Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Hội nghị thượng đỉnh New Delhi của Nhóm G20 vừa bế mạc trong tình hình các bên bất đồng nghiêm trọng và thế giới bên ngoài không thuận lợi, cuối cùng đã thông qua bản tuyên bố chung thể hiện nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế về đoàn kết và hợp tác, cùng nhau vượt qua khó khăn và gác lại một số bất đồng nghiêm trọng. Thế nhưng, chuyến đi của Tổng thống Mỹ Biden sau khi rời New Delhi lại kéo mọi người về đến thực tế chính trị quốc tế phức tạp và thô ráp hơn. Ngày 10 tháng 9, Biden đến Hà Nội, Việt Nam, bắt đầu chuyến thăm ngắn ngủi đã được bàn tán ầm ĩ, người dưng nước lã cũng đều biết.
Kể từ khi quan hệ Mỹ-Việt bình thường hóa vào năm 1995, tất cả các Tổng thống Mỹ đương nhiệm đều đến thăm Việt Nam. Có thể coi điều đó là một kiểu trọng thị nào đấy của Washington đối với Việt Nam, nhưng trước đây chưa bao giờ như lần này, bộc lộ hết mức thái độ lợi dụng và thiếu tôn trọng Việt Nam của Washington. Coi trọng là coi trọng, nhưng nó không thể được đánh đồng với tôn trọng, “coi trọng” với những mưu đồ riêng thực ra là biến quốc gia đối tượng thành công cụ và là sự miệt thị căn bản đối với mối quan hệ bình đẳng và cùng có lợi. Chính truyền thông Mỹ và phương Tây đã lôi sự việc này ra ánh sáng.
Kể từ khi tin Biden sẽ đi Việt Nam được tung ra cho tới nay, nhiều phương tiện truyền thông Mỹ và phương Tây đã xôn xao ầm ĩ suốt hơn nửa tháng, nhưng hầu như có thể nói tất cả các bản tin và bình luận đều “trăm bài như một”. Một số cơ quan truyền thông nói thẳng ngay tại tiêu đề rằng “Biden đến Việt Nam là cố gắng mới nhất để chống lại Trung Quốc”. Đây là một hiện tượng bất thường đối với sàn diễn ồn ào nhộn nhạo của dư luận Mỹ và phương Tây, nhưng tự nó đã hé lộ sự thật không mấy sáng sủa về chuyến thăm Việt Nam của Biden. Đây là lời nhắc nhở mạnh mẽ và liên tục mà dư luận Mỹ và phương Tây vô tình mang lại cho Việt Nam.
Trước hết, Biden không vì Việt Nam mà đến Việt Nam, như đài Phát thanh Quốc tế Pháp đã nói, các hoạt động ngoại giao ở châu Á của Biden đều xoay quanh một trung tâm là “chống lại nước lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc)”. Nói cho đến cùng, đó vẫn là chuyện chơi trò địa chính trị, coi Việt Nam là phạm vi thế lực nước lớn để tranh giành. Sự định vị của Washington đối với Việt Nam rất rõ ràng, đó là cái “quốc gia bản lề [摇摆国]” như cách nói của Điều phối viên Nhà Trắng về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell. Nói cách khác, theo họ nhìn nhận thì, đối với Mỹ, hơn thế nữa, Việt Nam có “giá trị có tính công cụ” để đối phó với Trung Quốc.
Thứ hai, cái mà Biden rao bán cho Việt Nam là thứ Việt Nam không muốn và cũng không phù hợp với lợi ích quốc gia của Việt Nam, như một học giả Mỹ nói: “So với Hà Nội thì Washington càng hăng hái chấp nhận rủi ro làm cho Bắc Kinh cảm thấy bất an”. Nói ngược lại, truyền thông Mỹ và phương Tây đã bàn luận lâu như thế nhưng trên vấn đề chuyến thăm của Biden có thể mang lại cho Việt Nam những lợi ích thực tế hoặc điều gì tốt đẹp thì chẳng ai nói được một vài điều cho ra nhẽ; trên một mức độ nhất định, đó thực ra cũng là chuyện “Không có gạo, khéo mấy cũng chẳng thành cơm”.
Dư luận Mỹ, phương Tây và Washington không quan tâm đến lợi ích quốc gia của Việt Nam, điều họ thực sự quan tâm là làm thế nào để Việt Nam “rơi vào vòng tay của Mỹ”. Bỗng dưng bài viết trên tạp chí “Nhà ngoại giao” của Mỹ lấy tiêu đề là “Đã đến lúc Việt Nam phải lựa chọn”. Dù đã biết rõ Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác không muốn và đã luôn cố gắng hết sức để tránh chọn phe giữa Trung Quốc với Mỹ nhưng dư luận Mỹ và Washington vẫn tiếp tục không ngừng thúc đẩy theo hướng này, gây sức ép, cám dỗ, thậm chí ép buộc. Đó là hoạt động ngoại giao mà nước Mỹ thực thi cụ thể và ép buộc đối với các quốc gia chủ quyền có ý chí độc lập.
Một trong những mối quan tâm lớn nhất trong chuyến thăm của Biden là nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, theo cách nói của truyền thông Mỹ, điều đó sẽ khiến “Washington ngồi ngang hàng với Bắc Kinh và Moskva trong hệ thống thứ bậc ngoại giao của Hà Nội”. Dư luận Mỹ phổ biến tin rằng điều này sẽ khơi dậy sự cảnh giác của Trung Quốc. Nếu không có tâm địa gì xấu xa thì khi phát triển quan hệ song phương với Việt Nam, vì sao Mỹ sao phải lo ngại Trung Quốc không vui hay tức giận? Trung Quốc không có thói quen can thiệp vào hoạt động ngoại giao của nước khác, cũng vui mừng khi thấy các nước chung sống hòa hợp, hợp tác cùng có lợi, nhưng nếu anh giở trò câu kết chống lại Trung Quốc thì Trung Quốc không thể bỏ qua.
Cách đây không lâu, trong buổi tiếp Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu đến thăm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại rằng phát triển quan hệ với Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn được coi là ưu tiên hàng đầu. Việc Việt Nam mong muốn duy trì sự cân bằng trong quan hệ với hai nước lớn Trung Quốc và Mỹ là điều có thể hiểu được và không thể chê trách, nhưng những gì Mỹ đang làm hiện nay chẳng khác nào giật mất cây sào giữ thăng bằng ra khỏi tay Việt Nam [khi đi trên dây], hoặc thổi luồng gió ngược khiến Việt Nam không thể giữ được thế cân bằng, điều này đúng là đòi hỏi Việt Nam phải đặc biệt thận trọng.
Chúng tôi cũng nhận thấy trong thông cáo báo chí tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương, Việt Nam có kêu gọi Washington “không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có những hành động vi phạm luật pháp quốc tế để làm phức tạp thêm tình hình, và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình”. Điều này một mặt giải thích Hà Nội không muốn làm kẻ cốc mò cò xơi cho Washington, mặt khác cũng cho thấy các nước trong khu vực đã nhận thức rõ và hết sức cảnh giác đối với tính nguy hiểm của Washington.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Trung trên Thời báo Hoàn cầu, ngày 10/09/2023.