Một năm miễn nhiệm hai chủ tịch nước và triển vọng chính trị Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chiều hôm qua ra thông báo đã chấp nhận đơn xin từ chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khỏi mọi chức vụ trong Đảng và chính quyền. Sáng nay, Quốc hội sẽ triệu tập phiên họp bất thường để chính thức bỏ phiếu về việc để ông Thưởng từ chức, chỉ một năm sau khi ông được bổ nhiệm. Ông Thưởng được cho là có dính líu đến một vụ bê bối hối lộ liên quan đến nhà tập đoàn Phúc Sơn, hiện đang bị điều tra và truy tố về các tội danh tham nhũng khác nhau. Các nguồn tin không chính thức nhưng đáng tin cậy cho biết trong thời gian ông còn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (2011-2014), một người thân của ông Thưởng ở huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long, đã nhận 60 tỷ đồng từ Phúc Sơn, được cho là để giúp ông Thưởng xây nhà thờ họ.

Việc ông Thưởng từ chức đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn bất định chính trị mới ở Việt Nam. Kể từ Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2021, đã có nhiều vụ cách chức và truy tố ở cấp cao, trong đó có bốn ủy viên Bộ Chính trị (bao gồm ông Thưởng và người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc), một phó thủ tướng, hai bộ trưởng và hơn chục lãnh đạo cấp tỉnh. Việc miễn nhiệm và thay thế nhanh chóng hai chủ tịch nước là đặc biệt đáng chú ý, vì ông Phúc cũng bị cách chức vào đầu năm 2023 sau chưa đầy hai năm tại nhiệm.

Giống như sự ra đi của ông Phúc, việc ông Thưởng bị thay thế sẽ không dẫn đến các thay đổi chính sách. Tuy nhiên, điều này vẫn gây ra quan ngại cho các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Việt Nam vì chính môi trường chính trị tương đối ổn định của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực. Vậy nên thông tin ông Thưởng chuẩn bị từ chức khiến các nhà đầu tư bất an. Hơn nữa, các vấn đề sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự không chắc chắn xung quanh kế hoạch tìm người kế nhiệm ông có thể sẽ làm gia tăng đấu đá chính trị nội bộ trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc tiếp theo vào đầu năm 2026. Điều này sẽ càng làm gia tăng quan ngại của các nhà đầu tư.

Tác động từ sự ra đi của ông Thưởng đối với tương lai chính trị Việt Nam, đặc biệt là trong cuộc đua trở thành người kế nhiệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phụ thuộc vào việc ai sẽ đảm nhận vai trò mà ông Thưởng để lại. Theo quy định hiện nay của Đảng, tân chủ tịch nước sẽ phải hoàn thành đủ một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị, nghĩa là các ứng cử viên tiềm năng hiện nay bao gồm Tổng Bí thư Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, và Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ông Trọng, người từng kiêm chức chủ tịch nước từ năm 2018 đến năm 2021, có thể được bầu lại chức vụ này, nhưng vấn đề sức khỏe của ông có thể là một trở ngại đáng kể. Ông Chính và ông Huệ dường như không quan tâm, vì vị trí hiện tại của họ quyền lực hơn nhiều so với chức chủ tịch nước. Điều này khiến ông Tô Lâm và bà Mai trở thành những lựa chọn khả dĩ nhất.

Ở tuổi 66, ông Tô Lâm có thể rất quan tâm đến vị trí này vì nó có thể cho phép ông tìm kiếm ngoại lệ đối với quy định giới hạn độ tuổi của Đảng và được đề bạt cho vị trí tổng bí thư như một “trường hợp đặc biệt” vào năm 2026. Tuy nhiên, ông có thể e ngại về việc chuyển sang vị trí mới bởi vị trí bộ trưởng công an hiện tại của ông cực kỳ quyền lực, đặc biệt là trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra hiện nay. Trong khi đó, vai trò chủ tịch nước chủ yếu liên quan đến các nhiệm vụ mang tính lễ nghi. Bà Mai cũng là một ứng cử viên khả dĩ cho chức chủ tịch nước, đặc biệt là trong mắt những người đang muốn cạnh tranh chức tổng bí thư. Điều này là do cơ sở quyền lực của bà Mai tương đối mỏng, khiến bà khó có thể tận dụng bệ phóng chủ tịch nước để cạnh tranh chức tổng bí thư vào năm 2026.

Một lựa chọn khác là Đảng sẽ bỏ qua các quy tắc và đề cử một chính trị gia khác, người chưa hoàn thành một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị, nhưng có khả năng mang lại sự ổn định cho hệ thống. Trong kịch bản này, các ứng cử viên tiềm năng có thể gồm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, hay Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang. Tuy nhiên, các ứng cử viên tiềm năng hiện tại để thay thế ông Trọng và phe phái của họ có thể không ủng hộ quyết định này vì họ không muốn chứng kiến sự xuất hiện một ứng viên mới có khả năng cản trở cuộc đua giành chức tổng bí thư vào năm 2026 của họ.

Do quá trình lựa chọn ứng viên phức tạp và thời gian hạn chế nên rất có thể Đảng vẫn chưa đi đến quyết định thống nhất về việc ai sẽ thay thế ông Thưởng. Nếu vậy, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhiều khả năng sẽ được Quốc hội giao giữ vai trò quyền chủ tịch nước cho đến khi Đảng có quyết định cuối cùng.

Trong bối cảnh đó, tình trạng bất định chính trị ở Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục. Một số nhà đầu tư có thể quyết định đợi cho đến khi mọi chuyện ổn định trở lại trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư lớn nào. Quan hệ đối ngoại của Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng, với khả năng một số các các cuộc trao đổi song phương cấp cao có thể bị trì hoãn hay hủy bỏ. Chẳng hạn, do ông Thưởng đang chờ bị miễn nhiệm, chuyến thăm Việt Nam của Quốc vương Hà Lan Willem-Alexander và Hoàng hậu Máxima, dự kiến diễn ra từ ngày 19 đến 22 tháng 3, đã bị hoãn lại theo yêu cầu của phía Việt Nam.

Ngay cả sau khi tân chủ tịch nước được bổ nhiệm, đấu đá chính trị nội bộ có thể sẽ tiếp tục kéo dài cho đến năm 2026, trừ khi một kế hoạch kế nhiệm rõ ràng cho vị trí tổng bí thư được công bố. Trong thời gian đó, các nhà đầu tư và đối tác của Việt Nam sẽ phải chấp nhận thích nghi với thực tế chính trị mới của đất nước.

Đảng và ban lãnh đạo cao nhất cần tìm cách giảm thiểu những bất định này bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực và bầu ra một chủ tịch nước mới có thể đảm nhiệm nhiệm kỳ của mình một cách an toàn cho đến năm 2026. Đây nên là trọng tâm chính của ban lãnh đảo Đảng lúc này. Đồng thời, cần ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư thông qua đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả ra quyết định và giảm bớt các rào cản pháp luật và quản lý nhà nước đối với các nhà đầu tư để bù đắp cho các bất định chính trị, đồng thời khôi phục niềm tin của họ vào triển vọng chính trị và kinh tế của đất nước.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg ngày 20/03/2024.

Chủ tịch nước nhận ‘thẻ đỏ’: Sự cố chính trị lớn nhất của VN trong nhiều năm qua