Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Giới chức Nga thông báo đã xét nghiệm DNA để xác nhận trùm Wagner Yevgeny Prigozhin thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay tư nhân hôm 23/8. Họ cho biết thi thể của tất cả 10 người trên tàu bay đã được nhận dạng và trùng khớp với danh sách hành khách ban đầu. Ông Prigozhin từng chỉ đạo một cuộc nổi loạn ngắn hồi mùa hè, và nhiều nhà quan sát phương Tây tin rằng Điện Kremlin đã dàn dựng vụ tai nạn – dù Moscow phủ nhận.
Chính phủ Ấn Độ áp giá tối thiểu đối với gạo basmati xuất khẩu, đánh dấu biện pháp mới nhất trong một loạt các hạn chế gây biến động mạnh trên thị trường gạo toàn cầu. Ấn Độ, quốc gia chiếm khoảng 40% tổng lượng xuất khẩu gạo hàng năm của thế giới, đã cấm xuất khẩu các loại gạo trắng không phải basmati từ tháng 7 do lo ngại mưa gió mùa bất thường làm giảm sản lượng. Hậu quả là giá gạo toàn cầu tăng đột biến.
Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc báo lỗ 33 tỷ nhân dân tệ (4,5 tỷ USD) trong sáu tháng đầu năm 2023 – gần bằng một nửa so với mức lỗ cùng kỳ năm ngoái. Hồi đầu tháng 8, Evergrande đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở New York để tự bảo vệ khỏi các chủ nợ Mỹ. Công ty này vỡ nợ từ năm 2021 do bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc.
Chính quyền Nhật Bản cho biết các thử nghiệm đều không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy có chất phóng xạ trong nước biển xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Hôm thứ Năm, Nhật Bản đã bắt đầu xả nước thải từ nhà máy từng bị nóng chảy vì sóng thần năm 2011. Động thái này đã tạo ra tranh cãi dữ dội với Trung Quốc, nước cáo buộc Nhật Bản coi đại dương như “cống thoát nước” của riêng mình và cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật.
Ba lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng do rơi trực thăng trong cuộc tập trận ngoài khơi miền bắc Australia. Ngoài ra còn có 20 người bị thương và 5 người bị thương nặng. Vụ việc xảy ra trong cuộc huấn luyện có sự tham gia của quân đội Australia, Mỹ, Đông Timor, Indonesia và Philippines. Còn nhớ hôm 29 tháng 7, bốn binh sĩ Úc cũng thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng khi tập trận chung với Mỹ.
Lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc giảm tháng thứ bảy liên tiếp, tuột 6,7% so với cùng kỳ trong tháng 7. Sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng bởi mưa lớn ở nhiều nơi trên cả nước. Các công ty cũng bị giảm đơn hàng vì tăng trưởng kinh tế chậm lại. Số liệu trên bao gồm các công ty có doanh thu hàng năm ít nhất 20 triệu nhân dân tệ (2,8 triệu USD).
Chiến dịch tranh cử của Donald Trump đã huy động được 7,1 triệu USD kể từ tối thứ Năm, ngày ông ra trình diện ở Georgia vì bị buộc tội âm mưu lật ngược kết quả bầu cử tổng thống 2020. Con số này chủ yếu đến từ doanh thu bán các sản phẩm có hình chụp nhà tù của ông (chỉ riêng thứ Sáu chiến dịch của ông đã huy động được 4 triệu đô la). Ảnh chụp của ông Trump đã được dán trên cốc và áo phông, với lời chú thích “KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC!”
Con số trong ngày: 35-40%, là tỷ lệ máy bay không người lái của Ukraine vượt qua được hệ thống phòng thủ của Nga và tiến đến sát mục tiêu.
TIÊU ĐIỂM
Ba năm chính sách “ba lằn ranh đỏ” ở Trung Quốc
Khi chính sách “ba lằn ranh đỏ” của Trung Quốc được ban hành từ ngày 1 tháng 9 năm 2020, ít ai có thể lường trước được quy mô thiệt hại nó gây ra cho toàn ngành bất động sản. Ba lằn ranh này bao gồm nghĩa vụ nợ không được vượt quá 70% tài sản; nợ ròng không được lớn hơn vốn sở hữu; và tiền mặt không được ít hơn tổng vay ngắn hạn. Mục đích của chúng là để xì hơi quả bong bóng bất động sản đã phồng lên trong nhiều năm qua.
