Thế giới hôm nay: 27/09/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Kết quả hai cuộc thăm dò ​​cho thấy hai đảng lớn nhất Đức mỗi bên thắng khoảng 25% số phiếu trong cuộc bầu cử liên bang Đức. Cuộc bầu cử cũng sẽ khép lại 16 năm làm thủ tướng của Angela Merkel. Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu của bà, do Armin Laschet lãnh đạo, thua sít sao Đảng Dân chủ Xã hội trung tả của Olaf Scholz. Vì vậy họ sẽ cần nhiều thời gian đàm phán thành lập chính phủ liên hiệp với các phe nhỏ hơn, trong khi bà Merkel tiếp tục tạm quyền.

Người dân Thụy Sĩ bỏ phiếu áp đảo 64% ủng hộ hôn nhân đồng giới trong cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc, với cả những bang bảo thủ nhất cũng ủng hộ quyền hôn nhân bình đẳng. Việc các cặp đồng tính ở cùng nhau đã là hợp pháp từ năm 2007, song những cặp vợ chồng này gặp khó khăn khi muốn nhận con nuôi và nhập quốc tịch cho bạn đời là người nước ngoài.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau chào đón Michael Kovrig và Michael Spavor về nước sau hơn hai năm bị giam giữ ở Trung Quốc. Họ đã được trả tự do ngay sau khi Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei, được Canada thả về Trung Quốc. Các nghị sĩ Cộng hòa Mỹ đã chỉ trích chính quyền Biden vì đã tham gia vào kiểu “ngoại giao con tin” như thế này (tức đồng ý thả Mạnh Vãn Chu khi Trung Quốc bắt công dân Canada làm con tin).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa bình luận rất đáng ngại về căng thẳng với Đài Loan, bằng hai từ “phức tạp và u ám”. Ông Tập viết như vậy trong thư chúc mừng Eric Chu được bầu làm lãnh đạo đảng đối lập chính của Đài Loan, Quốc Dân Đảng. Quốc Dân Đảng cởi mở với Đảng Cộng sản Trung Quốc hơn chính phủ hiện tại của Đài Loan.

Năm người Palestine thiệt mạng và hai binh sĩ Israel bị thương trong các cuộc đột kích của Israel vào Bờ Tây hôm Chủ nhật. Một phát ngôn viên của quân đội Israel cho biết tất cả những người thiệt mạng đều là thành viên của Hamas, nhóm chiến binh đang quản lý Gaza. Căng thẳng gia tăng sau khi sáu người Palestine trốn khỏi một nhà tù Israel hồi đầu tháng.

Kết quả sơ bộ từ cuộc tổng tuyển cử hôm thứ Bảy cho thấy liên minh cầm quyền của Iceland sẽ giữ được thế đa số. Các cuộc thăm dò dư luận dự đoán liên minh – bao gồm Phong trào Cánh tả-Xanh, Đảng Độc lập bảo thủ và Đảng Cấp tiến trung dung – thiếu số phiếu cần thiết, nhưng Đảng Cấp tiến thu được thêm phiếu vào phút cuối, qua đó giúp họ chiến thắng.

Một số toa của một đoàn tàu Amtrak ở bang Montana của Mỹ đã trật bánh vào chiều thứ Bảy, khiến ít nhất ba người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Chuyến tàu Chicago đến Seattle này chở ít nhất 140 hành khách và hơn một chục nhân viên phục vụ. Hiện chưa rõ nguyên nhân, nhưng Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia đã mở cuộc điều tra.

Con số trong ngày: 37, là độ tuổi trung bình của cư dân Hồng Kông có ý định di cư đến Anh. Hầu hết những người di cư mới trên toàn cầu đều trẻ hơn và không mắc nợ.

TIÊU ĐIỂM

Bầu cử Đức kết thúc với phần thắng không rõ ràng

Cuộc bầu cử Đức kết thúc với hai đảng lớn nhất mỗi bên thắng 25%. Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu của thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel, hiện do Armin Laschet lãnh đạo, cùng đồng minh CSU bị Đảng Dân chủ Xã hội trung tả, do Olaf Scholz lãnh đạo, dẫn trước sít sao. Bà Merkel sẽ tiếp tục nắm quyền trong vài tuần hoặc vài tháng khi các bên đàm phán liên minh.

