu đạn. Nga có khoảng 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể mang đến 1,185 đầu đạn. Thêm vào đó, Nga còn triển khai 10 tàu ngầm hạt nhân có thể mang tối đa 800 đầu đạn, và có thêm 60 đến 70 máy bay ném bom hạt nhân. Vậy ai có quyền ra lệnh phóng vũ khí hạt nhân của Nga? Tổng thống Nga là người đưa ra quyết định tối cao khi cần phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân, cả chiến lược và phi chiến lược. Chiếp cặp hạt nhân hay “Cheget”, đều ở cạnh tổng thống mọi lúc mọi nơi. Bộ trưởng bộ QP Nga, hiện nay là ông Sergei Shoigu, và tổng tham mưu trưởng, hiện nay là ông Valery Gerasimov, đều được cho là sở hữu chiếc cặp như vậy. Trong trường hợp Nga nghĩ rằng mình phải đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân chiến lược, tổng thống, thông qua những chiếc cặp, sẽ gửi lệnh phóng trực tiếp tới bộ chỉ huy tổng tham mưu và các đơn vị chỉ huy dự bị nắm giữ mã hạt nhân. Những mệnh lệnh như vậy nhanh chóng chuyển xuống các hệ thống thông tin liên lạc khác nhau tới các đơn vị lực lượng tên lửa chiến lược, sau đó bắn vào Mỹ và Châu Âu. Nếu một cuộc tấn công hạt nhân được xác nhận, Putin có thể kích hoạt cái gọi là hệ thống “Bàn tay thần chết” hoặc “Perimetr”: về cơ bản, máy tính sẽ quyết định ngày tận thế. Một tên lửa điều khiển sẽ ra lệnh tấn công hạt nhân từ khắp kho vũ khí khổng lồ của Nga.

Xem thêm tại: Reuters, What is the New START nuclear arms treaty? Truy cập ngày 22/2/2/2023; SCMP, Russia’s nuclear arsenal: how big and who controls it? Truy cập ngày 23/2/2023

