Tác giả: Nguyễn Khắc Giang
Vào tuần thứ hai tháng 1/2024, tin đồn về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, vị Tổng bí thư 79 tuổi của Đảng Cộng sản Việt Nam, lan truyền khắp cả nước. Lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông là vào ngày 26/12/2023 khi ông tiếp đón Shii Kazuo, lãnh đạo Đảng Cộng sản Nhật Bản. Ông vắng mặt trong các sự kiện quan trọng sau đó, bao gồm chuyến thăm của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Tin đồn về tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi, nhập viện, hoặc thậm chí là việc ông đã qua đời rộ lên trên mạng xã hội bởi những người có ảnh hưởng truyền thông, và được đồn thổi kín đáo hơn trong giới quan sát chính trị. ‘Xác nhận’ từ những cá nhân có tiếng trên không gian mạng dường như củng cố thêm tính khả tín của tin đồn này. Thậm chí, các phương tiện truyền thông quốc tế, bao gồm Bloomberg và Reuters, cũng đổ thêm dầu vào lửa với cách đưa tin đầy ẩn ý.
Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ diễn ra vào ngày 15/1/2024, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự phiên họp bất thường của Quốc hội tại Hà Nội. Mặc dù trông còn yếu, ông rõ ràng là đủ sức khỏe để xuất hiện. Điều này dẫn đến hai giả thuyết về tin đồn nói trên: hoặc ông Trọng vận dụng chiến thuật “giả chết bắt quạ”, để tìm hiểu xem phe phái nào vội vã tranh giành quyền lực, hoặc dò xét ai đã lan truyền tin giả về sức khỏe của ông nhằm gây sức ép đẩy nhanh quá trình tìm người kế nhiệm. Về sức khỏe của ông, một số nguồn tin không chính thức cho biết Tổng Bí thư Trọng nhiễm cúm A và đang hồi phục trong thời gian vắng mặt.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam trải qua tình huống ‘báo động’ liên quan đến sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Năm 2019, ông được cho là bị đột quỵ, khiến ông vắng mặt dài hạn trên chính trường. Ngay lúc đó đã dấy lên những đồn đoán về sức khỏe của ông cũng như khả năng chuyển giao vị trí lãnh đạo Đảng. Năm 2021, khi được bầu lại cho nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, Tổng Bí thư Trọng xác nhận mối lo về tuổi già và sức khỏe suy giảm của mình.
Trong bối cảnh Việt Nam, thông tin về sức khỏe cũng như các vấn đề nhạy cảm khác của lãnh đạo cấp cao thường được giữ kín. Do đó, việc công chúng tò mò và thích đồn đoán là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sự phổ biến của mạng xã hội ngày nay, cùng với thái độ do dự của nhà nước (và Đảng) trong việc xác nhận hoặc phủ nhận những tin đồn như thế, làm trầm trọng thêm tình trạng lan truyền tin giả và thông tin sai lệch liên quan đến lãnh đạo. Những câu chuyện như thế, vốn gây nhiễu thông tin cho giới quan sát ở Việt Nam và nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp và giới ngoại giao, cho thấy mức độ thiếu chắc chắn của quá trình kế nhiệm là một rủi ro đáng kể ở Việt Nam.
Ba yếu tố chính góp phần tạo nên tình trạng này. Đầu tiên, hơn một thập niên lãnh đạo của Tổng Bí thư Trọng tạo nên mức độ tập trung quyền lực rõ rệt, với uy quyền ngày càng tăng đối với vị trí Tổng bí thư. Sự thay đổi này thách thức mô hình lãnh đạo tập thể truyền thống của Đảng Cộng sản. Tổng Bí thư Trọng hiện đã ở trong Bộ Chính trị sáu nhiệm kỳ liên tiếp, trong khi các thành viên khác mới chỉ phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ. Ông lớn hơn 13 tuổi so với thành viên cao tuổi thứ hai trong Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng (sinh năm 1957, cùng với các nhân vật khác như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hay Đại tướng Tô Lâm). Thâm niên công tác và kinh nghiệm khiến ông trở thành một nhân vật gần như không thể thay thế, một “vị trưởng lão” trong Bộ Chính trị. Vì thế, sẽ rất khó để người kế nhiệm có được uy tín và mức độ ảnh hưởng như của ông.