Lãnh đạo của cả CDU và SPD đều tuyên bố sẽ đàm phán với đảng Xanh (khoảng 15% phiếu) và đảng Dân chủ Tự do ủng hộ giới kinh doanh (khoảng 12%). Ông Laschet có thể lãnh đạo một liên minh “Jamaica” hoặc ông Scholz lãnh đạo liên minh “đèn giao thông” (bắt nguồn từ màu của các đảng). Cả hai mô hình này đều đủ đa số. Có thể có một liên minh cánh tả bao gồm SPD, Đảng Xanh và Die Linke cực tả; các dự đoán hiện tại cho thấy liên minh này chưa đạt được đa số, nhưng nó vẫn có thể trở thành hiện thực.

Biến đổi khí hậu chiếm sóng Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc

Biến đổi khí hậu là một chủ đề lớn Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, với các nước liên tục cam kết và khẩn cầu. Tổng thống Joe Biden hứa sẽ tăng gấp đôi tài trợ chống biến đổi khí hậu của Mỹ cho các nước đang phát triển. Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ ngừng cấp vốn cho các dự án điện than ở nước ngoài. Thủ tướng Anh Boris Johnson, người sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Glasgow vào tháng 11 tới, cũng kêu gọi các cam kết táo bạo.

Tương tự là các nước nhỏ. “Chỉ cần tăng từ 1,5° lên 2° là coi như khép án tử hình đối với Maldives,” tổng thống nước này nói. Các lãnh đạo khác của Liên minh Các Quốc đảo Nhỏ cũng kêu gọi các nước phát thải lớn chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch vào năm 2023.

Giờ đây mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào COP26.

Nhiều người Mỹ từ chối vắc-xin vì lý do tôn giáo

Từ thứ Hai, bang New York sẽ yêu cầu nhân viên bệnh viện và nhà dưỡng lão phải chủng ngừa covid-19. Hàng ngàn người từ chối sẽ bị sa thải. Với dự đoán sẽ thiếu nhân sự, thống đốc mới Kathy Hochul có thể sẽ nhập khẩu nhân công đã tiêm phòng từ các bang khác. Nhưng những người từ chối tiêm vì lý do tôn giáo vẫn giữ được công việc: họ đã kiện các quan chức nhà nước, và một tòa án cho biết họ không cần tuân thủ yêu cầu tiêm vắc xin trong khi tòa đang thụ án.

Khi ngày càng có nhiều lệnh tiêm vắc-xin, người ta lại càng muốn được hưởng miễn trừ vì lý do tôn giáo. Họ trích dẫn kinh thánh rằng “cơ thể bạn là một ngôi đền” và không muốn làm ô nhiễm nó. Ngoài ra họ cũng phản đối việc vắc-xin được phát triển bằng cách sử dụng các dòng tế bào từ mô bào thai đã phá.

Theo luật chống phân biệt đối xử, các công ty phải “bố trí hợp lý” cho những nhân viên có niềm tin “chân thành” trừ khi điều đó gây ra “khó khăn quá mức” cho doanh nghiệp. Ví dụ, họ có thể cho phép những người từ chối vắc-xin làm việc từ xa. Song sẽ còn nhiều bất đồng giữa các công ty và nhân viên trước tòa, và các thẩm phán sẽ phải quyết định xem điều gì được coi là hợp lý.

Sri Lanka có nguy cơ bị EU cắt ưu đãi xuất khẩu

Sri Lanka đối mặt một mối đe dọa kinh tế mới trong tuần này. Một cuộc điều tra của EU, bắt đầu vào thứ Hai, có thể cắt giảm khả năng tiếp cận ưu đãi của nước này vào các thị trường EU. Sri Lanka hiện đang hưởng lợi từ một hệ thống xóa bỏ thuế nhập khẩu cho các nền kinh tế đang phát triển dễ bị tổn thương, miễn là tuân theo các điều khoản quản trị tốt.

Hồi tháng 6, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết trong đó cho biết quyền tiếp cận ưu đãi của Sri Lanka phụ thuộc vào việc nước này bỏ luật chống khủng bố gây tranh cãi và tuân thủ các công ước quốc tế về nhân quyền. Nghị viện Châu Âu bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về nhân quyền ở nước này.

Ngành may mặc chịu nhiều rủi ro nhất. Lĩnh vực này chiếm hơn một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu của Sri Lanka. Và châu Âu là thị trường quan trọng nhất: riêng Bỉ, Đức, Ý và Hà Lan chiếm khoảng 16% xuất khẩu của Sri Lanka. Trước đó, sụt giảm doanh thu du lịch do đại dịch đã đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng kinh tế.