Nguồn: Sue Mi Terry, “The Dangers of Overreacting to North Korea’s Provocations,” Foreign Affairs, 30/01/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Những động thái mới nhất của Kim Jong Un thực sự có ý nghĩa gì?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lại một lần nữa làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Mỗi tuần đều có thêm tin tức mới về các vụ thử tên lửa, trong lúc kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng ngày càng mở rộng về chất lượng và số lượng. Cùng lúc đó, Kim lại có những lời đe dọa chiến tranh mới với Hàn Quốc. Phủ nhận quan hệ họ hàng giữa hai nước, giờ đây, ông gọi nước láng giềng của mình là kẻ thù.
Chắc chắn, Bình Nhưỡng đang tăng cường các luận điệu của mình và khiêu khích quân sự. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Kim làm điều này để bảo vệ chế độ của mình và dồn ép Seoul, hay ông ta đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công sắp xảy ra chống lại Hàn Quốc và Mỹ. Tháng 1, Robert Carlin, cựu giám đốc Ban Đông Bắc Á tại Cục Tình báo và Nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ, và Siegfried Hecker, cựu giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, cảnh báo rằng Kim “đã đưa ra một quyết định chiến lược để tiến tới chiến tranh.” Hai người viết trong một bài báo cho 38North, một trang web chuyên về các vấn đề Triều Tiên, “Nguy hiểm đã vượt xa những cảnh báo thường lệ ở Washington, Seoul, và Tokyo về ‘những hành động khiêu khích’ của Bình Nhưỡng. Chúng tôi không cho rằng chủ đề chuẩn bị tham chiến xuất hiện từ đầu năm ngoái trên các phương tiện truyền thông Triều Tiên là sự khoác lác.”
Dù Carlin và Hecker đã chỉ ra những lo ngại chính đáng và nghiêm túc, nhưng họ lại không đưa ra bất kỳ bằng chứng chắc chắn nào cho thấy Kim muốn có chiến tranh. Khả năng cao là ông không muốn thế. Kim biết rằng một cuộc chiến lớn với Hàn Quốc chắc chắn sẽ thu hút sự tham gia của Mỹ và sẽ đặt dấu chấm hết cho chế độ của ông. Khi đó, nguy cơ không phải là Triều Tiên sẽ cố tình phát động một cuộc chiến, mà là đe dọa hạt nhân và các hành động gây hấn cấp thấp thường xuyên của Bình Nhưỡng – bao gồm phóng tên lửa vào vùng biển Hàn Quốc, gửi máy bay không người lái tới các đảo của Hàn Quốc, và vi phạm biên giới ở Hoàng Hải – có thể bắt đầu một cuộc chiến bằng cách kích động trả thù. Để đảm bảo điều này không xảy ra và để duy trì hòa bình trên bán đảo, Washington và Seoul phải gửi một tín hiệu không thể nhầm lẫn về sức mạnh quân sự và mục đích ngay cả khi họ đang tìm cách thiết lập lại liên lạc với Bình Nhưỡng.
ĐẰNG SAU LỜI ĐE DOẠ
Việc các nhà lãnh đạo Triều Tiên đe dọa Seoul và các đồng minh phương Tây không phải là chuyện gì mới. Kim Jong Un, người lên nắm quyền vào năm 2011 sau cái chết của cha mình, Kim Jong Il, đã thường xuyên làm như vậy. Nhưng ông đã đi xa hơn bình thường trong bài phát biểu trước Hội đồng Nhân dân Tối cao vào ngày 15/1. Ông tuyên bố Hàn Quốc là quốc gia “thù địch nhất” trên thế giới, và chiến tranh với nước này là không thể tránh khỏi. Kim tuyên bố sẽ viết lại hiến pháp Triều Tiên để xem chính phủ ở Seoul là kẻ thù chính của đất nước ông, đồng thời kêu gọi phá hủy hàng loạt biểu tượng hợp tác liên Triều, từ tuyến đường sắt xuyên biên giới không được sử dụng, cho đến tượng đài chín tầng đồ sộ về mục tiêu thống nhất Triều Tiên mà cha ông đã xây dựng ở Bình Nhưỡng.
