Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói “sẽ có hậu quả” nếu Houthi, một nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn, tiếp tục tấn công các tàu hàng ở Biển Đỏ. Ông Blinken cho rằng nhóm phiến quân Yemen này thể hiện “mối đe dọa rõ ràng đối với lợi ích của các nước trên thế giới,” sau khi lực lượng Mỹ và Anh bắn hạ 21 máy bay không người lái và tên lửa do nhóm phóng đi. Houthi đã tăng cường tấn công các tàu thương mại để trả đũa cuộc chiến của Israel ở Gaza, buộc nhiều hãng tàu phải thay đổi đường đi.
Nhóm khủng bố Al-Shabab đã bắt giữ một chiếc trực thăng Liên Hợp Quốc vừa hạ cánh xuống khu vực do họ kiểm soát ở Somalia. Theo báo chí đưa tin, chiếc máy bay chở 9 hành khách, trong đó có cả người Somali và người nước ngoài: 6 người bị bắt, 1 người thiệt mạng và 2 người trốn thoát. LHQ hỗ trợ quân đội gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi ở Somalia; chiếc trực thăng trên vốn được dùng để chở thương binh.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda chỉ trích vụ bắt giữ hai chính trị gia thuộc đảng Luật pháp và Công lý (PiS). Cả hai người đều bị kết tội tham nhũng vào tháng 12. Ông Duda là đồng minh của PiS. Sự can thiệp của ông sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị ở Warsaw, nơi đã chứng kiến bế tắc giữa PiS và chính phủ tự do mới do thủ tướng Donald Tusk lãnh đạo.
Bão ở Mỹ đã giết chết ít nhất 4 người khi mang tuyết, gió mạnh và lũ lụt đến bờ biển phía đông. Nửa triệu ngôi nhà bị cắt điện và hơn một nghìn chuyến bay bị hủy do thời tiết khắc nghiệt. Một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Florida, nơi thống đốc Ron DeSantis đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 49 quận vào thứ Ba.
Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC báo cáo doanh thu tốt hơn dự kiến. Công ty Đài Loan đánh bại dự báo nhờ nhu cầu tăng vọt từ các công ty trí tuệ nhân tạo. Đà bùng nổ của AI đã giúp TSMC chống chọi khi nhu cầu cho các thiết bị của các công ty như Apple, khách hàng quan trọng của nhà sản xuất chip này, suy yếu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khai mạc một hội nghị đầu tư tại bang quê hương của ông. Hội nghị thượng đỉnh đầu tư Vibrant Gujarat được tổ chức hai năm một lần có sự tham dự của các giám đốc điều hành từ Ấn Độ và khắp nơi trên thế giới, những người đã cam kết đầu tư lớn vào bang. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ mong muốn chiếm được cảm tình của ông Modi, nhất là khi Đảng Bharatiya Janata của ông khả năng cao sẽ tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay.
Như một phần của chiến dịch chống tham nhũng, Trung Quốc chuyển sang tập trung vào bữa ăn tối tiếp khách của các quan chức. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho biết sẽ trừng phạt những người vi phạm các quy định về ăn uống, bao gồm cả việc ép nhân viên cấp dưới trả tiền bữa ăn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa “không khoan nhượng” trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Con số trong ngày: 5%, là khối lượng thương mại toàn cầu thường được vận chuyển qua Kênh đào Panama.
TIÊU ĐIỂM
Vụ kiện Israel về tội diệt chủng do Nam Phi đệ trình
Vào thứ Năm, Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hợp Quốc sẽ xét xử một vụ án do Nam Phi đưa ra cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng ở Dải Gaza. Nam Phi và Israel đều là các bên ký kết Công ước chống Diệt chủng năm 1948. Công ước này buộc họ phải ngăn chặn và trừng phạt hành vi diệt chủng — được định nghĩa là những hành động được thực hiện “với mục đích tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm dân tộc, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo.”
Nam Phi lập luận rằng việc giết hại thường dân ở Gaza (hơn 23.000 người, chủ yếu là dân thường, đã chết, theo bộ y tế của Hamas), cùng với việc buộc sơ tán và cô lập lãnh thổ, đủ điều kiện cấu thành tội diệt chủng. Hồ sơ dài 84 trang cáo buộc Israel đang gây ra “điều kiện sống” kinh khủng cho người dân Gaza đến mức chúng “được tính toán để mang lại sự hủy diệt vật chất.” Israel sẽ trả lời vào thứ Sáu. Họ có thể sẽ lập luận rằng chiến tranh ở Gaza là nhằm tự vệ trước nhóm khủng bố Hamas chứ không phải để “tiêu diệt” những người sống ở đó.
