Thế giới hôm nay: 30/07/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Báo cáo một khoản lỗ lớn hơn dự kiến ​​trong quý hai, Boeing tuyên bố chiếc máy bay phản lực thân rộng 747 cuối cùng sẽ xuất xưởng trong khoảng hai năm nữa. Nhà sản xuất máy bay Mỹ cũng đã cắt giảm việc sản xuất máy bay 777 và 787, và trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng 737 MAX, vốn bị cấm bay từ năm ngoái sau hai vụ rơi máy bay làm 346 người thiệt mạng.

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cảnh báo triển vọng kinh tế của nước này còn phải phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch coronavirus. Chủ tịch Fed Jerome Powell nói “tốc độ phục hồi dường như đã chậm lại” kể từ khi số ca nhiễm bắt đầu tăng trở lại vào tháng 6. Fed cam kết giữ lãi suất gần bằng 0 và duy trì hỗ trợ kinh tế khẩn cấp. Tin này làm thị trường tăng nhẹ.

Các giám đốc điều hành của các công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ đã bảo vệ các hoạt động kinh doanh của họ tại phiên điều trần chống độc quyền của quốc hội, trong đó cáo buộc họ tìm cách “vô hiệu hóa cạnh tranh”. Jeff Bezos, Tim Cook, Sundar Pichai và Mark Zuckerberg cũng trả lời các câu hỏi về can thiệp bầu cử, kiểm duyệt nội dung và các lo ngại về quyền riêng tư. Amazon, Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Facebook sẽ công bố kết quả kinh doanh quý vào thứ Năm.

Đại học Hồng Kông đã sa thải Benny Tai, một giáo sư có biên chế và là người sáng lập phong trào dân chủ Chiếm lĩnh Trung Hoàn (Occupy Central) của Hồng Kông. Ông Tai đã bị kết án vào năm ngoái vì tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa càn quét qua lãnh thổ này vào năm 2014. Văn phòng chính trị của Trung Quốc  ở Hồng Kông cho biết ông đang gặt hái phần thưởng của “quỷ dữ”. Những người khác lo ngại tự do học thuật sẽ bị chấm dứt.

Lầu Năm Góc cho biết sẽ rút 11.900 lính Mỹ khỏi Đức. Quyết định này đã được Tổng thống Donald Trump đưa ra, người chỉ trích chi tiêu quân sự ít ỏi của các đồng minh NATO và thặng dư thương mại của Đức với Mỹ. Một số binh sĩ sẽ đến Bỉ và Ý, những người khác có thể đến Ba Lan và các nước cộng hòa Baltic, nhưng hơn một nửa sẽ về nước.

Rio Tinto công bố kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi. Công ty khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới vừa báo cáo thu nhập cơ bản 4,75 tỷ đô la trong sáu tháng tính đến cuối tháng 6, chỉ giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, và một khoản cổ tức tạm thời trị giá 2,5 tỷ đô la. Giám đốc điều hành cũng xin lỗi về việc công ty phá hủy hai địa điểm 46.000 năm tuổi của thổ dân Úc hồi đầu năm nay.

Eastman Kodak, nổi tiếng với máy ảnh và phim, đạt được khoản vay 765 triệu đô la từ chính phủ Mỹ để giúp khởi động mảng dược phẩm. Tin này đến sau khi chính quyền Trump tìm cách giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các nhà cung cấp dược phẩm nước ngoài. Trong khi đó, các báo cáo cho thấy Moderna sẽ định giá vắc-xin covid-19 của họ, đang phát triển ở giai đoạn thử nghiệm thứ ba, khoảng 50-60 đô la một liều cho các chính phủ nước giàu, cao hơn đáng kể các đối thủ khác.

TIÊU ĐIỂM

Làn sóng dịch thứ hai ở Châu Á

“Phần tiếp theo là phần tồi tệ nhất”, theo lời Eric Bana, diễn viên người Úc đang kẹt trong ngôi nhà ở Melbourne của anh. Melbourne đã phong tỏa trở lại sau một đợt bùng phát covid-19 mới. Toàn bộ bang Victoria đã đóng cửa, nhưng không kịp trước khi virus lẻn vào New South Wales kề bên. Úc đang ghi nhận nhiều ca nhiễm trong ngày hơn – 532 ca vào ngày 27 tháng 7 – so với cao điểm của làn sóng đầu tiên hồi tháng 3 và tháng 4.

Không chỉ có Úc. Lần đầu tiên, Nhật Bản ghi nhận 1.000 ca nhiễm trong ngày, với tình hình ở Tokyo và Osaka (hơn 200 trường hợp) đặc biệt nghiêm trọng. Nhờ các biện pháp chống virus ban đầu rất thành công của Hong Kông, chỉ bảy người thiệt mạng trong làn sóng dịch đầu tiên. Nhưng số ca nhiễm đã tăng lên hơn 100 mỗi ngày, và tử vong trong ngày là 24. Nhà hàng và quán bar đóng cửa một lần nữa, khẩu trang là bắt buộc và tụ tập hơn hai người bị cấm. Trưởng đặc khu Carrie Lam cảnh báo rằng hệ thống y tế có thể vỡ trận.