Bài phát biểu của Kim diễn ra sau thông báo của ông vào cuối năm 2023, rằng việc thống nhất với miền Nam là “bất khả thi” và rằng hai miền Triều Tiên không còn bất kỳ “quan hệ họ hàng” hay “sự đồng nhất sắc tộc” nào nữa. Thay vào đó, ông nói, hai bên là “hai quốc gia tham chiến đang có chiến tranh.” Tuyên bố này không phải là trường hợp mới nhất về thói khoa trương của Triều Tiên, mà nên được hiểu là một sự kiện quan trọng, nếu không muốn nói là bước ngoặt. Với tuyên bố này, Kim đã ngầm chỉ trích và đảo ngược chính sách thống nhất đất nước của cha và ông mình.
Cho đến trước tuyên bố gần nhất của Kim, ba thế hệ lãnh đạo Triều Tiên đã liên tục ca ngợi, với lòng nhiệt thành gần như niềm tin tôn giáo, lý tưởng về một Triều Tiên thống nhất, xã hội chủ nghĩa. Để đạt được mục tiêu đó, suốt hàng chục năm qua, gia tộc Kim vẫn khẳng định rằng người dân miền Nam là những đồng bào cần được giải phóng khỏi chế độ tư bản bù nhìn của Washington. Theo đó, Bình Nhưỡng đã sử dụng loại ngôn từ giàu cảm xúc để định hình nhận thức của người dân về những người anh em miền Nam. Họ đã được nhắc đi nhắc lại rằng “sự đoàn kết dân tộc vĩ đại” sẽ được khôi phục thông qua “thống nhất trong hòa bình” và “hòa giải” với “đồng bào” của họ. Giờ đây, những cụm từ này đã bị vứt bỏ – bởi theo cách nói của Kim thì chúng chẳng khác gì “tàn tích của quá khứ.”
Trong nhiều thập niên, Bình Nhưỡng đã chủ trương gây hấn với miền Nam để đạt được mục tiêu thống nhất. Nhưng việc Kim từ bỏ mục tiêu thống nhất này sẽ không dẫn đến hòa bình trên bán đảo. Đúng hơn, sự thay đổi chính sách này đi kèm với một chỉ thị của Kim cho quân đội, hãy chuẩn bị cho một “cuộc đối đầu với kẻ thù” và “một sự kiện lớn nhằm trấn áp toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc.” Ông nói rằng điều này nên được thực hiện thông qua chiến tranh hạt nhân, nếu cần thiết. Có vẻ như mục tiêu không còn là thống nhất, mà là chinh phục – hoặc ít nhất là cưỡng chiếm.
Những động thái nguy hiểm khác đã dẫn đến hậu quả. Kể từ năm 2018, Bình Nhưỡng trên thực tế đã chấp nhận đường biên giới trên biển giữa Triều Tiên và Hàn Quốc do Liên Hiệp Quốc vạch ra khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Kim hiện đã tuyên bố biên giới này là bất hợp pháp và khẳng định các yêu sách lãnh thổ của Triều Tiên trong khu vực, làm tăng nguy cơ đụng độ với miền Nam. Ông cảnh báo rằng nếu lực lượng của Seoul xâm chiếm “lãnh thổ trên bộ, không phận, hoặc lãnh hải của Triều Tiên dù chỉ 0,001 mm, thì đó sẽ bị coi là hành động khiêu chiến.” Hiệu quả thực tế của cảnh báo này vẫn chưa rõ ràng. Hàn Quốc chỉ xem đây như một đòn tâm lý chiến cấp thấp, nhưng việc phớt lờ nó có thể là lý do biện minh cho hành động khiêu khích hơn nữa của Triều Tiên.
