Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Binyamin Netanyahu cam kết sẽ có “hành lang an toàn” cho dân thường trước cuộc tấn công của quân Israel vào Rafah ở miền nam dải Gaza. Thủ tướng Israel mô tả thành phố này là “pháo đài cuối cùng” của Hamas và tuyên bố “chiến thắng nằm trong tầm tay.” Hôm thứ Bảy, quân đội Israel cho biết họ đã tìm thấy một đường hầm Hamas dưới trụ sở của một cơ quan Liên Hợp Quốc ở Gaza. UNRWA, cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine, cho biết họ đã không dùng khu nhà này kể từ tháng 10 và không biết về hoạt động ở đó. Một số nhân viên của UNRWA bị cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7 tháng 10.
Các ứng viên được hậu thuẫn bởi cựu thủ tướng Imran Khan đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Pakistan, theo kết quả kiểm phiếu cuối cùng được công bố hôm Chủ nhật. Thùng phiếu đóng cửa vào tối thứ Năm; và việc trì hoãn công bố kết quả làm dấy lên tin đồn gian lận và gây ra biểu tình. Một cựu thủ tướng khác, Nawaz Sharif, tuyên bố chiến thắng mặc dù đảng của ông đứng thứ hai (vì các đồng minh của ông Khan tranh cử với tư cách độc lập). Ông đã bắt đầu tiến trình xây dựng một liên minh.
Donald Trump cho biết ông từng nói với một quốc gia thành viên NATO rằng Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên NATO trước một cuộc tấn công của Nga nếu họ không trả tiền. Cựu tổng thống nói thêm là ông thậm chí sẽ “khuyến khích” Nga làm “bất cứ điều gì họ muốn” đối với các thành viên “thiếu tiền.” Người phát ngôn của Nhà Trắng gọi bình luận của ông là “kinh khủng và vô lối.”
Kết quả ban đầu từ cuộc bầu cử tổng thống Phần Lan cho thấy Alexander Stubb, cựu thủ tướng thuộc Đảng Liên minh Quốc gia trung hữu, đang dẫn đầu. Người Phần Lan đã đi bỏ phiếu vòng hai vào Chủ nhật, trong đó ông Stubb đọ sức với Pekka Haavisto của Đảng Xanh cấp tiến. Với 63% số phiếu bầu được kiểm, ông Stubb có 53% so với 47% của ông Haavisto.
Bộ trưởng nội vụ Pháp thông báo con cái của những người nhập cư sinh ra ở Mayotte – một lãnh thổ hải ngoại của Pháp gần Madagascar – sẽ không còn được nhận quốc tịch Pháp nữa. Thay vào đó, để đủ điều kiện, một đứa trẻ sẽ cần ít nhất một phụ huynh người Pháp. Với mục tiêu giảm lượng người nhập cư vào Mayotte, động thái này đòi hỏi Pháp phải điều chỉnh hiến pháp. Đợt gia tăng người nhập cư gần đây đã gây ra nhiều cuộc biểu tình trên lãnh thổ.
Ba người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Sénégal phản đối việc trì hoãn tổng tuyển cử. Tuần trước, chính phủ thông báo hoãn cuộc bỏ phiếu, vốn được dự kiến cho ngày 25 tháng 2, đến tháng 12. Tổng thống đổ lỗi cho các tranh chấp bầu cử, trong khi phe đối lập gọi quyết định này là một “cuộc đảo chính thể chế.” Cảnh sát và người biểu tình đã đụng độ ở một số thành phố vào thứ Sáu và thứ Bảy.
Trong một cuộc khảo sát về quan điểm của người Mỹ, 42% số người được hỏi cho rằng nền kinh tế sẽ phát triển tốt hơn nếu Donald Trump làm tổng thống, so với Joe Biden. Cuộc thăm dò do Financial Times và Trường Kinh doanh Ross của Đại học Michigan thực hiện cho thấy các cử tri không đánh giá cao ông Biden bất chấp các thành tích mạnh mẽ gần đây của nền kinh tế. Chỉ 31% số người được hỏi cho rằng chính sách của ông Biden là tốt hơn.
Con số trong ngày: 60%, là tỷ lệ dân Mỹ xem Super Bowl vào năm ngoái.
TIÊU ĐIỂM
Israel quyết tâm truy đuổi Hamas đến Rafah
Khi Israel tiếp tục đe dọa tiến hành một cuộc tấn công lớn ở Rafah, thành phố cực nam của Gaza, cảnh báo đang được đưa ra từ mọi phía. Ai Cập cho biết giao tranh ở sát biên giới nước này có thể gây nguy hiểm cho hiệp ước hòa bình 45 năm với Israel. Hamas nói họ sẽ “làm nổ tung” các cuộc đàm phán về thỏa thuận thả con tin Israel ở Gaza. Mỹ lo ngại một cuộc tấn công dữ dội sẽ làm tăng số người chết vốn đã khủng khiếp ở Gaza, và làm tắc nghẽn nguồn viện trợ nhân đạo.
