Geert Wilders, người chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử Hà Lan, là ai?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Who is Geert Wilders, the surprise winner of the Dutch election?“, The Economist, 24/11/2023

Biên dịch: Phan Nguyên

Chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy chống Hồi giáo đã có một sự nghiệp lâu dài, nhưng đây là kết quả tốt nhất của ông

Ngày 22 tháng 11 Đảng Vì Tự do (PVV) chống người nhập cư của Geert Wilders đã về nhất trong cuộc tổng tuyển cử ở Hà Lan , giành được 37 trong số 150 ghế trong quốc hội, tương đương 23,6% số phiếu bầu. Chiến thắng của ông là một bất ngờ lớn. Nhưng người được hưởng lợi từ việc đột ngột chuyển hướng sang cánh hữu này không phải là một nhân vật mới nổi. Wilders, 60 tuổi, là nghị sĩ tại vị lâu nhất trong quốc hội Hà Lan, ông gia nhập Quốc hội Hà Lan vào năm 1998 với tư cách là thành viên của Đảng Tự do trung hữu (VVD). Ông rời đảng đó vào năm 2004 vì ông cho là đảng này mềm mỏng với Hồi giáo, và thành lập PVV vào năm 2006. Ông luôn có được sự ủng hộ vững chắc của cử tri, nhưng hầu như dành toàn bộ sự nghiệp nghị sĩ của mình ở bên lề, bị ảnh hưởng bởi việc các đảng khác từ chối hợp tác với ông. Giờ đây, có nhiều khả năng điều này sẽ thay đổi.

Wilders đến từ Venlo, một thành phố nhỏ ở tỉnh Limburg, nơi cư dân chủ yếu là người Công giáo bảo thủ. Giống như nhiều người Hà Lan, gốc gác của ông về mặt nào đó mang tính quốc tế: ông có tổ tiên là người Indonesia về bên ngoại; sau khi tốt nghiệp trung học, ông sống hai năm tại một xã nông nghiệp ở Israel; vợ ông là một người nhập cư Hungary. Ông tham gia chính trường vào cuối những năm 1990 với tư cách là trợ lý cho Frits Bolkestein, một nhân vật cấp cao của VVD, một trong những chính trị gia Hà Lan đầu tiên phản đối chủ nghĩa đa văn hóa và nhập cư.

Năm 2002, Pim Fortuyn, một học giả theo chủ nghĩa dân túy lập dị, đã khai thác tình cảm chống Hồi giáo mà các chính trị gia khác chưa bày tỏ, chỉ trích việc những người nhập cư Maroc và Thổ Nhĩ Kỳ bị cho là không thể hòa nhập vào xã hội Hà Lan. Nhưng ông bị ám sát và đảng mới của ông sụp đổ. Điều đó khiến một khối lớn cử tri chống nhập cư, theo chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu tìm kiếm một gương mặt mới. Và Wilders đã giành được sự ủng hộ của họ.

PVV đã giúp phát động một làn sóng chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở châu Âu. Cương lĩnh chính của đảng là phản đối Hồi giáo. Wilders tuyên bố Hồi giáo không phải là một tôn giáo mà là một hệ tư tưởng. Ông cho rằng điều này có nghĩa là sẽ hoàn toàn hợp hiến nếu cấm các nhà thờ Hồi giáo và kinh Koran cũng như đánh thuế phụ nữ Hồi giáo vì đội khăn trùm đầu. Các đảng dân túy trước đây như đảng của Fortuyn đã tan rã vì sự bất đồng quan điểm giữa các thành viên. Wilders đã tìm ra cách giải quyết vấn đề đó: ông là thành viên duy nhất của PVV và đưa ra mọi quyết định.  Wilders dựa vào một nhóm cố vấn thân thiết đã sát cánh cùng ông ngay từ đầu.