Mỹ đang chạy đua hạt nhân với Trung Quốc

Lầu năm góc hồi đầu tháng đã tiết lộ rằng Trung Quốc giờ đây đã sở hữu nhiều bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hơn Mỹ. Thêm vào đó, số lượng đầu đạt hạt nhân của Trung Quốc đang tăng với con số kỷ lục. Cùng với máy bay ném bom chiến lược mới, Trung Quốc giờ đã hoàn tất bộ ba hạt nhân, bao gồm cả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Chưa hết, Bắc Kinh cũng đã thử nghiệm các công nghệ mà Moscow và Washington chưa bao giờ có, ví dụ như hệ thống rải đầu đạt hạt nhân theo quỹ đạo thấp có thể bao quanh trái đất trước khi thả một trái bom hạt nhân có thể lướt xuyên bầu khí quyển đến mục tiêu với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Mỹ chưa sẵn sàng để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc. Dù Mỹ đang hiện đại hóa các khả năng hạt nhân của mình, nhưng chỉ dành cho một mục đích khiêm tốn: thay thế cái mà Washington đã có trên nền tảng một đổi một. Để đối phó với Trung Quốc, Mỹ sẽ cần một lực lượng hạt nhân có thể thuyết phục Bắc Kinh rằng cái giả phải trả khi sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ lớn hơn lợi ích nhận được. Cho đến hiện tại, lực lượng hạt nhân của Mỹ vẫn chưa rõ có thể làm được điều đó không, và với quy mô hiện tại lực lượng này không thể đối đầu cùng lúc với lực lượng hạt nhân của Trung Quốc và Nga khi mối lo về việc Moscow và Bắc Kinh đang ngày càng xích lại gần nhau hơn. Để có thể củng cố lượng lượng hạt nhân của mình, Mỹ cần phải tập trung vào ba ưu tiên chính. Đầu tiên, Mỹ cần phải gia tăng quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình để có thể duy trì đủ lượng vũ khí hạt nhân nhằm khiến cho khả năng răn đe hiệu quả hơn. Để làm được điều này, Lầu Năm Góc nên cân nhắc việc gia tăng các kế hoạch mua sắm cho các chương trình hiện đại hóa hạt nhân sắp tới, gồm ICBM Sentinel, tàu ngầm lớp Columbia và máy bay ném bom B-21. Thêm vào đó, Mỹ cần thực hiện các bước nhằm cải thiện khả năng sản xuất thêm đầu đạt hạt nhân để có thể gia tăng quy mô trữ lượng trong ngắn hạn. Ưu tiên thứ hai mà Mỹ cần tập trung đó là việc phát triển khả năng răn đe phù hợp vì các đối thủ của Mỹ – Nga và Trung Quốc – ưu tiên giá trị khác nhau, và tình thế mà hai nước này viện đến vũ khí hạt nhân cũng sẽ khác nhau. Ở mức tối thiểu, việc này có nghĩa rằng Mỹ nên chuyển hướng sang phát triển tên lửa hành trình hạt nhân phóng trên biển. Vũ khí này sẽ giúp gia tăng khả năng hạt nhân của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cho tổng thống một lựa chọn tương xứng hơn—và do đó đáng tin cậy hơn—để đáp trả việc sử dụng hạt nhân hạn chế của Trung Quốc, chẳng hạn như vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng để chống lại một căn cứ quân sự của Mỹ như đảo Guam. Cuối cùng, với sự bất định về mối đe dọa từ Trung Quốc và sự vận động của một môi trường mới trong đó Mỹ, Trung Quốc và Nga là những đồng minh hạt nhân, nên khả năng giúp Mỹ điều chỉnh các lực lượng hạt nhân của mình ngày càng trở nên quan trọng. Hiện tại, chương trình hạt nhân của Mỹ không thể đáp ứng những thay đổi trong môi trường địa chính trị trong bất kỳ khoảng thời gian hợp lý nào. Ví dụ, giai đoạn chế tạo đầu đạn W93/Mark 7 trong tương lai sẽ mất ít nhất 12 năm. Và Mỳ cũng sẽ không thể sản xuất plutonium pit – cần thiết để chế tạo thêm bất kỳ đầu đạn nào – cho đến sau năm 2030. Việc củng cố các lực lượng của Mỹ có thể không đơn giản hoặc rẻ tiền, và việc thực hiện đúng có thể sẽ đòi hỏi cam kết tài trợ dài hạn.

Xem thêm tại: WSJ, Like It or Not, the U.S. Is in a Nuclear Arms Race With China. Truy cập ngày 17/2/2023

Mỹ nên ngăn chặn, chứ không phải kích động Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Vương Nghị, gặp mặt tại Munich trong bối cảnh lo ngại đang gia tăng về một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc đang đến gần. Với cái giả phải trả quá lớn và quỹ đạo bất định cho một cuộc chiến như vậy, mọi bên phải hạ nhiệt – ngay cả khi họ thấy trước hàng thập kỷ cạnh tranh Mỹ-Trung phía trước. Những biểu hiện mang tính biểu tượng hơn về quyết tâm và sự ủng hộ đối với Đài Loan, bao gồm các chuyến thăm cấp cao của các thành viên Quốc hội, về cơ bản sẽ không thay đổi các tính toán. Nhưng việc trấn an đáng tin cậy và rõ ràng rằng việc Mỹ ủng hộ Đài Loan không nhằm mục đích đảm bảo sự chia cắt vĩnh viễn hoặc độc lập chính thức của hòn đảo. Các biện pháp như nghị quyết của Hạ viện công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập và loại bỏ chính sách một Trung Quốc lâu đời của Mỹ là không khôn ngoan. Những biện pháp này sẽ khiêu khích hơn là ngăn cản Bắc Kinh. Thay vào đó, các quan chức Mỹ nên lặp đi lặp lại rằng Mỹ sẽ chấp nhận bất kỳ kết quả đạt được giữa Bắc Kinh và Đài Bắc thông qua biện pháp hòa bình và không cưỡng ép. Các nghị sĩ Mỹ không nên gọi Đại Loan là một quốc gia hay cam kết bảo vệ hòn đảo này vô điều kiện. Một số người lập luận rằng Bắc Kinh chỉ đang tìm kiếm cái cớ để thực hiện hành động hung hăng. Nhưng bất chấp việc ông Tập móc nối sự thống nhất với Đài Loan để chấn hưng quốc gia, Bắc Kinh vẫn chưa đặt ra một thời gian biểu cho cuộc xâm lược.

