Thế giới hôm nay: 29/05/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Recep Tayyip Erdogan đã có bài phát biểu chiến thắng sau khi kết quả kiểm phiếu sớm cho thấy ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Cả ủy ban bầu cử của đất nước lẫn truyền thông nhà nước đều chưa tuyên bố người chiến thắng. Ông Erdogan đã đánh bại mọi dự đoán để giành 49,5% số phiếu trong vòng một hôm 14 tháng 5; khi ấy đối thủ chính Kemal Kilicdaroglu chỉ giành được 44,9% số phiếu.

Kevin McCarthy, chủ tịch Hạ viện Mỹ, đã cố gắng dập tắt những xôn xao về việc các đảng viên Cộng hòa cánh hữu nổi loạn phản đối thỏa thuận nâng trần nợ công của Mỹ mà ông đạt được với tổng thống Joe Biden hôm thứ Bảy. Thỏa thuận này, trong đó giới hạn chi tuỳ nghi ngoài lĩnh vực quốc phòng của chính phủ ở mức tương đương năm 2023 trong hai năm, sẽ bước vào một hành trình không dễ dàng để được Quốc hội thông qua, với trước tiên là vòng bỏ phiếu vào thứ Tư ở Hạ viện.

Một người thiệt mạng ở Kiev sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất vào thủ đô Ukraine cho đến nay. Một quan chức quân sự cho biết 54 quả bom bay do Iran sản xuất đã được phóng đi, trong đó có 52 quả bị bắn hạ. Cuộc tấn công diễn ra vào rạng sáng Ngày Kyiv – lễ kỷ niệm ngày thành lập thành phố vào năm 482.

Chính phủ Somalia cho biết nước này sẽ bắt đầu chọn tổng thống qua bầu cử trực tiếp từ năm tới. Quốc gia Đông Phi này hiện có một hệ thống bầu cử gián tiếp, trong đó các đại diện và đại biểu thị tộc chọn các ứng viên quốc hội, những người sau đó sẽ chỉ định một tổng thống. Một tuyên bố của chính phủ đề xuất rằng cuộc bầu cử “mỗi người một phiếu” này sẽ được tổ chức 5 năm một lần.

Ken Paxton, tổng chưởng lý đảng Cộng hòa của Texas, đã bị các nhà lập pháp ở Hạ viện bang luận tội về các cáo buộc lạm dụng chức vụ. Ông sẽ tạm thời bị đình chỉ trong khi Thượng viện bang bỏ phiếu xem có nên cách chức ông vĩnh viễn hay không (đây là một hình phạt rất hiếm). Ông Paxton gọi động thái này là “vô cùng bất công.” Ông bị buộc tội lợi dụng chức vụ để giúp đỡ một nhà tài trợ, và sau đó cản trở điều tra.

Quân đội Iran đọ súng với Taliban ở biên giới Afghanistan, làm trầm trọng thêm xung đột về quyền sử dụng nước. Tháng này, tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã cảnh báo Afghanistan không được hạn chế quyền của nước ông đối với sông Helmand, chảy vào hồ Hamun, ở biên giới hai nước. Nước của dòng sông này là một nguồn tài nguyên quan trọng, đặc biệt khi cơ quan khí tượng của Iran cho biết 97% diện tích đất nước đang đối mặt hạn hán.

Giải thưởng cao nhất của Liên hoan phim Cannes thuộc về Anatomy of a Fall, bộ phim chính kịch lấy bối cảnh một phòng xử án ở Pháp kể về một người phụ nữ bị tình nghi giết chồng do Justine Triet đạo diễn. Đây mới là bộ phim thứ ba do một phụ nữ đạo diễn từng thắng giải Cành cọ Vàng. Phim của Jonathan Glazer về một chỉ huy trại Auschwitz, The Zone of Interest, đoạt giải nhì.

Con số trong ngày: 4%, là tỉ lệ sụt giảm dân số của Kuwait và Singapore từ năm 2019 đến 2021.

TIÊU ĐIỂM

Tổng thống Nigeria sắp tuyên thệ nhậm chức

Mặc dù kết quả của cuộc bầu cử hồi tháng Hai vẫn đang còn được tranh cãi ở tòa án, Bola Ahmed Tinubu sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nigeria vào thứ Hai. Lực lượng an ninh đã cảnh báo người dân không đến lễ nhậm chức nhằm ngăn chặn bất kỳ cuộc biểu tình nào từ những cử tri bất mãn.

Ông Tinubu thừa hưởng một nền kinh tế tồi tệ. Ông đối mặt lạm phát tăng vọt, dự trữ ngoại hối cạn kiệt và nợ nần chồng chất — khi chi phí lãi vay chiếm tới 96% doanh thu thuế năm ngoái của chính phủ. Ông đã hứa sẽ loại bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu tốn kém để giải phóng vốn cho đầu tư công cần thiết (những người tiền nhiệm của ông từng hứa tương tự và thất hứa). Trong khi đó, 63% dân số của đất nước sống trong cảnh nghèo đói và tỷ lệ thất nghiệp cao đang đẩy người trẻ ra đi. Và cuộc khủng hoảng an ninh ở Nigeria không có dấu hiệu lắng xuống. Ông Tinubu sẽ cần phải làm việc chăm chỉ và nhanh chóng để ngăn đất nước chìm sâu trong tuyệt vọng.

