Thế giới hôm nay: 21/07/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Nga đã tấn công các cảng Biển Đen của Ukraine trong đêm thứ ba liên tiếp và tuyên bố tất cả các tàu đến các cảng này đều bị coi là “tàu chở hàng quân sự tiềm năng.” Lúa mì, vốn phần lớn được trồng ở Ukraine, tăng giá sau thông báo của Nga. Hôm thứ Hai, Nga đã rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Các quan chức Mỹ cảnh báo Nga có thể tấn công các tàu dân sự và sau đó đổ lỗi cho Ukraine. Có khoảng 18 người bị thương trong các cuộc không kích của Nga vào thành phố cảng Mykolaiv, và cơ sở hạ tầng ở Odessa vẫn tiếp tục bị bắn phá.

Iraq trục xuất đại sứ Thụy Điển vài giờ sau khi một đám đông xông vào đại sứ quán nước này ở Baghdad. Chính phủ cũng đình chỉ giấy phép hoạt động cho tập đoàn viễn thông Thụy Điển Ericson, theo báo cáo của truyền thông địa phương. Người biểu tình ở Iraq phản đối việc cảnh sát Thụy Điển cho phép tổ chức một cuộc tuần hành đốt kinh Koran ở Stockholm.

Đại sứ Trung Quốc tại Washington cảnh báo nước ông sẽ trả đũa nếu Mỹ áp đặt thêm trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu, chẳng hạn như hạn chế tiếp cận công nghệ bán dẫn. Đại sứ Tạ Phong cho biết Trung Quốc “không muốn một cuộc chiến thương mại hay công nghệ” nhưng “sẽ không nao núng trước những hành động khiêu khích.” Tuần trước, ông Tạ đã thảo luận các vấn đề an ninh với các quan chức Mỹ tại một cuộc họp hiếm hoi ở Lầu Năm Góc.

Các bác sĩ có thâm niên ở Anh đã bắt đầu cuộc đình công kéo dài 48 giờ, lần đầu tiên trong mười năm qua. Hôm thứ Hai, Hiệp hội Y tế Anh đã từ chối đề nghị tăng lương 6% của chính phủ, vì cho rằng nó không đủ bù đắp cho lạm phát. Động thái này theo sau cuộc đình công kéo dài 5 ngày của các bác sĩ trẻ, vốn kết thúc vào thứ Ba. Ước tính có khoảng 600.000 cuộc hẹn y tế đã bị ảnh hưởng bởi đình công gần đây.

Uỷ viên khí hậu EU Frans Timmermans tuyên bố sẽ từ chức và trở lại chính trường ở quê hương Hà Lan. Ông Timmermans, người phụ trách Thỏa thuận xanh châu Âu và dẫn đầu các cuộc đàm phán về khí hậu của EU, sẽ tranh cử với tấm vé kết hợp giữa đảng Lao động và Cánh tả Xanh trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Thủ tướng hiện tại, Mark Rutte, sẽ rời bỏ chính trường sau khi chính phủ của ông sụp đổ hồi tháng 6.

Theo Ủy ban Nhân quyền Kenya, một tổ chức phi chính phủ, một số người đã bị cảnh sát bắn và có thể bị giết trong các cuộc biểu tình ở Kenya. Hàng nghìn người đã xuống đường trên khắp đất nước vào thứ Tư để phản đối chi phí sinh hoạt tăng cao. Các cuộc biểu tình — dự kiến kéo dài đến thứ Sáu — được kêu gọi bởi phe đối lập sau khi tổng thống William Ruto, đưa ra các loại thuế mới vào tháng 6.

Giải bóng đá World Cup nữ đã khai mạc tại Auckland, thành phố lớn nhất New Zealand, trước sự chứng kiến của 42.000 người. Trong trận thắng đầu tiên ở World Cup, đội chủ nhà đã đánh bại Na Uy với tỷ số 1-0 trong trận mở màn. Trước khi trận đấu bắt đầu, đám đông đã dành một phút mặc niệm cho ba người thiệt mạng và mười người bị thương bởi một tay súng vài giờ trước khi trận đấu bắt đầu.

Con số trong ngày: 777.000, là số trẻ sinh ra bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm trong năm 2018.

TIÊU ĐIỂM

Kinh tế Nga có dấu hiệu lạm phát

Khi đồng rúp sụp đổ sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2 năm ngoái, ngân hàng trung ương Nga đã nhanh chóng tăng gấp đôi lãi suất. Kế hoạch thành công như ý, giúp lấy lại niềm tin vào hệ thống ngân hàng và tiền tệ, và ngân hàng đã có thể cắt giảm lãi suất trong những tháng sau đó. Nhưng có vẻ như họ sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào thứ Sáu, từ 7,5% lên 8%.

