Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc gọi tình hình ở Gaza là “thảm họa nhân đạo”, hai ngày sau khi Israel đưa quân vào dải đất này. António Guterres cảnh báo cuộc sống ở đó đang “ngày càng tuyệt vọng hơn theo từng giờ.” Nguồn cung hàng hoá bị hạn chế và y tế đang sụp đổ. Trước đó, người đứng đầu cơ quan của LHQ về người tị nạn Palestine đã cảnh báo về tình trạng rối loạn dân sự, khi các kho chứa lương thực viện trợ đã bị dân thường cướp phá. Hôm qua thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu cho biết Lực lượng Phòng vệ Israel đã bước vào giai đoạn thứ hai của cuộc chiến. Ông cảnh báo về một chiến dịch “kéo dài và khó khăn” nhằm “tiêu diệt” Hamas và giải phóng con tin.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian nói với CNN rằng nước ông không muốn xung đột “lan rộng.” Trước đó, tổng thống Ebrahim Raisi đăng trên X là Israel đã “vượt qua ranh giới đỏ, và có thể buộc mọi người phải hành động.” Ông Raisi nói Mỹ đã yêu cầu Iran và “trục kháng chiến” của nước này – một mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm bao gồm Hizbullah ở Lebanon – kiềm chế.
Trước cuộc gặp dự kiến giữa Joe Biden và Tập Cận Bình vào tháng 11, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết “con đường tới hội nghị thượng đỉnh San Francisco sẽ không suôn sẻ.” Hai nhà lãnh đạo có thể sẽ gặp nhau tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC. Ông Vương cho rằng cả hai bên cần phải “trở lại Bali” – ám chỉ cuộc gặp gỡ thân thiện giữa ông Tập và ông Biden vào năm ngoái.
Nhà chức trách ở Acapulco đã nâng số người chết vì cơn bão Otis đổ bộ vào khu nghỉ dưỡng ven biển Mexico hôm thứ Tư lên 43. Cơn bão cấp 5 này gây thiệt hại hàng tỷ đô la, thậm chí dẫn đến nạn cướp bóc ở một số khu vực trong bối cảnh thiếu lương thực và nước uống. Evelyn Salgado, thống đốc bang Guerrero, cho biết điện đã được khôi phục ở một nửa thành phố.
United Automobile Workers dự kiến vào Chủ nhật sẽ phê chuẩn hợp đồng mới với Ford. Hôm thứ Bảy, công đoàn này đã đạt được thỏa thuận dự kiến với Stellantis, bao gồm việc tăng lương 25% trong vòng 4 năm. Nhưng sau khi đàm phán đổ vỡ với General Motors, UAW đã mở rộng đình công sang một nhà máy động cơ. Hơn 45.000 công nhân đã đình công phản đối “ba nhà sản xuất ô tô lớn” của Detroit.
Một sĩ quan cảnh sát thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong cuộc biểu tình ở Dhaka, thủ đô Bangladesh. Hàng chục nghìn người đã xuống đường để yêu cầu thủ tướng Sheikh Hasina từ chức. Cuộc biểu tình được tổ chức bởi Đảng Quốc gia Bangladesh, một nhóm đối lập đang kêu gọi bầu cử vào tháng 1 dưới sự điều hành của một chính phủ lâm thời trung lập.
Kenya sẽ chấm dứt mọi yêu cầu thị thực đối với người dân châu Phi từ cuối năm nay. Tổng thống William Ruto nói rằng các hạn chế về thị thực hiện tại đang “chống lại chính chúng tôi.” Liên minh châu Phi từ lâu đã muốn xây dựng mô hình đi lại miễn thị thực trên khắp lục. Seychelles, Gambia và Benin đều cho phép công dân châu Phi nhập cảnh không cần thị thực; trong khi các quốc gia khác cũng đang đơn giản hóa các quy định về thị thực hoặc giảm phí.
TIÊU ĐIỂM
Netanyahu đổ lỗi cho các tướng lĩnh quân sự
Thủ tướng Israel, Binyamin Netanyahu, sẽ khởi đầu tuần mới trên khắp các mặt trận. Vào tối thứ Sáu, các tướng lĩnh của ông đã đổ quân vào Dải Gaza với mục đích tiêu diệt Hamas. Nhưng đến sáng Chủ nhật, ông Netanyahu lại đổ lỗi cho chính họ vì không lường trước được cuộc tấn công khủng bố của Hamas. Thủ tướng và các tướng lĩnh của ông đang bị chia rẽ một cách đáng báo động.
Sau cuộc họp báo trong đó ông Netanyahu lảng tránh những câu hỏi hóc búa về trách nhiệm của chính mình, thủ tướng đăng trên X rằng “mọi quan chức quốc phòng” đều nói với ông trước các cuộc tấn công là Hamas không có kế hoạch chiến tranh.