Năm 2010, PVV đã giành được 15,5% số phiếu bầu và 24 ghế trong quốc hội, đồng thời đạt được thỏa thuận để hậu thuẫn chính phủ của lãnh đạo VVD lúc bấy giờ là Mark Rutte. Khi cuộc khủng hoảng đồng euro nổ ra vào năm 2010-2011, Wilders chuyển trọng tâm sang phản đối liên minh tiền tệ EU, phản đối viện trợ cho Hy Lạp. Sau khi Rutte bắt đầu lên kế hoạch cắt giảm ngân sách Hà Lan, Wilders đã rút lại sự ủng hộ đối với chính phủ. Kể từ đó, mọi đảng lớn khác đều xa lánh ông, coi ông không chỉ là người cấp tiến mà còn là một đối tác không đáng tin cậy. Năm 2016, ông bị kết tội kích động thù hận khi kêu gọi Hà Lan chấp nhận “ít người Maroc hơn” trong một bài phát biểu. Cuộc khủng hoảng di cư năm 2015-2016 đã mang lại động lực cho đảng của ông. Tỷ lệ phiếu bầu của đảng vẫn ở mức đáng kể: 13% vào năm 2017 và 11% vào năm 2021.

Wilders là người có tư duy nhanh và là một nhà tranh luận giỏi. Ngay từ đầu, ông đã sáng tạo ra một cặp vợ chồng Hà Lan điển hình, “Henk và Ingrid”, và thường hỏi xem họ sẽ nghĩ gì về những chính sách mà ông không thích. Một lời tố cáo đặc trưng là “thế giới đảo lộn”; ông liên tục nói về “những người Hà Lan bình thường” và “những người ở nhà” mà chính phủ đang phản bội. Ông có thể hóm hỉnh một cách “dã man”. Trong một cuộc tranh luận năm 2011, Jolande Sap, khi đó là lãnh đạo đảng GreenLeft (Xanh Tả), đã cố gắng xúi giục ông lật đổ chính phủ của ông Rutte bằng cách mang một ổ cắm điện nối dài vào quốc hội và chỉ cho ông cách rút phích cắm. “Bà Sap chưa bao giờ cắm phích,” Wilders trả lời – ám chỉ thực tế là GreenLeft chưa bao giờ tham gia chính phủ, đồng thời gợi lên một ám chỉ tình dục không thể nhầm lẫn, khiến ngay cả bà cũng phải bật cười. Sự nghiệp của bà sau đó không bao giờ hồi phục.

Rutte cũng là một nhà tranh luận xuất sắc, và trong suốt 13 năm cầm quyền, ông đã kiểm soát được Wilders. Sau khi ông giải tán chính phủ vào tháng 7 và tuyên bố sẽ không tái tranh cử, Hà Lan thiếu một chính khách lớn tuổi để đóng vai trò đó trong chiến dịch bầu cử. Wilders đã tiết chế giọng điệu của mình, nói rằng ông sẽ cho các đề xuất chống Hồi giáo “vào tủ lạnh” nếu ông tham gia chính phủ. Truyền thông Hà Lan bắt đầu nói về “Geert Milders” (Geert ôn hòa hơn). Tuy nhiên, những đề xuất đó vẫn còn trong cương lĩnh của ông. Bây giờ ông nói rằng, nếu được trao cơ hội, ông sẽ trở thành thủ tướng “vì mọi công dân Hà Lan”. Không chắc ông sẽ có cơ hội. Ngày 24/11, lãnh đạo VVD cho biết sẽ không tham gia chính phủ tiếp theo; nhưng sẽ xem xét một thỏa thuận để thành lập nội các “trung hữu”, mà bà dường như nghĩ rằng có thể bao gồm PVV và Đảng Khế ước Xã hội Mới, một đảng bảo thủ mới. Nếu Wilders trở thành thủ tướng, không rõ làm thế nào mà một chính trị gia gọi Hồi giáo là một “hệ tư tưởng toàn trị” lại có thể trở thành một lãnh đạo đại diện cho người Hồi giáo Hà Lan.