Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài mấy năm nay. Nhưng quốc hội Hungary, vốn đang tạm nghỉ cho đến giữa tháng 2, vẫn phải phê chuẩn nó. Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập từ tháng 5/2022, sau khi Nga xâm lược Ukraine. Sau khi phản đối cả hai nước Bắc Âu – với cáo buộc họ chứa chấp khủng bố chống Thổ Nhĩ Kỳ – Ankara đã chấp thuận Phần Lan vào tháng 3 năm ngoái. Lãnh đạo Hungary, Viktor Orban, đã mời Thụy Điển “đàm phán” về việc gia nhập; song ngoại trưởng Thụy Điển phản đối bằng lời đề nghị “đối thoại.”
Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu nói nước này sẽ không ngừng chiến đấu ở Gaza cho đến khi giành được “chiến thắng tuyệt đối.” Hôm qua, 24 binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở miền nam Gaza, đánh dấu số thương vong theo ngày lớn nhất kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 10. Trong số 24 binh sĩ này, 21 người thiệt mạng vì một vụ nổ lựu đạn ném vào xe tăng, còn 3 người thiệt mạng trong một vụ tấn công khác. Trong khi đó, Qatar cho biết nước này vẫn đang nỗ lực làm trung gian hòa giải một thỏa thuận giữa Hamas và Israel. Theo bộ y tế Hamas, hơn 25.000 người đã thiệt mạng bởi lực lượng Israel trong cuộc chiến.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết ông sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Houthi, một nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn, “trong những ngày tới”. Trước đó, lực lượng Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công mới vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Đây là lần ném bom thứ tám của Mỹ và lần thứ hai của Anh. Houthi đã hơn 30 lần tấn công vào các tàu thương mại và các tàu quốc tế kể từ giữa tháng 11.
Theo giới chức Ukraine, 7 người đã thiệt mạng và khoảng 70 người khác bị thương trong các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào Kyiv và Kharkiv, hai thành phố lớn nhất của Ukraine. Một đường ống dẫn khí đốt ở Kharkov cũng bị hư hại. Trong khi đó, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mô tả các kế hoạch hòa bình được phương Tây đề xuất là “con đường dẫn đến hư không.”
Tòa án hiến pháp Đức tuyên bố đảng cực hữu Die Heimat nên bị cấm tiếp cận công quỹ vì đe dọa “trật tự dân chủ cơ bản.” Phán quyết này mở đường cho nhiều biện pháp kiềm chế hơn đối với các đảng phái chính trị được coi là nguy hiểm, trong đó có đảng cực hữu Sự Lựa chọn Thay thế cho nước Đức AfD. Hàng chục nghìn người đã biểu tình trên khắp nước Đức vào tuần trước để phản đối AfD.
Theo Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang xem xét các bước để ổn định thị trường chứng khoán. Nhà chức trách được cho là sẽ chi khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (278 tỷ USD) để mua cổ phiếu. Tin này khiến thị trường tăng điểm (mặc dù sau đó cũng đảo chiều). Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã gặp khó khăn trong những tháng gần đây. Ngày 22/1, chỉ số CSI 300 của cổ phiếu Trung Quốc giảm 1,6%, thấp hơn gần một phần tư so với một năm trước.
Con số trong ngày: 32,8%, là tăng trưởng thương mại giữa Anh và Ả Rập Saudi trong năm tính đến tháng 6 năm 2023.
TIÊU ĐIỂM
Công đoàn biểu tình phản đối tổng thống Argentina
Tổng Liên đoàn Lao động (CGT) Argentina dự kiến sẽ tổ chức đình công trên toàn quốc vào thứ Tư tuần này để phản đối dự luật “hỗn hợp” do tổng thống Javier Milei trình lên Quốc hội. Dự thảo luật sẽ tuyên bố “tình trạng khẩn cấp chung” để đối phó với lạm phát tăng vọt. Nó sẽ trao cho chính phủ các quyền lực thường được dành cho Quốc hội và sẽ mở đường cho việc tư nhân hóa hơn 40 công ty nhà nước.