Tuần này đánh dấu ba năm chính sách này có hiệu lực, và cơn địa chấn nó gây ra cho lĩnh vực bất động sản vẫn còn được cảm nhận rõ. Ngày càng có nhiều người Trung Quốc chọn không mua nhà vì không cho rằng giá sẽ tăng. Doanh số bán căn hộ thương mại trong tháng 7 giảm 43% so với tháng trước, và số thành phố lớn có giá nhà giảm trong tháng 7 cao hơn so với số thành phố lớn có giá nhà tăng. Rất nhiều hãng bất động sản đã vỡ nợ, và ngay cả Country Garden, một trong những công ty lớn nhất Trung Quốc, cũng đang có dấu hiệu lung lay. Nếu tập đoàn này không đáp ứng được nghĩa vụ nợ vào đầu tháng 9, cuộc khủng hoảng toàn ngành sẽ chỉ càng trở nên tồi tệ.
Bê bối trong chính giới Los Angeles
Lại thêm một chính trị gia nữa của Los Angeles (LA) phải ra tòa. Vào thứ Hai, Curren Price, một ủy viên hội đồng thành phố, sẽ bị buộc tội tham ô, khai man và xung đột lợi ích. Ông bị buộc tội bỏ phiếu cho các dự án mà ông có lợi ích tài chính, và lãnh trợ cấp y tế cho một người phụ nữ chưa phải là vợ ông ta. Ông Price là thành viên thứ tư của hội đồng thành phố phải chịu cáo buộc hình sự trong bốn năm gần đây.
Vụ bê bối xảy ra đúng lúc các lãnh đạo LA phải tập trung vào các vấn đề của thành phố thay vì túi tiền của chính họ. Thành phố lớn thứ hai nước Mỹ đang trải qua cuộc đình công của giới biên kịch và diễn viên Hollywood, bên cạnh tình trạng vô gia cư tăng và dân số suy thoái. Các ước tính gần đây cho thấy Quận LA có thể mất 1,7 triệu dân, tương đương gần 18% dân số năm 2020, cho tới năm 2060. LA cần tìm cách thuyết phục người dân không di cư đi, và dọn dẹp tòa thị chính sẽ là một bước đi cần thiết.
Tranh cãi về tự do học thuật ở Ấn Độ
Tranh cãi dữ dội bùng nổ ở Đại học Ashoka, một trong những trường nghệ thuật tự do hàng đầu của Ấn Độ, về tự do học thuật. Câu chuyện bắt đầu từ cuối tháng 7, sau khi một giáo sư kinh tế công bố dự thảo nghiên cứu trình bày bằng chứng cho thấy Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền đã thao túng kết quả tổng tuyển cử năm 2019. Ông ngay lập tức bị những người ủng hộ BJP tấn công trên mạng xã hội. Lãnh đạo của trường Ashoka đã vội vàng lên án bài báo, chỉ ra rằng nó không phản ánh quan điểm của họ và chưa được bình duyệt.
Tác giả bài viết đã từ chức; và một giáo sư khác cũng nghỉ việc để bày tỏ sự đoàn kết. Các giáo sư trong khoa kinh tế và nhiều cơ quan khác đã yêu cầu Ashoka tuyển dụng lại đồng nghiệp của họ và ngừng can thiệp vào nghiên cứu của các học giả, nếu không sẽ đối mặt với đình công hàng loạt khi học kỳ bắt đầu. Nhiều học giả từ khắp Ấn Độ cũng lên tiếng ủng hộ tác giả. Nhiều người cho rằng phản ứng của lãnh đạo trường là thiếu sót – dù họ tuyên bố các nhà nghiên cứu có thể làm việc mà không bị cản trở và đã cố gắng ngăn tác giả từ chức. Khi các sinh viên quay trở lại học kỳ, bóng tối chính trị tiếp tục bao trùm lên Ashoka.
Tỉ lệ nghỉ học và học tại nhà ở Mỹ tăng
Khi trẻ em Mỹ bắt đầu năm học mới, một số lớp học có thể vắng hơn bình thường. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Stanford cho thấy trong năm học 2021-22, 28% học sinh đã nghỉ học ít nhất ba tuần rưỡi. “Vắng mặt thường xuyên” — khi một học sinh nghỉ học 10% thời gian trong năm — đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2018-19 đến năm 2021-22.
Thậm chí nhiều sinh viên dường như đã chọn nghỉ hoàn toàn. Tỷ lệ tuyển sinh vào trường công giảm 2,5% (khoảng 1,2 triệu học sinh) từ mùa thu năm 2019 đến mùa thu năm 2021; trong khi đó, học tại nhà lại tăng 30%. Có vẻ như một số học sinh hoặc phụ huynh không còn nghĩ rằng giảng dạy trực tiếp là cần thiết sau khi họ được trải nghiệm dạy học tại nhà trong thời kỳ đại dịch.
Song đến trường là rất quan trọng vì trẻ bỏ học thường có kết quả học tập kém hơn. Do đó, các nhà giáo dục đang cố gắng đưa trẻ quay lại trường. Chẳng hạn, trường Chicago Collegiate đang trao phần thưởng cho học sinh và tổ chức tiệc pizza. Một số giáo viên thậm chí đến thăm nhà để động viên các em đến trường.