Thế giới hôm nay: 12/08/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland cho biết bộ đã yêu cầu một thẩm phán ở Florida công bố công khai trát được dùng để khám xét nhà riêng của Donald Trump. Ông Garland cũng xác nhận chính ông đã đích thân thông qua quyết định khám xét, chấm dứt những suy đoán xoay quanh việc người nào đã phê chuẩn lệnh khám xét tại Mar-a-Lago. Quyết định của ông bị phe Cộng hòa phản đối kịch liệt, và họ đã cam kết sẽ điều tra bộ tư pháp nếu giành được Hạ viện trong cuộc bầu cử tháng 11.

Bảy quốc gia châu Âu đang điều động viện trợ để giúp Pháp đối phó cháy rừng. Tới nay trận hỏa hoạn gần thành phố Bordeaux đã kéo dài sang ngày thứ ba, phá hủy 7.000 ha rừng và buộc hàng nghìn người phải sơ tán. Hiện Pháp đang trải qua đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử.

Các thị trường chứng khoán châu Âu tăng theo thị trường Mỹ sau thông tin lạm phát hạ nhiệt ở Mỹ. Chỉ số S&P 500 đang giao dịch ở mức cao nhất ba tháng vì nhà đầu tư đặt cược Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Trong khi đó Nasdaq tăng gần 3% và đóng cửa cao hơn 20% so với mức đáy giữa tháng 6. Ngoài ra chứng khoán châu Á cũng tăng trong phiên giao dịch đầu ngày thứ Năm.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hứa cung cấp một gói hỗ trợ tài chính mới cho công dân gặp khó khăn vì khủng hoảng năng lượng. Phát biểu tại họp báo, ông Scholz cũng cho biết ông ủng hộ ý tưởng xây dựng một đường ống mới nối Bồ Đào Nha với Tây Ban Nha và Pháp. Đa dạng hóa nguồn cung khí đốt đã trở thành ưu tiên hàng đầu khi châu Âu nỗ lực giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga.

EstoniaLatvia đồng loạt rời bỏ diễn đàn các nước Trung và Đông Âu do Trung Quốc tổ chức, qua đó giáng một đòn mạnh vào các nỗ lực ngoại giao của Bắc Kinh trong khu vực. Lý do được cho là vì hai nước này không ủng hộ tuyên bố “tình hữu nghị không giới hạn” với Nga của Trung Quốc. Diễn đàn này, được gọi là 17 + 1, hiện chỉ còn 14 + 1 vì Lithuania cũng đã rút lui vào năm ngoái.

Trung QuốcHàn Quốc lại tranh cãi vì một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Bắc Kinh tuyên bố radar của hệ thống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc có thể được dùng để do thám nước họ, và yêu cầu Seoul hạn chế sử dụng. Hàn Quốc nói hệ thống này là thiết yếu để phòng thủ trước Triều Tiên. Lần tranh cãi trước đó hồi năm 2016 từng khiến Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc.

Ít nhất 21 dân thường và 6 sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng ở Sierra Leone trong bối cảnh biểu tình lớn vì chính phủ không giải quyết được chi phí sinh hoạt tăng cao. Được biết cảnh sát đã xịt hơi cay vào đám đông, trong khi người biểu tình ném đá và đốt lốp xe. Một sĩ quan cảnh sát thậm chí đã xả súng vào đoàn người biểu tình. Lệnh giới nghiêm toàn quốc được đưa ra hôm thứ Tư tiếp tục có hiệu lực.

Con số trong ngày: 29%, là tỉ lệ gia tăng tội phạm bạo lực súng đạn ở các bang của Mỹ đã bãi bỏ quy định về quyền mang súng.

TIÊU ĐIỂM

Quốc hội Mỹ sắp thông qua dự luật quan trọng của Biden

Thứ Sáu này Hạ viện Mỹ dự kiến thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA), một đạo luật lớn sẽ tăng một số loại thuế, giảm chi phí y tế và, quan trọng nhất, là mở ra một loạt các khoản đầu tư chống biến đổi khí hậu. Nhìn chung, IRA sẽ tạo ra hơn 700 tỷ đô la từ tăng thu thuế và tiết kiệm y tế cho chính phủ, với phần lớn được chuyển vào năng lượng sạch.

Một phiên bản trước đó của dự luật, mang tên Xây dựng lại Tốt hơn trị giá 3,5 nghìn tỷ đô la, đã bị cản trở bởi Joe Manchin, một thượng nghị sĩ Dân chủ có khuynh hướng bảo thủ từ Tây Virginia. Nhưng thỏa thuận đầy bất ngờ vào phút cuối giữa ông Manchin và các lãnh đạo đảng đã tạo ra một phiên bản nhỏ hơn. Để có thể được thông qua bởi một Thượng viện bị chia rẽ, một số điều khoản đã bị thu nhỏ.

