Tác giả: Hùng Nguyễn
Thời gian vừa qua, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines trở lên căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ đụng độ trực tiếp dẫn đến đối đầu quân sự. Mới đây nhất, ngày 4/10, Trung Quốc đã triển khai tàu Hải cảnh ngăn chặn quân đội Philippines tiếp tế cho binh lính đồn trú trên Bãi Cỏ Mây bằng cách di chuyển cắt mũi tàu tuần tra BRP Sindangan của Philippines ở khoảng cách 4 mét, khiến tàu này buộc phải đảo chiều động cơ để tránh đâm vào tàu Trung Quốc. Trước đó vào ngày 5/8, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã tiến hành xịt vòi rồng vào tàu của Philippines để ngăn chặn hoạt động tiếp tế tại đây.
Tại địa điểm khác trên Biển Đông là Bãi cạn Scarborough, hai bên đã có những cuộc đối đầu gay gắt. Đáng chú ý, ngày 20/9 Trung Quốc thả dây phao tại bãi cạn Scarborough để ngăn ngư dân Philippines tiến vào khu vực tranh chấp. Năm ngày sau, Philippines đã đáp trả bằng một chiến dịch táo bạo khi một đội thợ lặn của Cảnh sát Biển Philippines đóng giả làm ngư dân, dùng thuyền gỗ nhỏ bí mật vượt qua được sự giám sát của tàu Hải cảnh Trung Quốc để lặn xuống và dùng dao cắt đứt dây phao.
Có nhiều lý giải cho việc Trung Quốc chủ động đẩy cao căng thẳng với Philippines trên Biển Đông. Một phần do chính sách cứng rắn với Trung Quốc của tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, đồng thời xích lại gần hơn với Mỹ thông qua việc công bố thêm 4 địa điểm mới mà quân đội Mỹ được tiếp cận trong khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao giữa hai nước. Tuy nhiên, những căng thẳng này cũng có thể được lý giải bởi “truyền thống” của Trung Quốc là khi tình hình chính trị nội bộ bất ổn, giới lãnh đạo Trung Quốc có khuynh hướng đẩy căng thẳng với bên ngoài để xoa dịu các bất ổn bên trong.
Trở lại thời điểm đầu năm 2012, khi đó Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 18 và chuyển giao quyền lực từ Hồ Cẩm Đào sang Tập Cận Bình, đây là quãng thời gian đặc biệt nhạy cảm khi Trung Quốc muốn duy trì ổn định nội bộ để quá trình chuyển tiếp quyền lực được êm đẹp. Tuy nhiên, vào thời gian này Trung Quốc đã xảy ra vụ bê bối chính trị tồi tệ nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn. Tháng 2/2012, Giám đốc công an tỉnh Trùng Khánh là Vương Lập Quân chạy trốn đến Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô xin tị nạn và tiết lộ việc bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai – bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh – là hung thủ sát hại doanh nhân người Anh là ông Neil Heywood. Tiến trình điều tra sau đó đã dẫn đến việc cách chức và bỏ tù Bạc Hy Lai. Cũng trong thời gian này Bắc Kinh đã chủ động gây hấn với Philippines tại Bãi cạn Scarborough, cuộc đối đầu căng thẳng trên thực địa kéo dài 10 tuần, kết hợp đối đầu về ngoại giao, kinh tế đã khiến Philippines bỏ cuộc, rút hết các tàu quân sự và mất quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough đến tận ngày nay.
Bối cảnh hiện nay cũng tương tự năm 2012 khi Trung Quốc đang gặp những khó khăn đáng kể về chính trị nội bộ. Vấn đề nhân sự cao cấp của Trung Quốc đã có sự xáo trộn nghiêm trọng trong khi nhiệm kỳ Đại hội Đảng 20 mới diễn ra được một năm. Điển hình là việc Trung Quốc cách chức ngoại trưởng Tần Cương, khiến ông Vương Nghị phải quay trở lại Bộ Ngoại Giao chỉ đúng 7 tháng sau khi chính Vương Nghị bàn giao lại chức vụ này cho Tần Cương, cho thấy sự bế tắc nhân sự trong ngành ngoại giao Trung Quốc.
Trên lĩnh vực quốc phòng, cuộc khủng hoảng nhân sự còn nghiêm trọng và rộng lớn hơn với việc Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã hoàn toàn “biến mất” trên chính trường Trung Quốc. Nguyên nhân theo nguồn tin của Reuters cho biết ông Lý Thượng Phúc cùng 8 quan chức cao cấp trong Cục Hậu cần của quân đội Trung Quốc đang bị điều tra tội tham nhũng. Ở cấp độ thấp hơn, lãnh đạo lực lượng tên lửa chiến lược là Tư lệnh Lý Ngọc Siêu và Chính ủy Từ Trung Ba đã đồng loạt bị thay thế. Đáng chú ý, hai nhân vật thay thế hoàn toàn không xuất thân từ lĩnh vực tên lửa, cụ thể tân tư lệnh Vương Hậu từng là Phó Tư lệnh Hải quân, còn tân chính ủy Từ Tây Thịnh là chính ủy chiến khu miền Nam. Sự “thay tướng” triệt để này cho thấy sự thiếu tin tưởng của Đảng đối với nội bộ binh chủng tên lửa, một binh chủng chiến lược có nhiệm vụ phụ trách kho tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.
Ngoài những biến động nhân sự cấp cao nhất trong ngành ngoại giao và quốc phòng, chính phủ Trung Quốc được cho là phải đối mặt với sức ép từ các lãnh đạo cao cấp về hưu. Trong một nền chính trị coi trọng tuổi tác và thứ bậc như Trung Quốc thì ý kiến của các bậc lão thành có thể gây ra một sức ép đáng kể đến quyết sách của các nhà lãnh đạo đương nhiệm.
Theo các nguồn thạo tin tiết lộ với tờ Nikkei Asia cho biết tại cuộc họp bí mật Bắc Đới Hà vừa qua, ông Tập Cận Bình đã bị các lãnh đạo lão thành chỉ trích vì tình hình hiện tại khó khăn của đất nước. Trước hội nghị Bắc Đới Hà, các đảng viên lão thành đã triệu tập một cuộc họp riêng ở ngoại ô Bắc Kinh để thống nhất ý kiến, sau đó cử 3 đại diện lão thành là Tăng Khánh Hồng, Trì Hạo Điền và Trương Đức Giang đến hội nghị Bắc Đới Hà để trình bày ý kiến với ông Tập Cận Bình. Các nhà cựu lãnh đạo cho rằng Trung Quốc đang ở trong tình trạng hỗn loạn chính trị, kinh tế và xã hội; nếu tình hình không được cải thiện thì Đảng có thể mất đi sự ủng hộ của công chúng, gây ra mối đe dọa cho sự lãnh đạo của Đảng. Sau khi hội nghị Bắc Đới Hà kết thúc, Trung Quốc thông báo việc lần đầu tiên ông Tập Cận Bình không dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Ấn Độ, phản ánh những khó khăn trong nước đang cần chờ ông Tập giải quyết.
Dự báo tình hình và kiến nghị giải pháp với Việt Nam
Có thể thấy Trung Quốc hiện nay phải đối phó với nhiều bất ổn trong nội bộ cũng như tình hình khó khăn trong nước, vì vậy nước này sẵn sàng có những hành xử cứng rắn với các nước láng giềng trong xử lý tranh chấp nhằm tạo lý do củng cố nội bộ và đánh lạc hướng sự chú ý của người dân, điều này tiềm ẩn các nguy cơ gia tăng xung đột trong thời gian tới, nhất là tại trên Biển Đông.
Cụ thể hơn, Trung Quốc có thể triển khai số lượng lớn quân số trên thực địa tại Bãi Cỏ Mây và Bãi cạn Scarborough, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn như phun vòi rồng, đâm va trực tiếp, thả phao phong tỏa… nhằm ngăn chặn Philippines trở lại khu vực này. Theo một kịch bản xấu, Trung Quốc có thể tiến hành bồi đắp Bãi cạn Scarborough thành tiền đồn quân sự nhằm trả đũa việc Philippines cho Mỹ dùng thêm 4 căn cứ quân sự. Nếu kịch bản này xảy ra Trung Quốc sẽ có thêm một tiền đồn quân sự quy mô lớn chỉ cách bờ biển Philippines 230km. Điều này sẽ khiến Mỹ tăng cường hiện diện quân sự để đáp trả và dẫn đến sự đối đầu Mỹ – Trung trực tiếp tại Biển Đông.
Tình hình đối đầu hiện nay giữa Trung Quốc và Philippines đặt ra những thách thức cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, đồng thời duy trì môi trường hòa bình giữa các nước trong khu vực. Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam cần:
Thứ nhất, tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc thông qua tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhất là trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình (theo Reuters sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 sắp tới). Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Trung Quốc cần chú ý chia sẻ về những khó khăn nội bộ của Trung Quốc và bày tỏ tin tưởng Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sớm vượt qua những khó khăn trước mắt để tiếp tục ổn định và phát triển.
Thứ hai, Việt Nam cần tích cực giữ vai trò trung gian hòa giải xung đột trên biển thông qua tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Đặc biệt, Việt Nam cần sớm chủ động hợp tác với chính phủ Lào để góp ý giúp Bạn xây dựng nội dung chương trình của năm ASEAN 2024 do Lào làm Chủ tịch, với trọng tâm để Lào chủ động dẫn dắt quá trình đàm phán COC trên cơ sở xây dựng lòng tin và giảm căng thẳng, cũng như giúp đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Thứ ba, các lực lượng vũ trang của Việt Nam cần đề cao cảnh giác, bám sát các diễn biến trên thực địa nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, nhất là tại những nơi từng diễn ra những vụ việc gây hấn trong quá khứ như khu vực phía nam đảo Tri Tôn (2014), khu vực Bãi Tư Chính (2019) nhằm không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Thứ tư, Việt Nam cần thận trọng trong việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác dầu khí tại các khu vực nhạy cảm trên Biển Đông; đồng thời công khai minh bạch các hoạt động giao lưu, hợp tác quân sự, quốc phòng với các nước đối tác nhằm không tạo cớ để Trung Quốc tiến hành các hoạt động trả đũa hoặc gây hấn trên Biển Đông.
Hùng Nguyễn là người nghiên cứu tự do đang sinh sống tại Cộng hòa liên bang Đức.