Thế giới hôm nay: 02/06/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện M, cho biết viện này sẽ họp cho đến khi nào thông qua được dự luật đình chỉ trần nợ công, qua đó cho phép Mỹ tiếp tục vay tiền và tránh vỡ nợ. Hôm thứ Tư, Hạ viện đã phê chuẩn thỏa thuận với tỷ lệ chênh lệch 314-117. Bộ tài chính nói sẽ cạn tiền mặt vào ngày 5 tháng 6.

Lạm phát theo năm ở khu vực đồng euro giảm xuống còn 6,1% trong tháng 5, từ mức 7% một tháng trước đó. Nhưng lạm phát lõi không tính thực phẩm và nhiên liệu chỉ giảm 0,3% xuống 5,3%. Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ nhóm họp trong hai tuần nữa và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước ông “sẵn sàng gia nhập NATO” tại cuộc họp thứ hai của Cộng đồng Chính trị Châu Âu ở Moldova. Ông Zelensky cũng ủng hộ nguyện vọng gia nhập EU của nước chủ nhà. Trước đó, tại cuộc họp của các bộ trưởng NATO, tổng thư ký liên minh Jens Stoltenberg đã nói Nga không thể phủ quyết tư cách thành viên của Ukraine.

Một tòa án ở Senegal đã kết luận Ousmane Sonko, một thủ lĩnh phe đối lập, phạm tội “làm hư thanh niên,” đồng thời tha bổng cho ông về tội hiếp dâm và đe dọa giết người. Ông đối mặt bản án hai năm tù giam. Phiên tòa này đã gây ra biểu tình bạo lực tại một trong những nền dân chủ ổn định nhất của Châu Phi. Ông Sonko nói các cáo buộc được đưa ra nhằm ngăn ông tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Một tòa án dân sự Úc tuyên bố Ben Roberts-Smith, anh hùng chiến tranh còn sống được tặng thưởng nhiều huân huy chương nhất của đất nước, đã phạm tội ác chiến tranh khi phục vụ trong lực lượng đặc biệt ở Afghanistan. Ông Roberts-Smith đã kiện ba tờ báo Úc phỉ báng về những cáo buộc ông sát hại một số thường dân không vũ trang. Một thẩm phán nhận định bốn trong số sáu cáo buộc giết người “về cơ bản là đúng.” Dù vậy ông Roberts-Smith không phải đối mặt cáo buộc hình sự.

Các cổ đông của ExxonMobilChevron đã từ chối các kiến nghị kêu gọi tăng mục tiêu giảm phát thải. Chỉ khoảng 10% nhà đầu tư tại đại hội đồng cổ đông thường niên của hai gã khổng lồ dầu mỏ này bỏ phiếu ủng hộ việc điều chỉnh các mục tiêu phát thải theo thỏa thuận Paris 2015. Trong khi đó các công ty nhiên liệu hóa thạch châu Âu có thiện cảm hơn với các đề xuất tương tự. Năm ngoái, ExxonMobil đưa ra cam kết giảm lượng khí thải nhà kính cho tới năm 2030 xuống thấp hơn 20% so với năm 2016.

Nintendo, gã khổng lồ ngành trò chơi điện tử Nhật Bản, thông báo ngừng bán sản phẩm trực tuyến tại Nga với lý do “triển vọng kinh tế.” Khách hàng Nga sẽ không thể mua bản phát hành mới nhưng có thể tải xuống các mặt hàng đã sở hữu trước đó. Hãng này đã ngừng vận chuyển hàng hóa vật lý đến Nga sau cuộc xâm lược Ukraine. Sony, một công ty đối thủ, đã đình chỉ mọi hoạt động ở Nga từ tháng 3 năm 2022.

Con số trong ngày: 1,3 nghìn tỷ đô la, là mức giảm chi tiêu trong thập niên tới do thỏa thuận nâng giới hạn nợ của chính phủ Mỹ.

TIÊU ĐIỂM

Thị trường lao động Mỹ vẫn còn khá nóng

Về mặt tương đối, thị trường lao động Mỹ có thể đang nguội đi một chút. Nhưng tính theo mức tuyệt đối thì nó vẫn còn rất nóng. Dữ liệu được công bố vào thứ Sáu sẽ cho thấy nền kinh tế tạo thêm khoảng 180.000 việc làm trong tháng 5. Dù có giảm nhẹ so với con số 250.000 của tháng 4, nhưng nó đánh dấu tháng thứ 29 liên tiếp có dữ liệu việc làm dương. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể đã tăng lên 3,5% trong tháng 5, ngay trên mức thấp nhất 50 năm qua.

