Thế giới hôm nay: 26/01/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Joe Biden đã nói chuyện với các lãnh đạo châu Âu và tuyên bố “hoàn toàn nhất trí” rằng bất kỳ cuộc xâm lược nào của Nga vào Ukraine đều sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng. Anh cảnh báo về các biện pháp trừng phạt “chưa từng có.” Hôm thứ Hai, Lầu Năm Góc đã đặt 8.500 binh sĩ Mỹ trong tình trạng báo động để chuẩn bị triển khai tới Đông Âu, mặc dù không phải đến Ukraine. Nga nói không có ý định xâm lược.

Cảnh sát Anh đang điều tra “một số sự kiện” từng được tổ chức ở Phố Downing và Whitehall vì “có thể đã vi phạm quy định covid-19.” Ngoài ra kết quả cuộc điều tra của Sue Grey sẽ được chuyển đến thủ tướng Boris Johnson vào cuối tuần này. Người phát ngôn của thủ tướng nói ông tin là mình không vi phạm bất kỳ luật nào.

IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 vì covid-19, lạm phát cao ở Mỹ và bất ổn trong thị trường bất động sản Trung Quốc, vốn đều tác động đến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF, tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến ​​ giảm từ 5,9%  năm 2021 xuống 4,4% trong năm nay và 3,8% trong năm 2023.

PfizerBioNTech bắt tay thử nghiệm lâm sàng một loại vắc-xin đặc trị biến thể omicron. Hai hãng dược này đã bắt đầu sản xuất công thức mới từ trước, theo đó có thể xuất xưởng vào tháng Ba. Mặc dù omicron không gây bệnh nặng và ít tử vong hơn so với một số biến thể trước đó, nhưng bản đồ kháng nguyên cho thấy nó khác biệt đáng kể so với các chủng khác. Do đó cần có một loại vắc-xin mới.

General Electric công bố doanh thu ba tháng cuối năm 2021 đạt 20,3 tỷ USD, giảm 3% so với một năm trước đó. Giải thích cho việc này, tập đoàn đổ lỗi cho gián đoạn chuỗi cung ứng và sự không chắc chắn xoay quanh tín dụng thuế cho sản xuất điện gió. GE, sẽ tách ra thành ba công ty đại chúng (hàng không, năng lượng và chăm sóc y tế), nói doanh thu sẽ tăng trong năm nay, đặc biệt khi du lịch hàng không phục hồi.

Ít nhất tám người chết và nhiều người bị thương khi có chen lấn vào sân vận động để xem một trận bóng đá trong khuôn khổ Cúp Các Quốc gia châu Phi. Thảm kịch xảy ra ở Cameroon trước giờ đội tuyển nước này đấu Comoros. Tổng thống Cameroon Paul Biya, cũng như Liên đoàn Bóng đá châu Phi, đã ra lệnh điều tra.

Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 4% trong năm 2021, nhanh nhất 11 năm qua. Xuất khẩu và hoạt động xây dựng tăng nhanh đủ để bù đắp cho các ngành dịch vụ phục hồi chậm chạp. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc dự đoán xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng trong năm 2022.

Con số trong ngày: 1.000, là số lượng ấn phẩm xuất bản mỗi năm trong năm 2020 và 2021 của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, tăng từ mức 600 của năm 2019.

TIÊU ĐIỂM

Đức xem xét ra luật bắt buộc tiêm vắc-xin

Từ chối tiêm vắc-xin covid-19 là phản xã hội, có nên bị xem là bất hợp pháp? Vào thứ Tư, Hạ viện Đức sẽ tranh luận về vấn đề này. Một phần tư người Đức vẫn chưa đi tiêm chủng, khiến Đức tụt lại phía sau so với Tây Âu. Cho đến nay ở châu Âu mới có Áo áp dụng tiêm chủng bắt buộc, trong khi Ý chỉ quy định tiêm đối với người trên 50 tuổi và Hy Lạp là 60 tuổi.

