Thế giới hôm nay: 09/02/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông đã nhận được đảm bảo sẽ “không có chuyển biến xấu đi hoặc leo thang căng thẳng” ở Ukraine. Trước đó, vào thứ Hai ông trải qua gần sáu giờ hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Đáp lại, Nga nói “không đúng” khi cho rằng họ đã đảm bảo không leo thang. Ông Macron sau đó hội đàm tại Kyiv với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào thứ Ba.

Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ tăng 27% trong năm 2021 so với 2020, lên mức cao nhất lịch sử 859 tỷ đô la. Nguyên nhân là tăng chi tiêu thực phẩm và các mặt hàng công nghiệp như dầu mỏ trong giai đoạn đại dịch. Pháp cũng công bố mức thâm hụt kỷ lục 84,7 tỷ euro vào năm ngoái. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói đây là một “vết đen” cho nền kinh tế, dù đã tăng trưởng 7%.

Gã khổng lồ dầu mỏ BP báo cáo lợi nhuận 12,8 tỷ USD trong năm 2021, cao nhất 8 năm qua. Giá dầu và khí đốt tăng đã biến các công ty dầu mỏ thành cỗ máy kiếm tiền trong năm nay. Chevron, ExxonMobil hay Shell đều xô đổ các kỷ lục. Song khi giá năng lượng hộ gia đình tăng ở Anh, ngày càng có nhiều người kêu gọi chính phủ áp thuế các công ty nhiên liệu hóa thạch.

Trong bối cảnh số ca nhiễm covid-19 xác lập kỷ lục mới trong ngày thứ ba liên tiếp, Hồng Kông công bố sẽ phong tỏa nghiêm ngặt. Từ thứ Năm, tụ họp công cộng sẽ giới hạn còn hai người trong khi tụ họp riêng tư có thể sẽ không quá hai hộ gia đình. Nhiều địa điểm công cộng, bao gồm địa điểm tôn giáo, đều sẽ đóng cửa. Lãnh thổ dự định tung ra “hộ chiếu vắc xin” vào ngày 24 tháng 2 nhằm tạo điều kiện mở cửa trở lại.

Thương vụ bán hãng thiết kế chip Arm của Anh, trị giá 66 tỷ USD, cho đối thủ Mỹ Nvidia đã sụp đổ. Arm thuộc sở hữu của quỹ đầu tư công nghệ Nhật Bản Softbank và là bên thiết kế chip cho hầu hết các điện thoại thông minh. Đây đã có thể là thương vụ mua lại lớn nhất từ ​​trước đến nay trong ngành bán dẫn. Softbank nói thương vụ đổ vỡ vì rào cản về quy định pháp lý. Ngoài ra, hôm thứ Ba Softbank cũng thông báo lợi nhuận quý giảm 97%.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phê duyệt đề xuất bán thiết bị trị giá 100 triệu đô la để củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa của Đài Loan. Đài Loan đang tìm cách bảo vệ mình trước Trung Quốc, bên đang tạo nhiều áp lực lên Đài Loan trong những tháng gần đây. Còn về phía Mỹ, nước này tiếp tục hồi hộp theo dõi Trung Quốc bành trướng quân sự trong khu vực.

Tòa án Tối cao Mỹ bỏ phiếu cho phép Alabama tổ chức bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 này bằng một bản đồ hành chính đã bị tòa cấp thấp tuyên phân biệt đối xử người Mỹ gốc Phi. Mặc dù 27% dân số Alabama là người da đen, bản đồ do phe Cộng hòa vẽ chỉ ghi nhận có một trong số bảy hạt mà người Mỹ gốc Phi chiếm đa số. Tòa Tối cao có thể quay lại vấn đề này sau cuộc bầu cử.

Con số trong ngày: 10km, là chiều dài giá đỡ trong kho lưu trữ của quốc hội Anh, trong bối cảnh cơ quan này cho di dời hàng nghìn đạo luật của quốc hội.