Samsung sắp công bố lợi nhuận khả quan

Nhiều công ty đã thấy lợi nhuận giảm (hoặc tệ hơn) vì covid-19. Nhưng không phải Samsung. Nhà sản xuất hùng mạnh của Hàn Quốc dự kiến hôm nay sẽ tuyên bố lợi nhuận của họ đã tăng trong quý hai. Điều này phần lớn là nhờ vào doanh số chip, khi các nhà vận hành trung tâm dữ liệu mua nhiều hơn để bắt kịp nhu cầu dịch vụ kỹ thuật số bởi nhiều người làm việc tại nhà hơn. Kế hoạch của Intel, một nhà sản xuất chip khổng lồ của Mỹ, về việc thuê ngoài một số nhà sản xuất nếu cần cũng đã thổi sức sống cho cổ phiếu Samsung, vì các nhà đầu tư kỳ vọng hãng sẽ giành được một số hợp đồng này.

Nhưng vẫn có thử thách. Samsung sẽ lo lắng về các báo cáo rằng hãng BOE của Trung Quốc sẽ cung cấp màn hình cho iPhone 12 của Apple; Samsung đã  cung cấp màn hình cho các mẫu máy trước đó. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng sẽ làm họ bận tân. Samsung đã bị cấm sản xuất chip cho Huawei, một công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc. Khi căng thẳng giữa các siêu cường tăng lên, công ty có thể nhận ra mình phải chọn phe.

Sắp công bố dữ liệu kinh tế quý hai của Mỹ

Các nhà thống kê Mỹ hôm nay sẽ công bố ước tính đầu tiên của họ cho thấy nền kinh tế đã suy thoái bao nhiêu trong quý hai, khi đất nước đi vào phong tỏa. Các nhà kinh tế dự đoán GDP giảm khoảng 10% trong quý này khi mà các quán bar, nhà hàng và cửa hàng đều phải đóng cửa và nhân viên văn phòng ở nhà. Điều đó tương đương với tỷ lệ suy giảm theo cùng kỳ năm trước khoảng 35%.

Mặc dù nền kinh tế đã hồi phục phần nào từ đáy hồi mùa xuân, một làn sóng ca nhiễm covid-19 mới dường như đã làm đình trệ sự phục hồi của thị trường lao động. Hệ quả là làm bất định thêm triển vọng tiêu dùng, động lực chính cho sự thay đổi gần đây của nền kinh tế. Giờ đây mọi chuyện phụ thuộc vào các cuộc đàm phán tại Quốc hội để gia hạn hoặc thay thế khoản tiền trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp hàng tuần trị giá 600 đô la, vốn sẽ hết hạn vào thứ Sáu này. Nếu không có thỏa thuận như vậy, thu nhập và chi tiêu hộ gia đình sẽ sụp đổ, dẫn đến nhiều dữ liệu kinh tế ảm đạm hơn trong tương lai.

Bốn hãng công nghệ Mỹ đồng loạt công bố thu nhập quý

Những nhà phân tích cổ phiếu công nghệ hôm nay sẽ bận rộn. Sau khi các sếp của Alphabet (công ty mẹ Google), Amazon, Apple và Facebook tham gia phiên điều trần quốc hội hôm qua, bốn công ty sẽ công bố kết quả kinh doanh quý lần lượt cách nhau 30 phút (bắt đầu với Alphabet lúc 4:30 chiều giờ New York và kết thúc với Facebook vào lúc 6 giờ chiều). Các công bố thu nhập của các công ty này thường cách xa nhau hơn, nhưng đã bị trì hoãn để phù hợp với tiến trình tại Quốc hội.

Kết quả sẽ lẫn lộn. Các nhà phân tích dự đoán Amazon và Facebook đã có một quý tốt, chủ yếu do đại dịch tiếp tục thúc đẩy người tiêu dùng và nhà quảng cáo trực tuyến. Ngược lại, Alphabet có thể trở thành kẻ thua cuộc trong covid-19, với doanh thu dự kiến thu hẹp. Apple thì ở khoảng giữa. Các nhà phân tích không thực sự quan tâm đến các con số của họ trong quý vừa rồi: họ tập trung vào quý hiện tại, khi iPhone 5G mới chuẩn bị được công bố.

Ngành dầu lửa công bố kết quả kinh doanh quý

Royal Dutch Shell hôm nay công bố kết quả quý hai, một phần của chuỗi báo cáo thu nhập từ các công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nếu số liệu trong ba tháng đầu năm 2020 trông tệ, lần này còn tệ hơn. Chúng bao gồm tháng 4, khi covid-19 khiến giá dầu lao dốc và khiến hợp đồng tương lai xuống chỉ còn  âm 40 đô la một thùng. Shell và BP, một đối thủ từ Anh, đã tuyên bố hồi tháng 6 họ sẽ xoá giảm tài sản lần lượt  22 tỷ đô la và 17,5 tỷ đô la.

Ngành công nghiệp dầu nhìn chung đã cắt giảm đầu tư. Hãng nghiên cứu Bernstein ước tính chi tiêu vốn trong năm nay sẽ giảm 26%. Nhu cầu đã tăng lên khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và người đi làm ủng hộ xe hơi hơn giao thông công cộng. Nhưng các công ty vẫn phải đối mặt với số ca nhiễm covid – 19 tăng tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và Brazil, cũng như những nghi ngờ dài hạn về mô hình kinh doanh của họ trong kỷ nguyên nỗ lực kiềm chế biến đổi khí hậu. Có thể đoán được rằng các giám đốc sẽ tìm cách đẩy lợi nhuận, thay vì đẩy sản lượng.