Và cũng thật sai lầm khi cho rằng chỉ có các nhân tố quân sự làm nên quyết định của ông Tập. Cán cân quyền lực đang dịch chuyển mới là một thành phần quan trọng trong lập luận của ông Tập rằng thời gian và động lực đang đứng về phía Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả khi Tập tin tưởng vào khả năng chiếm ưu thế của PLA, cái giá phải trả và rủi ro của việc xâm lược Đài Loan sẽ vẫn rất lớn. Một cuộc xung đột sẽ tàn phá hòn đảo mà hơn 23 triệu người gọi là quê hương, loại bỏ việc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của Đài Loan và phá hủy nền kinh tế toàn cầu. Và có rất ít lý do để tin rằng một cuộc xung đột như vậy sẽ mang tính hạn chế; một cuộc chiến rộng lớn hơn có thể tàn phá Mỹ, Trung Quốc và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Washington, Bắc Kinh và Đài Bắc đều có lợi ích trong việc tránh xung đột. Mỹ và Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức gay gắt trong nước. Cả hai đều cần một khoảng thời gian im lặng trên trường quốc tế để củng cố triển vọng dài hạn về đối nội. Những nỗ lực nhằm giảm bớt cảm giác cấp bách của Bắc Kinh đối với Đài Loan có thể giúp hạn chế mức độ liên kết giữa Trung Quốc và Nga, củng cố vị thế chiến lược tổng thể của Mỹ. Và Đài Loan cần thêm thời gian để tập hợp các nguồn lực và ý chí chính trị nhằm phát triển một nền quốc phòng toàn xã hội mang tính bất đối xứng. Washington nên cố gắng làm mọi thứ có thể để giành chiến thắng mà không cần chiến đấu — thay vì thêm vào sổ cái các cuộc chiến mà họ đã tham gia mà không giành chiến thắng. Các nhà lãnh đạo Mỹ nên tiếp tục tăng cường quan hệ không chính thức với Đài Loan, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Và Mỹ nên thúc đẩy các đồng minh và đối tác xây dựng hệ thống phòng thủ quân sự kiên cường hơn, đồng thời thúc giục Trung Quốc thực hiện các bước chung để giảm căng thẳng.

Xem thêm tại: Washington Post, The U.S. should deter — not provoke — Beijing over Taiwan. Truy cập ngày 21/2/2023

Đài Loan nỗ lực gia tăng khả năng quốc phòng của mình với kinh nghiệm từ Ukraine

Khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố rằng nghĩa vụ quân sự bắt buộc sẽ được kéo dài từ bốn tháng lên một năm, bà đã chỉ ra Ukraine như một ví dụ để hòn đảo tự trị này học hỏi. Mười hai tháng sau cuộc chiến ở Ukraine, các nhà quan sát nói rằng có những bài học rõ ràng cho Đài Loan – rằng quân đội của hòn đảo cần cải cách, và Đài Bắc cần đầu tư vào khả năng chiến tranh phi đối xứng, tăng cường đoàn kết và nâng cao tinh thần, cả trong quân đội và giữa quân đội với công chúng. Xung đột ở Ukraine cũng cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với các đồng minh và đối tác trên khắp thế giới, nhằm đảm bảo hòn đảo này có được sự hỗ trợ cần thiết để tự vệ trong trường hợp chiến tranh nổ ra trên eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đang theo dõi và học hỏi từ những sai lầm của Nga trong cuộc chiến.