TIÊU ĐIỂM

Giới đầu tư khó dứt khỏi tài sản nhiên liệu hóa thạch

Trong hai tuần qua, BP, Chevron, ExxonMobil và Shell đồng loạt báo cáo lợi nhuận ròng năm tổng cộng hơn 70 tỷ đô la. TotalEnergies cũng sẽ công bố lợi nhuận bội thu vào thứ Năm. Tất cả điều này là nhờ giá dầu cao. Nhưng các công ty lớn cũng đang thu lợi nhuận từ 44 tỷ đô la tài sản, chủ yếu là trong ngành nhiên liệu hóa thạch mà họ đã thoái vốn từ năm 2018 dưới áp lực của nhà đầu tư và nhà chức trách.

Nhiều tài sản trong nhóm này cuối cùng lại rơi vào danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư tư nhân. Trong hai năm qua các công ty này mua tới 60 tỷ đô la tài sản dầu, khí và than – nhiều hơn một phần ba so với số tiền được họ đầu tư vào năng lượng tái tạo. Các quỹ dầu chuyên dụng không còn hợp thời nữa. Giới đầu tư giờ đây gom tiền từ nhiên liệu hóa thạch vào các quỹ chung hoặc mua các đường ống dẫn, vốn ít bị lời ra tiếng vào hơn giếng dầu.

Thực tế này đi ngược với nguyện vọng của nhiều nhà đầu tư trong các quỹ. Gần 1.500 người, tương ứng 39 nghìn tỷ đô la tài sản, đã hứa sẽ thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch. Nhưng lợi nhuận hấp dẫn dường như quá khó từ bỏ.

Mỹ vẽ lại bản đồ bầu cử

Cứ mỗi mười năm nước Mỹ sẽ vẽ lại các bản đồ dùng trong bầu cử dân biểu và các nhà lập pháp bang. Vì đảng Cộng hòa trong những năm gầy đây kiểm soát nhiều chính quyền bang hơn đảng Dân chủ, họ có thể vẽ những bản đồ đó sao cho có lợi cho mình. Tuy nhiên, năm nay phe Dân chủ cũng có thể giành một số lợi thế. Họ đang ngày càng quyết liệt hơn và đã được hưởng lợi từ các cuộc cải cách tái phân chia khu vực bầu cử. Bất chấp quyết định của Tòa Tối cao vào hôm thứ Ba cho phép Alabama dùng bản đồ mới, bản thân đảng Dân chủ cũng thường được tòa tuyên có lợi.

Dẫu vậy bản đồ quốc gia nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục bất lợi cho đảng Dân chủ. Ngay cả khi khoảng cách được thu hẹp và các ghế được phân bổ đều hơn, công bằng cũng sẽ khó được đảm bảo. Ở Mỹ, chính trị gia được chọn cử tri của họ, chứ không phải ngược lại.

Kết quả khả quan của hãng tàu Maersk

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến các kệ hàng trống rỗng và các cảng bị tắc nghẽn. Nhưng đó không phải là điều xấu đối với tất cả mọi người. Lợi nhuận của các công ty vận chuyển đã tăng vọt.

Maersk, một công ty Đan Mạch, là công ty vận tải biển lớn nhất thế giới cho đến gần đây; trươc khi bị vượt qua bởi Công ty Vận tải Địa Trung Hải của Thụy Sĩ. Nhu cầu về hàng hóa từ những người tiêu dùng bị phong tỏa nằm nhà đã mang lại lợi ích cho ngành. Kết quả cả năm của Maersk, được công bố hôm thứ Tư, chắc chắn sẽ xác nhận một con số sơ bộ được công bố hồi tháng 1 cho thấy lợi nhuận hoạt động đạt gần 20 tỷ đô la trong năm 2021. Năm 2019, con số đó chỉ là 1,7 tỷ đô la.

Các nhà đầu tư sẽ có rất nhiều điều để ăn mừng trong năm 2022. Vận may của ngành có thể sẽ tồn tại lâu dài. Ít có dấu hiệu để yên tâm, ít nhất là trong nửa đầu năm, đối với những khách hàng coi chi phí vận chuyển tăng cao cũng giống như bị cướp biển.