Thứ hai, người kế nhiệm Tổng Bí thư Trọng sẽ thừa hưởng một vị trí đầy quyền lực, nhưng điều này cũng có thể khiến cấu trúc lãnh đạo tập thể vốn đã suy yếu dưới thời Tổng Bí thư Trọng bị suy yếu thêm. Một người kế vị trẻ hơn, với nhiều thời gian hơn trong tay, có thể bị cám dỗ tập trung quyền lực phục vụ cho lợi ích cá nhân. Điều này có thể bao gồm việc xây dựng mạng lưới lợi ích nhóm như trường hợp của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thay vì đầu tư vốn chính trị vào việc củng cố các quy định của Đảng để chống tham nhũng như Tổng Bí thư Trọng đã làm. Trong tình trạng thiếu các cơ chế kiểm soát và cân bằng đủ mạnh, di sản chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Trọng có thể bị đe dọa.
Thứ ba, và quan trọng nhất, Đảng Cộng sản đang thiếu một kế hoạch chuyển giao quyền lực rõ ràng. Ngay cả trước những tin đồn gần đây nhất, Đảng đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một người kế vị phù hợp cho Tổng Bí thư Trọng. Điều này thể hiện rõ ở tình trạng bế tắc tại Đại hội Đảng 13 vào năm 2021, khi ứng viên kế nhiệm được Tổng Bí thư Trọng giới thiệu, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, không có đủ số phiếu tại Trung ương. Sự kiện này khiến Tổng Bí thư Trọng phải tiếp tục ở lại nhiệm kỳ ba như một “ngoại lệ” với Điều lệ Đảng, vốn không cho phép giữ vị trí Tổng bí thư quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tình hình hiện nay không thay đổi nhiều. Trong số các ứng viên, bao gồm Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, không ai thực sự nổi trội hơn người khác. Tình huống này có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh quyền lực gay gắt khi Tổng Bí thư Trọng rút lui, ảnh hưởng đến tính ổn định chính trị của đất nước.
Để tránh tình huống khủng hoảng kế nhiệm với các vấn đề chia rẽ nội bộ, thay vì sử dụng cảm tính cá nhân, Đảng cần tiếp tục củng cố quá trình thể chế hóa chuyển giao quyền lực. Dưới thời Tổng Bí thư Trọng, Đảng đã xây dựng một nền tảng tương đối vững chắc để bắt đầu thực hiện quy trình lựa chọn kế nhiệm, đặc biệt là Quyết định 244 về bầu cử trong Đảng và các quy định quan trọng về tiêu chí cán bộ cấp cao cũng như quy trình bỏ phiếu tín nhiệm. Với tầm nhìn xa hơn, Đảng có thể cân nhắc phương án bỏ phiếu trực tiếp để các đại biểu Đại hội Đảng lựa chọn Tổng bí thư, thay vì cơ chế “tập trung dân chủ” như hiện tại. Một số địa phương đã thí điểm bầu cử trực tiếp bí thư từ năm 2010, nhưng dù đã được thảo luận rộng rãi, phương án vẫn chưa được cân nhắc ở cấp cao hơn.
Thể chế hóa chuyển giao quyền lực là một trong những trụ cột để đảm bảo tính bền vững của các chế độ một đảng lãnh đạo. Sự thiếu chắc chắn trong quá trình lựa chọn người kế vị của Đảng tạo ra bất ổn: nó khiến tất cả các tin đồn về sức khỏe của Tổng Bí thư Trọng trở thành vấn đề quốc gia và tạo ra các lo ngại lớn hơn. Với chính Tổng Bí thư Trọng, thể chế hoá quá trình lựa chọn người kế nhiệm có lẽ là yếu tố quyết định để đảm bảo cho di sản chính trị của ông.
Nguyễn Khắc Giang là Nghiên cứu viên Khách mời tại Chương trình Nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore.
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg.