Thế giới hôm nay: 11/12/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Quân đội Israel (IDF) đã tiến tới trung tâm Khan Younis, một thành phố ở phía nam Dải Gaza, sau khi vượt qua kháng cự quyết liệt của Hamas. IDF cũng cho biết đã làm ngập các đường hầm của Hamas bên dưới thành phố. Hôm thứ Bảy, Liên Hợp Quốc nói một nửa dân số Gaza đang chết đói và 9/10 người dân ở lãnh thổ này không thể ăn uống hàng ngày.

Tân tổng thống theo chủ nghĩa tự do của Argentina, Javier Milei, đã nhậm chức và cảnh báo sẽ có một “cú sốc” khi ông tái cơ cấu lại nền kinh tế. Lạm phát năm ở Argentina đang ở mức trên 140%. Một trong những điều đầu tiên ông Milei sẽ phải làm là cắt giảm chi tiêu, vốn đã tăng vọt từ 22% GDP năm 2003 lên 38% hiện nay.

Cử tri Ai Cập đi bỏ phiếu trong ngày đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống. Tổng thống đương nhiệm Abdel-Fattah al-Sisi chắc chắn sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ ba bất chấp khủng hoảng kinh tế trong nước và làn sóng phản đối cách chính phủ ông đối xử với người Palestine bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Gaza. Nhiều người Ai Cập đang gặp khó khăn khi mua thực phẩm do giá cả tăng hơn 70% trong năm qua. Bầu cử sẽ diễn ra trong ba ngày và kết quả dự kiến có vào ngày 18/12.

Ukraine vượt qua biên giới đường bộ đang bị các tài xế xe tải Ba Lan chặn bằng cách vận chuyển các xe tải chở hàng bằng tàu hỏa. Các hãng vận tải Ba Lan không hài lòng về các điều khoản mà tài xế Ukraine được hưởng ở Liên minh châu Âu. Cuộc phong toả của họ khiến cho hàng nghìn xe tải Ukraine bị kẹt lại ở biên giới. Các tài xế Slovakia gần đây cũng bắt đầu biểu tình tương tự.

Các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông bị bắt khi đang biểu tình phản đối bầu cử không công bằng cho các Hội đồng Quận. Chính phủ đã thao túng tiến trình bầu cử để chỉ những ứng viên được coi là “yêu nước” mới có thể ứng cử. Chỉ 25% cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu, trái ngược với năm 2019, khi 71% cử tri có quyền bỏ phiếu.

Tàu Philippines và tàu cảnh sát biển Trung Quốc va chạm trên Biển Đông. Trung Quốc và Philippines đổ lỗi cho nhau về vụ tai nạn xảy ra gần quần đảo Trường Sa mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền dù không có cơ sở pháp lý. Hôm thứ Bảy, Philippines đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng vòi rồng cản trở tàu chính phủ ở đó.

Các con của Narges Mohammadi, nhà hoạt động nhân quyền người Iran đang thụ án 10 năm tù ở Tehran, đã thay mặt bà nhận giải Nobel hòa bình tại lễ trao giải ở Oslo. Trong bài phát biểu từ nhà tù, bà Mohammadi đã chỉ trích chế độ Iran “chuyên chế” và các luật bắt buộc đội khăn trùm đầu và nhấn mạnh “người dân Iran, với sự kiên trì, sẽ vượt qua đàn áp và chủ nghĩa độc tài.”

Con số trong ngày: sáu, là số Hạ nghị sĩ Mỹ bị trục xuất trong lịch sử 234 năm của quốc hội Mỹ. Người thứ sáu là George Santos.

TIÊU ĐIỂM

Trung Quốc gây hấn với Philippines ở Biển Đông

Một nhóm tàu sẽ quay về Philippines vào thứ Hai sau khi thất bại trong sứ mệnh truyền tải niềm vui Giáng sinh ở Biển Đông. Kế hoạch ban đầu của họ là phân phát quà cho ngư dân Philippines và quân đội ở tuyến đầu của cuộc đối đầu trên biển giữa Philippines và Trung Quốc. Đội tàu cũng nhằm chứng tỏ Philippines nghiêm túc trong tuyên bố chủ quyền của mình ở vùng biển tranh chấp. Những khu vực này có giá trị kinh tế đối với Philippines, nhưng cũng có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền phần lớn vùng lãnh thổ này.

Nhóm tàu quay về cảng sau khi bị lực lượng Trung Quốc, trong đó có hai tàu hải quân, theo đuôi. Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc vừa đâm và bắn vòi rồng vào các tàu khác nhau gần tiền đồn quân sự của Philippines trên Bãi Cỏ Mây.

