Thế giới hôm nay: 05/12/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Phiên tòa xét xử cáo buộc tham nhũng đối với Binyamin Netanyahu sẽ được nối lại vào thứ Hai, sau khi giai đoạn đình chỉ tạm thời của các tòa án Israel sau vụ khủng bố 7 tháng 10 của Hamas hết hạn. Thủ tướng Israel đang đứng trước cáo buộc hối lộ và lừa đảo, cùng các tội danh khác; ông phủ nhận tất cả. Trong một diễn biến khác, Israel yêu cầu người dân ở các vùng của Khan Younis, một thành phố miền nam Gaza, sơ tán. Thành phố này đã trở thành tâm điểm trong các hoạt động trên bộ của Israel, vốn được thông báo hôm Chủ Nhật là đang mở rộng ra tất cả các khu vực ở Gaza. Bộ y tế của Hamas ở Gaza cho biết hơn 15.500 người đã thiệt mạng ở Gaza kể từ ngày 7/10.

Chính phủ Venezuela tuyên bố người dân nước họ đã bỏ phiếu ủng hộ việc đòi chủ quyền đối với Essequibo, một khu vực giàu dầu mỏ, vốn chiếm 2/3 lãnh thổ của nước láng giềng Guyana. Chính phủ tuyên bố có 10,5 triệu cử tri, trên hơn 20 triệu cử tri đủ điều kiện, đã bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật – dù các báo cáo cho thấy rất ít cử tri thực sự đi bỏ phiếu. Biên giới giữa hai nước đã ở trong tình trạng tranh chấp kể từ khi được vẽ vào thế kỷ 19.

Các công tố viên liên bang ở Miami cáo buộc một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu làm gián điệp cho Cuba. Manuel Rocha, người từng là đại sứ tại Bolivia, bị buộc tội hoạt động trái phép với tư cách là đặc vụ nước ngoài, cùng nhiều tội danh khác. Nhà chức trách cáo buộc ông Rocha cung cấp “thông tin sai lệch và gây hiểu lầm” cho chính phủ và đã gặp các đặc vụ Cuba ở Havana vào cuối năm 2017. Ông Rocha vẫn chưa bình luận.

Hàng nghìn người được sơ tán và một số người thiệt mạng khi Bão Michaung tấn công bờ biển phía nam Ấn Độ với mưa xối xả và gió mạnh. Tại thành phố ven biển Chennai, một trung tâm sản xuất điện tử, lũ lụt nghiêm trọng đã làm đóng cửa một số nhà máy cũng như sân bay. Cơn bão dự kiến ​​sẽ tiếp tục quét qua đất nước vào thứ Ba.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, cho biết các kế hoạch giảm khí thải mới do Sultan Al Jaber, chủ tịch COP28 ở Dubai công bố, “rõ ràng không thỏa kỳ vọng.” Các kế hoạch này bao gồm lời cam kết của 50 công ty dầu khí nhằm cắt giảm lượng khí thải về 0 vào năm 2050, nhưng không giảm sản lượng.

Giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục khi thị trường ngày càng tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm giảm lãi suất. Hiện vàng đạt 2.135 USD/ounce, cao hơn mức đỉnh trước đó là 2.075 USD hồi tháng 8 năm 2020. Bitcoin cũng đạt mức cao nhất trong 20 tháng, khi thị trường tỏ ra lạc quan là các cơ quan quản lý sẽ phê duyệt quỹ thị trường chứng khoán dành riêng cho đồng tiền ảo này.

Spotify công bố kế hoạch cắt giảm gần 1/5 lực lượng lao động, tương đương 1.500 người, đánh dấu đợt sa thải thứ ba chỉ trong vòng một năm. Cho đến nay, công ty đã tránh được tình trạng tăng trưởng thuê bao giảm như đã từng xảy ra với các công ty phát video trực tuyến. Song CEO Daniel Ek cho rằng Spotify cần phải hoạt động hiệu quả hơn khi đối mặt với những thách thức như chi phí vốn tăng.

TIÊU ĐIỂM

COP28 bế mạc

Trong những ngày khai mạc COP28, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại UAE, các đại biểu đi từ những lời hứa đến liên tiếp các tranh cãi. Các cam kết như quỹ “tổn thất và thiệt hại” toàn cầu; 30 tỷ USD tài trợ khí hậu từ UAE; cam kết tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo vào năm 2030 (so với năm 2020); và cam kết của 50 công ty dầu khí sẽ giảm lượng khí thải carbon về mức 0 vào năm 2050.

Ban tổ chức hy vọng những điều này sẽ làm xao lãng các thông tin rò rỉ cho thấy UAE muốn dùng COP28 để đạt được các thỏa thuận về nhiên liệu hóa thạch cũng như những bình luận của Sultan Al Jaber, chủ tịch COP, về tính khoa học của tuyên bố cần loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch để giảm biến đổi khí hậu.

