Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Ba lính Mỹ thiệt mạng và 34 người khác bị thương trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ lính Mỹ ở Jordan nằm sát biên giới Syria. Tổng thống Joe Biden nói thủ phạm là “các nhóm chiến binh cực đoan do Iran hậu thuẫn” và cam kết sẽ bắt họ trả giá. Đây là thương vong đầu tiên của Mỹ ở Trung Đông kể từ khi cuộc chiến của Israel ở Gaza bắt đầu vào tháng 10. Cũng kể từ đó, khoảng 10 quốc gia khác đã bị lôi kéo vào vòng xoáy căng thẳng trong khu vực.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kêu gọi các nước đã tạm dừng tài trợ cho UNRWA, cơ quan của LHQ dành cho người tị nạn Palestine, hãy xem xét lại và tuyên bố sẽ bắt bất kỳ nhân viên nào bị phát hiện có liên quan đến cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7 tháng 10 “phải chịu trách nhiệm.” Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Lãnh thổ Palestine cáo buộc 9 quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ và Đức, “trừng phạt chung” thường dân ở Gaza. Đại diện của Iran, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích động thái này.
Các nhà đàm phán đang họp ở Paris để thảo luận về một thỏa thuận do các quan chức Mỹ đưa ra, theo đó sẽ tạm dừng cuộc tiến công của Israel ở Gaza trong hai tháng và tiến tới trao trả theo từng giai đoạn 130 con tin Israel vẫn bị Hamas giam giữ. Giám đốc CIA William Burns sẽ đại diện cho chính quyền Biden trong các cuộc đàm phán với Israel, Ai Cập và Qatar.
Burkina Faso, Mali và Niger rời Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), một khối khu vực. Các nước này gọi các lệnh trừng phạt áp đặt lên họ nhằm đáp trả các cuộc đảo chính diễn ra từ năm 2020 là “vô nhân đạo” và cáo buộc ECOWAS trở thành “mối đe dọa đối với các quốc gia thành viên.” Động thái trên làm dấy lên lo ngại rằng khu vực vốn đã bị ảnh hưởng bởi xung đột và bạo lực thánh chiến này sẽ càng trở nên bất ổn.
Tên lửa và máy bay không người lái Nga đã tấn công các mục tiêu dân sự và cơ sở hạ tầng trên khắp Ukraine vào Chủ nhật. Hôm thứ Bảy, cơ quan an ninh Ukraine thông báo họ đang điều tra các quan chức trong bộ quốc phòng và nhân viên tại một nhà sản xuất vũ khí với cáo buộc ăn cắp 40 triệu USD, số tiền lẽ ra phải được chi cho đạn súng cối. Hồi tháng 9, tổng thống Volodymyr Zelensky đã thay thế bộ trưởng quốc phòng sau nhiều tháng bê bối tham nhũng trong bộ.
Holcim, một trong những công ty xi măng lớn nhất thế giới, có thể công bố thỏa thuận tách bộ phận kinh doanh ở Bắc Mỹ trong những ngày tới, tờ Wall Street Journal đưa tin. Vào tháng 7 năm 2023, công ty Thụy Sĩ cho biết Bắc Mỹ đang trên đà chiếm 40% doanh thu của tập đoàn, tăng lên khoảng 12 tỷ USD. Họ cho rằng các nhà sản xuất Mỹ sẽ tăng cường sản xuất trong nước để tránh tắc nghẽn chuỗi cung ứng.
Con số trong ngày: 83 triệu USD, là số tiền tòa án yêu cầu Donald Trump trả cho nhà báo E. Jean Carroll vì những lời lăng mạ và vì phủ nhận hành vi tấn công tình dục.
TIÊU ĐIỂM
Căng thẳng Iran-Pakistan
Đường biên giới dài 900 km giữa Iran và Pakistan từ lâu đã luôn bất ổn. Iran nói các chiến binh Sunni được cung cấp nơi trú ẩn ở Pakistan, trong khi Pakistan cáo buộc những người ly khai Baloch được Iran che chở. Hôm 16 tháng 1, tên lửa và máy bay không người lái của Iran đã giết chết hai người ở tỉnh Balochistan của Pakistan; chỉ hai ngày sau, Pakistan đáp trả và khiến 9 dân quân thiệt mạng ở Iran. Hai sự kiện cho thấy sự leo thang nghiêm trọng.
