Thế giới hôm nay: 03/02/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đến Kyiv để gặp tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về khả năng đưa nước ông gia nhập EU. Trước đó Nga đã đẩy mạnh tấn công miền đông Ukraine. Ông Zelensky cho biết tình hình ở phía đông “khó khăn hơn” khi quân Nga tiến gần thành phố Bakhmut. Song quân đội Ukraine ở đây tự tin có thể cầm chân kẻ địch.

Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng 0,5 điểm phần trăm để đưa lãi suất đạt 2,5%, đồng thời báo hiệu mức tăng tương tự vào tháng 3. Lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đã chậm lại do chi phí năng lượng giảm, dù vẫn ở mức cao 8,5%. Ngân hàng Trung ương Anh cũng tăng lãi suất với mức tương tự, từ 3,5% lên 4%, nhưng cho biết có thể giảm đà tăng.

Cổ phiếu Meta tăng hơn 20% hôm thứ Năm sau khi đế chế truyền thông xã hội của Mark Zuckerberg gây ấn tượng với các nhà đầu tư với dự báo doanh thu lạc quan và kế hoạch kiểm soát chi phí. Một ngày trước đó, Meta đã báo cáo doanh số bán hàng quý cuối năm 2022 giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm thấp hơn so với dự đoán của nhiều nhà phân tích.

Shell công bố mức lợi nhuận kỷ lục 40 tỷ đô la trong năm 2022, cao hơn gấp đôi so với năm 2021. Gã khổng lồ dầu mỏ Anh thu được lợi nhuận đáng kể từ giá năng lượng tăng cao do chiến tranh Ukraine, trong đó mảng khí đốt tự nhiên hoạt động đặc biệt tốt. 2022 là một năm bội thu của nhiều công ty nhiên liệu hóa thạch. ExxonMobil, một đối thủ cạnh tranh đến từ Mỹ, cũng báo cáo lợi nhuận kỷ lục.

Mỹ ký một thỏa thuận với Philippines, cho phép nước này tiếp cận bốn căn cứ quân sự để theo dõi các hành vi gây hấn của Trung Quốc trong khu vực. Philippines giáp Biển Đông (mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền) và nằm gần Đài Loan. Các nước láng giềng đang đẩy mạnh hành động trước chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh.

Cổ phiếu Deutsche Bank giảm khoảng 5% sau khi ngân hàng này không đạt kỳ vọng của giới phân tích về lợi nhuận quý 4. Bất chấp giai đoạn cuối năm đi xuống, ngân hàng lớn nhất của Đức vẫn có một năm bội thu — lợi nhuận ròng của ngân hàng này tăng gấp đôi lên 5,7 tỷ euro (6 tỷ USD), cao nhất 15 năm qua. Ngân hàng được hưởng lợi từ lãi suất tăng và thị trường sôi động, đặc biệt là trong mảng giao dịch tài sản thu nhập cố định.

Ngân hàng trung ương Úc thông báo Vua Charles III sẽ không xuất hiện trên tờ 5 đô la mới của nước này. Quốc vương Anh — đồng thời là nguyên thủ quốc gia của Úc — theo truyền thống sẽ được vẽ hình trên đồng 5 đô Úc. Thay vào đó, một hình ảnh tôn vinh văn hóa thổ dân sẽ thay vào chỗ của nhà vua. Việc Nữ hoàng Elizabeth II qua đời hồi tháng 9 năm 2022 đã khơi lại ý tưởng đưa Úc trở thành nước cộng hòa.

Con số trong ngày: 45,3%, là tỷ lệ phần trăm dân số thế giới sống ở một nền dân chủ.

TIÊU ĐIỂM

EU và Ukraine họp về đơn gia nhập khối

Mong muốn gia nhập EU của Ukraine xuất phát từ cuộc xung đột của nước này với Nga – dù Nga xâm lược vào năm ngoái để ngăn Ukraine ngả sang phương Tây. Vào thứ Sáu tại Kyiv, các lãnh đạo EU sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với tổng thống Volodymyr Zelensky. Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu và Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, sẽ công bố gói hỗ trợ tài chính lớn của EU cho Ukraine và xác nhận rằng hồ sơ của nước này đang có tiến triển tốt. Nhưng họ sẽ không tỏ ra quá lạc quan về tốc độ đưa Ukraine vào khối.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết trong tuần này rằng nước ông có thể trở thành thành viên sau hai năm nữa, dù các quan chức EU nói điều đó là phi thực tế. Đưa vào EU một quốc gia nghèo và rộng lớn là thách thức chính trị đáng kể. Và khối yêu cầu Ukraine phải trước hết tiến hành cải cách, bao gồm chống tham nhũng. Hôm 1 tháng 2, các cơ quan an ninh Ukraine đã khám xét nhà riêng của một nhà tài phiệt nổi tiếng — và nhận được lời tán dương từ bà von der Leyen vì xem xét vấn đề hối lộ một cách nghiêm túc.