Câu chuyện ở Đức rất khó đoán. Các nghị sĩ sẽ xem xét nhiều đề xuất. Một trong số đó bắt buộc đối với mọi người lớn; trong khi đề xuất khác chỉ quy định người trên 50 tuổi. Vi phạm cũng sẽ chỉ bị phạt tiền. Vì Đức không có cơ quan quản lý vắc-xin trung ương, nên người sử dụng lao động có thể sẽ phải kiểm tra tình trạng tiêm chủng của nhân viên. Được biết Hạ viện đặt mục tiêu tổ chức bỏ phiếu vào cuối tháng Ba. Nếu đạt đa số, luật sẽ chính thức áp dụng từ mùa hè. Như thế là quá muộn trong bối cảnh làn sóng omicron quét qua nước Đức. Nhưng nó vẫn có thể giúp tình hình mùa thu và mùa đông thuận lợi hơn.

Các công ty công nghệ sắp công bố thu nhập

Các công ty công nghệ đi qua đại dịch đầy tốt đẹp khi mọi người phải ở nhà làm việc, học tập và mua sắm. Cổ phiếu của năm công ty lớn nhất – Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon và Facebook (nay là Meta) – đều tăng vọt trong hai năm 2020 và 2021. Nhưng biến động thị trường của năm nay khiến chúng bị mất một phần giá trị.

Phố Wall có thể đối mặt bất ổn hơn nữa khi các ông lớn công nghệ công bố thu nhập. Microsoft sẽ bắn phát súng đầu vào thứ Ba, sau đó là Apple vào thứ Năm. Meta, Alphabet và Amazon tiếp nối trong tuần tới. Song có lẽ họ cũng không đủ sức để nâng cao tinh thần của Phố Wall. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã báo hiệu bắt đầu tăng lãi suất, qua đó làm giảm nhu cầu. Lợi tức trái phiếu chính phủ cao hơn sẽ làm giảm giá trị mà các nhà đầu tư đặt cược vào lợi nhuận tương lai của các hãng công nghệ.

Boeing và Airbus dần dần khôi phục nhịp sản xuất

Du lịch hàng không bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch. Thậm chí Boeing còn khó khăn hơn vì 737 MAX ngừng bay 20 tháng. Dòng máy bay đường ngắn của gã khổng lồ hàng không vũ trụ Mỹ hai lần bị tai nạn do lỗi phần mềm dẫn đến cấm bay. Dù vậy, tin tức từ Boeing và Airbus đang cho thấy hy vọng phục hồi cho ngành du lịch hàng không.

Một là, Boeing có thể sẽ lần đầu tiên sau hai năm báo cáo lợi nhuận năm. Những chiếc MAX đang được giao cho khách hàng sau khi hầu hết các cơ quan quản lý trên thế giới cấp lại giấy chứng nhận cho Boeing. Quan trọng hơn là các mục tiêu sản xuất dài hạn. Nhu cầu máy bay phản lực lớn có thể giảm, cũng như nhu cầu di chuyển đường dài, nhưng Boeing sẽ sớm sản xuất hơn 30 chiếc MAX mỗi tháng, và thậm chí có thể quay về mức 52 chiếc thời điểm trước đại dịch. Airbus vẫn dẫn trước, sản xuất 45 chiếc A320 mỗi tháng và đặt mục tiêu 65 chiếc trong mùa hè 2023. Cả hai ông lớn đều đang bay cao trở lại.

Chính phủ trung ương Ấn Độ căng thẳng với các chính quyền tiểu bang

“Ngày Cộng hòa” của Ấn Độ, được tổ chức vào thứ Tư, kỷ niệm ngày hiến pháp chính thức có hiệu lực vào năm 1950. Một cuộc diễu hành lớn qua thủ đô cho Ấn Độ cái cớ để phô diễn cơ bắp quân sự, trong khi các màn biểu diễn đầy màu sắc từ các bang sẽ mô tả Ấn Độ đa dạng nhưng thống nhất. Song quá trình chuẩn bị cho sự kiện năm nay lại cho thấy chia rẽ ngày càng tăng giữa chính quyền trung ương và các bang.

Ngày càng có nhiều cáo buộc nói Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền đang lấn quyền của các bang. Một số lãnh đạo bang đã phản đối đề xuất của BJP cho phép chính quyền trung ương chuyển các quan chức cấp bang đến Delhi mà không cần tham vấn nhà chức trách bang. Biên phòng Ấn Độ gần đây cũng gây căng thẳng với các bang ở biên giới. Thật ra quan hệ giữa chính phủ trung ương và các bang thường hay căng thẳng. Nhưng một số nhà quan sát nói tình hình hiện tại là chưa từng có.