Căng thẳng đã gia tăng khắp eo biển Đài Loan kể từ tháng 8, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc. Tình hình đã khiến một số quan chức quân đội Mỹ – bao gồm cả Tướng Không quân Mike Minihan – cảnh báo rằng PLA có thể tấn công Đài Loan vào năm 2025 hoặc 2027, mặc dù Lầu Năm Góc cho biết một cuộc chiến tranh xuyên eo biển sẽ không xảy ra. Su Tzu-yun, một nhà phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia (INDSR), cho biết việc tái cơ cấu quân đội và gia hạn nghĩa vụ bắt buộc là một bước quan trọng để gia tăng khả năng tự phòng thủ của hòn đảo, lưu ý rằng lính nghĩa vụ sẽ có thời gian đào tạo tăng gấp ba lần từ năm 2024 và việc đào tạo cũng sẽ khó khăn hơn. Ngoài ra, Đài Loan đang chi hàng tỷ đô la Mỹ để mua vũ khí di động, công nghệ cao – bao gồm tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa đất đối không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin – từ Mỹ như một phần của chiến lược chiến tranh phi đối xứng. Hòn đảo này cũng đã phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, bao gồm khoản đầu tư 1,6 triệu USD để phát triển máy bay không người lái.

Chieh Chung, một nhà phân tích an ninh của Tổ chức Chính sách Quốc gia, một tổ chức tư vấn của Đài Bắc có liên kết với đảng đối lập chính Quốc dân đảng, cho biết kinh nghiệm của Nga ở Ukraine có thể khiến Bắc Kinh do dự về việc gửi lực lượng tới Đài Loan. Ông cũng lưu ý rằng có nguy cơ Bắc Kinh có thể phong tỏa hòn đảo, cắt đứt nguồn cung cấp quân sự và các nguồn cung cấp khác, và thời điểm đó sẽ rất quan trọng. Chieh nói thêm rằng Mỹ có khả năng giúp đỡ Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột, một phần để bảo vệ lợi ích của họ trong khu vực và kiểm soát sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh. Anders Fogh Rasmussen, cựu tổng thư ký NATO, nói rằng trong trường hợp bị tấn công, phản ứng nhanh chóng và thống nhất từ ​​các đồng minh phương Tây của Đài Loan sẽ rất quan trọng.

Xem thêm tại: SCMP, Taiwan is trying to boost its defences. It’s learning from Ukraine. Truy cập ngày 23/2/2023

Châu Á không phải là vấn đề của NATO

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, thay vì cố gắng xoa dịu leo thang cuộc chiến tại Ukraine thì ông lại lởn vởn xung quanh Hàn Quốc và Nhật Bản như thể sẵn sàng trói buộc liên minh vào các cuộc xung đột tiềm tàng tại châu Á trong lương lai. NATO không có phần gì tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thay vào đó, NATO nên tập trung vào khu vực Bắc Đại Tây Dương và tránh kích nổ một cuộc chiến ở phía bên kia thế giới. Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, nền tảng thành lập NATO, rõ ràng chỉ bao hàm khu vực Bắc Đại Tây Dương. Do đó, điều 5 của hiệp ước này gồm “bất cứ hành vi tấn công một nước…sẽ bị xem như là tấn công cả liên minh” chỉ được áp dụng đặc biệt đối với châu Âu và Bắc Mỹ. Điều đó đồng nghĩa rằng việc tấn công tàu, máy bay hay lãnh thổ của thành viên ngoài hai khu vực trên sẽ không tự động kích hoạt điều 5 của hiệp ước, ví dụ như Triều Tiên có thể tấn công Hawaii hoặc Guam và NATO sẽ không có nghĩa vụ gì phải tấn công đáp trả.