Rắc rối với phe đối lập mới ở Ba Lan
Trong những năm gần đây, người Ba Lan đã nhiều lần được yêu cầu tuần hành để bảo vệ nền dân chủ. Một cuộc biểu tình lớn vào thứ Năm tại thủ đô Warsaw sẽ là cuộc biểu tình đầu tiên được kêu gọi bởi đảng Luật pháp và Công lý (PiS), đảng bị mất quyền lực từ tháng 12. Kể từ đó PiS đã phản đối chính phủ tự do mới do Donald Tusk lãnh đạo. Họ nhận thấy việc sa thải những người trung thành với PiS khỏi các đài phát thanh và truyền hình công cộng là điều đặc biệt đáng lo ngại.
Xung đột đang leo thang. Hôm thứ Ba, cảnh sát đã bắt giữ hai cựu bộ trưởng PiS bị kết tội lạm dụng quyền lực. Khi ấy họ đang ẩn náu trong dinh tổng thống. Tổng thống Andrzej Duda, người vốn là đồng minh của PiS, khẳng định ông đã ân xá cho họ. (Ông thực sự đã làm vậy, nhưng bị một tòa án Ba Lan hủy quyết định.) Chính phủ cáo buộc ông Duda cản trở công lý. Giữa cuộc hỗn loạn pháp lý, quốc hội đã hoãn phiên họp đầu tiên trong năm nay; và vào thứ Tư, một trong những chính trị gia bị giam giữ đã bắt đầu tuyệt thực trong tù. PiS có vẻ sẽ tỏ ra mạnh tay trong vai trò phe đối lập như khi còn nắm quyền.
Các nước Biển Đen ký thoả thuận dọn dẹp mìn nổi do hậu quả chiến tranh
Tại một buổi lễ ở Istanbul hôm thứ Năm, các quan chức từ Bulgaria, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ký một thỏa thuận dọn sạch mìn nổi ở Biển Đen do hậu quả của việc Nga xâm lược Ukraine. Được phôi thai từ nhiều tháng đàm phán, thoả thuận này sẽ chứng kiến các tàu từ cả ba nước tuần tra vùng biển ngoài khơi bờ biển của họ để phát hiện chất nổ đi lạc. Trong gần hai năm qua, hoạt động vận chuyển thương mại và đánh cá ở Biển Đen đã bị ảnh hưởng nặng nề do các đòn tấn công của tên lửa Nga vào cảng của Ukraine. Trong bối cảnh đó, mìn nổi lại càng làm tăng thêm rủi ro.
Anh đã đồng ý cung cấp cho Ukraine hai máy dò mìn của riêng mình để bảo vệ các tuyến vận tải. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối thỏa thuận này với lý do không cho phép các tàu đi qua vùng biển của họ, viện dẫn một hiệp ước quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết giữ các lực lượng NATO khác ở ngoài Biển Đen vì lo ngại xảy ra chiến tranh với Nga ngoài khơi bờ biển của họ. Thay vào đó, Ankara muốn hợp tác với các quốc gia ven Biển Đen, bao gồm Bulgaria và Romania.
Hồi hộp chờ Mỹ công bố dữ liệu lạm phát
Vào thứ Năm, Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 12. Dữ liệu này là chỉ số kinh tế được theo dõi chặt chẽ nhất trên thế giới. Các nhà đầu tư đang trông chờ lạm phát giảm liên tục xuống quanh mức mục tiêu khoảng 2% của Fed, vốn sẽ cho ngân hàng trung ương không gian để cắt giảm lãi suất.
Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng lạm phát “lõi” (loại bỏ chi phí thực phẩm và năng lượng) đã giảm từ 4% trong tháng 11 xuống 3,8% trong tháng 12. Con số này đã giảm nhiều so với mức cao gần 7% của cuối năm 2022. Dù vậy, các chi tiết có thể kém đáng khích lệ hơn một chút. Mặc dù giá hàng hóa đang giảm, giá dịch vụ, bao gồm cả tiền thuê nhà và đi lại, vẫn tiếp tục tăng với tốc độ tương đối nhanh. Trong những tháng tới, điều đó có thể đẩy lạm phát lên cao hơn mức Fed mong muốn. Các nhà đầu tư có thể sẽ phải thất vọng.