Bãi cạn này, nơi có tranh chấp gay gắt nhất ở quần đảo Trường Sa, nằm trong lịch trình của nhóm tàu Giáng sinh. Nhưng quân đồn trú của Philippines ở đây sẽ không được nhận những món quà từ đất liền như mong đợi. Ít nhất thì nước họ đã truyền tải thành công hành vi bắt nạt của Trung Quốc đến công luận thế giới.

Israel tấn công dữ đội cứ điểm của Hamas

Người dân Gaza đang không còn nơi nào để chạy trốn. Khi quân đội Israel (IDF) tiến sâu hơn vào thành phố miền nam Khan Younis, nơi nhiều dân thường chạy đến sau khi bị quân đội yêu cầu rời khỏi bắc Gaza, họ lại một lần nữa yêu cầu người dân di chuyển. Hàng ngàn người đã đến Rafah, thành phố cực nam của vùng đất này. Qua khỏi Rafah chỉ có Ai Cập – nhưng biên giới đã đóng cửa. Người dân phải ngủ trong những nơi trú ẩn tạm bợ, với thức ăn và nước uống khan hiếm.

Nhóm của tổng thống Joe Biden đang ngày càng chỉ trích thiệt hại nhân đạo khủng khiếp trong cuộc chiến của Israel ở Gaza. Nhưng hành động mạnh hơn lời nói. Hôm thứ Sáu, bộ ngoại giao Mỹ đã phê duyệt chuyến hàng 14.000 quả đạn xe tăng tới Israel.

Các quan chức Israel cho rằng họ có nhiều nhất là vài tuần chiến đấu nữa trước khi Mỹ yêu cầu họ dừng lại. Do đó, IDF đang gấp rút tấn công Hamas ở Khan Younis, được cho là pháo đài chính của lực lượng này. Người Palestine đang đếm từng ngày đến khi Mỹ yêu cầu ngừng bắn.

Oracle muốn nâng thị phần dịch vụ đám mây

Oracle, gã khổng lồ phần mềm có đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, sẽ báo cáo kết quả quý vào thứ Hai. Họ muốn dùng AI để thúc đẩy hoạt động kinh doanh điện toán đám mây. Nhưng chiến lược này không phải là không có rủi ro.

Thị trường đám mây bị chi phối bởi Amazon, Microsoft và Google. Oracle chỉ có 2% thị phần. Nhưng doanh thu đám mây của họ đang tăng nhanh nhờ các thương vụ lớn, chẳng hạn như việc cung cấp máy chủ cho TikTok tại Mỹ. Oracle cũng được đồn là đang thực hiện một thỏa thuận với X.ai, công ty học máy của Elon Musk. Triển vọng đám mây của Oracle được hỗ trợ nhờ khả năng mua nhiều chip AI chuyên dụng được săn đón từ Nvidia, một nhà sản xuất chất bán dẫn.

Giá cổ phiếu của Oracle tăng vọt vào đầu năm nay đã giúp ông chủ của nó, Larry Ellison, trở thành người giàu thứ ba thế giới. Nhưng vận may của ông có thể không kéo dài. Oracle đang mang nhiều nợ và phụ thuộc nặng nề vào Nvidia về chip AI. Các nhà đầu tư sẽ cảnh giác với những dấu hiệu suy yếu.

Khoảng cách Berlin – Paris tuy gần mà xa 

Một chuyến tàu đêm mới sẽ rời Berlin đến Paris vào thứ Hai, gần một thập niên sau khi cung đường này bị hủy bỏ. Nightjet chạy ba chuyến một tuần và mất 14 giờ cho chặng đường này. Nó được kỳ vọng sẽ khuyến khích người châu Âu sử dụng các phương tiện du lịch thân thiện với khí hậu. Nhưng con đường mới giữa thủ đô Đức và Pháp lại xuất hiện vào một thời điểm khó xử.

Quan hệ hai nước đang căng thẳng do những khác biệt về chính sách năng lượng và quốc phòng, cải cách các quy định tài chính của EU, và cuộc chiến ở Gaza. Emmanuel Macron, tổng thống Pháp và Olaf Scholz, thủ tướng Đức, đã bỏ rất nhiều công sức để xây dựng niềm tin lẫn nhau.

Điều này không giúp ích gì cho cuộc chạy đua tới hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 14 và 15 tháng 12, khi các nhà lãnh đạo chuẩn bị hoàn tất viện trợ tài chính cho Ukraine và quyết định xem có nên mở đàm phán thành viên chính thức đối với quốc gia bị chiến tranh tàn phá này hay không. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đe dọa sẽ làm chệch hướng những quyết định đó. Châu Âu đang thiếu một tiếng nói chính trị dẫn đường, đúng vào lúc cần kíp nhất.