Chưa có tổng thống Argentina nào khác phải đối mặt với một cuộc đình công toàn quốc sớm như vậy trong nhiệm kỳ của mình. Hôm thứ Hai, chính phủ đã sửa đổi dự luật để tăng cơ hội được thông qua ở Quốc hội. Nó sẽ trao cho tổng thống quyền lực đặc biệt chỉ trong một năm, thay vì đến cuối năm 2025 như dự thảo ban đầu. Bên cạnh đó là một công ty dầu mỏ được gạch tên khỏi danh sách tư nhân hóa. Nhưng chính phủ không thay đổi sắc lệnh an ninh gần đây nhằm tăng hình phạt đối với những người biểu tình chặn đường. Dù vậy, bấy nhiêu là đủ để cản CGT.
Chiến tranh điện tử ở vùng Baltic
Kể từ giữa tháng 12, các phi công bay qua Biển Baltic đã báo cáo GPS ngừng hoạt động. Có thời điểm tình trạng mất GPS xảy ra trên 2/3 miền bắc Ba Lan. Nguyên nhân dường như là do GPS bị nhiễu — nhưng do ai?
Các nhà phân tích nguồn mở sau khi kiểm tra dữ liệu chuyến bay đã kết luận hành động can thiệp có thể đến từ Đan Mạch, Ba Lan hoặc Kaliningrad thuộc Nga. Các chuyên gia hiện cho rằng thủ phạm có thể là một trạm tác chiến điện tử bí mật của Nga ở Kaliningrad có tên là Tobol, được thiết lập để can thiệp vào các vệ tinh.
Đây không phải là lần đầu tiên điều này xảy ra. Phi công ở Bulgaria và Lithuania đã báo cáo vấn đề với GPS vào mùa hè năm ngoái. Sự việc gần đây có thể liên quan đến cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong nhiều thập niên qua mang tên Steadfast Defender, bắt đầu vào tuần này và kéo dài đến tháng 5. Nếu vậy, cuộc chiến điện tử của Nga ở sườn phía bắc của NATO có thể sẽ tăng cường trong những tuần tới.
Châu Á theo sát các chính sách của Fed
Thị trường tài chính luôn theo dõi sát sao mọi cử động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Các ngân hàng trung ương châu Á cũng không ngoại lệ. Nền kinh tế của họ phụ thuộc vào thương mại toàn cầu, mà phần lớn được thanh toán bằng đô la. Họ sẽ rất lo nếu đồng bản tệ tăng hoặc giảm quá xa so với đồng bạc xanh. Và vì vậy họ không muốn nới lỏng chính sách tiền tệ trừ khi Fed cũng làm như vậy. Nếu Fed cắt giảm lãi suất trong năm 2024 như thị trường dự đoán, nhiều ngân hàng trung ương châu Á sẽ làm theo.
Song có một ngoại lệ là Malaysia. Vào thứ Tư, ngân hàng trung ương nước này dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2024. Họ lo ngại việc cắt giảm trợ cấp thực phẩm và nhiên liệu sắp tới cũng như việc tăng thuế bán hàng sẽ gây áp lực lạm phát. Các ngân hàng trung ương châu Á phải để mắt tới các thống đốc của Fed. Nhưng họ cũng không thể bỏ qua chính phủ của mình.
EU muốn mở rộng quyền lực chính trị
Liên minh châu Âu đang cố gắng trở thành một chủ thể địa chính trị mạnh mẽ hơn. Nhưng vấn đề là nó không được lập ra với mục đích ấy. EU được thành lập dựa trên luật lệ để vượt qua cạnh tranh chính trị giữa các nước thông qua cởi mở và thương mại. Giờ đây, EU muốn ra các quyết định vấn đề an ninh quốc gia (vốn không nằm trong quyền hạn của mình), chơi trò chơi chính trị quốc tế, và điều tiết thương mại đầu tư với các nước bên ngoài. Vào thứ Tư, Ủy ban châu Âu sẽ xuất bản một loạt sách trắng và khuyến nghị.
Cụ thể nhất là đề xuất nâng cấp hộp công cụ hiện có của EU để sàng lọc dòng vốn đầu tư. Dù EU không có quyền chính thức để quyết định liệu các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua một cảng của Đức hay không, các thành viên khác có thể bày tỏ quan điểm nếu giao dịch đó làm ảnh hưởng đến an ninh tập thể. Ủy ban châu Âu muốn đóng các lỗ hổng để đảm bảo tất cả các thành viên đều có quy trình sàng lọc tại chỗ và khiến họ có trách nhiệm hơn với nhau. Các sách trắng chủ yếu được dùng làm cơ sở cho thảo luận cụ thể về sau. Nhưng chúng cần phải được 27 thành viên EU thông qua.