Nhưng Israel vẫn quyết tâm làm theo ý họ. “Chúng tôi sẽ làm điều đó,” thủ tướng Binyamin Netanyahu cho biết hôm Chủ nhật. Phe cánh hữu của ông ủng hộ cuộc tấn công, dù hầu hết người Israel cho rằng chính phủ nên đạt một thỏa thuận về con tin thay vì tiếp tục chiến đấu. Tâm lý hoảng loạn đang lan rộng trong 1,4 triệu cư dân của Rafah. Các quan chức Israel nói sẽ có hành lang an toàn cho dân thường – dù không nói rõ là hành lang dẫn đi đâu. Một số đã chạy về phía bắc đến Khan Younis, nơi giao tranh vẫn còn khốc liệt.
Ấn Độ tăng đầu tư cho nông thôn
Trong tháng này bộ trưởng tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã nói nền kinh tế đang mang lại hy vọng. Dữ liệu lạm phát và sản xuất được công bố vào thứ Hai có thể xác nhận sự lạc quan đó của ông. Lạm phát năm được cho là đã giảm xuống dưới 5% trong tháng 1, từ mức 5,7% của tháng 12. Sản lượng sản xuất của tháng 1 đạt mức cao nhất trong 4 tháng, theo dữ liệu do S&P Global tổng hợp. Ấn Độ dự kiến vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm nay.
Nhưng vẫn có những khó khăn. Tỷ lệ tạo việc làm chính thức tiếp tục thấp đáng lo ngại trong khi nền kinh tế nông thôn vẫn còn yếu. Thu nhập của người lao động nông nghiệp không tăng; và thời tiết khắc nghiệt đã làm giảm năng suất cây trồng cũng như thu nhập của chủ đất. Narendra Modi, thủ tướng được ủng hộ sâu rộng của Ấn Độ, và Đảng Bharatiya Janata của ông gần như chắc chắn sẽ tái đắc cử vào tháng 5. Dù vậy, có đến 3/5 dân số Ấn Độ sống ở nông thôn, và BJP sẽ không mạo hiểm. Ngân sách của bà Sitharaman cho năm 2024-25 đã tăng đáng kể nguồn tài trợ cho bộ phát triển nông thôn.
Gruzia có thủ tướng mới
Vào sáng thứ Hai, Irakli Kobakhidze sẽ bắt đầu tuần đầy đủ đầu tiên trên cương vị thủ tướng Gruzia. Giấc mơ Gruzia, đảng chính trị cầm quyền, đã chọn ông vào vị trí lãnh đạo sau khi thủ tướng trước đó (Irakli Garibashvili) từ chức vào cuối tháng 1.
Những người Gruzia theo xu hướng tự do sẽ rất thất vọng. Là cựu chủ tịch của Giấc mơ Gruzia, ông Kobakhidze là hiện thân của nền chính trị thất thường, đầy âm mưu mà đảng này đã xây dựng kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012. Họ ủng hộ tư cách thành viên EU, vốn được cử tri ủng hộ áp đảo, nhưng kết hợp quan điểm đó với những lời tố cáo gay gắt nhắm vào các tổ chức phi chính phủ phương Tây và “chủ nghĩa phát xít tự do.” Năm ngoái, ông Kobakhidze đã dẫn đầu một đạo luật đàn áp nhắm vào “các đặc vụ nước ngoài,” vốn đã bị bãi bỏ sau các cuộc biểu tình sâu rộng. Gần đây, ông lên án Ukraine và cáo buộc một “đảng chiến tranh toàn cầu” đang cố gắng lôi kéo Gruzia vào chiến tranh với Nga. Việc Giấc mơ Gruzia tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu quốc hội vào tháng 10 có thể ảnh hưởng đến cơ hội gia nhập EU của Gruzia. Khối này đã chỉ trích mạnh mẽ các chính sách chống lại xã hội dân sự của chính phủ Giấc mơ Gruzia.
Myanmar kỷ niệm Ngày Đoàn kết trong bối cảnh nội chiến
Thứ hai là Ngày Đoàn kết ở Myanmar. Ngày lễ này kỷ niệm một thỏa thuận hòa bình giữa các nhóm sắc tộc của đất nước vào tháng 2 năm 1947, vốn tạo tiền đề cho tuyên ngôn độc lập khỏi Anh vài tháng sau đó. Nhưng năm nay Myanmar sẽ không có nhiều điều để ăn mừng. Ba năm trước, một cuộc đảo chính quân sự đã đẩy quốc gia Đông Nam Á này vào nội chiến. Kể từ đó hơn 4.000 thường dân đã thiệt mạng. Cựu lãnh đạo trên thực tế, Aung San Suu Kyi, bị bỏ tù cùng với hơn 20.000 người phản đối chế độ quân sự.
Tình thần phản kháng chính quyền quân sự đã ít nhiều mang lại sự thống nhất theo một nghĩa khác. Sau nhiều năm tranh chấp, vào tháng 10, ba nhóm dân quân dân tộc thiểu số đã thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhân dân và khiến quân đội choáng váng với hàng loạt chiến thắng ở phía bắc và đông bắc Myanmar. Sự ủng hộ dành cho lãnh đạo của chính quyền quân sự, Min Aung Hlaing, đang giảm trong những người ủng hộ quân đội. Đầu tư nước ngoài cũng cạn kiệt, làm suy yếu nền kinh tế. Hầu hết người dân Myanmar đều hy vọng đây sẽ là Ngày Thống nhất cuối cùng mà các tướng lĩnh còn nắm quyền.