Thế giới hôm nay: 16/05/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống chuyên chế đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan đang dẫn trước đối thủ Kemal Kilicdaroglu sau vòng bỏ phiếu đầu của cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Không ứng viên nào đạt được ngưỡng 50% cần thiết để tránh vòng hai, nhưng ông Erdogan giành được 49,5% số phiếu trong khi ông Kilicdaroglu, người đại diện cho liên minh các đảng đối lập, nhận 44,9%. Cuộc bầu cử giờ đây sẽ lần đầu tiên đi vào vòng hai vào ngày 28 tháng 5. Kết quả của ông Erdogan tốt hơn các cuộc thăm dò dư luận, vốn ghi nhận ông Kilicdaroglu dẫn trước đáng kể trong những ngày tranh cử cuối cùng.

Ủy ban châu Âu chấp thuận vụ sáp nhập trị giá 69 tỷ đô la của Microsoft với Activision Blizzard — trái ngược với quyết định ngăn chặn của cơ quan giám sát cạnh tranh của Mỹ và Anh. Uỷ viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU đã phê duyệt thỏa thuận này với điều kiện Microsoft vẫn cung cấp game của Activision trên các nền tảng khác. Vụ kiện của Microsoft tại Mỹ sẽ được giải quyết tại tòa vào tháng 8, và công ty cho biết họ có kế hoạch kháng cáo phán quyết của Anh.

Người đứng đầu quân đội Nam Phi đã gặp gỡ các quan chức ở Moscow và thăm các học viện quân sự của Nga, dù tổng thống nước ông phủ nhận ủng hộ Nga hơn Ukraine. Tuần trước, Mỹ cáo buộc Nam Phi – vốn tuyên bố trung lập – vận chuyển vũ khí đến Nga hồi cuối năm ngoái. Nam Phi bác bỏ cáo buộc.

Trung Quốc kết án tù chung thân một công dân Mỹ 78 tuổi về tội gián điệp trong một phiên tòa xử kín. Các cáo buộc cụ thể chống lại John Shing-Wan Leung, một thường trú nhân của Hồng Kông, là không rõ ràng. Trong khi đó, Mỹ buộc tội Litang Liang, ở Massachusetts, đã thông báo cho chính quyền Trung Quốc về những người bất đồng chính kiến ​​người Trung Quốc ở khu vực Boston và những người có “khuynh hướng thân Đài Loan.” Người này không nhận tội.

Tổ chức Di trú Quốc tế IOM của Liên Hợp Quốc đã bầu Amy Pope, một người Mỹ, làm tổng giám đốc mới. Bà Pope đã rời bỏ vị trí phó giám đốc IOM để tranh cử với nhân vật đương nhiệm António Vitorino của Bồ Đào Nha, người được EU ủng hộ. Bà Pope sẽ là phụ nữ đầu tiên nắm quyền lãnh đạo tổ chức này, vốn có nhiệm vụ giúp đỡ hơn 100 triệu người di cư trên khắp thế giới.

Ủy ban châu Âu nâng dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát của khối. Họ cho rằng kinh tế EU sẽ tăng trưởng 1% trong năm 2023, tăng từ 0,8%, khi triển vọng suy thoái giảm. Nhưng họ cũng dự đoán lạm phát lên mức 6,7% vào năm 2023 và 3,1% vào năm 2024 (tăng từ mức tương ứng 6,4% và 2,8%).

Vice, một công ty truyền thông từng được định giá gần 6 tỷ đô la, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ngay trước thềm một thỏa thuận bán lại cho một số bên cho vay, bao gồm Tập đoàn Đầu tư Fortress và Quỹ Soros. Nhà xuất bản tập trung vào giới trẻ đã sa thải hơn 100 nhân viên và kết thúc chương trình tin tức truyền hình chính hồi tháng 4. Họ nói sẽ tiếp tục hoạt động trong giai đoạn bảo hộ phá sản.

Con số trong ngày: 99,6%, là lượng DNA giống nhau của hai người bất kỳ.

TIÊU ĐIỂM

Tình hình phục hồi của kinh tế Trung Quốc

Điều tốt duy nhất về thành tích kinh tế thảm hại của Trung Quốc vào tháng 4 năm ngoái — khi Thượng Hải bị phong tỏa nghiêm ngặt — là các số liệu kinh tế năm nay sẽ trông lấp lánh hơn khi so sánh. Dữ liệu công bố vào thứ Ba có thể cho thấy sản xuất công nghiệp trước điều chỉnh theo lạm phát cao hơn 10% so với năm 2022, còn doanh số bán lẻ cao hơn 20%. (Doanh số bán ô tô tăng 83%, theo dữ liệu được công bố bởi Hiệp hội Các Nhà Sản xuất Ô tô Trung Quốc.)

