Thế giới hôm nay: 03/01/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bộ Quốc phòng Nga thông báo có 63 quân nhân đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Ukraine vào Makiivka, một thị trấn do Nga chiếm đóng ở vùng Donbas. Báo cáo của phía Ukraine thể hiện con số thương vong cao hơn nhiều. Thị trưởng Vitali Klitschko cho biết đợt tấn công mới nhất của Nga vào Kyiv, thủ đô Ukraine, đã gây mất điện và gián đoạn hệ thống sưởi ấm. Bộ Quốc phòng Ukraine thông tin không quân nước này đã bắn hạ gần 40 máy bay không người lái do Iran sản xuất chỉ trong một đêm.

Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023. Bà cho rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ bị kéo xuống bởi các nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc, và EU, vốn đều đang “đồng thời chậm lại.” Bà dự đoán một nửa EU sẽ rơi vào suy thoái, nhưng cũng nói Mỹ “có thể tránh được” suy thoái.

Thi hài của Giáo hoàng Benedict XVI bắt đầu được quàn ở Vatican cho công chúng đến viếng tại Vương Cung Thánh đường Thánh Peter. Benedict, người đứng đầu nhà thờ Công giáo La mã từ năm 2005 cho đến khi ông từ chức vào năm 2013, qua đời hôm thứ Bảy. Tang lễ của ông sẽ diễn ra vào thứ Năm. Đây là lần đầu tiên một giáo hoàng đương nhiệm cử hành lễ tang cho một trong những người tiền nhiệm của mình.

Chủ tịch Nghị viện Châu Âu cho biết hai nghị viên giấu tên có liên quan đến một vụ bê bối tham nhũng sẽ bị tước quyền miễn trừ dành cho nghị sĩ. Chủ tịch Roberta Metsola cho biết bà làm vậy theo yêu cầu của cảnh sát Bỉ. Hồi tháng 12, phó chủ tịch Eva Kaili và ba người khác đã bị buộc tội tham nhũng và rửa tiền liên quan đến Qatar. Cả bốn người và Qatar đều phủ nhận hành vi sai trái.

Theo một tổ chức giám sát nhân quyền có trụ sở tại Anh, quân đội Israel đã tấn công tên lửa vào sân bay quốc tế của Syria ở Damascus khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có 2 binh sĩ. Vụ tấn công, lần thứ hai chỉ trong vòng bảy tháng, khiến sân bay phải ngừng hoạt động. Được biết mục tiêu của cuộc tấn công là các nhóm do Iran hậu thuẫn ở Syria, và được tiến hành chỉ vài ngày sau khi chính phủ liên minh cánh hữu mới lên nắm quyền ở Israel.

Khoảng 24 tù nhân đã trốn thoát khỏi một nhà tù ở miền bắc Mexico sau khi nhà tù này bị tấn công bởi các tay súng có vũ trang hạng nặng, có thể là thành viên của một băng đảng ma túy. Ít nhất mười lính canh và bốn tù nhân đã thiệt mạng trong cuộc đột kích vào nhà tù bang Chihuahua ở Ciudad Juarez; trong khi ẩu đả trong nhà tù cũng khiến 13 người bị thương. Trong những năm gần đây thành phố này đã ghi nhận hàng nghìn người chết vì bạo lực liên quan đến ma túy.

Khảo sát kinh doanh cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Hàn Quốc đã giảm tháng thứ sáu liên tiếp trong tháng 12. Nguyên nhân là các công ty ngành chế tạo bị ảnh hưởng nặng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và đình công của giới tài xế xe tải. Trong khi đó ở Indonesia, lạm phát năm tăng nhẹ trong tháng 12 lên 5,5%, đánh dấu tháng thứ bảy liên tiếp vượt mức giới hạn trên 4% của ngân hàng trung ương.

TIÊU ĐIỂM

Cuộc đua Chủ tịch Hạ viện Mỹ kịch tích bất thường

Trước khi Hạ viện Mỹ nghỉ lễ Giáng sinh, người ta đã nhìn thấy một số nhà lập pháp Cộng hòa đeo một huy hiệu ve áo ngộ nghĩnh. Nó ghi chữ “OK,” tức là “Only Kevin”: một lời kêu gọi chống lại “Never Kevins”, tức những người Cộng hòa phản đối việc Kevin McCarthy ra tranh cử ghế Chủ tịch Hạ viện, thường dành cho nhà lãnh đạo của đảng chiếm đa số ghế.