Sức mạnh của thị trường lao động là minh chứng cho khả năng phục hồi của nền kinh tế trước các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang. Điều lo lắng đối với ngân hàng trung ương là liệu tuyển dụng có dẫn đến tăng lương và làm suy yếu nỗ lực kiềm chế lạm phát hay không. Chưa có nhiều bằng chứng về điều đó, với tốc độ tăng trưởng tiền lương giảm nhẹ kể từ giữa năm 2022. Nhưng thị trường việc làm của Mỹ càng nóng lâu thì nguy cơ nó lan sang áp lực giá cả càng lớn.

Alphabet họp đại hội đồng cổ đông

Công ty mẹ của Google, Alphabet, sẽ tổ chức họp thường niên vào thứ Sáu. Các cổ đông đã nộp 13 kiến nghị ủy quyền. Chúng bao gồm yêu cầu cung cấp thêm thông tin về cách thức hoạt động của các thuật toán và kế hoạch thay đổi quyền biểu quyết của cổ đông. Hiện tại, hai nhà đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin dù chỉ nắm 12% cổ phần nhưng kiểm soát tới 51% quyền bỏ phiếu của cổ đông. Đề xuất đặt ra mô hình mỗi cổ phiếu một phiếu bầu.

Song các nhà đầu tư chủ động không nên quá háo hức. Trong hai năm qua, Alphabet đã từ chối mọi kiến nghị ủy quyền. Thay vào đó, ban quản trị của công ty sẽ nêu bật tiến bộ của họ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Công ty từng bị coi là tụt hậu so với đối thủ Microsoft, bên đã bổ sung các tính năng AI cho công cụ tìm kiếm Bing từ tháng 2. Nhưng vào ngày 10 tháng 5, Alphabet đã công bố khoảng 15 sản phẩm và tính năng AI mới, bao gồm phần mềm cải tiến văn xuôi của người dùng và tạo nhạc từ văn bản. Nhà đầu tư trông vẫn hạnh phúc. Chưa rõ liệu công ty có thể biến các tính năng trên thành lợi nhuận hay không.

Philippines tổ chức du thuyền đến Trường Sa

Vào thứ Sáu, một chiếc du thuyền mang tên Dolphin dự kiến sẽ khởi hành từ phía tây Philippines trong chuyến hành trình đầu tiên đến quần đảo Trường Sa gần đó. Trên tàu sẽ có 20 khách du lịch thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Chuyến hải trình hứa hẹn một tuần câu cá và lặn biển thuận lợi ở Biển Đông — và, có lẽ, cả cuộc chạm trán với những thủy thủ Trung Quốc có vũ trang. Đó là bởi vì Dolphin sẽ hoạt động trong vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Cuộc xung đột của họ có khả năng kéo Mỹ, vốn cam kết bảo vệ Philippines, vào cuộc chiến với Trung Quốc.

Chuyến đi này do nhà nước phê chuẩn và nhằm khẳng định quyền hợp pháp của Philippines trong việc khai thác khu vực tranh chấp cho mục đích kinh tế. Trung Quốc khẳng định yêu sách của mình theo kiểu cơ bắp hơn: lực lượng hải cảnh hoặc dân quân biển của họ thường xua đuổi những kẻ xâm nhập bằng cách sử dụng các chiến thuật bạo lực như đâm va hoặc dùng vòi rồng. Dolphin có thể sẽ không bị cản trở. Nhưng một tàu của Cảnh sát biển Philippines vẫn sẽ hộ tống du thuyền để đề phòng.

Thủ tướng Nepal thăm Ấn Độ

Vào thứ Sáu, thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal sẽ tiếp tục chuyến thăm bốn ngày tới Ấn Độ, chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức vào năm ngoái. Trước đó, ông đã gặp người đồng cấp Ấn Độ, Narendra Modi. Hai bên đã ký các thỏa thuận về đầu tư cơ sở hạ tầng và thương mại. Họ cũng hứa sẽ giải quyết tranh chấp biên giới thông qua đối thoại song phương.

Quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn tốt cho cả hai nước. Nepal muốn Ấn Độ đầu tư vào các dự án thủy điện và giảm thuế hải quan để giảm thâm hụt thương mại; còn Ấn Độ muốn giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Trong nhiều năm qua, hai gã khổng lồ này đã tìm cách lôi kéo Nepal: Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất, nhưng Trung Quốc bơm tiền để giúp xây dựng đường sá, đập và đường sắt. Mỹ cũng đóng một vai trò quan trọng. Năm ngoái, quốc hội Nepal đã thông qua việc tiếp nhận gói viện trợ trị giá 500 triệu USD của Mỹ, khiến Trung Quốc tức giận. Khi nói đến địa chính trị, Nepal sẽ phải vật lộn để không làm mất lòng ai.