16/05/1968: Công nhân biểu tình, rối loạn xã hội lan rộng ở Pháp

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Worker protests mount in France, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1968, tại Pháp, khủng hoảng tháng 5 đã leo thang khi các nhà máy và các ngành công nghiệp trên khắp đất nước quyết định tổng đình công, làm ngừng hoạt động phân phối báo chí, vận tải hàng không, và hai tuyến đường sắt lớn. Tính đến cuối tháng, đã có hàng triệu công nhân tham gia đình công, và nước Pháp dường như đang trên bờ vực của một cuộc cách mạng cánh tả cấp tiến.

Sau Khủng hoảng Algérie hồi thập niên 1950, Pháp đã bước vào thời kỳ ổn định trong những năm 1960. Đế chế Pháp sụp đổ, nền kinh tế được cải thiện, và Tổng thống Charles de Gaulle là một nhà cai trị được lòng dân. Tuy nhiên, sự bất mãn vẫn tồn tại, đặc biệt là trong giới sinh viên trẻ tuổi, những người chỉ trích hệ thống đại học lỗi thời của Pháp và sự khan hiếm cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học. Các cuộc biểu tình lẻ tẻ của sinh viên đòi cải cách giáo dục đã bắt đầu từ năm 1968, và vào ngày 3/5, một cuộc biểu tình tại Sorbonne (trường nổi tiếng nhất của Đại học Paris) đã bị cảnh sát giải tán. Hàng trăm sinh viên bị bắt và hàng chục người khác bị thương.

Sau vụ việc, các khóa học tại Sorbonne đã bị đình chỉ, còn sinh viên thì xuống đường ở Khu phố Latinh (khu phố đại học của Paris) để tiếp tục phản đối. Ngày 06/05, đối đầu giữa cảnh sát và sinh viên ở Khu phố Latinh đã khiến hàng trăm người bị thương. Đêm 10/5, sinh viên dựng rào chắn, gây náo loạn khắp khu phố. Gần 400 người phải nhập viện, hơn một nửa là cảnh sát. Các sinh viên cánh tả bắt đầu kêu gọi thay đổi triệt để về kinh tế và chính trị ở Pháp, và các nhà lãnh đạo công đoàn đã lên kế hoạch đình công để ủng hộ sinh viên. Trong nỗ lực xoa dịu khủng hoảng bằng cách yêu cầu sinh viên trở lại trường học, Thủ tướng Georges Pompidou tuyên bố rằng Sorbonne sẽ mở cửa trở lại vào ngày 13/05.

Tuy nhiên, ngày hôm đó, sinh viên đã chiếm đóng các tòa nhà của Sorbonne, biến chúng thành một công xã. Công nhân và sinh viên đã biểu tình trên đường phố Paris. Trong vài ngày sau, tình trạng bất ổn lan sang các trường đại học khác của Pháp, và các cuộc đình công của người lao động nổ ra trên khắp đất nước, với sự tham gia của hàng triệu công nhân, khiến nước Pháp hoàn toàn tê liệt. Tối ngày 24/05, cuộc giao tranh tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tháng 5 đã xảy ra ở Paris. Các sinh viên biểu tình đã tạm chiếm Sở giao dịch chứng khoán Paris (La Bourse de Paris), giương cờ đỏ cộng sản trên tòa nhà, rồi định phóng hỏa. Một cảnh sát đã thiệt mạng trong vụ bạo lực trong đêm.

Trong những ngày tiếp theo, Thủ tướng Pompidou đã đàm phán với các nhà lãnh đạo công đoàn, đưa ra một số nhượng bộ, nhưng không thể chấm dứt đình công. Những sinh viên cấp tiến công khai kêu gọi tiến hành cách mạng, nhưng đã mất đi sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo cộng sản và công đoàn chính thống, những người lo sợ rằng họ, giống như những người ủng hộ Charles de Gaulle (Gaullist), sẽ bị cuốn vào một cuộc cách mạng do những người theo chủ nghĩa vô chính phủ và phe Trotskyit lãnh đạo. Ngày 30/05, Tổng thống de Gaulle lên đài phát thanh tuyên bố giải tán Quốc hội và tiến hành tổng tuyển cử. Ông kêu gọi mọi người tôn trọng luật pháp và trật tự và ngụ ý rằng mình sẽ sử dụng vũ lực quân sự để mang lại trật tự cho nước Pháp nếu cần thiết. Những người Gaullist trung thành và những công dân thuộc tầng lớp trung lưu đã tập hợp lại cùng ông, và phe đình công dần dần bị bỏ rơi. Các cuộc biểu tình của sinh viên tiếp tục cho đến ngày 12/06, khi chúng chính thức bị cấm. Hai ngày sau, các sinh viên bị đuổi khỏi Sorbonne.

Sau hai vòng bỏ phiếu vào ngày 23 và 30 tháng 6, phe Gaullist đã giành được đa số áp đảo trong Quốc hội Pháp. Sau chuỗi sự kiện tháng 5, chính phủ của de Gaulle đã có một loạt nhượng bộ đối với nhóm biểu tình, bao gồm tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, đồng thời thông qua một dự luật cải cách giáo dục lớn nhằm hiện đại hóa giáo dục đại học. Sau 11 năm cầm quyền, Charles de Gaulle từ chức tổng thống vào năm 1969 và được kế nhiệm bởi Pompidou. Ông qua đời một năm sau, ngay trước sinh nhật lần thứ 80 của mình.