Có ba cách giải thích cho những thay đổi trong giọng điệu và chính sách của Kim Jong Un. Lời giải thích đầu tiên và đáng lo ngại nhất là những thay đổi chính sách này được thúc đẩy bởi mong muốn của chính ông, nhằm biện minh cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột trong tương lai. Bằng cách coi Hàn Quốc là kẻ thù chứ không phải là “đứa con ương ngạnh” của gia đình Triều Tiên, Kim đã thiết lập cơ sở logic, đạo đức, và ý thức hệ cho hành vi gây hấn. Lời giải thích thứ hai, lạc quan hơn, cho rằng sự thay đổi thái độ này là một cách bình thường hóa quan hệ khi xem Hàn Quốc chỉ như là một quốc gia nước ngoài. Tuy nhiên, quyết định cắt đứt mọi liên kết với miền Nam của Kim khiến lời giải thích này khó có thể xảy ra. Lời giải thích thứ ba, đáng tin nhất là sự thay đổi này được thực hiện để biện minh cho hành động gây hấn mạnh hơn chống lại miền Nam, nhưng có thể sẽ không dẫn đến một cuộc chiến lớn. Tuy nhiên, Washington, Seoul, và Tokyo phải nghiêm túc xem xét lời nói của Kim, vì động cơ của ông vẫn chưa rõ ràng và buộc phải chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ điều gì ông có thể làm.
BẠN BÈ VÀ HỎA LỰC
Kim đã bắt đầu cái mà ông gọi là mở rộng “theo cấp số nhân” kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và tăng cường sản xuất các bệ phóng tên lửa di động. Ông cũng cam kết sẽ đưa ba vệ tinh do thám mới vào quỹ đạo để theo dõi các mối đe dọa từ Hàn Quốc và Mỹ. Hơn nữa, Bình Nhưỡng đã đưa ra các kế hoạch nhằm cải thiện độ tin cậy, độ chính xác và độ tinh vi của các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trung bình và tầm xa. Chương trình tên lửa này đã được hưởng lợi từ cuộc thử nghiệm của Nga trên chiến trường Ukraine, nơi đã giúp quảng cáo vũ khí của Triều Tiên cho những người mua tiềm năng.
Khi mở rộng kho vũ khí huỷ diệt hàng loạt của mình, Triều Tiên đang tận dụng tình hình địa chính trị thuận lợi. Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc và việc Nga xâm chiếm Ukraine đã dẫn đến sự hợp tác lớn hơn giữa Bắc Kinh, Moscow, và Bình Nhưỡng. Kết quả là Nga và Trung Quốc hiện từ chối hợp tác với Mỹ để áp đặt hoặc thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Điều này có nghĩa là các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng giờ đây ít gây ra hậu quả hơn, khiến chế độ này có thể tự do tăng số lượng và chất lượng tên lửa của mình. Trong năm 2023, Bình Nhưỡng đã phóng một con số tên lửa kỷ lục, bao gồm cả thứ mà họ tuyên bố vào tháng 12 là một ICBM chạy bằng nhiên liệu rắn, có khả năng di động, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, và có thể vươn tới bất kỳ địa điểm nào ở Mỹ. Triều Tiên cũng đang phát triển tên lửa siêu thanh có thể xuyên thủng hệ thống phòng không của Mỹ, và vào tháng 1, nước này đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn tầm trung có khả năng vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng, từng chấm dứt sau Chiến tranh Lạnh, nay đã được hồi sinh. Triều Tiên hiện cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái, và đạn pháo. Đổi lại, Moscow đang chuyển giao cho Bình Nhưỡng những công nghệ quân sự tiên tiến. Sau hai lần phóng vệ tinh quân sự lên quỹ đạo thất bại vào tháng 5 và tháng 8/2023, Triều Tiên cuối cùng đã thành công vào tháng 11. Có nhiều suy đoán cho rằng các chuyên gia Nga đã giúp Bình Nhưỡng đạt được thành tích đó. Putin dường như cũng xác nhận điều này khi được hỏi trong cuộc gặp với Kim tại một sân bay vũ trụ ở Nga vào tháng 9/2023 rằng liệu Moscow có giúp Triều Tiên chế tạo và phóng vệ tinh hay không. “Đó là lý do tại sao chúng tôi đến đây,” ông trả lời.
Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ tham gia các nỗ lực của Trung Quốc và Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử ở các quốc gia thù địch, đặc biệt là ở Mỹ và Hàn Quốc. Một nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế công bố cho thấy số lần Triều Tiên khiêu khích trong những năm bầu cử ở Mỹ cao gấp 4 lần so với những năm khác. Năm nay, Kim đặc biệt có động cơ để gây rắc rối cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, với hy vọng đảm bảo sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump – một kết quả mà Kim sẽ coi là tích cực, do Trump từng công khai ngưỡng mộ Kim và những lời đe dọa liên tục của Trump về việc rút quân khỏi Hàn Quốc.
BÊN BỜ VỰC CHIẾN TRANH
Chiến tranh có thể xảy ra do các hành động khiêu khích của Triều Tiên, từ việc thử tên lửa hoặc vũ khí hạt nhân nhiều hơn, cho đến các cuộc đụng độ hạn chế với Hàn Quốc. Vẫn còn nghi ngờ về việc Kim sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào miền Nam – điều có thể sẽ dẫn đến việc Mỹ hủy diệt Triều Tiên – hoặc thậm chí là một cuộc đột kích tương tự như cuộc tấn công do Hamas thực hiện chống lại Israel vào ngày 7/10, vốn là kịch bản làm nhiều người Hàn Quốc lo ngại. Nhưng rất có thể Kim sẽ thực hiện một hành động khiêu khích hoặc gài bẫy để nhử Hàn Quốc vào một cuộc đụng độ có thể dẫn đến một cuộc xung đột hạn chế giữa hai nước. Ông có thể muốn gia tăng căng thẳng để duy trì áp lực lên Hàn Quốc trong năm bầu cử này, tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán nếu Trump đắc cử tổng thống, hoặc tập hợp dân chúng ủng hộ chế độ của ông. Kim đã học được rằng hành vi sai trái gần như sẽ không phải lãnh hậu quả, nhưng lại nhận được nhiều phần thưởng.
Những cuộc đụng độ như vậy đã từng xảy ra định kỳ trong quá khứ, do sự khiêu khích của Triều Tiên. Năm 2010, các lực lượng miền Bắc đã tấn công tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc và giết chết 46 thủy thủ. Chính quyền Obama lo ngại một cuộc chiến lớn hơn sẽ nổ ra nên đã ngăn cản Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tiến hành một cuộc không kích trả đũa. Sau đó, trong cùng năm, đảo Yeonpyeong bị Triều Tiên pháo kích khiến 4 người thiệt mạng. Kim có lẽ đã ra lệnh tấn công pháo binh một phần vì tin vào sự yếu kém của chính phủ Lee, vốn không có hành động quyết liệt nào sau vụ chìm tàu Cheonan. Đáp trả, Lee ra lệnh pháo kích vào lãnh thổ Triều Tiên.
Tình hình vẫn rất căng thẳng. Ngày 6/1, Triều Tiên đã bắn hơn 200 quả đạn pháo vào vùng biển Hàn Quốc gần Đảo Yeonpyeong, khiến Seoul phải sơ tán dân thường gần đó. Nếu một trong những quả đạn pháo của miền Bắc giết chết dân thường hoặc quân nhân trên Đảo Yeonpyeong, thì Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hẳn đã ra lệnh leo thang, tấn công bằng pháo binh, hoặc không kích trả đũa. Yoon, một người chủ trương bảo thủ cứng rắn, đã lên án việc Kim mô tả Hàn Quốc là kẻ thù và thề sẽ trừng phạt Triều Tiên trong trường hợp có bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào. Khả năng cuộc đối đầu hạn chế vượt khỏi tầm kiểm soát càng đáng lo ngại hơn khi Triều Tiên hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu.
