Henry Kissinger: Làm thế nào để tránh xảy ra Thế chiến 3? (P2)

Print Friendly, PDF & Email

 

Nguồn:Henry Kissinger explains how to avoid world war three,” The Economist, 17/05/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Xem thêm: Phần 1

Sau cuộc điện đàm của Tập và Zelensky, Kissinger tin rằng Trung Quốc có lẽ đang tìm cách định vị mình là trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Là một trong những kiến trúc sư của chính sách khiến Mỹ và Trung Quốc cùng chống lại Liên Xô, ông nghi ngờ về việc Trung Quốc và Nga có thể hợp tác với nhau. Đúng là họ cùng ngờ vực người Mỹ, nhưng ông cũng tin rằng họ có bản năng không tin tưởng lẫn nhau. Ông nói, “Tôi chưa bao giờ gặp một nhà lãnh đạo Nga nào nói điều gì tốt đẹp về Trung Quốc. Và tôi cũng chưa bao giờ gặp một nhà lãnh đạo Trung Quốc nào nói điều gì tốt đẹp về Nga.” Họ không phải là đồng minh tự nhiên.

Kissinger nhận định rằng việc Trung Quốc can dự về mặt ngoại giao trong vấn đề Ukraine là một biểu hiện của lợi ích quốc gia. Dù họ từ chối tán thành việc hủy diệt Nga, nhưng họ công nhận rằng Ukraine nên tiếp tục là một quốc gia độc lập, và họ đã cảnh báo chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Họ thậm chí có thể chấp nhận mong muốn gia nhập NATO của Ukraine. Ông nói, “Trung Quốc làm vậy một phần vì họ không muốn xung đột với Mỹ. Họ đang tạo ra trật tự thế giới của riêng mình, trong chừng mực có thể.”

Lĩnh vực thứ hai mà Trung Quốc và Mỹ cần thảo luận là AI. Ông nói: “Chúng ta đang ở thời kỳ đầu khi mà máy móc có thể gây ra dịch bệnh toàn cầu hoặc các đại dịch khác, không chỉ về hạt nhân, mà trong bất kỳ lĩnh vực nào có thể hủy diệt nhân loại.”

Ông thừa nhận rằng ngay cả những chuyên gia về AI cũng không biết được sức mạnh thực sự của nó (bằng chứng là việc gỡ băng cuộc trao đổi này khi Kissinger nói tiếng Anh bằng giọng Đức đặc sệt vẫn nằm ngoài khả năng của nó). Nhưng Kissinger tin rằng AI sẽ trở thành yếu tố then chốt trong an ninh trong vòng 5 năm tới. Ông so sánh tiềm năng đột phá của nó với việc phát minh ra máy in, công cụ truyền bá những ý tưởng góp phần gây ra các cuộc chiến tranh tàn khốc trong thế kỷ 16 và 17.

Kissinger cảnh báo, “[Chúng ta đang sống] trong một thế giới tàn bạo chưa từng thấy. Bất chấp lý thuyết rằng luôn phải có sự giám sát của con người, vũ khí tự động và không thể ngăn cản có thể được tạo ra. “Nếu nhìn vào lịch sử quân sự, có thể nói chúng ta chưa bao giờ có thể tiêu diệt hết đối thủ, do các hạn chế về địa lý và độ chính xác. [Nhưng giờ đây] không còn giới hạn nào. Mọi kẻ thù đều dễ bị tổn thương 100%.”

AI không thể bị hủy bỏ. Do đó, Trung Quốc và Mỹ sẽ cần khai thác sức mạnh quân sự của mình đến một chừng mực nào đó, như một biện pháp răn đe. Nhưng họ cũng cần hạn chế mối đe dọa mà AI gây ra, như cách mà các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí đã hạn chế mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân. Ông nói, “Tôi nghĩ chúng ta phải bắt đầu trao đổi với nhau về tác động của công nghệ. Chúng ta phải từng bước hướng tới việc kiểm soát vũ khí, trong đó mỗi bên trình bày cho bên kia những tài liệu về năng lực của vũ khí”. Thật vậy, ông tin rằng bản thân các cuộc đàm phán có thể giúp xây dựng lòng tin lẫn nhau và sự tự tin để cho phép các siêu cường tự kiềm chế. Bí mật nằm ở các nhà lãnh đạo đủ mạnh mẽ và khôn ngoan để hiểu rằng: không được đẩy AI đến giới hạn của nó. “Nếu anh dựa hoàn toàn vào những gì mình có thể đạt được thông qua sức mạnh, thì anh có khả năng sẽ hủy diệt thế giới.”