Ngoài ra, các nhà lập pháp cũng đổi tên dự luật để xoa dịu nỗi lo lạm phát của người Mỹ, dù về bản chất nó không liên quan nhiều đến lạm phát. IRA không hoàn hảo – nhưng hoàn toàn cần thiết. Suốt nhiều năm qua Mỹ đã liên tục cảnh báo về biến đổi khí hậu nhưng không thể làm được gì nhiều. Dù không bằng đạo luật gốc Xây dựng lại Tốt hơn, nhưng có IRA vẫn hơn là không có gì.

Kinh tế Nga bị thiệt hại vì trừng phạt, nhưng xuất khẩu nhiên liệu không bị ảnh hưởng nhiều

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga rõ ràng có gây ra thiệt hại, nhưng không đủ khiến Điện Kremlin phải suy nghĩ lại. Số liệu GDP được công bố vào thứ Sáu của Nga sẽ cho thấy quy mô thiệt hại cụ thể ra sao.

Dữ liệu chính thức khó có thể lệch nhiều so với ước tính của Viện VEB, một ngân hàng phát triển thuộc sở hữu nhà nước của Nga; theo đó nền kinh tế tiếp tục suy giảm trong tháng 6. Họ cũng dự đoán GDP giảm 5,7% trong quý hai năm 2022 so với quý đầu năm.

Con số này không tệ như cú sốc covid, nhưng gần như chắc chắn sẽ âm ỉ lâu dài hơn. Nó có quy mô tương đương với khủng hoảng tài chính 2008-09. Nhưng một số ngành có thể đã chạm đáy. Sản lượng công nghiệp có tăng nhẹ trong tháng 6, trong khi khai thác tài nguyên phục hồi mạnh mẽ; cho đến nay các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu nhiên liệu của Nga không có nhiều tác dụng. Do đó nếu muốn đánh sập nền kinh tế của Vladimir Putin, phương Tây sẽ phải tăng trừng phạt hơn nữa.

Anh đối mặt khủng hoảng giá sinh hoạt

Tin tức duy nhất đủ sức cạnh tranh với nhiệt độ kỷ lục ở Anh vào lúc này là nền kinh tế rối loạn chức năng của đất nước. Đình công vẫn tiếp diễn, nhưng vấn đề nổi cộm nhất là chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao. Tuần trước Ngân hàng Trung ương Anh đã dự đoán lạm phát năm sẽ tăng lên hơn 13% trong tháng 10. Ít nhất một nửa của con số này đến từ việc giá điện, khí đốt và xăng dầu tăng cao. Hóa đơn năm của một hộ gia đình trung bình dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ khoảng 2.000 bảng Anh (2.400 đô la) hiện nay lên 4.400 bảng Anh vào tháng 4 tới. Tâm trạng u ám khó có thể dịu đi vào thứ Sáu khi số liệu GDP quý hai được công bố, bên cạnh một loạt các dữ liệu kinh tế khác.

Có thể tìm thấy sự an ủi nào đó trong kỳ vọng ngày càng tăng là cuộc suy thoái hiện tại không nghiêm trọng như khủng hoảng tài chính toàn cầu hay đại dịch covid-19. Nhưng không có gì đảm bảo cho khả năng Anh thoát ra khỏi khó khăn kinh tế dài hạn của mình.

Hồng Kông giảm thời gian cách ly người nhập cảnh

Hồng Kông đã bị cô lập với thế giới bên ngoài quá lâu, đến nỗi người dân nói đùa rằng họ bị mắc hội chứng Stockholm: tức hội chứng biết ơn kẻ bắt cóc mình. Vì vậy, nhiều người sẽ thấy nhẹ nhõm khi chính phủ thông báo giảm số ngày cách ly đối với người nhập cảnh xuống còn ba ngày từ mức một tuần— và ba tuần trước đó – từ thứ Sáu. Song bấy nhiêu là chưa đủ để thuyết phục khách du lịch và doanh nhân quay trở lại. Với thế giới rộng lớn ngoài kia, tại sao phải chịu đựng ba ngày bị giam cầm?

Việc duy trì các yêu cầu nhập cảnh ngày càng trở nên khó hiểu kể từ khi Hồng Kông trải qua đợt bùng dịch covid-19 trong năm nay, mà có thể đã lây nhiễm cho một nửa dân số 7,3 triệu của thành phố. Hiện thành phổ ghi nhận khoảng 4.000 ca bệnh mới mỗi ngày, và hầu như không hạn chế đi lại của người dân địa phương — khác hoàn toàn chính sách zero covid của Trung Quốc đại lục. Hậu quả của chính sách cách ly nhập cảnh là gì? Không rõ. Nhưng vào thứ Sáu Hồng Kông sẽ xác nhận nhiều quý liên tiếp suy thoái GDP.