Giờ đây khi hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới đã rời Dubai, công việc khó khăn và quan trọng hơn của hội nghị bắt đầu. Các nhà đàm phán phải xem xét hàng loạt tài liệu để thực hiện lần “kiểm kê toàn cầu” đầu tiên về tiến bộ khí hậu của các nước kể từ năm 2015. Sau đó, họ phải chuyển số tài liệu đó thành một thỏa thuận về các bước tiếp theo.

Công bố kết quả kỳ thi PISA đầu tiên sau đại dịch

Hơn ba năm rưỡi sau khi các chính phủ đóng cửa trường học để chống dịch, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu xem đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến sự tiến bộ của học sinh. Dữ liệu được OECD công bố vào thứ Ba sẽ cho một cái nhìn tổng thể tốt nhất về mức độ ảnh hưởng đến việc học tập ở các nước phát triển.

Trong hai thập niên qua, tổ chức này đã yêu cầu trẻ em ở nhiều quốc gia (hiện là 81 nước) làm các bài kiểm tra giống nhau về đọc, toán và khoa học, như một phần của chương trình được gọi là PISA. Vòng đánh giá gần đây nhất của họ, tiến hành từ tháng 3 đến tháng 11 năm 2022, là lần đầu tiên kể từ năm 2018. Trước dịch, điểm số ở các nước giàu có xu hướng giảm. Nguyên nhân chưa rõ ràng, nhưng không ai cho rằng đại dịch đã cải thiện điều này. Phụ huynh và các nhà hoạch định chính sách sẽ xem xét kỹ lưỡng kết quả để xem nước nào giúp học sinh học tốt nhất trong đại dịch — và học sinh nước nào bị tụt lại phía sau nhiều nhất.

Tiến trình lập chính phủ ở Hà Lan hậu bầu cử

Geert Wilders, người theo chủ nghĩa dân túy chống Hồi giáo và chống EU, và Đảng Vì Tự do (PVV) của ông đã dẫn đầu trong cuộc bầu cử Hà Lan hôm 22/11. Kể từ đó, Ronald Plasterk, phụ trách các cuộc đàm phán liên minh, đã kêu gọi các đảng khác thành lập một chính phủ với PVV vốn bị xa lánh lâu nay. Song tiến trình không diễn ra suôn sẻ.

Đảng lớn thứ hai, đảng Tự do trung hữu, sẽ không tham gia chính phủ liên minh do PVV lãnh đạo nhưng có thể ủng hộ chính phủ liên minh về một số vấn đề nhất định. Pieter Omtzigt, người có đảng Hợp đồng Xã hội về thứ tư, nói ông Wilders phải đảm bảo quyền tự do tôn giáo và cam kết ở lại EU trước khi nói chuyện.

Vào thứ Ba, ông Plasterk sẽ nói chuyện với Đảng Tự do và Phong trào Công dân Nông dân, một đảng nhỏ hơn dự kiến sẽ không đóng nhiều vai trò. Đầu tuần tới, ông sẽ đưa ra một báo cáo và sau đó quốc hội sẽ chỉ định những người hòa giải giữa PVV với các bên có thiện chí – nếu có. Họ có thể miễn cưỡng thành lập chính phủ với ông Wilders, nhưng họ không muốn bị xem là phá hoại tiến trình lập chính phủ.

Tỉ lệ ủng hộ của đảng cầm quyền Nam Phi có thể giảm xuống mức kỷ lục

Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), vốn nắm quyền ở Nam Phi trong gần 30 năm qua, đang gặp vấn đề về quản lý tài chính nội bộ. Hôm thứ Hai, các quan chức tòa án đã lập danh mục tài sản sẽ bị tịch thu từ trụ sở ANC để trả khoản nợ 102 triệu rand (5,4 triệu USD) cho một công ty in ấn hoạt động trong chiến dịch bầu cử 2019.

ANC cũng không hề làm tốt trong việc quản lý nền kinh tế công nghiệp lớn nhất châu Phi. Một báo cáo về GDP quý 3, dự kiến công bố vào thứ Ba, dự kiến cho thấy tăng trưởng chậm lại còn 0,1-0,2%, từ mức 0,6% trong ba tháng tính đến cuối tháng 6. Ngành khai khoáng và sản xuất bị kéo xuống do cắt điện và đường sắt không hoạt động.

Nền kinh tế yếu kém rõ ràng không có lợi cho Cyril Ramaphosa, lãnh đạo ANC, khi ông tái tranh cử tổng thống Nam Phi vào năm tới. Thăm dò ý kiến cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho ANC sẽ lần đầu tiên giảm xuống dưới 50% kể từ khi chế độ apartheid bị xoá bỏ vào năm 1994. Kết quả như vậy có thể sẽ buộc ANC phải thành lập một chính phủ liên minh với các đảng đối lập. Sau nhiều thập niên bất tài và tham nhũng, cử tri đang đi tìm sự thay đổi.