Quyết định này một phần phản ánh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Nga. Chính phủ đang phải chịu thâm hụt ngân sách lớn, làm tăng tổng cầu và do đó tạo ra lạm phát trong nước. Song ngân hàng trung ương cũng đang cố gắng nâng đỡ đồng rúp. Trừng phạt của phương Tây đã gây khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa của Nga – khiến tài khoản vãng lai bị thâm hụt vào tháng 6 – trong khi tốc độ tháo chạy vốn tiếp tục tăng khi giới nhà giàu Nga tìm cách rút tiền khỏi đất nước. Hậu quả là áp lực lên đồng tiền, khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Nga đã đi qua những hỗn loạn của tháng 2 năm 2022, nhưng vẫn còn đó những điểm yếu.

Nhật Bản quyết không tăng lãi suất

Trong nhiều thập niên qua, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản luôn phải vật lộn với giảm phát, mà họ tin rằng làm kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Nhưng trong năm qua họ đối mặt với thứ ngược lại: lạm phát. Dữ liệu công bố vào thứ Sáu có thể sẽ cho thấy lạm phát theo năm vẫn đạt khoảng 3,2% trong tháng 6, mức cao nhất trong gần mười năm qua. Như vậy lạm phát đã vượt quá mục tiêu 2% của Ngân hàng Nhật Bản trong tháng thứ 15 liên tiếp.

Tuy vậy khi nhóm họp vào tuần tới để thiết lập lãi suất, ngân hàng trung ương nhiều khả năng sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của mình. Họ tin rằng giá cả tăng do chi phí thực phẩm và điện tăng chỉ là tạm thời. Ueda Kazuo, thống đốc mới được bổ nhiệm, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải kiên nhẫn, nói rằng ông sẽ chỉ xem xét thắt chặt khi lạm phát xuất phát từ nhu cầu trong nước và tăng lương. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy điều đó. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, tiền lương trong tháng 5 thậm chí giảm 1,2% — mức giảm theo tháng thứ 14 liên tiếp.

Algeria muốn gia nhập BRICS

Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune sẽ rời Trung Quốc vào thứ Sáu với nụ cười trên môi. Trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 5 ngày vừa qua, ông đã nhận được ủng hộ từ chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về nguyện vọng gia nhập BRICS, một diễn đàn dành cho các cường quốc mới nổi. Khối này, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, sẽ thảo luận về việc đón thêm thành viên tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 8.

Trong số các nước BRICS, không chỉ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Algeria, tán thành tham vọng của ông Tebboune. Tháng trước, ông đã gặp tổng thống Nga Vladimir Putin và nhận được những đảm bảo tương tự. Nhưng động thái của Algeria khiến các nhà quan sát phương Tây lo lắng. Quốc gia này là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Phi; và kể từ cuộc xâm lược Ukraine, châu Âu đã dùng khí đốt của Algeria để thay thế cho nhiên liệu từ Nga. Ông Tebboune cho rằng việc xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với BRICS sẽ giúp đa dạng hóa và thúc đẩy nền kinh tế xơ cứng của Algeria. Ông không phải là người duy nhất nghĩ như vậy: 21 quốc gia khác đã gửi hồ sơ xin gia nhập.

Mỹ học từ tài ứng biến của người Ukraine trong chiến tranh

Trong những ngày qua, các đơn vị Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã bắn đạn sơn và hoàn thành đổ bộ lên các bãi biển của đảo Okinawa, Nhật Bản. Lính Mỹ cũng đã lắp ráp các robot giá rẻ để vận chuyển đạn dược và đưa binh sĩ bị thương khỏi các bãi mìn. Những robot này được hàn máy từ các mảnh thép, đường ray xe trượt tuyết, motor cửa ga-ra, tấm pin mặt trời và cả các bộ phận in 3D. Nếu chiến thuật nghe có vẻ quen thuộc, thì đó là bởi vì cuộc tập trận, kết thúc vào thứ Sáu, được truyền cảm hứng bởi Ukraine.

Với những cuộc tập trận như vậy, bộ quốc phòng muốn truyền đạt cho lính Mỹ sự tháo vát trong thời chiến của Ukraine. Ví dụ, ở Ukraine, các xưởng bí mật đang in 3D vỏ “bom kẹo” để chứa chất nổ và ổ bi. Một số loại vũ khí tạm thời do máy bay không người lái thả xuống này có thể xuyên thủng cả thiết giáp. Lầu Năm Góc dự kiến sẽ thử bom kẹo của riêng mình tại một bãi thử ở Hawaii.