Lời khuyên thứ ba của Kissinger dành cho các nhà lãnh đạo là “hãy liên kết tất cả những điều này với các mục tiêu trong nước của anh, bất kể chúng là gì.” Đối với Mỹ, điều đó liên quan đến việc học cách trở nên thực dụng hơn, tập trung vào phẩm chất của nhà lãnh đạo, và trên hết, đổi mới văn hóa chính trị của đất nước.

Mô hình tư duy thực dụng của Kissinger là Ấn Độ. Ông kể lại một sự kiện mà trong đó một cựu quan chức cấp cao của Ấn Độ đã giải thích rằng chính sách đối ngoại nên dựa trên các liên minh không kéo dài, chỉ nhằm giải quyết vấn đề, thay vì ràng buộc một quốc gia trong các cấu trúc đa phương lớn.

Cách tiếp cận ngắn hạn sẽ không tự nhiên đến với người Mỹ. Chủ đề xuyên suốt cuốn sách lịch sử quan hệ quốc tế kinh điển của Kissinger, cuốn Diplomacy (Ngoại giao), là việc Mỹ khăng khăng mô tả tất cả các can thiệp chính của họ ở nước ngoài là biểu hiện cho vận mệnh của họ, nhằm tái tạo thế giới theo hình ảnh của chính nước này – một xã hội tự do, dân chủ, tư bản chủ nghĩa.

Vấn đề đối với Kissinger nằm ở hệ quả của lối nghĩ đó, rằng các nguyên tắc đạo đức thường cao hơn lợi ích – ngay cả khi chúng không tạo ra sự thay đổi mong muốn. Ông thừa nhận rằng nhân quyền là quan trọng, nhưng không đồng ý với việc xem nó là trung tâm của chính sách đối ngoại. Dù chúng ta có cố gắng áp đặt nguyên tắc, hay nói rằng việc đó sẽ ảnh hưởng đến quan hệ, nhưng quyết định là ở bên còn lại.

Ông lưu ý, “Chúng ta đã thử [áp đặt nguyên tắc] ở Sudan. Giờ thì nhìn vào Sudan đi.” Thật vậy, việc khăng khăng đòi làm điều đúng đắn có thể trở thành cái cớ để không suy nghĩ thấu đáo về hậu quả của chính sách. Kissinger lập luận rằng những người muốn sử dụng vũ lực để thay đổi thế giới lại chính là những người theo chủ nghĩa lý tưởng, dù những người theo chủ nghĩa hiện thực thường được cho là sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực hơn.

Ấn Độ là một đối trọng thiết yếu đối với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, nước này cũng có một hồ sơ tồi tệ về không khoan dung tôn giáo, tư pháp thiên vị, và bịt miệng báo chí. Ngụ ý ở đây – dù Kissinger không trực tiếp nói ra – là Ấn Độ sẽ trở thành phép thử xem liệu Mỹ có thể thực dụng hay không. Nhật Bản là một trường hợp khác. Kissinger dự đoán quan hệ sẽ trở nên căng thẳng nếu người Nhật bắt đầu các động thái nhằm trang bị vũ khí hạt nhân trong vòng 5 năm tới. Với các phương pháp ngoại giao ít nhiều đã giúp gìn giữ hòa bình trong thế kỷ 19, ông trông cậy vào Anh và Pháp để giúp Mỹ suy nghĩ một cách chiến lược hơn về cân bằng quyền lực ở châu Á.