ASEAN họp hội nghị ngoại trưởng

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sẽ tập trung về Jakarta vào thứ Sáu cho cuộc gặp hàng quý của họ. Giới quan sát trong khu vực sẽ muốn xem khối có thể được điều tiết như thế nào bởi Indonesia, quốc gia gần đây đã đảm nhận chức chủ tịch.

Một đại diện từ Timor-Leste sẽ tham dự, với đơn xin gia nhập của họ đã được nộp từ 2011. Nhưng chính quyền quân sự của Myanmar, vốn lên nắm quyền từ cuộc đảo chính bạo lực hai năm trước, bị cấm tham dự. (Thay vào đó, một đại diện “phi chính trị” từ Myanmar đã được mời.)

ASEAN hoạt động dựa trên đồng thuận. Nhưng sự đa dạng về mô hình chính trị, từ các quốc gia độc đảng Cộng sản, chẳng hạn như Việt Nam, đến các nền dân chủ sôi động, bao gồm Philippines, khiến các thành viên khó có tiếng nói chung. Khối đã cho thấy sự can đảm nhất định trong việc đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng kế hoạch hòa bình năm điểm yếu ớt của họ cho Myanmar dường như đã chết yểu khi bị các tướng lĩnh phớt lờ. Indonesia có tham vọng vực lại tiến độ này.

Thế giới công nghệ đẩy mạnh đầu tư vào AI

Cho đến thứ Sáu, cả Alphabet, Amazon, Apple, Meta và Microsoft đều đã báo cáo thu nhập quý gần đây nhất. Ngoài Meta — với giá cổ phiếu tăng vọt nhờ công bố kết quả tốt hơn mong đợi — tình hình nhìn chung rất ảm đạm. Tăng trưởng doanh số tại các thị trường trọng điểm, chẳng hạn như điện toán đám mây, đang chậm lại do khách hàng cắt giảm chi tiêu. Trong tình hình đó, những gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang ngày càng đặt cược vào trí tuệ nhân tạo.

Hôm thứ Tư, Mark Zuckerberg, ông chủ của Meta, đã nói về việc tăng đầu tư cho AI trong thuật toán đề xuất và mạng quảng cáo của công ty. Về phần mình, Microsoft đã đầu tư tới 10 tỷ đô la vào OpenAI, công ty khởi nghiệp đằng sau ChatGPT, một công cụ nổi tiếng có thể cung cấp câu trả lời gần giống con người nếu được hỏi, theo Wall Street Journal. Gã khổng lồ phần mềm được cho là đang tìm cách tích hợp công nghệ của OpenAI vào công cụ tìm kiếm Bing.

Trong khi đó, Alphabet, công ty mẹ của Google, gần đây đã giới thiệu một mô hình tạo nhạc từ văn bản. Họ sẽ đáp lời Microsoft bằng chatbot hỗ trợ AI của riêng mình. Và AI không chỉ thịnh hành ở Thung lũng Silicon. Baidu, gã khổng lồ tìm kiếm của Trung Quốc, được cho là sẽ ra mắt chatbot vào tháng 3.

Joe Biden định hình lại nền kinh tế Mỹ

Tổng thống Joe Biden có kế hoạch thay đổi nền kinh tế Mỹ. Và vô cùng táo bạo, ông đã quyết định rằng cách tổt nhất để đối phó với ba vấn đề quá khó giải quyết riêng lẻ là xử lý tất cả chúng cùng một lúc.

Trong hai năm qua, Quốc hội đã thông qua ba dự luật chi tiêu — về cơ sở hạ tầng, chip bán dẫn và năng lượng xanh — trị giá tới 2 nghìn tỷ đô la. Ý tưởng là, bằng hành động của chính phủ, nước Mỹ sẽ có thể tự tái công nghiệp hóa, củng cố an ninh quốc gia và đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải carbon.

Những mục tiêu đó đôi khi sẽ xung đột. Chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến các đồng minh an ninh tức giận nếu họ đánh mất các ngành công nghiệp quan trọng trong nước vào tay trợ cấp của Mỹ. Ngoài ra các khoản trợ cấp có thể tạo ra sự thiếu hiệu quả: nếu các sản phẩm xanh như tua-bin gió lên giá, thì quá trình chuyển đổi xanh cũng sẽ đắt đỏ hơn. Thay vào đó, tiền nên dành cho các công nghệ chưa khả thi về mặt thương mại, chẳng hạn như các loại lò phản ứng hạt nhân mới. Nhưng dù sao thì chương trình hành động 2 nghìn tỷ đô la của Mỹ vẫn có thể giúp cứu lấy hành tinh.