Lãnh đạo đối lập Ấn Độ thăm Mỹ

Vào thứ Hai, Rahul Gandhi, nhà lãnh đạo đối lập hàng đầu của Ấn Độ, sẽ bắt đầu chuyến thăm kéo dài một tuần tới Mỹ. Ông Gandhi sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và xã hội dân sự, các chính trị gia và thành viên của cộng đồng người Ấn trên khắp đất nước. Chuyến đi diễn ra ba tuần trước khi thủ tướng Narendra Modi bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ — đúng một năm trước cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ. Bất cứ điều gì ông Gandhi nói về nền dân chủ của Ấn Độ sẽ được soi xét kỹ lưỡng ở trong nước.

Hôm thứ Bảy, một thành viên cấp cao của Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông Modi nói mục đích chuyến công du của ông Gandhi là “xé nát Ấn Độ.” Những luận điệu này là phản ứng của BJP trước việc nhà lãnh đạo phe đối lập nhấn mạnh những thiếu sót dân chủ của đất nước trong chuyến đi tương tự tới Anh hồi tháng Ba. Kể từ đó, ông Gandhi bị loại khỏi quốc hội với một bản án phỉ báng nghiêm khắc bất thường. Nhưng dù gì thì chủ đề nền dân chủ Ấn Độ cũng có vô vàn tiềm năng cho ông Gandhi khai thác.

Kinh tế Hồng Kông phụ thuộc vào du khách Trung Quốc

Mười năm trước, một con vịt bơm hơi dài 15m đã được đưa đến Cảng Victoria của Hồng Kông, mang đến một khung cảnh siêu thực cho các bức ảnh du lịch. Vào tháng 6, con vịt này — hiện đã có bạn tình — sẽ trở lại với thân hình còn lớn hơn trước. Bên cạnh hai chú vịt, khách du lịch cũng đang quay trở lại. Lượng khách đến từ Trung Quốc đại lục đạt gần 2 triệu trong tháng 3 và đang giúp nền kinh tế của thành phố phục hồi. GDP của nó tăng trưởng 5,3% trong quý đầu năm so với quý trước, cao hơn dự kiến.

Chính quyền thành phố, không như chính quyền đại lục, đã hào phóng hỗ trợ tiêu dùng, giải ngân các phiếu mua hàng điện tử trị giá 3.000 đô la Hồng Kông (380 USD) cho người dân vào tháng 4. Song vẫn có một điểm yếu tiềm tàng là xuất khẩu hàng hóa. Số liệu công bố vào thứ Hai có thể cho thấy rằng trong tháng 4, xuất khẩu hàng hóa giảm so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng thứ 12 liên tiếp. Dẫu vậy, hầu hết hàng hóa mà Hồng Kông xuất khẩu được sản xuất ở nơi khác. Nền kinh tế của họ giờ đây phụ thuộc nhiều hơn vào các ngành dịch vụ, bao gồm các điểm thu hút khách du lịch, chẳng hạn như chú vịt vàng khổng lồ nhấp nhô trước những tòa nhà chọc trời của thành phố.

Các vấn đề phát sinh từ leo núi Everest

Thứ Hai đánh dấu 70 năm kể từ khi Edmund Hillary và Tenzing Norgay, những nhà leo núi dũng cảm người New Zealand và Nepal, lần đầu tiên chinh phục đỉnh Everest. Số người leo lên ngọn núi cao nhất thế giới đã tăng lên trong những thập niên gần đây. Chỉ trong mùa leo núi hiện tại, Nepal đã cấp 478 giấy phép để thực hiện hành trình leo núi, mức cao nhất từ trước đến nay, và thu 5 triệu đô la cho ngân sách quốc gia. Đầu tháng này, Kami Rita, một người Nepal 53 tuổi, đã chinh phục đỉnh núi lần thứ 28, một kỷ lục.

Nhưng cơn sốt có thể sớm đạt đỉnh. Mùa leo núi năm nay là một trong những mùa chết chóc nhất với tám nhà leo núi đã thiệt mạng và năm người mất tích. Cả rác và nhiệt độ tăng cao đều tàn phá ngọn núi. Các sông băng tan chảy vận chuyển chất thải của con người với nhiều steroid — thứ mà những người leo núi tiêu thụ khi họ leo lên — xuống các vùng thấp hơn, gây ô nhiễm nguồn cung cấp nước địa phương. Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature, các sông băng của Everest đã mất đi lớp băng tích tụ trong 2.000 năm chỉ trong giai đoạn từ năm 1989 đến 2019. Bất chấp vẻ huy hoàng tráng lệ của nó, những rắc rối do con người gây ra ngày càng gây ám ảnh cho hành trình leo núi.