Chuyến thăm của Stoltenberg không chỉ vượt ra ngoài nhiệm vụ địa lý của NATO mà còn là một nỗ lực để kéo Hàn Quốc và Nhật Bản vào mô hình “dân chủ chống chuyên chế” của phương Tây. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều tham gia vào khuôn khổ này, nhưng thận trọng hơn so với phương Tây. Seoul và Tokyo chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ tự do và dân chủ, chứ không phải chống lại các chính phủ chuyên chế tại châu Á. Tuy nhiên, Stoltenberg đã đi xa hơn trong các nhận xét trong chuyến thăm của ông tới Hàn và Nhật vào tháng này bằng cách coi Trung Quốc là một thách thức trực tiếp đối với tự do, dân chủ và các giá trị phương Tây. Seoul và Tokyo đều nhận thức rõ về thách thức này, nhưng cả hai đều biết rằng việc đối đầu với Bắc Kinh một cách không cần thiết có thể gây tổn hại đến lợi ích của họ. Quan trọng hơn, thất bại của NATO ở Afghanistan cho thấy liên minh này chẳng có ích bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ.

Việc ông Jens Stoltenberg khẳng định rằng NATO kỳ vọng các quốc gia áp dụng pháp quyền và dân chủ – như liên minh đã định nghĩa chúng – sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc nhấn mạnh quan điểm rằng một Trung Quốc độc tài là mối đe dọa tự động đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và toàn cầu. Những giả định như vậy có thể châm ngòi cho những lời kêu gọi thay đổi chế độ như một giải pháp cho thách thức Trung Quốc. Điều này sẽ vượt qua lằn ranh đỏ của Bắc Kinh, khi chính phủ Trung Quốc cam kết giữ cho Đảng Cộng sản nắm quyền và kiểm soát tương lai cai trị của mình. Đáng lo ngại hơn nữa, ông Stoltenberg cho biết NATO tìm cách “tránh bất kỳ sự thay đổi nào đối với hiện trạng”, trong khi liên tục phủ nhận rằng Trung Quốc là một kẻ thù và nhấn mạnh rằng NATO là một liên minh phòng thủ. Bắc Kinh có thể giải thích những bình luận của ông là một phần của chiến lược ngăn chặn bí mật, hoặc như một dấu hiệu cho thấy NATO sẽ bảo vệ Đài Loan nếu bị xâm lược. Điều này có thể khiến Trung Quốc từ bỏ các nỗ lực thống nhất một cách hòa bình và tìm cách tấn công hoặc ép buộc Đài Loan vào thời điểm thích hợp khi NATO bị phân tâm hoặc bận tái vũ trang. Stoltenberg và các thành viên NATO nên từ bỏ chính sách xoay trục Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tập trung vào mục đích cốt lõi của liên minh: an ninh châu Âu. NATO sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc tăng chi tiêu quốc phòng của châu Âu, vượt xa so với chi tiêu của Nga, mối đe dọa chính đối với châu Âu, nếu các thành viên tuân thủ các cam kết dành ngân sách 2% GDP của họ cho an ninh.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Asia is none of NATO’s business. Truy cập ngày 17/2/2023

Điều gì khiến cho Hàn Quốc mong mỏi răn đe hạt nhân đến vậy?

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol nói rằng ông muốn thấy “một hệ thống răn đe mở rộng hiệu quả và mạnh mẽ” trong cuộc hội đàm với bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, phát biểu trên về cơ bản là đang nói rằng mức độ răn đe hạt nhân của Mỹ đang không hiệu quả trong việc chống lại mối đe dọa đang gia tăng từ Triều Tiên. Bộ trưởng QP Austin đã đáp lại rằng Mỹ sẽ “nỗ lực” để có được niềm tin của Hàn Quốc. Trước hội đàm một ngày, các cuộc khảo sát của Gallup Korea cho thấy hơn 70% người tham gia khảo sát ủng hộ việc triển khai vũ khí hạt nhân ở trong nước trong bối cảnh Seoul phải đối mặt với các mối đe dọa đang gia tăng từ Triều Tiên.