Đà hồi sinh kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào ngành bán lẻ, vận tải và khách sạn. Cả ba đều được thúc đẩy khi người dân quay trở lại mua sắm, du lịch và ăn uống mà không sợ những bất tiện của chính sách zero covid. Nhưng vì phục hồi còn hẹp và chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực, nên nó có thể không bền, theo hãng nghiên cứu Capital Economics. Công ty này kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ dễ dàng vượt mục tiêu 5% của chính phủ cho năm nay, nhưng sau đó sẽ “xì” xuống mức dưới 5%.

Trump lấy lại thế thượng phong trong đảng Cộng hoà

Trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 năm ngoái, các ứng viên Cộng hòa được Donald Trump hậu thuẫn đều có màn thể hiện đáng thất vọng, gây ra đồn đoán là đảng Cộng hòa sẽ dứt hẳn với cựu tổng thống. Nhưng rồi Trump, người đang tranh cử tổng thống năm 2024, giờ đây lại dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. Thăm dò đều cho thấy ông dẫn trước ít nhất 25 điểm so với các đối thủ gần nhất của mình trong đảng. Và tất cả các ứng viên đang muốn thắng trong vòng sơ bộ của đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử thống đốc Kentucky — được tổ chức vào thứ Ba — đều tự hào gắn mình với chủ nghĩa Trump.

Daniel Cameron, chánh công tố của bang, đã được ông Trump hậu thuẫn trước khi bất kỳ đảng viên Cộng hòa nào khác tham gia cuộc đua. Đối thủ chính của ông, Kelly Craft, đang phát huy kinh nghiệm của mình với tư cách là đại sứ của ông Trump tại Canada và Liên Hợp Quốc.

Nhưng gần gũi với ông Trump chưa chắc quá hữu ích trong vòng bầu cử toàn bang vào tháng 11. Nhân vật đương nhiệm Andy Beshear là thống đốc Dân chủ được ủng hộ nhất trong cả nước — đặc biệt khi ông lãnh đạo một bang rất thiên về đảng Cộng hòa.

Tesla họp đại hội đồng cổ đông

Trong số những người dự cuộc họp cổ đông thường niên của Tesla vào thứ Ba sẽ có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ đã trúng xổ số tham dự. Những người hâm mộ đáng yêu như vậy sẽ giúp làm sôi động sự kiện tại “siêu nhà máy” của công ty ở Texas. CEO Elon Musk chắc chắn sẽ tán dương những thành tựu của công ty trong năm qua, và thậm chí có thể gợi ý về những kế hoạch tương lai (mà hầu như không ai biết).

Ngoài ra sẽ có tổ chức bỏ phiếu về một số đề xuất. J.B. Straubel, một cựu giám đốc điều hành lâu năm, có thể sẽ được bầu vào hội đồng quản trị. Và lời kêu gọi có kế hoạch kế nhiệm ông Musk nhiều khả năng sẽ không được xem xét, bất chấp những lo ngại là Tesla phụ thuộc quá nhiều vào ông Musk, người cũng đang điều hành công ty tên lửa SpaceX và Twitter. Nhưng việc ông thuê Linda Yaccarino, cựu giám đốc quảng cáo của NBCUniversal, để thay ông làm CEO của Twitter có thể giúp xoa dịu các nhà đầu tư.

Ngày càng nhiều nước bãi bỏ án tử hình

Dù từng phổ biến, giờ đây ít nước còn áp dụng hình phạt tử hình. Theo Liên Hợp Quốc, cứ năm nước thì có bốn nước đã bãi bỏ tử hình hoặc không còn áp dụng nó nữa. Nhưng năm ngoái, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã ghi nhận một sự gia tăng rõ rệt trong số vụ tử hình. Cụ thể, năm 2021 ghi nhận khoảng 600 vụ hành quyết được biết đến trên toàn thế giới, tăng 20% so với năm 2020; ngoài ra số án tử hình cũng tăng 40%. Con số tăng lên chủ yếu là do một số quốc gia Trung Đông, bao gồm cả Iran, nơi áp dụng án tử hình đối với tội phạm ma túy. (Cả hai số liệu đều loại trừ Trung Quốc, nơi mà Ân xá Quốc tế cho là hành quyết tới hàng nghìn người mỗi năm, cũng như Bắc Triều Tiên và Việt Nam.)

Các nhà hoạt động sẽ theo dõi chặt chẽ đánh giá mới nhất của Tổ chức Ân xá Quốc tế, được công bố vào thứ Ba. Nhưng xu hướng về lâu dài dường như chỉ đi theo một hướng. Hồi tháng 12, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết đình chỉ hình phạt tử hình, với 125/184 phiếu thuận.