Hậu quả của bài đăng này thật tai hại. Các thành viên trong nội các chiến tranh chỉ trích ông vì đã đổ lỗi cho cơ quan an ninh vào thời điểm nhạy cảm. Dù ông Netanyahu đã xin lỗi và xóa bài đăng, lời buộc tội của ông vẫn còn đó. Hiện tỉ lệ ủng hộ của thủ tướng đã giảm mạnh. Trong khi cuộc chiến ở Gaza tiếp diễn, cuộc chiến sinh tồn chính trị của chính ông Netanyahu cũng theo chân.
Nhập nhằng tiền bạc và chính trị ở Ấn Độ
Tòa án tối cao Ấn Độ tuần này sẽ nghiên cứu vấn đề tài chính đảng phái khi xem xét liệu cái gọi là trái phiếu bầu cử có hợp hiến hay không. Loại giấy tờ này được Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền giới thiệu từ năm 2017 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quyên góp chính trị. Họ tuyên bố mô hình trái phiếu đã giúp chính thức hóa hệ thống tài trợ chính trị của Ấn Độ. Song những người phản đối, bao gồm cả ủy ban bầu cử Ấn Độ, cho rằng chương trình này thiếu minh bạch.
Không như các khoản quyên góp bằng tiền mặt lớn đòi hỏi một bên phải tiết lộ nhà tài trợ, trái phiếu không giới hạn có thể được mua ẩn danh. Vì chúng được bán thông qua Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ thuộc sở hữu nhà nước, chính phủ có thể tìm ra danh tính của người hiến tặng, nhưng công chúng thì không. Điều đó làm tăng nguy cơ tham nhũng – tại sao lại có người im lặng trao số tiền lớn cho một đảng chính trị?
Hầu hết các trái phiếu được mua trong năm đầu tiên đều có mệnh giá trên 12.000 USD, cho thấy người mua là các tập đoàn hoặc những người rất giàu. Gần 60% tổng số tiền quyên góp được chuyển đến BJP. Đó là tin xấu cho nền dân chủ Ấn Độ, và trọng trách của Tòa Tối cao là quyết định xem nó có bất hợp pháp hay không.
Tình hình lạm phát ở Đức
Dữ liệu lạm phát gần đây của Đức khá khó hiểu. Vào năm 2022, chính phủ đã trợ cấp cho chi phí năng lượng và vận tải, vốn là một phần trong giỏ hàng hóa được dùng để tính lạm phát. Trong 12 tháng sau khi loại bỏ trợ cấp, chênh lệch theo năm giữa mức giá có trợ cấp của năm trước và mức giá hiện tại lớn hơn so với nếu không có trợ cấp: cho thấy lạm phát thực của Đức thấp hơn một chút so với lạm phát tiêu đề. Một năm trôi qua, những “hiệu ứng cơ bản” này đã hoàn toàn mờ nhạt và lạm phát theo năm đã giảm tương ứng – từ hơn 6% trong tháng 7 và tháng 8 xuống còn 4,5% trong tháng 9. Dữ liệu lạm phát trong tháng 10, được công bố vào thứ Hai, sẽ ở mức khoảng 4%.
Dữ liệu từ các bang Berlin và Brandenburg cho thấy lạm phát giảm khoảng 1 điểm phần trăm so với tháng 9. Nếu lạm phát giảm trên toàn quốc thì Đức sẽ đón tin tốt lành cho nền kinh tế, nhất là khi hai thước đo quan trọng về hoạt động kinh tế đang ở mức báo hiệu suy thoái. Nếu lạm phát không giảm đủ, Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể buộc phải cắt giảm lãi suất sớm hơn thị trường mong đợi.
Deepfake và chiến tranh Nga-Ukraine
Tháng 3 năm ngoái, chỉ ba tuần sau khi Nga xâm lược Ukraine, Volodymyr Zelensky đầu hàng. Một trang web của chính phủ Ukraine đã công bố đoạn video quay cảnh tổng thống Ukraine mặc trang phục màu xanh lá cây đặc trưng của mình đưa ra thông báo đầu hàng, khuôn mặt cau có của ông trông rất lạ.
Nhưng đây là một đoạn video “deepfake” điển hình do tin tặc phổ biến. Các video khác còn có tổng thống Vladimir Putin tuyên bố hòa bình. Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học College Cork, được công bố trên tạp chí PLOS One, cho thấy các tác phẩm deepfake thời chiến đã làm ảnh hưởng dư luận ra sao.
Phân tích 1.231 bài đăng deepfake trên Twitter (nay là X) vào năm 2022 cho thấy chúng làm suy yếu lòng tin của công chúng, khi người xem nhầm lẫn các phương tiện truyền thông truyền thống với tin giả. Hồi tháng 4 năm 2022, chính phủ Ukraine đã cố gắng minh họa sức mạnh của deepfake bằng cách đăng tải hình ảnh ông Putin thừa nhận tội ác chiến tranh của Nga. Nhưng nghiên cứu này cho thấy những chiêu trò như vậy sẽ phản tác dụng. Khi công nghệ ngày càng phát triển, deepfake sẽ trở thành pháo binh, còn điện thoại thông minh là chiến trường.