Trong nỗ lực cải thiện quan hệ, vào thứ Hai, chính phủ Pakistan sẽ tiếp đón ngoại trưởng Iran tại Islamabad. Có lẽ hai bên sẽ tìm ra một cơ chế để hạn chế hoạt động quân sự xuyên biên giới và cải thiện việc chia sẻ thông tin tình báo. Tuy nhiên, nỗ lực ngoại giao có thể bị bạo lực làm chệch hướng. Hôm thứ Bảy, chín công nhân Pakistan đã bị các tay súng, có thể là phiến quân Baloch, giết chết ở Saravan, một thành phố Iran nằm gần biên giới hai nước. Chính phủ Pakistan cũng đã phê chuẩn việc triển khai quân đội để “tiến hành một cách hòa bình” cuộc bầu cử 8 tháng 2, do đó nhiều khả năng sẽ rút bớt quân khỏi biên giới vào thời điểm đặc biệt căng thẳng.
Tổng thống Philippines thăm Việt Nam
Vào thứ Hai, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos sẽ đến Hà Nội để hội đàm với người đồng cấp Việt Nam Võ Văn Thưởng. Philippines và Việt Nam là láng giềng, cùng nhau tạo thành bờ phía tây và phía đông của Biển Đông. Hai nước có cùng mục tiêu chống lại các yêu sách vô lý của Trung Quốc đối với Biển Đông, cũng như theo đuổi tham vọng biển của riêng mình.
Trên các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, tiền tuyến được bảo vệ bởi các tàu tuần duyên chứ không phải tàu chiến. Để tăng cường sức mạnh, lực lượng cảnh sát biển Philippines và Việt Nam đã tiến tới một thỏa thuận hợp tác, sẽ được ký khi ông Marcos đang ở Hà Nội. Hiệp định này không phải là một liên minh. Nhưng nó cho thấy bất cứ đâu ở Tây Thái Bình Dương mà Trung Quốc dương oai diễu võ thì các nước láng giềng của họ lại cùng nhau hợp sức đẩy lùi.
Khi nào thì Evergrande mới chịu phá sản?
Thứ Hai này, các chủ nợ của Evergrande, hãng bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, sẽ rất mong chờ một thẩm phán Hồng Kông ra phán quyết giải thể công ty Trung Quốc sau nhiều năm nỗ lực tái cơ cấu không thành. Bất động sản ở Trung Quốc rơi vào hỗn loạn vào năm 2021 khi các quy định mới của chính phủ về nợ đã đẩy các công ty đến bờ vực vỡ nợ. Evergrande vỡ nợ vào cuối năm 2021 và chưa bao giờ đưa ra được một kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn đủ sức thuyết phục chủ nợ nước ngoài.
Giờ đây Evergrande đang đứng ngay trước bờ phá sản. Theo Reuters, một nhóm trái chủ được cho là đã tham gia vào nhóm chủ nợ ban đầu để kêu gọi giải thể công ty. Nếu toà phán quyết theo ý họ, toàn ngành bất động sản Trung Quốc sẽ lại lần nữa đón nhận một cú sốc lớn. Tuy nhiên, vì không có luật rõ ràng quy định thẩm quyền của tòa Hồng Kông ở đại lục, không rõ liệu chính quyền Trung Quốc có thực hiện theo phán quyết của thẩm phán Hồng Kông hay không. Nhiều khả năng phán quyết vào thứ Hai sẽ không phải là chương cuối cùng trong câu chuyện của Evergrande.
Tác động của ngành dự báo thời tiết lên chi phí bảo hiểm ở Mỹ
Các nhà khí tượng học, thủy văn học và khoa học khí hậu sẽ tề tựu về Baltimore trong tuần này để tham dự hội nghị thường niên của Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ, cơ quan chính thức của ngành dự báo thời tiết. Công việc của họ đang ngày càng quan trọng với xã hội. Thời tiết tác động lớn đến cuộc sống, từ các trận đấu thể thao đến chuỗi cung ứng, và nó đang ngày càng trở nên khó đoán cũng như khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu. Công tác dự báo thời tiết, do đó, trở nên khó khăn hơn.
Một nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế tại Đại học Arizona ước tính, chỉ xét riêng về chi phí đền bù cho người bị tử vong, việc cải thiện dự báo thêm 50% sẽ giúp tiết kiệm cho nền kinh tế Mỹ 2,1 tỷ USD mỗi năm. Căng thẳng tài chính do các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão gây ra ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ở những bang hay bị bão như Florida, một số ngôi nhà hiện hoàn toàn không thể mua bảo hiểm được. Thống kê của hãng bảo hiểm Swiss Re cho thấy rằng trong nửa đầu năm 2023, giông bão tấn công nước Mỹ chiếm gần 70% trong tổng số 50 tỷ USD tiền bảo hiểm cho thiệt hại do thảm họa thiên nhiên trên toàn thế giới. Dự báo sai thời tiết có thể là một sai lầm vô cùng tốn kém.