Người có thể lấp đầy chỗ trống

Lãnh đạo cũng là một vấn đề quan trọng. Kissinger từ lâu đã tin vào sức mạnh của các cá nhân. Franklin D. Roosevelt là người nhìn xa trông rộng đủ để chuẩn bị cho một nước Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập đối mặt với điều mà ông coi là cuộc chiến không thể tránh khỏi chống lại các cường quốc phe Trục. Charles de Gaulle đã trao cho nước Pháp niềm tin vào tương lai. John F. Kennedy đã truyền cảm hứng cho cả một thế hệ. Otto von Bismarck đã đem đến sự thống nhất cho nước Đức, và cai trị bằng sự khéo léo và khả năng kiềm chế – để rồi phải chứng kiến đất nước của mình sụp đổ trước cơn sốt chiến tranh ngay sau khi ông từ nhiệm.

Kissinger thừa nhận rằng tin tức 24 giờ và mạng xã hội đã khiến phong cách ngoại giao của ông trở nên khó ứng dụng hơn. Ông nói, “Tôi không nghĩ một tổng thống ngày nay có thể cử một đặc phái viên với những quyền lực mà tôi từng có.” Nhưng ông lập luận rằng băn khoăn về việc liệu một con đường phía trước có khả thi hay không sẽ là một sai lầm. “Nếu anh nhìn vào những nhà lãnh đạo mà tôi kính trọng, họ đã không hỏi câu hỏi đó. Họ hỏi, ‘Việc đó có cần thiết không?’”

Ông nhắc đến tấm gương của Winston Lord, một nhân viên dưới quyền ông trong chính quyền Nixon. “Khi chúng ta can thiệp vào Campuchia, anh ấy muốn bỏ cuộc. Tôi đã nói với anh ấy, ‘Anh có thể bỏ cuộc, rồi cầm một tấm bảng đi biểu tình quanh tòa nhà này. Hoặc anh có thể giúp giải quyết chiến tranh Việt Nam.’ Và anh ấy quyết định ở lại… Điều chúng ta cần [là] những người dám đưa ra quyết định như vậy – rằng họ đang sống trong thời đại này, và họ muốn làm điều gì đó, thay vì cảm thấy tiếc cho bản thân.”

Giới lãnh đạo phản ánh văn hóa chính trị của một quốc gia. Kissinger, giống như nhiều thành viên Đảng Cộng hòa, lo ngại rằng nền giáo dục Mỹ chỉ tập trung vào những thời khắc đen tối nhất của đất nước. Ông nói, “Để có được tầm nhìn chiến lược, anh cần có niềm tin vào đất nước của mình.” Nhận thức chung về giá trị của nước Mỹ đã không còn nữa.

Ông cũng phàn nàn rằng các phương tiện truyền thông thiếu nhận thức về quy mô và khả năng phán đoán. Khi ông còn đương chức, báo chí thường thù địch, nhưng ông vẫn đối thoại với họ. “Họ khiến tôi phát điên,” ông nói. “Nhưng đó là một phần của công việc…họ không hành xử bất công.” Ngược lại, ngày nay, ông nói rằng các phương tiện truyền thông không có động cơ để phản ánh sự thật. “Điều tôi quan tâm là sự cần thiết phải cân bằng và điều độ. Hãy thể chế hóa điều đó. Nó chính là mục tiêu.”

Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất là chính trị. Khi Kissinger mới đến Washington, các chính trị gia của hai đảng thường dùng bữa tối cùng nhau. Ông có quan hệ thân thiện với George McGovern, ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Kissinger tin rằng, ngày nay, đối với một cố vấn an ninh quốc gia đến từ đảng đối lập, rất khó để làm được như ông. Gerald Ford, người lên nắm quyền sau khi Nixon từ chức, là kiểu người mà các đối thủ có thể tin tưởng sẽ hành động đúng đắn. Còn ngày nay, bất kỳ phương tiện nào cũng được coi là chấp nhận được.