Đằng sau sự ủng hộ mạnh mẽ này là mối lo ngại về ý định của Triều Tiên. So với Nhật Bản, quốc gia duy nhất từng bị ném bom nguyên tử, Hàn Quốc không mấy e ngại về việc sở hữu năng lực răn đe hạt nhân. Với việc Triều Tiên ám chỉ về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhiều người Hàn Quốc nghĩ rằng việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân là vô ích và tốt nhất là nên đáp trả các mối đe dọa hạt nhân bằng vũ khí hạt nhân của riêng mình. Các kết quả khảo sát cho thấy công chúng Hàn thể hiện mối quan tâm đến răn đe hạt nhân không chỉ cao khi đảng bảo thủ cầm quyền, mà còn diễn ra trước đây khi đảng tự do của tổng thống Moon Jae-in cầm quyền khi 71% người Hàn ủng hộ đất nước sở hữu hạt nhân. Ngoài ra, công chúng Hàn còn lo ngại về Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát chung do Nhật và Hàn thực hiện năm 2022, kết quả cho thấy hai trong ba người Hàn nói rằng họ xem Trung Quốc là “mối đe dọa quân sự”. Mặt khác, một số người Hàn Quốc vẫn không tin tưởng vào Mỹ. Trên thực tế, nhiều người vẫn nói về thỏa thuận Katsura-Taft năm 1905 và đường Acheson năm 1950. Thỏa thuận Katsura – Taft đề cập đến một thỏa thuận bí mật đạt được giữa Thủ tướng Nhật Bản Taro Katsura và Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ William Taft nhằm nhượng quyền kiểm soát Bán đảo Triều Tiên cho Nhật Bản để đổi lấy cam kết không can thiệp vào việc Mỹ chiếm đóng Philippines. Nhiều người coi thỏa thuận này là tiền đề cho việc Nhật Bản sáp nhập bán đảo vào năm 1910. Đường Acheson đề cập đến một tuyến phòng thủ chiến lược được Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson đề cập vào năm 1950. Acheson cho biết bán đảo sẽ nằm ngoài tuyến phòng thủ của Mỹ, một bình luận mà một số người tin rằng đã kích hoạt cuộc xâm lược Hàn Quốc của Bình Nhưỡng.

Trước đây, Seoul đã từng thực hiện một chương trì phát triển vũ khí hạt nhân bí mật dưới tời tổng thống Park Chung-hee vì lo sợ rằng Mỹ sẽ bỏ rơi Hàn vào thời điểm nào đó, nhưng chương trình này đã bị hủy bỏ khi vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Washington. Đầu năm nay, tổng thống Yoon nói rằng Hàn Quốc sẽ có thể cân nhắc lại việc đạt được khả năng răn đe hạt nhân của riêng mình nếu Triều Tiên tiếp tục leo thang khiêu khích hạt nhân. Tổng thống Joe Biden đã ngay lập tức bác bỏ việc tái vũ trang hạt nhân Hàn Quốc, vì Washington tiếp tục thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Dựa trên lịch sửa giữa Seoul và Washington, liên minh giữa hai nước có thể sẽ sụp đổ nếu Hàn theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân trong khi đối mặt với sự phản đối từ Mỹ. Dù vậy, bộ trưởng QP Austin nói rằng Mỹ sẽ triển khai nhiều tên lửa chiến thuật tiên tiến hơn đến Hàn, bao gồm chiến đấu cơ tàng hình F-22 và F-35 và máy bay vận tải hạt nhân. Nhưng ông Austin cũng đã khiến cho quan chức Hàn thất vọng, những người đã kỳ vọng rằng ông sẽ nhắc đến việc trao cho Seoul một vai trò trong việc triển khai lực lượng hạt nhân Mỹ dưới một thỏa thuận “hạt nhân chung”,  hay bắt đầu cho các tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân đóng quân “thường kỳ” và “liên tục” tại các vùng biển xung quanh Bán đảo Triều Tiên. Nhưng Washington và Seoul nhận thức rõ tác động của các cuộc đàm phán như vậy đối với Bắc Kinh, vốn ngày càng lo ngại về viễn cảnh “quân domino hạt nhân” sụp đổ ở Đông Á, khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân từ Hàn Quốc, Đài Loan đến Nhật Bản.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, What makes South Koreans so eager for nuclear deterrent? Truy cập ngày 20/2/2023