Thế giới hôm nay: 09/05/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Nga liên tiếp không kích các thành phố Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev. Các cuộc tấn công diễn ra đúng thời điểm Điện Kremlin chuẩn bị kỷ niệm Ngày Chiến thắng vào thứ Ba, ngày lễ đánh dấu chiến thắng trước Đức Quốc xã trong Thế chiến 2. Một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết Nga đã tăng cường tấn công Bakhmut nhằm nỗ lực chiếm thị trấn trước thứ Ba. Nhóm đánh thuê Wagner của Nga dường như đã quyết định không rút khỏi Bakhmut sau khi được Điện Kremlin hứa cung cấp thêm đạn dược.

Các ngân hàng khu vực của Mỹ tiếp tục phục hồi từ đà giảm giá cổ phiếu sau khi JPMorgan Chase tiếp quản First Republic hôm 1 tháng 5. Cổ phiếu của PacWest, một ngân hàng California, tăng gần 30% khi thị trường mở cửa vào thứ Hai; trước đó họ đã cắt giảm mạnh cổ tức vào thứ Sáu. Cổ phiếu của Zions và Western Alliance cũng tăng điểm.

Tổng thống Uzbekistan, Shavkat Mirziyoyev, đã kêu gọi bầu cử sớm. Tuần trước, nước này bỏ phiếu thông qua một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp nhằm mở rộng các biện pháp bảo vệ xã hội và pháp lý — nhưng cũng kéo dài thời gian tại vị của ông Mirziyoyev. Ông dự kiến sẽ từ nhiệm vào cuối nhiệm kỳ hai, tức năm 2026. Nhưng cuộc trưng cầu dân ý đã đặt lại đồng hồ, giúp ông tại vị đến năm 2037.

Cháy rừng ở tỉnh Alberta của Canada đã khiến gần 30.000 người phải sơ tán. Một phần ba trong số khoảng 100 đám cháy đang nằm ngoài tầm kiểm soát, theo giới chức, những người đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ thứ Bảy. Thủ hiến Danielle Smith của Alberta nói “chưa từng có” những đám cháy sớm và lan rộng như vậy.

NASA đã phóng hai thiết bị theo dõi bão mới từ New Zealand nhằm cải thiện khả năng dự báo thời tiết cực đoan. Các vệ tinh có kích thước bằng hộp đựng giày sẽ bay qua các cơn bão để cung cấp thông tin cập nhật từng giờ — một cải tiến gấp sáu lần so với các vệ tinh theo dõi thời tiết hiện tại. Hai chiếc nữa sẽ được phóng trên tên lửa khác vào cuối tháng này, để tạo ra một nhóm gồm bốn thiết bị theo dõi tối tân trên quỹ đạo.

Con số trong ngày: 90%, là phần nhiệt dư thừa của khí thải nhà kính trong những thập niên gần đây được các đại dương hấp thụ.

TIÊU ĐIỂM

Nga chào mừng Ngày Chiến thắng dù không có chiến thắng nào

Vào thứ Ba, Nga sẽ kỉ niệm Ngày Chiến thắng bằng cuộc duyệt binh truyền thống trên Quảng trường Đỏ. Sự kiện năm nay sẽ có phần khác thường vì vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Kremlin gần đây, vốn bị Nga coi là âm mưu ám sát tổng thống Putin. Diễu binh cũng đã bị hủy bỏ ở khoảng một chục khu vực khác của Nga.

Cuộc duyệt binh chính ở Moscow sẽ được thu nhỏ, vì phần lớn quân đội và khí tài đều đang được triển khai ở Ukraine. Ngoài ra là sự vắng mặt của các chức sắc nước ngoài — đến thứ Hai, chỉ có tổng thống Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan xác nhận tham dự.

Cuộc diễu binh cũng sẽ diễn ra mà không có bất kỳ chiến thắng nào gần đây trên mặt trận. Tại Ukraine, dù quân đội Nga sắp khép lại 10 tháng đẫm máu ở Bakhmut, phía Ukraine vẫn tiếp tục giữ một phần phía tây của thành phố này, vốn không có nhiều ý nghĩa chiến lược. Tướng chỉ huy Oleksandr Syrsky cho biết ông đã yêu cầu lực lượng của mình phải ngăn cản Vladimir Putin có được chiến thắng trong Ngày Chiến thắng.

Mỹ căng thẳng về vấn đề trần nợ công

Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp Kevin McCarthy, chủ tịch Hạ viện Mỹ, vào thứ Ba để tìm cách ngăn chính phủ vỡ nợ. Ông Biden muốn tăng trần nợ — một giới hạn theo luật định đối với số tiền mà chính phủ liên bang có thể vay — từ mức 31,4 nghìn tỷ đô la hiện tại. Ngược lại, các đảng viên Cộng hòa đang khăng khăng yêu cầu ông Biden phải đồng ý với các yêu sách cắt giảm chi tiêu. Được biết bộ trưởng tài chính Janet Yellen đã cảnh báo về một “thảm họa” trần nợ, vì nếu không có giải pháp chính trị, chính phủ sẽ cạn tiền trước ngày 1 tháng 6.

Các thị trường, vốn đã quen với những cuộc đối đầu hàng nghìn tỷ đô la thường xuyên diễn ra ở Washington, cũng đang cho thấy một số dấu hiệu lo lắng. Lợi suất trái phiếu kho bạc một tháng đang tăng lên. Các nhà kinh tế của Nhà Trắng cảnh báo ngay cả “vỡ nợ ngắn hạn” cũng đủ sức làm giảm 0,6% GDP hàng năm; còn vỡ nợ kéo dài sẽ gây thiệt hại 6,1% GDP và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

ASEAN bất đồng về vấn đề Myanmar

Trong hai năm qua, cuộc nội chiến ở Myanmar đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người và khiến 2 triệu người bị mất nhà cửa. Hồi tháng 4, hơn 170 người đã thiệt mạng trong một trong những cuộc không kích đẫm máu nhất kể từ đầu cuộc nội chiến. Nhưng các nước láng giềng của Myanmar không thể thống nhất về cách chấm dứt xung đột. Sự chia rẽ quan điểm này sẽ phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào thứ Ba tại Labuan Bajo, một thị trấn đánh cá trên đảo Flores của Indonesia.

Các nhà lãnh đạo của một số quốc gia, bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, ủng hộ việc giao tiếp nhiều hơn với các tướng lĩnh cầm quyền của Myanmar. Nhưng các nước khác muốn cô lập họ. Chính quyền quân sự đã bị cấm tham dự các hội nghị thượng đỉnh ASEAN trong khi chờ tiến bộ đạt được trong một kế hoạch hòa bình danh nghĩa — một lệnh trừng phạt khá nghiêm khắc đối với một tổ chức chủ trương hòa hợp khu vực. Hồi tháng 2, tổng thống Joko Widodo của Indonesia đã nói ASEAN sẽ không bị chính quyền quân sự “bắt làm con tin.” Indonesia sẽ sớm cử một vị tướng của riêng mình đến Myanmar để hội đàm song phương. Nhưng một nỗ lực nghiêm túc để chấm dứt sự đau khổ của đất nước dường như còn xa vời.