TAI NẠN CÓ THỂ XẢY RA
Dù có nhiều lý do để lo ngại, nhưng Kim vẫn là một người lý trí, nhận ra rằng không quốc gia nào có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến hạt nhân, đặc biệt là trước Mỹ. Ngay cả khi Trump quay trở lại Nhà Trắng, Bình Nhưỡng sẽ gặp rủi ro sống còn nếu phát động một cuộc tấn công lớn vào Hàn Quốc. Năm 2017, Trump tuyên bố sẵn sàng tung ra “lửa thịnh nộ” nếu Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân, dù sau đó ông chuyển sang ca ngợi Kim. Đó là lý do tại sao không có dấu hiệu nào cho thấy Kim đang chuẩn bị cho chiến tranh. Bởi nếu muốn tham chiến, ông sẽ cần phải xây dựng cơ sở quân sự gần biên giới với Hàn Quốc, và tạo ra kho dự trữ vũ khí và đạn dược khổng lồ, nhưng cả hai điều này đều chưa được thực hiện. Không có sự gia tăng lực lượng đóng quân ở biên giới và các nguồn vật tư quân sự vẫn tiếp tục được chuyển đến quân đội Nga ở Ukraine. Kim có lẽ không muốn xảy ra chiến tranh, nhưng có thể ông sẽ tính toán sai và vô tình gây chiến. Xét đến tình trạng quan hệ tồi tệ giữa Bình Nhưỡng với Washington và Seoul kể từ thất bại của thượng đỉnh Hà Nội năm 2019, có rất ít biện pháp bảo vệ được áp dụng để ngăn chặn các tình huống phức tạp vượt khỏi tầm kiểm soát.
Chính quyền Biden đã nhiều lần cố gắng nhưng thất bại trong việc lôi kéo Triều Tiên tham gia vào các cuộc đối thoại mới. Mỹ đã thực hiện hơn 20 nỗ lực để bắt đầu lại các cuộc đàm phán nhưng không thành công. Tuy nhiên, Washington phải tiếp tục cố gắng. Điều quan trọng là phải thiết lập các kênh liên lạc với Bình Nhưỡng để giảm nguy cơ xung đột ngẫu nhiên. Nhưng Kim có rất ít động lực để bắt đầu đàm phán với Biden, mà muốn chờ đợi sự trở lại của Trump. Trong khi đó, Mỹ nên tiếp tục tăng cường khả năng quân sự và liên minh để ngăn chặn Triều Tiên.
Thành công của Biden trong việc thúc đẩy sự hợp tác lớn hơn giữa Mỹ, Hàn Quốc, và Nhật Bản sẽ rất quan trọng đối với nỗ lực này. Washington phải củng cố và mở rộng liên minh ba bên đang phát triển này, mở rộng nó sang cả việc chia sẻ thông tin tình báo và phòng thủ tên lửa. Chính quyền Biden nên kêu gọi tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự ba bên và song phương hơn để ngăn chặn Triều Tiên và chuẩn bị cho mọi tình huống bất ngờ. Washington cũng nên tiếp tục gửi tàu ngầm và máy bay ném bom có khả năng hạt nhân, cũng như các tài sản quân sự khác của Mỹ tới khu vực, để cho Bình Nhưỡng thấy rằng Mỹ sẵn sàng và có khả năng bảo vệ Hàn Quốc.
Chiến tranh không phải là không thể tránh khỏi. Washington và các đồng minh vẫn có thể ngăn chặn xung đột bằng cách răn đe Bình Nhưỡng. Tất nhiên, nhiệm vụ này đang trở nên khó khăn hơn vì Triều Tiên đã tăng cường năng lực vũ khí huỷ diệt hàng loạt và sự gần gũi ngày càng tăng của nước này với Moscow. Nhưng bây giờ không phải là lúc để hoảng sợ. Thay vào đó, đã đến lúc gửi cho Triều Tiên một tín hiệu về sự kiên quyết và sức mạnh. Sức mạnh của Mỹ đã gìn giữ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên hơn 70 năm qua. Không có lý do gì mà nó không thể tiếp tục làm như vậy.
Sue Mi Terry là nhà sáng lập Peninsula Strategies Inc. và là nhà sản xuất bộ phim tài liệu từng đoạt giải thưởng về những người đào thoát Triều Tiên, “Beyond Utopia.”