“Tôi nghĩ Trump và giờ là Biden đã đẩy [sự thù địch] lên hàng đầu,” Kissinger nói. Ông lo sợ rằng một sự cố như Watergate có thể dẫn đến bạo lực, và rằng nước Mỹ sẽ không có nhà lãnh đạo chân chính. “Tôi không nghĩ Biden có thể truyền cảm hứng và…tôi hy vọng rằng Đảng Cộng hòa có thể tìm được ai đó tốt hơn,” ông nói. “Đây không phải là một khoảnh khắc tuyệt vời trong lịch sử,” ông than thở, “nhưng lựa chọn còn lại là từ bỏ hoàn toàn.”

Ông tin rằng nước Mỹ đang rất cần tư duy chiến lược dài hạn. “Đó là thách thức lớn mà chúng ta cần phải giải quyết. Nếu chúng ta không làm vậy, những dự đoán về sự thất bại sẽ trở thành hiện thực.”

Nếu thời gian có hạn và thiếu vắng khả năng lãnh đạo, thì triển vọng để Trung Quốc và Mỹ tìm cách chung sống hòa bình sẽ ra sao?

“Tất cả chúng ta phải thừa nhận rằng mình đang ở trong một thế giới mới,” Kissinger nói, “vì bất cứ điều gì chúng ta làm đều có thể trở thành sai lầm. Và không có con đường nào là chắc chắn.” Dù vậy, ông vẫn còn hy vọng. “Hãy nhìn xem, đời tôi rất khó khăn, nhưng điều đó khiến tôi lạc quan. Khó khăn cũng là một thử thách. Nó không phải lúc nào cũng là một trở ngại.”

Ông nhấn mạnh rằng nhân loại đã có những bước tiến dài. Đúng là tiến bộ thường đến sau hậu quả của những xung đột khủng khiếp – chẳng hạn như sau Chiến tranh Ba mươi năm, Chiến tranh Napoléon, và Thế chiến II, nhưng sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ có thể đem lại kết cục khác. Lịch sử cho thấy rằng, khi hai cường quốc thuộc loại này chạm trán với nhau, kết quả bình thường là xung đột quân sự. “Nhưng đây không phải là một tình huống bình thường,” Kissinger lập luận, “vì vũ khí hủy diệt hàng loạt và trí tuệ nhân tạo.”

“Tôi cho rằng có thể tạo ra một trật tự thế giới trên cơ sở các nguyên tắc mà châu Âu, Trung Quốc, và Ấn Độ có thể chia sẻ, và đó đã là một phần tốt đẹp của nhân loại. Vì vậy, nếu nhìn vào tính thực tế, mọi chuyện có thể kết thúc tốt đẹp – hoặc ít nhất cũng có thể kết thúc mà không có thảm họa, và chúng ta có thể đạt được bước tiến.”

Đó là nhiệm vụ dành cho các nhà lãnh đạo của các siêu cường ngày nay. Kissinger giải thích, “Immanuel Kant từng nói rằng sẽ đạt được hòa bình hoặc nhờ sự hiểu biết của con người, hoặc do thảm họa. Ông cho rằng hòa bình sẽ xảy ra nhờ sự hiểu biết, nhưng ông không thể đảm bảo điều đó. Đó ít nhiều cũng là những gì tôi đang nghĩ.”

Do đó, các nhà lãnh đạo thế giới phải gánh một trách nhiệm nặng nề. Họ cần có chủ nghĩa hiện thực để đối mặt với những nguy hiểm phía trước, có tầm nhìn để thấy rằng giải pháp nằm ở việc đạt được sự cân bằng lực lượng giữa các quốc gia, và sự kiềm chế để không sử dụng tối đa sức mạnh tấn công của họ. Kissinger nói, “Đó là một thách thức chưa từng có nhưng cũng là một cơ hội tuyệt vời.”

Tương lai của nhân loại phụ thuộc vào việc làm điều đúng đắn. Vào giờ thứ tư của cuộc trò chuyện này, và chỉ vài tuần trước lễ kỷ niệm sinh nhật của mình, Kissinger nói thêm với một cái nháy mắt, “Dù sao thì tôi cũng sẽ không sống mãi ở đây để chứng kiến được hết mọi chuyện.”