Ông McCarthy, lãnh đạo thiểu số từ trước khi đảng Cộng hòa chiếm được Hạ viện vào tháng 11, sẽ bước vào một cuộc bỏ phiếu nhọc nhằn thứ Ba này. Điều bất thường là ông vừa trung thành với Donald Trump vừa là một nhân vật thuộc giới tinh hoa thủ cựu. Với hy vọng thuyết phục được phe “Never Kevins,” ông đã nhượng bộ một số yêu cầu của họ, nhưng từ năm đến mười người vẫn chưa bị thuyết phục –– trong khi ông chỉ có thể để mất bốn người. Các cuộc đua chủ tịch Hạ viện thường diễn ra đơn giản, và chưa khi nào kể từ năm 1923 phải bỏ phiếu nhiều hơn một lần. Nếu ông McCarthy thất bại trong vòng đầu, đòn bẩy của ông sẽ giảm đi; và những người khác cũng có thể ra tranh cử. Điều đó mở ra một khởi đầu hỗn loạn cho nghị viện Cộng hòa mới vốn đã chìm trong chia rẽ.

Mexico tăng lương tối thiểu giữa bối cảnh lạm phát cao

Tuần này, lương tối thiểu theo pháp định ở Mexico sẽ tăng lên 207,44 peso ($10,55) một ngày, hoặc 312,41 peso đối với người lao động ở khu vực biên giới phía bắc giáp với Mỹ. Người Mexico sẽ hoan nghênh mức tăng 22% theo năm này. Từ năm 2018 đến 2020, tỷ lệ nghèo đã tăng từ 42% lên 44% dân số, trong khi đại dịch khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đã liên tục tăng lương tối thiểu kể từ khi nhậm chức vào năm 2018. Ông tuyên bố đến năm 2026 mức lương sẽ đủ mua thức ăn cho một gia đình bốn người.

Nhưng không phải ai cũng ủng hộ. Một số nhà kinh tế lo ngại việc tăng lương sẽ đẩy lạm phát lên cao, vốn đang ở mức 7,8%. Thật vậy, đối với khoảng 60% công nhân Mexico làm việc trong khu vực phi chính thức, đó có thể là tác động duy nhất họ cảm nhận được.

Thị trường lao động vẫn là điểm sáng kinh tế của Mỹ

Giữa tất cả xôn xao về suy thoái kinh tế, người ta vẫn tìm thấy được một điểm sáng: thị trường lao động. Trong hầu hết các cuộc suy thoái trước đây, tỷ lệ thất nghiệp đều tăng vọt khi các công ty ngừng tuyển dụng và sa thải nhân viên. Chẳng hạn, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tỷ lệ thất nghiệp của các nước giàu đã tăng từ 5,8% lên gần 9%. Nhưng tại thời điểm đầu năm 2023, thị trường lao động vẫn tỏ ra bền vững. Số liệu việc làm từ Mỹ, được công bố vào thứ Sáu, sẽ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vẫn rất thấp. Thật vậy, vấn đề lớn nhất dường như là thiếu lao động chứ không phải thiếu việc làm. Tăng trưởng tiền lương vẫn đặc biệt mạnh, dù tăng trưởng năng suất yếu.

Phải thừa nhận là nhu cầu lao động đang bắt đầu suy yếu ở một số nơi. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng việc làm ở Mỹ đã chậm lại đáng kể so với cuối năm 2021. Nhưng khó có dấu hiệu thế giới sẽ quay về giai đoạn đen tối của đầu những năm 2010. Ở mức 4,9%, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước giàu đang ở mức thấp nhất nhiều thập niên qua.

Tổng thống Philippines gặp chủ tịch Trung Quốc

Vào thứ Ba, tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos sẽ bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. Ông Marcos và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nhấn mạnh đến các khía cạnh thương mại và thân thiện hơn trong quan hệ hai bên thay vì các yêu sách chồng chéo ở Biển Đông. Tại đây, các tàu cá do dân quân Trung Quốc điều khiển vẫn kiên quyết cản trở việc tiếp cận các vùng biển mà Philippines có đặc quyền đánh bắt cá và khai thác dầu khí theo luật quốc tế.

Nếu những tranh cãi này leo thang thành bạo lực, Mỹ, với tư cách đồng minh của Philippines, có thể bị kéo vào cuộc. Dĩ nhiên không ai muốn có chiến tranh chỉ vì hải sản và các tiềm năng dầu khí chưa rõ ràng, vì vậy ông Tập và ông Marcos sẽ tiếp tục duy trì vẻ ngoài hữu hảo. Những cái bắt tay và nụ cười chỉ kéo dài tới chừng nào Philippines còn nhẫn nhịn trước sự bắt nạt của Trung Quốc — và Trung Quốc tiết chế cơ bắp của mình.