Mỹ là đối tác tập trận chung ưa thích của các nước Đông Nam Á?

Nguồn: Rahman Yaacob & Jack Sato, “Southeast Asia’s preferred military exercise partner”, The Interpreter, 29/02/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Đâu là lý do Mỹ đứng đầu danh sách về cả số lượng lẫn chất lượng các cuộc tập trận quân sự.

Hiện tại, Mỹ vẫn là lựa chọn hàng đầu của Đông Nam Á trong việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung. Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba.

Dựa trên dữ liệu được Viện Lowy tổng hợp từ năm 2021 đến năm 2023, Mỹ đã tham gia vào khoảng 33% trong số 525 cuộc tập trận quân sự chung được ghi nhận do các quốc gia Đông Nam Á thực hiện, ở  cấp độ song phương hoặc đa phương. Nếu tính cả Úc và Nhật Bản, Washington và các đồng minh đã tham gia hơn 60% các cuộc tập trận có sự tham gia của các quốc gia Đông Nam Á.

Mặc dù Mỹ vẫn vượt trội so với Trung Quốc, tình hình phân bổ đối tác tập trận quân sự trên khắp khu vực Đông Nam Á lại không đồng nhất. Phân tích sâu hơn cho thấy sự khác biệt giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á biển đảo. Đối với các quốc gia thuộc Đông Nam Á lục địa (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), Trung Quốc là đối tác tập trận quân sự quan trọng hơn. Ngoại lệ duy nhất là Thái Lan, do Bangkok là đồng minh hiệp ước của Mỹ từ năm 1952 và là đồng minh ngoài NATO quan trọng từ năm 2003.

Các quốc gia Đông Nam Á biển đảo (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Timor-Leste) có nhiều cuộc tập trận chung với Mỹ hơn. Brunei, Malaysia và Philippines đều có tranh chấp hàng hải với Trung Quốc liên quan đến các tuyên bố lãnh thổ chồng lấn ở Biển Đông. Mặc dù Indonesia không tham gia vào các tranh chấp này, nhưng nước này có những tuyên bố chồng lấn với Trung Quốc xung quanh Biển Natuna. Singapore đã có quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Mỹ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Mặc dù các con số nhấn mạnh vị trí nổi bật của Washington như một đối tác an ninh cho Đông Nam Á, nhưng một phân tích định tính về bản chất của các cuộc tập trận lý giải vì sao các quốc gia Đông Nam Á thường ưu tiên các cuộc tập trận chung với Mỹ và đồng minh hơn là với Trung Quốc. Để hiểu hiện tượng này, chúng ta cần hiểu lý do tại sao các quốc gia tham gia các cuộc tập trận quân sự chung.

Lý do đầu tiên là để tăng cường khả năng phối hợp tác chiến trước một mối quan ngại an ninh chung. Điều này đặc biệt quan trọng nếu các quốc gia tham gia được ràng buộc bởi hiệp ước an ninh, buộc họ phải hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. Các cuộc tập trận Balikatan giữa Mỹ và Philippines là một ví dụ, với Manila và Washington bị ràng buộc bởi Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ yêu cầu cả hai quốc gia hỗ trợ lẫn nhau nếu bên kia bị tấn công.

Mặt khác, các cuộc tập trận quân sự chung cũng có thể được sử dụng để xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, đặc biệt là nếu họ là đối thủ cạnh tranh. Các cuộc tập trận Aman Youyi giữa Trung Quốc và các thành viên ASEAN là một ví dụ. Trung Quốc đang vướng vào tranh chấp hàng hải với Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam trên Biển Đông. Các cuộc tập trận quân sự giữa Trung Quốc và các thành viên ASEAN chủ yếu nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc tương tác giữa các quân nhân của họ.

Tuy nhiên, các cuộc tập trận này, đặc biệt là các cuộc tập trận trên biển, thường không phức tạp. Khả năng phối hợp tác chiến không phải là mục tiêu chính. Một số quan chức hải quân Đông Nam Á cho biết các cuộc tập trận với Trung Quốc được tổ chức do áp lực chính trị từ Bắc Kinh. Kết quả là, chúng chủ yếu bao gồm các hoạt động đơn giản như vượt qua chướng ngại và ra tín hiệu. Một quan chức cho biết một số hoạt động cơ bản đến mức có thể tiến hành với các tàu phi quân sự. Một người khác nói thêm rằng thủy thủ hải quân Trung Quốc đã giữ bí mật trong các cuộc tập trận với các quốc gia Đông Nam Á và “không dám tiết lộ khả năng của họ”. Thay vì phát triển lòng tin, các cuộc tập trận chung với Trung Quốc có thể gieo rắc thêm sự nghi ngờ giữa các quốc gia Đông Nam Á đối với Bắc Kinh.

Ngược lại, các quốc gia Đông Nam Á nhìn chung đánh giá cao các cuộc tập trận với Mỹ và các đồng minh, bao gồm Úc và Nhật Bản, vì chúng giúp nâng cao năng lực quân sự thông qua việc chuyển giao kỹ năng, chiến thuật và khái niệm tác chiến. Các cuộc tập trận này thường phức tạp hơn, bao gồm lên kế hoạch và tác chiến chung. Một sĩ quan hải quân Indonesia cho biết các cuộc tập trận với Hải quân Mỹ cải thiện khả năng phối hợp tác chiến của họ. Đối với Malaysia, các cuộc tập trận được tổ chức theo Thỏa thuận Phòng thủ Năm Quốc gia, bao gồm Úc, Anh và New Zealand, cho phép họ học cách tác chiến trong các tình huống khủng hoảng thực tế.

Mỹ và các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nên tiếp tục hợp tác với Đông Nam Á thông qua các cuộc tập trận chung, vốn được các quốc gia Đông Nam Á đánh giá cao. Đối với nhiều nước, các cuộc tập trận như vậy chứng tỏ sự quan tâm của phương Tây đối với sự ổn định của Đông Nam Á. Chúng cũng đóng góp đáng kể vào năng lực quốc phòng của Đông Nam Á, do đó đóng vai trò răn đe các thế lực bên ngoài có khả năng thù địch.